Hỏi đáp

Hợp tác quốc tế về biên phòng là gì?

Trải qua quá trình xây dựng và chiến đấu, lực lượng Bộ đội biên phòng ngày một lớn mạnh, trưởng thành, phát huy vai trò lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Với những nhiệm vụ và trọng trách to lớn, Bộ đội Biên phòng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ an ninh trật tự, chủ quyền, biên giới quốc gia, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế đối ngoại. Để quản lý thống nhất các hoạt động Biên phòng một cách hiệu quả, Chính phủ đã xem xét và đưa ra những quy định cụ thể điều chỉnh các nội dung liên quan đến biên phòng và tạo điều kiện để phát triển một cách lớn mạnh.

Trong phạm vi bài viết này, Luật Hoàng Anh sẽ trình bày nội dung về hợp tác quốc tế về biên phòng theo Điều 12 Luật Biên phòng Việt Nam số 66/2020/QH14 ngày 11 tháng 11 năm 2020 (Sau đây được gọi là Luật Biên phòng năm 2020).

Nội dung hợp tác quốc tế

Khoản 1 Điều 2 Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 quy định như sau:

“1. Biên phòng là tổng thể các hoạt động, biện pháp bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc.”

Hợp tác quốc tế là một hình thức tương tác trong quan hệ quốc tế. Về mặt hành vi, đó là sự tương tác hòa bình giữa các chủ thể quan hệ quốc tế, tức là trong đó bạo lực được loại ra. Về mặt mục đích, hợp tác là cách thức phối hợp nhằm thực hiện các mục đích chung, lợi ích chung. Theo đó, việc mở rộng và đưa quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng và lực lượng bảo vệ biên giới của các nước láng giềng và lực lượng chức năng của các nước có liên quan đi vào chiều sâu là mục tiêu quan trọng để bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Nội dung hợp tác quốc tế về biên phòng bao gồm:

– Thiết lập, phát triển quan hệ biên giới; xây dựng, mở rộng quan hệ hữu nghị với chính quyền, nhân dân, lực lượng chức năng của nước có chung đường biên giới và các quốc gia khác; phát triển quan hệ với các tổ chức quốc tế có liên quan;

– Ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về biên phòng; thiết lập, thực thi cơ chế hợp tác biên phòng song phương, đa phương theo quy định của pháp luật;

– Đàm phán, giải quyết các vấn đề, vụ việc về biên giới, cửa khẩu; tuần tra biên giới; kiểm soát xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu tại cửa khẩu, qua lại biên giới theo quy định của pháp luật; phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật;

– Đấu tranh ngăn chặn mọi hành động làm phương hại đến quan hệ biên giới giữa Việt Nam với các nước;

– Phòng, chống, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa, biến đổi khí hậu, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn;

– Đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm về biên phòng, chuyển giao trang bị, khoa học và công nghệ để tăng cường năng lực thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Hình thức hợp tác quốc tế

Để bảo đảm tính khả thi và phát huy vai trò là công cụ pháp lý cho việc thực hiện hợp tác quốc tế về biên phòng, Điều 12, Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 quy định rõ các nội dung và hình thức hợp tác quốc tế về biên phòng. Cụ thể như sau:

Hình thức hợp tác quốc tế về biên phòng bao gồm:

  • Ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế;
  • Hội đàm, giao lưu hợp tác;
  • Trao đổi, chia sẻ thông tin;
  • Các hình thức hợp tác khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Theo đó, hình thức hợp tác quốc tế về biên phòng có thể được hiểu là những hoạt động biểu hiện ra bên ngoài của nội dung hợp tác quốc tế về biên phòng, đó là những biểu hiện có tính chất tổ chức – pháp lý mà chủ thể có trách nhiệm tiến hành nhằm hiện thực hóa nội dung hợp tác quốc tế về biên phòng.

Back to top button