Lịch sử

BÁO CÁO BIỆN PHÁP PHÂN LOẠI DẠNG BÀI VÀ LỰA CHỌN CÁC PHƯƠNG PHÁP VỚI TỪNG DẠNG BÀI MÔN LỊCH SỬ LỚP 4

PHÒNG GD&ĐT TP.TAM ĐIỆP TRƯỜNG TH TRẦN PHÚ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Tam Điệp, ngày tháng 10 năm 2022

BÁO CÁO BIỆN PHÁP

PHÂN LOẠI DẠNG BÀI VÀ LỰA CHỌN CÁC PHƯƠNG PHÁP

VỚI TỪNG DẠNG BÀI MÔN LỊCH SỬ LỚP 4

I. Tên biện pháp, lĩnh vực áp dụng

1. Tên biện pháp: Phân loại dạng bài và lựa chọn các phương pháp với từng dạng bài môn Lịch sử lớp 4.

2. Lĩnh vực áp dụng: Môn Lịch sử Tiểu học nói chung, Lịch sử lớp 4 nói riêng.

II. Nội dung biện pháp

1. Thực trạng chất lượng dạy và học môn Lịch sử lớp 4.

Dân tộc Việt Nam có một lịch sử lâu đời với nhiều thành tựu và chiến công huy hoàng, rất đáng tự hào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đã là người Việt Nam thì dù ở đâu cũng phải biết lịch sử nước mình vì đó là đạo lí muôn đời của dân tộc “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Thông qua môn Lịch sử, học sinh tiếp nhận những nét đẹp của đạo đức của đạo lí làm người; Đó là cái gốc của dân tộc, không phải chỉ ở thời xưa mà cả ngày nay và mai sau.

*Ưu điểm

– Thông qua môn học, học sinh nắm được một số nội dung cơ bản của môn học về một số sự kiện, nhân vật lịch sử tiêu biểu từ thời kì dựng nước và giữ nước đến buổi đầu thời Nguyễn để qua đó học sinh nắm được lịch sử oai hùng của dân tộc ta cách đây hàng nghìn năm.

– Biết trình bày một số sự kiện lịch sử có hệ thống theo dòng thời gian lịch sử của Việt Nam từ buổi đầu dựng nước cho đến buổi đầu thời Nguyễn.

– Học sinh có tình yêu thiên nhiên, con người, quê hương, đất nước.

* Hạn chế

– Vốn hiểu biết về lịch sử của học sinh nghèo nàn. Các em ít đươc tiếp xúc với các tài liệu lịch sử, tư duy còn đơn giản nên khó ghi nhớ được những sự kiện lịch sử mang tính khô khan, chính xác. Nhiều học sinh không biết về các nhân vật, sự kiện lịch sử đặt tên cho các đường phố, mà họ đang sống, có những em còn nhầm lẫn vua Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai anh em.

Học sinh chưa thực sự chủ động, phát huy tính tích cực trong giờ học lịch sử (chủ yếu là nghe, ghi, đọc sách giáo khoa); nắm nội dung một cách rời rạc.

– Giáo viên chưa chú trọng khuyến khích học sinh có thói quen đọc sách, tự tìm hiểu, ghi chép lại những sự kiện lịch sử quan trọng.

– Đặc biệt, giáo viên còn lúng túng khi lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp từng dạng bài, nên chưa tạo được hứng thú của học sinh trong học tập.

* Nguyên nhân của hạn chế:

– Một số giáo viên còn xem nhẹ, không coi trọng môn Lịch sử, vì nghĩ rằng đó là môn phụ. Khi giảng dạy, giáo viên vẫn chủ yếu sử dụng các phương pháp truyền thống như thuyết trình, thầy giảng – trò nghe, thầy đọc – trò chép… cốt sao cho học sinh chỉ cần nhớ tên nhân vật và sự kiện lịch sử là đủ.

– Đa số học sinh còn thờ ơ với môn học này nên kết quả học còn thấp so với các môn học khác.

– Nội dung bài học gói gọn trong sách giáo khoa, học sinh gần như ít tiếp cận với các dữ liệu ở các kênh thông tin khác như sách truyện danh nhân hay kho phim tư liệu, phim hoạt hình dựng lại diễn biến các cuộc khởi nghĩa, cuộc đời sự nghiệp của các danh nhân.

