Giáo dục

Phân tích khung cảnh ra trận trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu

1. Bài thơ Việt Bắc:

Việt Bắc là căn cứ chỉ đạo kháng chiến chống Pháp nơi được gọi là cái nôi của cách mạng, nơi ghi lại dấu ấn cách mạng Việt Nam trong các cuộc chiến giành lại độc lập đem đến thắng lợi vẻ vang cho lịch sử dân tộc. Bài thơ phác họa nên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, đồng thời ca ngợi nên vẻ đẹp của con người nơi đây. Những cảnh vật nơi đây trở thành kỉ niệm tuyệt đẹp khó phai trong lòng người chiến sĩ cách mạng. Bài thơ như lời đối đáp giữ “mình – ta”, giữa người ra đi và người ở lại, là nỗi niềm khó tả trong lòng người chiến sĩ khi phải rời nơi núi rừng thân quen đến một nơi căn cứ mới để hoàn thành tiếp các nhiệm vụ được giao.

2. Dàn bài phân tích khung cảnh ra trận trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu ngắn gọn nhất:

2.1. Mở bài:

– Giới thiệu về tác giả Tố Hữu và tác phẩm Việt Bắc

– Giới thiệu về đoạn thơ miêu tả khí thế ra trận.

2.2. Thân bài:

a. Khái quát:

– 12 câu thơ mang khí thế dũng mãnh của dân tộc ta trong kháng chiến chống Pháp, đồng thời là niềm vui thắng lợi

Những đường Việt Bắc của ta

Ðêm đêm rầm rập như là đất rung

Vui từ Ðồng Tháp, An Khê

Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.

b. Khí thế dũng mãnh của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Việt Nam

– 2 câu đầu mở ra một cảnh tượng sôi động của đêm hành quân trong chiến dịch Việt Bắc:

+ “Những đường Việt Bắc”: gợi ra không gian vô cùng rộng lớn.

+ Điệp từ “đêm đêm”: thời gian liên tục tiếp nối, nối tiếp như không có điểm dừng.

+ So sánh “như là đất nung”, từ láy “rầm rập”: thể hiện khí thế hào hùng của đoàn quân khi ra trận làm rung đất chuyển trời.

– 6 câu tiếp thể hiện sự đoàn kết, phối hợp các lực lượng chiến đấu:

*Đoàn quân:

+ Từ láy “điệp điệp trùng trùng”: những đoàn quân tiếp nhau bước đi “trùng điệp” vô tận, gợi sức mạnh và sự đông đảo.

+ Hình ảnh “ánh sao đầu súng”: là hình ảnh hoán dụ, gợi nhiều liên tưởng:

· Ánh sao của thiên nhiên theo bước chân đoàn quân, treo lơ lửng trên đầu súng, soi sáng khắp các ngả đường hành quân – thiên nhiên đã thành người bạn đồng hành cùng chiến sĩ.

· Ánh sao trên mũ, là ánh sáng của lí tưởng cách mạng luôn soi sáng dẫn đường, đến tương lai tươi sáng – niềm tin tưởng lạc quan đầy khí thế.

*Đoàn dân công:

+ Những bó đuốc đỏ rực làm sáng bừng lên hình ảnh những đoàn quân dân công tiếp lương, tải đạn với đủ cả: già, trẻ, gái, trai,… đang hăng hái tiếp viện cho cuộc chiến đấu lớn của dân tộc.

+ Cách nói cường điệu “bước… bay”: vừa diễn tả lực lượng đông đảo, vừa gợi một sức mạnh hùng hậu phục vụ chiến trường.

+ Hình ảnh thơ thật đẹp “muôn tàn lửa bay”, “đỏ đuốc”: không khí ra trận đã xua tan những lạnh lẽo, tăm tối nơi rừng núi.

+ Từ láy “điệp điệp”, “trùng trùng” từ “nát đá” : góp phần tạo nên âm điệu hùng tráng, mạnh mẽ.

*Đoàn ô tô quân sự:

+ Hình ảnh “đèn pha bật sáng”, “ánh sáng rực rỡ xuyên thủng đêm dày tăm tối”: cho thấy được sự hùng hậu, mạnh mẽ của đoàn viện trợ.

+ Hình ảnh ẩn dụ “nghìn đêm” – quá khứ nô lệ; “sương dày” : vừa gợi sự thật về hình ảnh đêm khuya núi rừng, vừa gợi về sự khó khăn vất vả, thiếu thốn trong hiện tại.

+So sánh “Như ngày mai lên”, “niềm tin tưởng, lạc quan : hình ảnh thơ mang ý nghĩa biểu trưng, ước vọng về một tương lai tươi sáng của đất nước.

c. Niềm vui khi tin chiến thắng cũa mọi miền đất nước tiếp nối báo về:

+ Điệp từ “vui” lặp lại liên tiếp như tiếng reo mừng chiến thắng, cảm xúc náo nức, vui sướng, tự hào khi tin vui chiến thắng dồn dập đổ về từ khắp mọi miền đất nước.

