Hỏi đáp

Viêm khớp dạng thấp có chữa khỏi không? Chữa ở đâu?

Kết quả thống kê cho thấy, viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến 1% dân số thế giới. Tỷ lệ nữ giới mắc bệnh này cao hơn nam giới khoảng 3 lần và thường gặp ở tuổi trung niên. Vậy viêm khớp dạng thấp có chữa khỏi không, chữa bằng cách nào, chi phí ra sao… Thông tin chi tiết sẽ được chia sẻ qua bài viết dưới đây của BVĐK Tâm Anh.

Những điều cần biết về căn bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid Arthritis – RA) là một rối loạn viêm mãn tính, ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến khớp, biểu hiện qua tình trạng viêm đối xứng các khớp ngoại vi, bao gồm: khớp cổ tay, khớp bàn tay… Ở một số người, bệnh còn gây tổn thương các bộ phận quan trọng khác trong cơ thể như da, mắt, phổi, tim, mạch máu… dẫn đến các khuyết tật về thể chất.

tổng quan về viêm khớp dạng thấp

Đây là sự rối loạn tự miễn dịch, đến từ tình trạng hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào chính các mô của cơ thể người bệnh. Phản ứng viêm giải phóng các hóa chất gây hại cho xương, sụn, gân, dây chằng… Nếu bệnh không được điều trị kịp thời, các khớp sẽ bị biến dạng, giảm khả năng liên kết và cuối cùng là phá hủy khớp hoàn toàn.

Thống kê cho thấy, có khoảng 1% dân số thế giới bị căn bệnh này tấn công. Nữ giới mắc bệnh này nhiều hơn nam giới từ 2-3 lần. Bệnh thường khởi phát ở độ tuổi 35-50, nhưng đôi khi cũng xuất hiện ở tuổi thiếu niên hoặc người cao tuổi. Trong khoảng 6 năm đầu bệnh tiến triển rất nhanh. Thông thường trong 10 năm, khớp sẽ bị một số tổn thương vĩnh viễn. (1)

Hiện nay có rất nhiều giả thuyết về tình trạng hệ thống miễn dịch tấn công các khớp. Hầu hết ý kiến thường nghiêng về nguyên nhân nhiễm trùng gây kích hoạt tình trạng viêm khớp dạng thấp. Bệnh còn có một thể đặc biệt là viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính với mức độ phá hủy khớp nguy hiểm hơn.

Các triệu chứng điển hình của bệnh có thể khác nhau ở mỗi người. Bệnh đến và đi rất nhanh hoặc thay đổi theo thời gian. Một số trường hợp bệnh đột ngột bùng phát khi sức đề kháng kém và khiến cho các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn.

Viêm khớp dạng thấp có chữa khỏi không?

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tiến triển mạn tính và hiện nay vẫn chưa có một phương pháp đặc hiệu để chữa khỏi. Số liệu thống kê cho thấy, khoảng 40% trường hợp gặp các biến chứng mất chức năng khớp dẫn đến tàn tật và có khoảng 10% người bệnh tự cảm thấy tình trạng được cải thiện. Bệnh có những cơn đau cấp tính, bùng phát xen kẽ thời gian khỏi bệnh, nhưng vẫn diễn tiến một cách âm thầm.

Tuy viêm khớp dạng thấp vẫn chưa thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng việc điều trị và hỗ trợ sớm sẽ làm giảm nguy cơ tổn thương khớp, hạn chế tác động của tình trạng viêm khớp. (2)

viêm khớp dạng thấp có chữa khỏi không

Các biến chứng khi không được điều trị kịp thời

Ngoài gây đau đớn ở các khớp, bệnh còn có thể khiến bạn đối diện với nguy cơ mắc các bệnh khác cao hơn, đặc biệt là khi không được kiểm soát tốt (3). Cụ thể, nếu không được điều trị kịp thời, bạn có gặp các biến chứng sau đây:

tình trạng viêm lan rộng

Tình trạng viêm lan rộng

Viêm khớp dạng thấp có thể làm phát triển tình trạng viêm ở các bộ phận khác của cơ thể người bệnh, chẳng hạn như:

  • Viêm phổi hoặc niêm mạc phổi dẫn đến viêm màng phổi hoặc xơ phổi, có thể gây đau ngực, ho dai dẳng và khó thở
  • Viêm mắt có thể dẫn đến viêm củng mạc hoặc hội chứng Sjögren gây đỏ, đau và khô mắt
  • Viêm mạch máu do thành mạch máu dày lên, bị suy yếu, thu hẹp và có sẹo. Trong trường hợp nghiêm trọng, tình trạng này có thể đe dọa tính mạng

Tổn thương khớp

Nếu không được điều trị sớm và đúng cách, bệnh có thể dẫn đến những tổn thương vĩnh viễn đến khớp, bao gồm:

  • Tổn thương xương và sụn lân cận khiến chúng dễ bị nứt, đứt gãy
  • Biến dạng khớp
  • Bệnh tim mạch

Bệnh nhân có nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch (CVD), ảnh hưởng đến tim hoặc mạch máu như viêm mô xung quanh tim dẫn đến viêm màng ngoài tim. Bệnh có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng, đe dọa tính mạng như đau tim và đột quỵ

Bệnh lý tủy cổ

Nếu tình trạng bệnh kéo dài, bạn có nhiều nguy cơ gặp phải tình trạng trật khớp ở đỉnh cột sống, gây áp lực lên tủy sống. Đây được gọi là bệnh lý tủy cổ. Bệnh được điều trị bằng phẫu thuật, nếu không sẽ dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng vận động và dẫn đến tổn thương tủy sống vĩnh viễn.

Phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp

Như bạn đã biết, đây là một bệnh mạn tính và không thể chữa khỏi. Các phương pháp điều trị hiện nay chỉ giúp giảm viêm, giảm đau, ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình tổn thương khớp, giảm thiểu nguy cơ tàn tật và cho phép bạn vận động nhiều nhất có thể. (4)

Điều trị viêm khớp dạng thấp thường được chia thành các phương pháp chính: Điều trị bằng thuốc, điều trị hỗ trợ và phẫu thuật.

  • Điều trị bằng thuốc
  • Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD)

Nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh, bác sĩ thường sẽ chỉ định dùng DMARD ở quá trình điều trị ban đầu. Những loại thuốc này giúp làm dịu các triệu chứng và kiềm chế tốc độ phát triển bệnh, cụ thể như: Methotrexate, Leflunomide, Hydroxychloroquine, Sulfasalazine…

Điều trị nội khoa

1. Thuốc sinh học

Phương pháp điều trị bằng thuốc sinh học, như các thuốc kháng IL-6 hay kháng TNF- alpha, là một hình thức điều trị mới cho bệnh viêm khớp dạng thấp. Chúng được dùng kết hợp với các loại DMARD khác hoặc dùng riêng khi các loại thuốc DMARD không phát huy tác dụng. Thuốc sinh học được sử dụng theo đường tiêm.

2. Thuốc ức chế JAK

Thuốc ức chế JAK là một loại thuốc mới, dùng để chữa cho bệnh nhân ở độ tuổi trưởng thành, tình trạng bệnh ở thể trung bình đến nặng và đã từng điều trị thất bại với Methotrexat. Vai trò của thuốc là ức chế hoạt động của các enzyme trong quá trình truyền tín hiệu, cắt đứt nguồn giải phóng các cytokin tiền viêm gây viêm khớp. Các thuốc đại diện cho nhóm này là Tofacitinib, Baricitinib…

3. Thuốc giảm đau

Ngoài các loại thuốc được sử dụng để kiểm soát sự tiến triển của bệnh, bác sĩ cũng có thể cần dùng một số loại thuốc đặc biệt để giúp giảm đau. Những loại thuốc này không có khả năng điều trị chứng viêm ở khớp, nhưng chúng sẽ giúp người bệnh dễ chịu hơn trong khi chờ các bác sĩ chuyên khoa hoặc khi có các cơn đau bùng phát.

4. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

Ngoài ra, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Ibuprofen, Naproxen hoặc Diclofenac, Celecoxib hoặc Etoricoxib… Những loại thuốc này có thể giúp giảm đau, chống viêm ở khớp, chứ không có khả năng ngăn bệnh tiến triển.

5. Thuốc Steroid

Steroid là loại thuốc mạnh có thể giúp giảm đau, giảm cứng khớp và chống viêm. Loại thuốc này thường dùng qua dạng viên uống. Chúng thường được sử dụng để giảm đau trong thời gian ngắn, vì nếu dùng lâu dài có thể có các tác dụng phụ nghiêm trọng như: tăng cân, loãng xương, dễ xuất huyết dưới da, yếu cơ…

Điều trị hỗ trợ

Ngoài điều trị bằng thuốc, bác sĩ cũng có thể chỉ định người bệnh thực hiện các biện pháp hỗ trợ dưới đây. Cụ thể như:

6. Vật lý trị liệu

Thông qua các bài tập, chuyên gia vật lý trị liệu sẽ giúp người bệnh cải thiện thể lực, tăng cường sức mạnh của cơ bắp, đồng thời làm cho các khớp trở nên linh hoạt hơn.

Các kỹ thuật viên vật lý trị liệu cũng có thể giúp bạn giảm đau bằng cách chườm nóng hoặc chườm lạnh, kích thích thần kinh bằng xung điện qua da (TENS).

7. Dụng cụ hỗ trợ

Trường hợp bệnh nhân gặp khó khăn với các công việc hàng ngày, liệu pháp sử dụng dụng cụ hỗ trợ sẽ được áp dụng. Bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên về cách vận động, đeo nẹp, mang giá đỡ, dùng đế lót giày… để giúp bạn bảo vệ khớp, cả khi ở nhà hay tại nơi làm việc.

8. Liệu pháp bổ sung

Nhiều người bị viêm khớp dạng thấp có thể được chỉ định châm cứu, massage… để tăng cường lưu thông máu, giúp các khớp dẻo dai hơn.

liệu pháp điều trị bổ sung

9. Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý

Hiện tại không có bằng chứng chắc chắn nào về việc thực phẩm có thể chữa trị hay khiến cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Tuy nhiên, việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh với rau, trái cây, các loại đậu, hạt, ngũ cốc, cá và chất béo không bão hòa… có ích cho sức khỏe tổng thể nói chung và cơ xương khớp nói riêng.

Xem thêm: Viêm khớp dạng thấp kiêng gì và ăn gì?

Nhiều nghiên cứu cho rằng, bổ sung canxi và vitamin D giúp ngăn ngừa loãng xương, nếu bạn đang dùng thuốc steroid và bổ sung axit folic có thể hạn chế một số tác dụng phụ của thuốc Methotrexate. Việc bổ sung dầu cá cũng có thể giúp giảm đau và cứng khớp do viêm khớp dạng thấp.

Phẫu thuật

Liên quan đến băn khoăn Viêm khớp dạng thấp có chữa được không, các chuyên gia cho rằng, một số trường hợp dù đã dùng thuốc kèm với các biện pháp hỗ trợ nhưng khớp của người bệnh vẫn bị tổn thương. Trong trường hợp này, phương án phẫu thuật có thể được đề ra để giúp phục hồi khả năng sử dụng khớp. Phẫu thuật cũng có thể được khuyến nghị giúp giảm đau hoặc sửa chữa các dị tật, bao gồm:

10. Phẫu thuật ngón tay, bàn tay và cổ tay

Có nhiều loại phẫu thuật khác nhau để điều chỉnh các vấn đề về khớp ở bàn tay như giải phóng ống cổ tay, giải phóng gân ở ngón tay để điều trị chứng uốn cong bất thường, loại bỏ mô bị viêm ở các khớp ngón tay.