– Không gian tiết học bó hẹp trong lớp, học sinh ít được tham quan, trải nghiệm những địa điểm di tích lịch sử.

2. Nội dung biện pháp

a) Biện pháp 1: Truyền cảm hứng học môn Lịch sử tới học sinh.

Việc học môn Lịch sử luôn là một nhiệm vụ không hề dễ dàng vì đó là môn học chứa đựng những thông tin đòi hỏi chính xác; bối cảnh, không gian, thời gian khác xa với các em học sinh. Chính vì vậy, đa số các em học sinh sẽ thiếu chủ động và không hứng thú với môn học. Hiểu được điều đó tôi luôn tìm cách tạo hứng thú cho học sinh để các em thấy việc nắm bắt các thông tin đó là một nhiệm vụ rất thú vị, mong muốn được ghi nhớ chứ không phải là nhiệm vụ các em phải hoàn thành một cách bắt buộc.

Ngay từ bài đầu tiên tôi hệ thống toàn bộ lịch sử dân tộc ta thông qua một Album tranh ảnh liên quan tới các truyện đọc mà các em đã được đọc hoặc được nghe kể từ buổi đầu dựng nước đến thời kì độc lập: các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lí, Trần, Hậu Lê, Hồ, Tây Sơn, Nguyễn từ đó học sinh có hứng thú, gợi trí tò mò ở học sinh, học sinh mong muốn được tìm hiểu về các nhân vật lịch sử, hay các sự kiện lịch sử đó (cuốn Album đính kèm phần phụ lục ).

Tôi giới thiệu để các em biết được, với tình yêu và lòng đam mê học môn Lịch sử mà các anh chị khóa trước của trường mình đã làm ra các mô hình để tham gia cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng tỉnh Ninh Bình” đạt giải cao, có tính ứng dụng cao đối với các em khóa sau, như: mô hình Cuốn sách các cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược của Việt Nam; mô hình Lược đồ các di tích thờ vua ở Ninh Bình. Từ đó góp phần khơi dậy cảm hứng học môn Lịch sử ở học sinh.

Ở các tiết học Lịch sử hay trong các tiết học ngoại khóa, tôi cho các em được xem những thước phim dựng lại diễn biến cuộc khởi nghĩa hay cuộc đời, sự nghiệp của các nhân vật lịch sử. Sau khi xem xong các em sẽ cảm thấy hứng thú, dễ dàng tri giác và ghi nhớ kiến thức. Kho dữ liệu này tôi chủ yếu lấy từ chương trình “Hào khí ngàn năm” của VTV.vn được đăng tải trên Youtube.

b) Biện pháp 2: Phân loại dạng bài và lựa chọn các phương pháp dạy học phù hợp từng dạng bài.

Trong chương trình Lịch sử lớp 4 có 4 dạng bài cơ bản:

Dạng bài

Nội dung

Dạng bài dạy về nhân vật lịch sử

Bài 2: Yêu cầu 2, 3, 4

Bài 3: Yêu cầu 2, 3

Bài 4: Yêu cầu 1, 2

Bài 5: Yêu cầu 1

Bài 6: Yêu cầu 2

Bài 7: Yêu cầu 1

Bài 10: Yêu cầu 1, 5.

Dạng bài dạy về các cuộc khởi nghĩa

Bài 1: Yêu cầu 4

Bài 2: Yêu cầu 3, 4

Bài 3: Yêu cầu 4

Bài 4: Yêu cầu 7

Bài 5: Yêu cầu 5

Bài 7: Yêu cầu 2

Bài 10: Yêu cầu 3.

