Tranh

Với ý tưởng đưa những chất liệu thật từ cuộc sống vào trong tranh, ba sinh viên Nguyễn Đình Quân, Trần Huyền Chi và Nguyễn Thu Thảo của nhóm Ourway đã cho ra đời một dòng tranh rất độc đáo: tranh chất liệu. Ưu điểm của dòng tranh này là mọi chi tiết hiện lên đều rất thật, sống động cùng với màu sắc hài hòa phản ánh đúng với những gì trong tự nhiên và cuộc sống. Với ý tưởng này, nhóm Ourway đã giành được khá nhiều giải thưởng, như giải Khuyến khích cuộc thi Khởi nghiệp cùng Kawai năm 2009 (giải thưởng do Câu lạc bộ Nhà Doanh nghiệp tương lai, Trường Đại học Ngoại thương tổ chức) và giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp 2010 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Chất liệu để làm những bức tranh có thể là: vải, vỏ trứng, rơm rạ, cát, sỏi, mùn cưa… Nhóm Ourway (từ trái sang: Thu Thảo, Đình Quân, Huyền Chi) và sản phẩm tranh chất liệu.

Làm tranh chất liệu đòi hòi người thực hiện phải rất công phu, kiên trì. Để có các nguyên liệu phù hợp, nhóm đã phải cất công đi tìm ở rất nhiều nơi. Muốn có được những vỏ ốc nhỏ xíu chỉ bằng đầu móng tay, các bạn lặn lội vào tận tỉnh Thanh Hóa. Ngay cả những thứ tưởng như không liên quan gì đến nghệ thuật như xác bèo khô, cỏ khô, mùn cưa… cũng có thể trở thành thứ nguyên liệu quan trọng dùng để làm tranh của cả nhóm. Điều đặc biệt là các màu sắc trong tranh được lấy hoàn toàn từ tự nhiên, rất hiếm khi phải nhuộm màu cho các chất liệu. Chẳng hạn riêng mùn cưa đã có nhiều màu khác nhau tùy vào chất gỗ và độ thô mịn của hạt. Vì thế có loại mùn cưa cho sắc vàng tươi, có loại mang màu nâu thẫm, có loại lại óng ánh như ngọc trai… Hay như vỏ trứng cũng thế, trứng vịt có màu trắng ngà, trứng gà có màu hồng phơn phớt, trứng chim cút lại mang hai sắc trắng và đen độc đáo… Trước khi đưa vào sử dụng, các chất liệu được xử lí bằng cách sấy hoặc phơi khô để đảm bảo trong quá trình sử dụng tranh không bị mốc mà màu sắc vẫn tươi và bền đẹp. Để thực hiện một bức tranh, việc đầu tiên là phải phác họa ý tưởng bằng bút chì. Trên bản phác thảo ấy, người thực hiện dùng một chiếc bay nhỏ để phết hồ sau đó dùng nhíp để gắp và gắn từng mảnh chất liệu nhỏ cho đến khi hoàn thành toàn bộ bức tranh. Bằng sự khéo léo, tỉ mỉ và chính xác, những mảnh vỏ cây xù xì đã trở thành một thân cây chắc khỏe, vài cọng rơm đã thành mái nhà sàn vàng tươi xinh xắn, vài nhánh cây khô trở thành một vườn cỏ dại… Còn gì tuyệt hơn khi được ngắm những bức tranh về khung cảnh thiên nhiên được làm ra từ chính các vật liệu trong thiên nhiên, thân thiện với môi trường.

Tác phẩm “Thiếu nữ” làm bằng chất liệu cói, vỏ trứng, đay và đá. Một số tác phẩm tranh chất liệu của nhóm Ourway.

Theo Nguyễn Đình Quân, công đoạn khó nhất là lên ý tưởng cho từng sản phẩm, bởi dòng tranh này đòi hỏi rất nhiều chi tiết tỉ mỉ và phải thể hiện bằng nhiều chất liệu khác nhau. Khi đã có được ý tưởng về bức tranh, các bạn phải lựa chọn các chất liệu phù hợp với từng chi tiết; còn màu sắc trong tranh hoàn toàn phụ thuộc vào gu thẩm mĩ của mỗi người. Chính vì thế mà các tác phẩm tranh không có bức nào giống nhau, mỗi bức đều là một sự sáng tạo mới mẻ. Hiện nay, nhóm Ourway đang tập trung khai thác đề tài ở 6 chủ đề chính, đó là tranh về nông thôn miền núi, tranh về phố phường Hà Nội, tranh trừu tượng, tranh phong thủy, tranh dân gian, tranh ngộ nghĩnh, nhằm khai thác tối đa thế mạnh của các loại chất liệu độc đáo có nguồn gốc từ thiên nhiên này./.

Bài: Hà Anh – Ảnh: Trần Thanh Giang

Back to top button