11. Nội soi khớp

Đây là một thủ tục để loại bỏ các mô khớp bị viêm. Trong quá trình nội soi khớp, một ống nhỏ có gắn đèn và máy nội soi khớp được đưa vào khớp thông qua một vết cắt nhỏ để bác sĩ phẫu thuật thao tác ở khớp bị tổn thương. Với phương pháp phẫu thuật can thiệp ít xâm lấn này, bạn thường không phải nằm viện lâu và chỉ cần nghỉ ngơi trong vài ngày là có thể sinh hoạt lại như bình thường.

12. Thay khớp

Một số người bị viêm khớp dạng thấp cần phẫu thuật để thay thế một phần hoặc toàn bộ khớp, chẳng hạn như khớp háng, khớp gối hoặc khớp vai. Trước đây, thay khớp háng là một cuộc đại phẫu kéo dài và người bệnh cần phải nằm viện nhiều ngày và cần đến vài tháng tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng.

Hiện nay ở BVĐK Tâm Anh, việc thay khớp háng diễn ra khá thường quy. Với đường mổ Superpath, người bệnh ít bị tổn thương cơ và phần mềm, ít chảy máu, ít đau nên có thể sớm sinh hoạt bình thường, không bị hạn chế vận động, giảm đau đớn và xuất viện sau khoảng 3 ngày.

Điều trị viêm khớp dạng thấp tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Tại Tâm Anh, các bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp cho biết, hiện tại việc chẩn đoán bệnh vẫn tuân thủ theo tiêu chuẩn năm 1987 của Hội thấp khớp Hoa Kỳ. Nếu thỏa các tiêu chuẩn kéo dài ≥ 6 tuần, người bệnh sẽ được xác định là bị viêm khớp dạng thấp.

Đồng thời, để xác định tình trạng và giai đoạn bệnh một cách chính xác, ngoài hỏi tiền sử, thăm khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện:

  • Xét nghiệm máu

Việc xét nghiệm máu giúp kiểm tra tốc độ lắng hồng cầu (ESR), protein phản ứng C (CRP) để đánh giá mức độ viêm trong cơ thể. Phương pháp này còn được sử dụng để tìm ra các yếu tố thấp khớp (xét nghiệm máu RF), anti-CCP và tình trạng thiếu máu.

  • Chẩn đoán hình ảnh

Tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh, người bệnh còn được chỉ định chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ MRI, siêu âm để đánh giá mức độ tiến triển, sự ảnh hưởng của viêm khớp dạng thấp đến các khớp.

Sau khi đã có được kết quả, các bác sĩ sẽ đưa ra phương án phù hợp cho từng bệnh nhân, bao gồm điều trị nội khoa, ngoại khoa và điều trị hỗ trợ.

Cách chăm sóc và phục hồi cho người bệnh viêm đa khớp dạng thấp

Theo các chuyên gia về cơ xương khớp Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, viêm khớp dạng thấp sẽ làm thay đổi cuộc sống của bạn. Bạn cần điều trị lâu dài để kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa tổn thương khớp. Do đó, người bệnh cần phải điều chỉnh công việc, cuộc sống hàng ngày và thay đổi lối sống để kiểm soát tình trạng bệnh.

Dưới đây là một số điều bạn có thể làm để tự chăm sóc và phục hồi cho bệnh nhân:

Tự chăm sóc bản thân

Chăm sóc bản thân là một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Nó bao gồm những gì bạn làm hàng ngày để duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần, ngăn ngừa bệnh tật và tai nạn cũng như kiểm soát các bệnh mạn tính. Đó là việc xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, thường xuyên vận động, tránh các chất kích thích, ngủ đủ giấc và giữ tinh thần thoải mái…

Uống thuốc đúng và đủ

Viêm khớp dạng thấp là bệnh mạn tính, nên bạn cần phải uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, ngay cả khi đã cảm thấy khỏe hơn. Bởi thuốc có thể giúp ngăn ngừa các cơn đau cấp tính bùng phát và giảm nguy cơ gặp biến chứng, điển hình như tổn thương khớp.