Dạng bài về bộ máy nhà nước, tình hình kinh tế, văn hoá – xã hội

Bài 1: Yêu cầu 3

Bài 2: Yêu cầu 2

Bài 4: Yêu cầu 3, 4, 5, 6

Bài 5: Yêu cầu 2, 3, 4

Bài 6: Yêu cầu 1

Bài 7: Yêu cầu 3, 4

Bài 8

Bài 9

Bài 10: Yêu cầu 4

Bài 11

Dạng bài tổng kết, ôn tập

Phiếu kiểm tra 1

Phiếu kiểm tra 2

Phiếu kiểm tra 3

Phương pháp dạy học lịch sử là con đường, cách thức hoạt động của thầy và trò trong quá trình thống nhất việc giảng dạy và học tập (hoạt động nhận thức) nhằm truyền thụ và tiếp thu kiến thức lịch sử (về sự kiện, lí thuyết và thực hành). Trong quá trình này, giáo viên là người tổ chức, lãnh đạo, hướng dẫn quá trình học tập và học sinh giữ vai trò chủ thể, trung tâm.

Để phát huy tính tích cực của học sinh trong phân môn Lịch sử lớp 4 thì việc lựa chọn phương pháp dạy học và hướng dẫn học sinh cách học là rất quan trọng. Giáo viên phải lựa chọn phương pháp sao cho phù hợp với từng bài, với từng đối tượng học sinh sao cho học sinh phải tự khám phá ra kiến thức (dưới dự hướng dẫn của giáo viên) vì hoạt động của trò là quá trình tự giác, tích cực, tự vận động, nhận thức và phát triển. Một phương pháp dạy học hay nhất cũng trở nên dở nếu nó cứ được dùng lặp đi lặp lại quá mức cần thiết, nó sẽ không phát huy được năng lực của học sinh (và dĩ nhiên cả năng lực sáng tạo của giáo viên).

Do đó giáo viên cần hướng dẫn học sinh cách học bộ môn lịch sử theo từng loại bài:

* Với dạng bài dạy về nhân vật lịch sử

Với dạng bài này tôi thực hiện dạy học theo phương pháp dự án (lấy học sinh làm trung tâm) cụ thể như sau:

– Giáo viên định hướng cho học sinh bằng cách phát phiếu cho học sinh về nhà tự tìm hiểu theo yêu cầu dựa vào tranh ảnh hoặc tư liệu về cuộc sống và sự nghiệp của nhân vật lịch sử đó trên sách giáo khoa, sách tham khảo, mạng Internet, hỏi người thân để chuẩn bị cho nội dung của bài học. Giáo viên định hướng cho các em có thể chuẩn bị: album tranh ảnh về nhân vật lịch sử; kể chuyện, thuyết trình, đóng vai hoặc vẽ sơ đồ tư duy về nhân vật lịch sử trước khi đến lớp. Trong thời gian học sinh chuẩn bị giáo viên có thể cung cấp cho học sinh (thông qua zalo) những video liên quan đến nhân vật lịch sử (nguồn tư liệu tôi khai thác trên Youtube, chương trình Hào khí ngàn năm của VTV) để học sinh tham khảo. (Nội dung phiếu, hình ảnh đính kèm phần phụ lục)

– Đến lớp, học sinh chia sẻ với các bạn về nội dung mình đã tìm hiểu được. Đại diện nhóm hoặc cả nhóm chia sẻ trước lớp.

Ví dụ: Bài 6: Nhà Hồ (từ năm 1400 – 1407), dựa theo sự kiện Chu Văn An dâng sớ xin chém 7 tên quan lấn át quyền vua, coi thường phép nước, tổ chức đóng vai theo kịch bản trong sách giáo khoa.

Bài 10: Phong trào Tây Sơn và vương triều Tây Sơn (1771 – 1802), đóng vai dựa theo kịch bản Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế.

– Giáo viên tổ chức cho học sinh chốt kiến thức, liên hệ thực tế: Các nhân vật lịch sử đã được nhân dân ghi nhớ công lao bằng việc đặt tên đường, tên trường, …

* Với dạng bài dạy về các cuộc khởi nghĩa.

– Yêu cầu học sinh sưu tầm tranh ảnh tư liệu ở nhà về các cuộc khởi nghĩa: Việc sưu tầm tranh ảnh tư liệu là rất quan trọng để các em dễ hình dung, dễ nhớ, nhớ lâu các sự kiện đó. Chính vì vậy học sinh phải sưu tầm tranh ảnh từ ở nhà, đọc trước sách giáo khoa kết hợp với những tư liệu sưu tầm được qua sách báo, mạng Internet, …

– Giáo viên có thể cho học sinh xem các tư liệu lịch sử đã sưu tầm được về các cuộc khởi nghĩa qua các video. (Ví dụ khi dạy bài 4: Nước Đại Việt thời Lí ở hoạt động 7: Tìm hiểu diễn biến trận chiến tại phòng tuyến sông Như Nguyệt, giáo viên cho học sinh xem video ghi âm bài thơ Nam quốc sơn hà của Lí Thường Kiệt).