+ Liệt kê những địa danh kết hợp từ “trăm miền” mở ra không gian rộng lớn và sự nối tiếp của niềm vui chiến thắng từ miền núi đến đồng bằng, từ bắc tới nam.

2.3. Kết bài:

– Khẳng định lại vấn đề, nêu cảm nhận về bài thơ

3. Bài văn phân tích khung cảnh ra trận trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu hay nhất:

Tố Hữu được coi là lá cờ đầu trong thơ ca Cách mạng Việt Nam, với một sự nghiệp đồ sộ và rất nhiều tác phẩm cổ vũ, ca ngợi cách mạng và kháng chiến tại Việt Nam. Bài thơ Việt Bắc được sáng tác trong hoàn cảnh khi Trung ương Đảng và Chính Phủ quyết định rời chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội sau khi chiến thắng lịch sử tại Điện Biên Phủ và ký hiệp định Giơnevơ. Tố Hữu còn tái hiện sống động khung cảnh ra trận tràn ngập khí thế và niềm vui chiến thắng rực rỡ của quân dân Việt Nam trong những ngày tháng kháng chiến tuyệt vời. Việt Bắc, trong tác phẩm của ông, trở thành biểu tượng cho sự khát khao độc lập, tự do và sự hy sinh của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, chủ quyền và thống nhất đất nước.

Trong xuyên suốt bài thơ, khung cảnh ra trận được tái hiện qua 12 câu thơ trong bài đã tạo nên những ấn tượng sâu sắc với người đọc. Tố Hữu không chỉ miêu tả không chỉ khí thế dũng mãnh của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà còn gợi ra không khí hân hoan khi giành chiến thắng vang dội khắp mọi chiến trường.

“Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan.

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.

Tin vui chiến thắng trăm miền

Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về

Vui từ Đồng Tháp, An Khê

Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.”

Đây là đoạn thơ miêu tả sự hào hùng, mạnh mẽ của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng thời, là hồi ức, dòng bút ký của Tố Hữu đã giúp người đọc được chiêm ngưỡng cả không gian núi rừng Việt Bắc rộng lớn với những đoàn quân cách mạng. Đoạn thơ như một khúc sử thi rộn rã, dồn dập, mạnh mẽ.

Mở đầu khung cảnh ra trận của quân dân ta là khí thế hùng hậu của hàng ngàn người lính, dồn dập những bước chân đi, tiếng xe của đoàn quân ra trận:

“Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan.

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.”

Khí thế bừng bừng xông trận của quân dân ta đã được nhà thơ Tố Hữu tóm gọn vào trong tám câu thơ. Những từ láy tượng hình, tượng thanh như “rầm rập”, “điệp điệp trùng trùng” đã miêu tả sự hồ hởi, khí thế quyết liệt cùng tinh thần quyết chiến quyết thắng cũng như sức mạnh như lũ của quân và dân ta. Thêm vào đó, hình ảnh so sánh “đêm đêm rầm rập như là đất rung” như tái hiện lại quy mô lớn mạnh của những trận đánh sắp tới cũng như sự hào hùng, âm vang của cuộc kháng chiến của dân tộc, trong khung cảnh ra trận bừng bừng khí thế, mạnh mẽ, mãnh liệt. Tố Hữu đã miêu tả rất sinh động, rất chân thực hình ảnh của những người lính cụ Hồ khi họ hành quân xung trận, thể hiện khí thế của người lính anh dũng, can trường, không một chút sợ hãi. Đoàn quân của chúng ta đi như nối dài vô tận trải dài khắp núi rừng Việt Bắc với một sức mạnh và tinh thần không gì có thể cản trở. Nét đặc sắc trong đoạn thơ là hình ảnh hoán dụ “ánh sao đầu súng”, ý thơ vừa hiện thực lại vừa có một chút gì đó thơ mộng, “ánh sao” đó có thể là ánh sao của bầu trời, nhưng cũng có thể là ánh sao của lý tưởng cách mạng. Hình ảnh lãng mạn kết hợp với hiện thực, giữa tâm hồn của một người thi sĩ, với tinh thần của người chiến sĩ cách mạng, thể hiện một sức mạnh hiên ngang, một tinh thần bất khuất. Nhưng đây cũng có thể là hình ảnh của những người dân công hỏa tuyến cũng những lực lượng khác đang kề vai nhau để chuẩn bị chiến đấu mà hình ảnh này ta đã từng bắt gặp trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu:

“Súng bên súng, đầu sát bên đầu

[…] Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo”

