Sinh học

Cho học sinh dùng điện thoại trong lớp: 3 lợi ích và 3 nguy cơ

Con dao dùng để cắt rau thịt chuẩn bị thức ăn nhưng khi dùng có nguy cơ cắt phải ngón tay và cũng có thể dùng để gây thương tích cho người khác nếu người cầm nó không biết kiềm chế cảm xúc. Vì sợ những nguy cơ, cha mẹ không cho trẻ đụng tới dao hay sao? Thực tế, chúng ta biết cha mẹ dạy cho con biết cách dùng dao khi họ cảm thấy con đủ lớn.

Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học cũng có hai mặt của vấn đề: lợi ích và nguy cơ. Câu hỏi chính là làm sao chúng ta có thể tận dụng được những lợi ích của nó mang lại và tối giản những nguy cơ.

Ba lợi ích

Lợi ích của việc học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học bao gồm những gì? Thứ nhất, học sinh có thể tiếp cận thông tin, kiến thức và công cụ cần thiết trên mạng để giải quyết vấn đề ứng dụng kiến thức của môn học trong lớp. Điều này giúp học sinh tập trung vào phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề mà chúng ta biết là một trong năm kỹ năng quan trọng nhất cho người lao động trong thế kỷ 21.

Thứ hai, việc học sinh có khả năng tiếp cận thông tin giúp trường dần có thể chuyển qua triết lý giáo dục 4.0, không quá đặt nặng vấn đề nhớ thuộc lòng kiến thức. Trong thời đại 4.0, việc truy cập, lưu trữ, biểu hiện thông tin là trách nhiệm và chuyên môn của robot. Robot với trí tuệ nhân tạo có thể làm những việc này hiệu quả hơn con người.

Thứ ba, cho phép giáo viên có cơ hội đánh giá độ hiểu biết kiến thức mới ngay trong lớp học và điều chỉnh cách truyền đạt khi cần thiết. Ví dụ ngay sau khi giáo viên dạy kiến thức mới, cho ví dụ rồi có thể cho một bài tập và đánh giá độ hiểu biết của học sinh trong lớp dùng ứng dụng đánh giá. Như thế học sinh sẽ học hiệu quả hơn và giáo viên không phải chờ đến kỳ thi giữa kỳ hay cuối khóa mới biết vấn đề của từng học sinh.

Ba nguy cơ

Về nguy cơ, tôi xin nêu ba nguy cơ lớn và gợi ý cách giảm thiểu nguy cơ để đạt được những lợi ích trên. Một là việc kiểm soát học sinh sử dụng điện thoại ngoài mục đích phục vụ học tập. Chuyện này cũng đã từng tranh cãi ở các trường trung học Mỹ cách đây không lâu. Hướng giải quyết có hai cấp độ. Ở cấp độ toàn trường, mạng di động cho học sinh chỉ cho phép đăng nhập vào một số website giáo dục nhất định và điện thoại của học sinh chỉ được phép cài đặt một số ứng dụng nhất định. Ở cấp độ trong lớp học, giáo viên cho phép học sinh sử dụng điện thoại ở khung thời gian nhất định như lúc làm bài tập hay lúc cần trả lời câu hỏi; ngoài khung thời gian đó, học sinh không được sử dụng.

Hai là việc học sinh sử dụng điện thoại ngoài giờ học, cha mẹ làm sao kiểm soát được? Cá nhân tôi không cho con có điện thoại di động đến khi chúng 16 tuổi. Cách mà các trường học ở Mỹ giải quyết là sử dụng máy tính bảng hay điện thoại không sim, sau khi sử dụng học sinh phải nộp lại cho nhà trường và không được phép đem ra khỏi trường. Điều này đưa đến thử thách mới cho nhà trường đó là việc quản lý những thiết bị này như thế nào? Nhưng tôi cho rằng thử thách này là vấn đề nhỏ.

Ba là việc sử dụng điện thoại có thể giảm hoặc thay thế tương tác giữa người và người. Chúng ta đang chứng kiến thời gian và chất lượng tương tác giữa người và người ngày càng giảm vì con người ngày càng tăng thời lượng sử dụng những phương tiện công nghệ. Trong khi đó, kỹ năng hợp tác và tương tác lại là một trong năm kỹ năng quan trọng nhất cho người lao động trong kỷ nguyên này.

Giải pháp ở trên cho phép chúng ta giới hạn giới trẻ trở nên “ghiền” công nghệ mà ảnh hưởng khả năng phát triển con người toàn diện. Đương nhiên là khi cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học thì các em cần biết những nguyên tắc sử dụng mà trường đưa ra cũng như các kỹ năng sử dụng nó cho mục đích học tập.

Back to top button