– Tổ chức cho học sinh tìm hiểu lược đồ trận đánh để tái hiện diễn biến của cuộc khởi nghĩa hay trận đánh,.. như: Lược đồ trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 938 (trang 13, tập 1), lược đồ trận Chi Lăng (trang 10, tập 2), lược đồ phòng tuyến sông Như Nguyệt (trang 42, tập 1)

– Để củng cố, khắc sâu kiến thức, giáo viên tổ chức trò chơi.

Ví dụ: Trò chơi giải ô chữ (Bài 7: Chiến thắng Chi Lăng và nước Đại Việt thời Hậu Lê – Thế kỉ XV)

– Cách chơi:

+ Ô chữ gồm 7 từ hàng ngang và 1 từ hàng dọc. Cách chơi như sau:

+ Cả lớp chia thành 4 nhóm chơi

+ Các nhóm chơi lần lượt chọn từ hàng ngang, giáo viên sẽ đọc gợi ý về từ hàng ngang, đội chơi nhanh chóng đưa ra câu trả lời. Nếu sai, hoặc sau 30 giây không có câu trả lời thì nhóm khác được quyền đoán.

+ Mỗi từ hàng ngang được 10 điểm, từ hàng dọc được 30 điểm.

+ Trò chơi kết thúc khi có nhóm tìm ra từ hàng dọc.

+ Nhóm nào có điểm cao hơn là nhóm thắng cuộc.

– Nội dung ô chữ và gợi ý cho từng ô:

1) Mưu đồ của nhà Minh bị nghĩa quân Lam Sơn đánh bại. (cứu viện )

2) Quê hương của Lê Lợi (Thanh Hoá)

3) Chỗ qua lại hẹp và hiểm trở ở biên giới hoặc trên đường tiến vào một nước (ải)

4) Người lãnh đạo trận Chi Lăng. (Lê Lợi)

5) Tướng giặc tử trận ở ải Chi Lăng. (Liễu Thăng)

6) Nghĩa quân Lam Sơn đã thắng giặc này. (Minh)

7) Tên thủ đô Hà Nội năm 1407 (Đông Quan )

Từ hàng dọc: CHI LĂNG.

* Với dạng bài về bộ máy nhà nước, tình hình kinh tế, văn hoá – xã hội

Bên cạnh việc tổ chức cho học sinh tự tìm hiểu, tự phát hiện vấn đề thông qua phương pháp vấn đáp – tìm tòi, thảo luận nhóm thì ở dạng bài này tôi thường sử dụng kĩ thuật dạy học “Khăn trải bàn”. Giáo viên sắp xếp từng mảng kiến thức thành những vấn đề rồi tổ chức cho học sinh tự tìm hiểu, tự phát hiện vấn đề, sau đó tổ chức cho học sinh trình bày kết quả trên bảng nhóm. Học sinh trưng bày sản phẩm trước lớp, cùng nhau chia sẻ, nhận xét, chốt kiến thức.

Bên cạnh đó, giáo viên tổ chức cho học sinh quan sát, tìm hiểu các công trình hay những di tích lịch sử qua các triều đại. Ví dụ:

+ Bài 4: Nước Đại Việt thời Lí, yêu cầu 6: Khám phá vẻ đẹp của ba công trình: chùa Một Cột (Hà Nội), chùa keo (Thái Bình), tượng Phật A-di-đà (chùa Phật Tích, Bắc Ninh);

+ Bài 11: Buổi đầu thời Nguyễn (Từ năm 1802 đến năm 1858), yêu cầu 3: Khám phá quần thể cố đô Huế: Học sinh sưu tầm tranh ảnh Ngọ Môn, điện Thái Hòa, lăng Tự Đức, lăng Khải Định, lăng Minh Mạng, video về kinh thành Thăng Long, Phố Hiến, Hội An, … trong Bài 9: Trịnh – Nguyễn phân tranh. Công cuộc khẩn hoang và sự phát triển của thành thị (thế kỉ XVI – XVIII) … (tranh ảnh đính kèm phần phụ lục)

– Giáo viên sưu tầm và cho học sinh xem các video về các công trình kiến trúc, nghệ thuật của các triều đại lịch sử để học sinh thấy được đó là những quần thể kiến trúc tuyệt đẹp và là những di sản văn hóa dân tộc.