Khi có bất kỳ thắc mắc nào về loại thuốc đang dùng hoặc tác dụng phụ, bạn nên trao đổi ngay với bác sĩ. Tuyệt đối không nên dùng thuốc khi chưa thông báo với bác sĩ.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ

Tuân thủ việc kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng hoặc theo lịch hẹn sẽ giúp bác sĩ kiểm soát tình trạng bệnh một cách hiệu quả, đồng thời thay đổi phương pháp điều trị nếu không phù hợp.

Giảm thuốc theo lộ trình

Sau điều trị, một số người sẽ cảm thấy các triệu chứng đau được cải thiện. Nếu tình trạng này diễn ra trong ít nhất 1 năm mà không cần dùng đến thuốc steroid, việc điều trị của bạn sẽ được các bác sĩ chuyên khoa xem xét lại.

Nâng cao sức khỏe tổng thể

Nếu bị viêm khớp dạng thấp, bạn nên tiêm phòng hàng năm để bảo vệ sức khỏe tốt hơn. Cụ thể, bạn nên tiêm vắc xin ngừa cúm, phế cầu khuẩn… Đồng thời, cố gắng nghỉ ngơi nhiều trong thời gian các cơn đau bùng phát.

Tập thể dục

Tập thể dục thường xuyên phối hợp với một chế độ ăn uống lành mạnh được khuyến khích cho tất cả mọi người, bao gồm người bị viêm khớp dạng thấp. Các hoạt động này sẽ giúp khớp giảm căng thẳng, tăng cường khả năng chuyển động và giúp các cơ dẻo dai hơn. Tập thể dục còn có thể giúp bạn giảm cân để tránh gây áp lực cho khớp, giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh, bao gồm bệnh tim và các loại ung thư.

Nếu việc tập luyện khiến cho các khớp của bạn nóng lên, sưng hoặc đau, hãy dừng lại và nghỉ ngơi. Tốt nhất là nên ưu tiên các môn thể thao nhẹ nhàng như chạy bộ, bơi lội, đạp xe… tránh các môn thể thao vận động mạnh như bóng đá, bóng chuyền…

Khoa Cơ xương khớp và Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, là nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ ngoại khoa giàu kinh nghiệm, tận tâm, nhiệt tình như: TTND.GS.TS.BS Nguyễn Việt Tiến; PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa; TS.BS Tăng Hà Nam Anh; ThS.BS Trần Anh Vũ; TS.BS Đỗ Tiến Dũng; TS.BS.CKII Vũ Hữu Dũng… Đây cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh về cơ xương khớp với kỹ thuật hiện đại theo phác đồ tiên tiến hàng đầu thế giới

Bệnh viện còn được trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại như: máy chụp CT 768 lát cắt Somatom Drive, máy cộng hưởng từ thế hệ mới Magnetom Amira BioMatrix, máy đo mật độ xương, máy siêu âm…; hệ thống kính vi phẫu thuật Opmi Vario 700 Zeiss, bàn mổ Meera-Maquet… để có thể phát hiện sớm các tổn thương và phẫu thuật điều trị thành công các bệnh lý về cơ xương khớp…

BVĐK Tâm Anh còn sở hữu hệ thống phòng khám khang trang, khu nội trú cao cấp; khu vực phục hồi chức năng hiện đại; quy trình chăm sóc hậu phẫu toàn diện giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và ổn định sức khỏe sau phẫu thuật.

Để đặt lịch khám và điều trị viêm khớp dạng thấp với các chuyên gia đầu ngành Nội cơ xương khớp tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và khoa Cơ xương khớp – hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:

Tuy viêm khớp dạng thấp không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng bệnh vẫn có thể kiểm soát nếu được phát hiện từ sớm. Lời khuyên dành cho bạn là nên quan tâm đến mọi biểu hiện dù là nhỏ nhất của xương khớp. Khi phát hiện có bất thường, hãy đến ngay các bệnh viện chuyên khoa để được kiểm tra và nhận lời tư vấn chi tiết cho trường hợp của bản thân.

Back to top button