Sinh học

Lý thuyết Sinh học 9 Bài 15 (mới 2023 + Bài Tập): ADN

Lý thuyết Sinh học 9 Bài 15: ADN

I. CẤU TẠO HÓA HỌC CỦA PHÂN TỬ ADN

– ADN (axit đêôxiribônuclêic) là một loại axit nuclêic được cấu tạo từ các nguyên tố C, H,O, N và P.

– ADN thuộc loại đại phân tử, có kích thước lớn, có thể dài tới hàng trăm µm và khối lượng lớn đạt đến hàng triệu, hàng chục triệu đơn vị cacbon (đvC).

– ADN được cấu tạo theo nguyên tắc đa phân mà đơn phân là nuclêôtit. Đơn phân của ADN có 4 loại nuclêôtit: ađênin (A), timin (T), xitôzin (X), guanin (G). Mỗi phân tử ADN gồm hàng vạn, hàng triệu đơn phân.

Lý thuyết Sinh học 9 Bài 15: ADN (ảnh 1)

Cấu tạo của nuclêôtit cấu tạo nên ADN

– Các nuclêôtit liên kết với nhau theo chiều dọc tạo thành chuỗi pôlinuclêôtit.

Lý thuyết Sinh học 9 Bài 15: ADN (ảnh 1)

→ Sự khác nhau trong thành phần, số lượng và trình tự sắp xếp của 4 loại nuclêôtit quy định tính đa dạng và đặc thù của ADN. Tính đa dạng và tính đặc thù của ADN là cơ sở cho tính đa dạng và đặc thù của các loài sinh vật.

– ADN trong tế bào chủ yếu tập trung trong nhân và có khối lượng ổn định, đặc trưng cho mỗi loài. Trong giao tử, hàm lượng ADN giảm đi một nửa và sau thụ tinh hàm lượng ADN lại được phục hồi trong hợp tử.

II. CẤU TRÚC KHÔNG GIAN CỦA PHÂN TỬ ADN

Năm 1953, J.Oatxơn và F.Crick đã công bố mô hình cấu trúc không gian của phân tử ADN. Theo mô hình J.Oatxơn và F.Crick đã công bố:

Lý thuyết Sinh học 9 Bài 15: ADN (ảnh 1)

– ADN là 1 chuỗi xoắn kép gồm hai mạch song song, xoắn đều quanh một trục theo chiều từ trái sang phải, ngược chiều kim đồng hồ.

– Các nuclêôtit giữa 2 mạch liên kết với nhau theo nguyên tắc bổ sung (NTBS) bằng liên kết hiđrô tạo thành cặp: A liên kết với T bằng 2 liên kết hiđrô và ngược lại, G liên kết với X bằng 3 liên kết hiđrô và ngược lại. Do đó:

+ Khi biết trình tự sắp xếp các nuclêôtit trong mạch đơn này thì có thể suy ra trình tự sắp xếp các nuclêôtit trong mạch đơn kia.

+ Trong phân tử ADN ta có: A = T, X = G và A + G = T + X. Tỉ lệ (A + T) / (G + X) trong các ADN khác nhau thì khác nhau và đặc trưng cho từng loài.

– ADN xoắn có tính chất chu kì. Mỗi chu kì dài 34A° gồm 10 cặp nuclêôtit, đường kính vòng xoắn là 20A°.

Trắc nghiệm Sinh học 9 Bài 15: ADN

Câu 1: (NB) Tên gọi đầy đủ của phân tử ADN là

A. axit đêôxiribônuclêic.

B. axit ribônuclêic.

C. axit nuclêic.

D. nuclêôtit.

Câu 2: (NB) Axit đêôxiribônuclêic (ADN) được cấu tạo từ những loại nguyên tố nào?

A. C, H, O, S.

B. C, H, O, N, Cl.

C. C, H, O, N, Br.

D. C, H, O, N, P.

Câu 3: (NB) Đơn vị cấu tạo nên ADN là

A. axit ribônuclêic.

B. axit đêôxiribônuclêic.

C. axit amin.

D. nuclêôtit.

Câu 4: (NB) Bốn loại đơn phân cấu tạo ADN có kí hiệu là

A. A, U, G, X.

B. A, T, G, X.

C. A, D, R, T.

D. U, R, D, X.

Câu 5: (TH) Điều nào sau đây đúng khi nói về đặc điểm cấu tạo của ADN?

A. Là một bào quan trong tế bào.

B. Chỉ có ở động vật, không có ở thực vật.

C. Đại phân tử, có kích thước và khối lượng lớn.

D. Cả A, B, C đều đúng.

Câu 6: (NB) Đường kính ADN và chiều dài của mỗi vòng xoắn của ADN lần lượt bằng

A. 20 Å và 34 Å.

B. 34 Å và 10 Å.

C. 3,4 Å và 34 Å.

D. 3,4 Å và 10 Å.

Câu 7: (NB) Watson và F. Crick mô tả chiều xoắn của phân tử ADN là

A. chiều từ trái sang phải.

B. chiều từ phải qua trái.

C. cùng với chiều di chuyển của kim đồng hồ.

D. xoắn theo mọi chiều khác nhau.

Câu 8: (NB) Hai mạch đơn pôlynuclêôtit của phân tử ADN liên kết với nhau bằng liên kết nào?

A. Liên kết cộng hóa trị giữa axit phosphoric của nuclêôtit mạch đơn này với nuclêôtit của mạch đơn kia.

B. Liên kết hiđrô giữa axit phosphoric của nuclêôtit mạch đơn này với đường của nuclêôtit mạch đơn kia.

C. Liên kết hiđrô giữa các base nitric của mạch đơn này với base nitric mạch đơn kia theo nguyên tắc bổ sung (A – G, T – X).

D. Liên kết hiđrô giữa các base nitric của mạch đơn này với base nitric mạch đơn kia theo nguyên tắc bổ sung (A – T, G – X).

Câu 9: (TH) Theo NTBS thì những trường hợp nào sau đây là đúng?

1. A + G = T + X

2. A + T = G + X

3. A = T; G = X

4. A + T + G = A + X + T

5. A + X + T = G + X + T

A. 1, 2, 3.

B. 1, 3, 4.

C. 2, 3, 4.

D. 3, 4, 5.

Câu 10: (TH) Một đoạn mạch gốc của phân tử ADN có trình tự sắp xếp như sau:

– A – T – G – X – T – A – G – T – X –

Hãy chọn đoạn mạch bổ sung với nó.

A. – U – T – G – X – T – U – G – T – X –

B. – T – A – G – X – A – T – G – A – X –

C. – T – A – X – G – A – T – X – A – G –

D. – A – X – T – A – G – X – T -G – T –

Xem thêm các bài tổng hợp lý thuyết Sinh học lớp 9 đầy đủ, chi tiết khác:

Lý thuyết Bài 14: Thực hành: quan sát hình thái nhiễm sắc thể

Lý thuyết Bài 16: ADN và bản chất của gen

Lý thuyết Bài 17: Mối quan hệ giữa gen và ARN

Lý thuyết Bài 18: Cấu trúc prôtêin

Lý thuyết Bài 19: Mối quan hệ giữa gen và tính trạng

Back to top button