* Với dạng bài tổng kết, ôn tập

Trong chương trình Lịch sử lớp 4 có 3 bài dạng Tổng kết, ôn tập. Ở dạng bài này tôi tổ chức dưới hình thức trò chơi như giải ô chữ, lập niên biểu, lật thẻ, hùng biện, giải đố về các nhân vật lịch sử là hình thức tổ chức chủ yếu.

* Ví dụ 1: Trò chơi lập niên biểu

Trò chơi này thường được chơi ở các tiết ôn tập

Bài: Phiếu kiểm tra 2: Qua các triều đại phong kiến Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lí, Trần, Hậu Lê, chúng em biết những gì? (trang 19, tập 2)

Chuẩn bị: Giáo viên ghi sẵn 7 thẻ thời gian, 7 thẻ ghi tên các sự kiện, chúng được sắp xếp lộn xộn

Cách chơi:

+ Chia lớp thành 2 đội chơi.

+ Trong cùng 1 khoảng thời gian, đội nào sắp xếp đúng nhanh nhất thì đội đó thắng cuộc

Nội dung các thẻ:

968

Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân

981

Kháng chiến chống quân Tống xâm lược lần thứ nhất

1010

Nhà Lí dời đô ra Thăng Long

1075-1077

Kháng chiến chống quân Tống xâm lược lần thứ hai

1226

Nhà Trần thành lập

1258-1288

Kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên

1426

Chiến thắng Chi Lăng

* Ví dụ 2: Giải các câu đố về nhân vật lịch sử

Chuẩn bị: Giáo viên chuẩn bị câu đố, các nhóm học sinh chuẩn bị chuông.

Cách chơi:

+ Chia lớp thành 5 – 6 nhóm.

+ Sau khi giáo viên đọc câu đố xong, nhóm nào rung chuông trước sẽ được quyền trả lời, nhóm nào trả lời đúng nhiều câu nhất sẽ thắng cuộc.

Tôi đưa ra một số ví dụ nội dung câu đố:

  1. Vua nào thuở bé chăn trâu,

Trường Yên một ngọn cờ lau tập tành.

Sứ quân dẹp loạn phân tranh,

Dựng lên thống nhất sử xanh còn truyền.

(Vua Đinh Tiên Hoàng)

2. Mê Linh đất cũ còn ghi muôn đời

Yếm, khăn đội đá vá trời

Giặc Tô mất vía rụng rời thoát thân.

Là ai? (Hai Bà Trưng)

Khi sử dụng biện pháp tổ chức trò chơi thì học sinh rất hứng thú và nắm kiến thức một cách có hệ thống.

Bên cạnh việc sử dụng các phương pháp và hình thức tổ chức như đã nêu ở trên thì với mỗi dạng bài tôi có sử dụng kĩ thuật dạy học sơ đồ tư duy để hệ thống và khắc sâu kiến thức (có thể tổ chức ngay ở tiết học hoặc giao về nhà). Đây là cách để ghi nhớ chi tiết, để tổng hợp hay để phân tích một vấn đề ra thành một dạng của lược đồ phân nhánh.

Ngoài ra, tôi cũng đã tham mưu với BGH nhà trường và hội cha mẹ học sinh tạo điều kiện cho các em đi tham quan, học tập tại các di tích lịch sử ở địa phương hoặc tỉnh lân cận.

– Với dạng bài nhân vật lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật tổ chức cho học sinh tham gia Đền Dâu, Quán Cháo, Đền vua Đinh, vua Lê.