Những người lính sát bên những người dân công, cùng nhau tạo thành một làn sóng mãnh liệt không gì có thể vượt qua, sức mạnh đó cũng chính là sức mạnh của đại đoàn kết một lòng của dân tộc ta.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm ấy, quân đội ta đã phải hành quân trong đêm, vận chuyển vũ khí đạn dược trong đêm để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu. Bên cạnh những người lính cụ Hồ, còn là những người dân công, những con người hết lòng vì đất nước, hăng hái như một người lính quân dân thực thụ. Nhà thơ đã sử dụng những từ chỉ số lượng như “từng đoàn”, “muôn” để tái hiện lại lực lượng đông đảo của đoàn dân công – những con người vốn chỉ là những người nông dân quen chân lấm tay bùn. Thế nhưng với tình yêu nước và tinh thần đoàn kết mạnh mẽ, họ đã kết thành từng đoàn lớn mạnh với những bó đuốc sẵn sàng toàn tâm toàn sức thực hiện nhiệm vụ chi viện cho cuộc tổng tiến công lớn của toàn dân tộc.

Đảo ngữ “đỏ đuốc” được dùng để nhấn mạnh hình ảnh lửa đỏ bay lập lòe trong đêm tối, biểu trưng cho lòng quyết tâm, nhiệt huyết quyết “dời núi lấp sông” của toàn dân. Đặc biệt hơn, hình ảnh “bước chân nát đá” được nhà thơ Tố Hữu còn dùng biện pháp cường điệu để nói sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết dân tộc thể hiện sức nhiệt huyết và lòng quyết tâm, với một số lượng đông đảo, mỗi bước chân của quân dân ta là một bước chân vững chãi, phá tan cả đá núi, đạp lên mọi chông gai để tiến lên chiến thắng vẹn toàn. Nhà thơ Tố Hữu đã mượn ý tứ trong câu ca dao quen thuộc của cha ông “Trông cho trời cứng đá mềm/ Trời yên bể lặng mới yên tấm lòng” để sáng tạo nên một câu thơ đặc biệt. Chính điều này đã mang tới sự mới lạ mà cũng rất quen thuộc của câu thơ:

“Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay”

Để góp thêm sức mạnh cho đoàn quân ra trận, hành quân giữa đêm khuya không thể thiếu hình ảnh của những chiếc xe tăng, xe cơ giới, xe tải hùng dũng nối nhau ra trận:

“Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.”

“Nghìn đêm thăm thẳm sương dày” phải chăng là hình ảnh thực của đêm khuya núi rừng Việt Bắc hay chính là hình ảnh ẩn dụ cho những ngày tháng lầm than, đen tối của dân tộc ta khi phải chịu ách thống trị của bọn thực dân. Nhưng giờ đây, ánh sáng Cách mạng như “đèn pha bật sáng”, đã chiếu rọi, dẫn dắt dân tộc Việt Nam ta qua khỏi màn đêm tối tăm đó. Hình ảnh so sánh “như ngày mai lên” cũng là hình ảnh so sánh hết sức tinh tế, “như ngày mai lên” cũng là tinh thần lạc quan, là niềm tin chiến thắng, là hi vọng về một ngày mai tươi sáng, độc lập tự do của dân tộc ta. Đó là thành quả xứng đáng cho sự hi sinh, lòng quyết tâm, cho sự đoàn kết đồng lòng của cả dân tộc.

Cuối cùng, sau tất cả những khó khăn, vất vả, Cách mạng ta chiến thắng vang dội khắp mọi miền Tổ quốc:

“Tin vui chiến thắng trăm miền

Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về

Vui từ Đồng Tháp, An Khê

Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.”

Các địa danh của nước ta được liệt kê liên tiếp như để khẳng định những chiến công, niềm vui, sự tự hào của đất nước, con người Việt Nam trước thành quả thắng lợi to lớn của dân tộc. Điệp từ “vui” được lặp lại liên tiếp cùng các giới từ như “lên, về, từ” gợi lên niềm vui sướng, hân hoan với những chiến thắng vang dội, dồn dập, liên tiếp của dân tộc ta.

Mười hai câu thơ miêu tả khung cảnh ra trận trong bài thơ Việt Bắc đã khẳng định khí thế, tinh thần, ý chí của cả dân tộc ta. Tố Hữu đã dùng lời thơ để ghi lại những hình ảnh đẹp đẽ ấy để thế hệ chúng ta có thể cảm nhận và tự hào về thời kỳ chiến đấu hùng dũng của thế hệ cha ông của mình. Với thành công của tác phẩm, nhà thơ Tố Hữu xứng danh là lá cờ đầu của phong trào thơ ca cách mạng Việt Nam. Với thể thơ lục bát truyền thống cùng với nhịp điệu dồn dập, những hình ảnh thơ vừa mang nét hiện thực lại vừa mang nét phóng đại đã khéo léo gợi tả lên khung cảnh ra trận với khí thế vô cùng hào hùng của dân tộc ta, từ đó bộc lộ niềm tự hào, niềm vui mừng, phấn khởi cho những chiến thắng vang dội của dân tộc.

Back to top button