– Với dạng bài khởi nghĩa tổ chức cho học sinh tham quan trải nghiệm thành Cổ Loa, di tích lịch sử Bạch Đằng, Hoàng thành Thăng Long,… Để buổi tham quan được hiệu quả, tôi định hướng cho các em trước khi tham quan những nội dung cần tìm hiểu. Tổ chức cho học sinh viết thu hoạch sau khi đi trải nghiệm những bài viết hay sẽ chia sẻ trước lớp và trưng bày ở góc triển lãm của lớp.

Khuyến khích học sinh tham gia tích cực các sân chơi trí tuệ tìm hiểu về lịch sử dân tộc như “Trạng Nguyên Toàn Tài”, tham gia các cuộc thi Tìm hiểu Lịch sử, văn hóa dân tộc, các hội thi kể chuyện danh nhân….trên báo, trên mạng Internet… để học sinh có điều kiện giao lưu, nâng cao hiểu biết về lịch sử dân tộc.

Ở các tiết đọc sách thư viện, tôi đưa ra các chủ đề cho mỗi buổi đọc liên quan đến các truyện về danh nhân, về các cuộc khởi nghĩa, các triều đại phong kiến Việt Nam… Tổ chức cuộc thi giới thiệu sách lịch sử mà em sưu tầm được cho các bạn cùng tham khảo.

III. Hiệu quả đạt được

Với những biện pháp phân loại dạng bài và lựa chọn các phương pháp dạy học phù hợp từng dạng bài lịch sử mà tôi đã áp dụng trong năm học 2021- 2022 tại lớp 4I. Kết quả bước đầu thu được:

Về thái độ với môn học: 45/45 học sinh yêu thích học môn Lịch sử.

Về chất lượng khảo sát: Tôi tiến hành khảo sát trên phiếu và thiết kế bộ câu hỏi gồm 20 câu, kết quả như sau:

Tổng số học sinh

Số học sinh đạt

18-20 câu

Số học sinh đạt

15-17 câu

Số học sinh đạt dưới

15 câu

45

29

64,4%

15

33,3%

1

2,3%

Như vậy với kết quả trên, tôi nhận thấy:

– Số lượng học sinh nắm vững, hoàn thành nội dung phiếu khảo sát đạt cao. Kết quả đó càng làm tôi tin tưởng vào những biện pháp mà mình đã áp dụng.

– Học sinh nắm khá chắc các sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử tiêu biểu, tương đối có hệ thống theo dòng thời gian lịch sử của Việt Nam từ buổi đầu dựng nước cho đến đến buổi đầu thời Nguyễn. Qua đó học sinh nắm được lịch sử oai hùng

của dân tộc ta cách đây hàng nghìn năm.

– Học sinh rất hào hứng mong chờ tiết lịch sử và tự về tìm hiểu lịch sử qua sách truyện, qua mạng Internet, chủ động , tích cực trong các tiết học. Từ đó, vốn hiểu biết về lịch sử của học sinh khá phong phú.

– Bên cạnh đó, các em biết và kể được tên các đường phố, trường học mà nhân vật lịch sử được mang tên…Nhiều em đã vận dụng tốt các kiến thức lịch sử đã học để hoàn thành các câu hỏi trong sân chơi Trạng nguyên Toàn tài các cấp.

– Từ những yêu thích khi học môn Lịch sử học sinh đã biết tìm đọc, tham khảo những sách, truyện lịch sử về nhân vật lịch sử, tạo thói quen ham đọc sách cho trẻ.

– Học sinh có tình yêu thiên nhiên, con người, quê hương, đất nước, góp phần xây dựng ý thức tự cường, lòng tự hào dân tộc.

– Biện pháp mà tôi đưa ra, khi áp dụng, giáo viên và học sinh đều không tốn nhiều kinh phí, chỉ cần đầu tư thời gian lên kế hoạch, chuẩn bị đồ dùng hay thiết kế trò chơi để áp dụng vào mỗi bài học, từ đó chất lượng dạy học môn Lịch sử được nâng cao.

– Quản lý nhà trường đánh giá được sự sáng tạo, linh hoạt của giáo viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Tạo mối quan hệ gắn bó, chia sẻ, gần gũi giữa giáo viên, học sinh và quần chúng nhân dân.

– Cha mẹ học sinh hiểu được nhiệm vụ học tập của con, động viên, khuyến khích con học tốt môn Lịch sử.

IV. Điều kiện và khả năng áp dụng

1. Điều kiện áp dụng

* Cơ sở vật chất: Các cấp chính quyền, các cấp quản lý của ngành giáo dục – đào tạo, hội cha mẹ học sinh mua sắm thêm các thiết bị như máy tính có kết nối mạng Internet, ti vi màn hình lớn, màn hình thông minh. Thư viện lớp và thư viện trường bổ sung thêm nhiều sách, truyện đọc, truyện tranh về danh nhân, các triều đại Việt Nam hay các sự kiện lịch sử.

* Giáo viên: Biện pháp này sẽ có hiệu quả hơn khi tất cả các giáo viên áp dụng một cách kiên trì linh hoạt với tất cả lòng yêu nghề, say sưa muốn đưa những giá trị truyền thống tốt đẹp của lịch sử dân tộc đến với học sinh.

2. Khả năng áp dụng: Sáng kiến này có thể áp dụng rộng rãi, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học Lịch sử ở Tiểu học.

V. Cam kết

Tôi cam kết biện pháp này lần đầu được dùng để đăng ký tham dự Hội thi và chưa được dùng để xét duyệt thành tích khen thưởng cá nhân tôi trước đây.

Tam Điệp, ngày 01 tháng 10 năm 2022.

XÁC NHẬN GIÁO VIÊN

CỦA LÃNH ĐẠO NHÀ TRƯỜNG

Lê Thị Liên

PHỤ LỤC

1. Các hình ảnh minh họa Biện pháp 1: Truyền cảm hứng học môn Lịch sử tới học sinh.

Hình ảnh thời đại các vua Hùng

Hình ảnh Hai Bà Trưng

Hình ảnh chiến thắng Bạch Đằng

Hình ảnh vua Đinh Tiên Hoàng thời niên thiếu

Hình ảnh chùa Một Cột thời nhà Lý

Hình ảnh tượng đài Lý Thái Tổ

Hình ảnh hội nghị Diên Hồng – thời nhà Trần

Hình ảnh Quốc Công Tiết Chế – Trần Hưng Đạo chỉ huy nghĩa quân

Hình ảnh vua Quang Trung – Nguyễn Huệ

Hình ảnh Ngọ Môn – Cung đình Huế

Mô hình sản phẩm sách các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của Việt Nam

Sản phầm: Lược đồ các di tích thờ vua ở Ninh Bình

2. Các hình ảnh minh họa Biện pháp 2: Phân loại dạng bài và lựa chọn các phương pháp dạy học phù hợp từng dạng bài

Phiếu học tập trong hoạt động tổ chức dạy học dạng bài về nhân vật lịch sử

Bài cảm nghĩ của học sinh về nhân vật lịch sử

Sản phẩm cho hoạt động dạy học dạng bài về bộ máy nhà nước, tình hình kinh tế, văn hoá – xã hội

Hình ảnh sơ đồ tư duy

Hình ảnh sơ đồ tư duy

Bài thu hoạch hoạt động trải nghiệm

Bài giới thiệu sách Lịch sử của học sinh

Bài giới thiệu sách Lịch sử của học sinh

Hình ảnh hoạt động tổ chức trò chơi

PHIẾU KHẢO SÁT MÔN LỊCH SỬ LỚP 4

Họ và tên: ……………………………………………………………………

I. Thái độ đối với môn Lịch sử

  1. Yêu thích
  2. Không yêu thích

II. Kiến thức

Câu 1: Ai là người dựng nên nước Âu Lạc?

A. Lạc Long Quân, Âu Cơ C. Các vua Hùng

B. An Dương Vương (Thục Phán) D. Hai Bà Trưng

Câu 2: Ngô Quyền đã dùng kế gì để tiêu diệt quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng ?

A.Vót nhọn cọc gỗ, đầu bịt sắt rồi chôn xuống sông, cho quân mai phục, đánh úp.

B. Giảng hòa với địch.

C. Cho quân giặc vào bãi lầy, dùng lửa đốt thuyền giặc.

Câu 3: Nối tên các nhân vật lịch sử ở cột A với sự kiện lịch sử ở cột B cho phù hợp:

A B

Hai Bà Trưng

Chiến thắng Bạch Đằng năm 938.

Ngô Quyền

Kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên.

Đinh Bộ Lĩnh

Tập hợp nhân dân dẹp loạn 12 sứ quân.

Trần Hưng Đạo

Khởi nghĩa chống các triều đại phong kiến phương Bắc năm 40.

Câu 4: Nối tên các nhà nước với tên nhân vật lịch sử cho đúng

Văn Lang

Đinh Bộ Lĩnh

Âu Lạc

Vua Hùng.

Đại Cồ Việt

An Dương Vương

Đại Việt

Lý Thái Tổ

Câu 5: Khoanh tròn vào các chữ cái trước câu đúng :

Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long năm nào?

A. 938 B. 1000 C. 1010 D. 981

Câu 6 : Nhà Trần thành lập vào năm nào ?

  1. 1200

B.1010

C.1226

D.981

Câu 7: Ghi Đ vào ô có câu đúng, S vào câu sai.

□ a. Ngô Quyền đã chỉ huy quân ta cắm cọc gỗ trên sông Bạch Đằng, lợi dụng nước thuỷ triều lên xuống để đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng.

□ b. Để đối phó với giặc Mông – Nguyên, cả ba lần vua tôi nhà Trần đều chủ động rút khỏi kinh thành Thăng Long khi giặc mạnh và quay lại tấn công quyết liệt khi giặc yếu.

□ c. Lê Hoàn đã cho quân xây dựng phòng tuyến trên sông Như Nguyệt để chặn đánh quân Tống xâm lược lần thứ nhất ( năm 981).

Câu 8: Nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống lại quân xâm lược:

a. Mông- Nguyên c. Nam Hán

b. Tống d. Minh

Câu 9: Chiến thắng nào của nghĩa quân Lam Sơn đã đánh tan âm mưu xâm lược nước ta của quân Minh?

a. Chiến thắng đồn Ngọc Hồi

b. Chiến thắng ải Chi Lăng

c. Chiến thắng Bạch Đằng.

Câu 10: Nhà Hậu Lê đã làm gì để quản lí đất nước?

a. Vẽ bản đồ đất nước

b. Soạn bộ luật hồng Đức

c. Cả hai ý trên.

Câu 11: Văn Miếu, Quốc Tử Giám là công trình được xây dựng từ triều đại nào?

a. Lý c. Lê

Câu 12: Nội dung học tập, thi cử dưới thời Hậu Lê là:

a. Nho giáo

b. Phật giáo

c. Thiên chúa giáo

Câu 13: Cuộc chiến tranh giữa họ Trịnh và họ Nguyễn kéo dài khoảng bao nhiêu năm?

a. 50 năm b. 45 năm c. 55 năm

Câu 14: Cuộc khẩn hoang ở Đàng Trong do các chúa Nguyễn lãnh đạo diễn ra trong thời gian nào?

a. Cuối thế kỉ XIV

b. Cuối thế kỉ XVI

c. Đầu thế kỉ XVI

Câu 15: Năm 1786 Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc để làm gì?

a. Lật đổ chính quyền họ Trịnh.

b. Lật đổ chính quyền họ Nguyễn

c. Lật đổ chính quyền họ Trịnh, thống nhất giang sơn.

Câu 16: Khi kéo quân ra Bắc đánh quân Thanh, Nguyễn Huệ đã cho quân sĩ dừng chân và ăn Tết sớm ở đâu?

a. Bắc Sơn, Thanh Hoá

b. Hoa Lư, Ninh Bình

c. Tam Điệp, Ninh Bình.

Câu 17: Vua Quang Trung đề cao chữ Nôm nhằm:

  1. Phát triển kinh tế.
  2. Bảo vệ chính quyền.
  3. Bảo tồn và phát triển chữ viết của dân tộc.

Câu 18: Nhà Nguyễn thành lập năm nào?

a. năm 1822 b. năm 1802 c. Năm 1812

Câu 19: Kinh đô nhà Nguyễn đóng ở đâu?

a. Thăng Long b. Tây Đô c. Huế d. Cổ Loa

Câu 20: Bộ luật Gia Long do triều đại nào ban hành ?

a. Nhà Mạc b. Nhà Hậu Lê c. Nhà Tây Sơn d. Nhà Nguyễn

Back to top button