Hỏi đáp

Quốc tế

Charles M. Blow, cây bút phụ trách mục Quan điểm của tờ New York Times, vừa có một bài viết đáng suy ngẫm về vụ việc và gọi cái chết của Nichols là “nỗi xấu hổ của nước Mỹ”. Chúng tôi xin gửi tới độc giả lược dịch bài viết này:

cai chet cua tyre nichols la noi xau ho cua nuoc my hinh 1

Video cho thấy Tyre Nichols nằm bất động sau khi bị các sĩ quan cảnh sát đánh đập dã man. Ảnh: NYT

“Cảnh tượng đếm ngược trên truyền hình đến lúc chiếu đoạn video trong đó Tyre Nichols bị các sĩ quan cảnh sát Memphis đánh đập dã man không chỉ bi kịch hóa cái chết của một người da đen, mà còn là bản cáo trạng về tình trạng bạo lực ở nước Mỹ.

Điều đó thật kinh khủng, nhưng tiếc là không phải là trường hợp cá biệt. Nó chỉ là một trong một hàng dài các video cho thấy cảnh sát tra tấn những người da đen ở một quốc gia trở nên ít mẫn cảm với bạo lực vì số lượng quá lớn của nó.

Sau cái chết của George Floyd vào năm 2020 và mùa hè phản đối lịch sử sau đó, các vụ cảnh sát giết công dân Mỹ không giảm. Chúng tăng lên. Những gì biến mất là các sự ủng hộ nửa vời, những chính trị gia theo đuổi những cuộc thăm dò và các thanh niên bị phong tỏa vì Covid-19 lợi dụng những cuộc biểu tình như một cơ hội để tụ tập.

Ngay cả sự ủng hộ của người da đen đối với phong trào Black Lives Matter cuối cùng cũng bắt đầu giảm.

Và khi người Mỹ chuyển sang các ưu tiên khác như chính trị và kinh tế, công chúng nói chung trở nên vô cảm với các vụ giết người của cảnh sát. Hoặc họ bắt đầu nhẫn tâm coi các vụ giết người của cảnh sát là sản phẩm phụ đáng tiếc nhưng cuối cùng có thể chấp nhận được của việc tăng cường cảnh sát vào thời điểm tội phạm gia tăng.

Để vượt qua sự vô cảm ấy, một vụ giết người sẽ phải thực sự khủng khiếp và man rợ, hoàn cảnh xung quanh nó phải thực sự rùng rợn và nạn nhân của nó không thể phản kháng được. Những điều đó đã xảy ra trong cái chết của Tyre Nichols: một thanh niên da đen bị 5 sĩ quan cảnh sát Memphis đánh đập kinh hoàng.

Nhà chức trách địa phương đã phản ứng tương đối nhanh chóng khi bắt giữ và truy tố các sĩ quan cảnh sát trên. Nhưng thay vì nhảy cẫng lên hoan nghênh một hệ thống hoạt động như bình thường, chứ không phải như nó được thiết kế, tôi mắc kẹt với thực tế rằng lẽ ra phải có luật liên bang để ngăn chặn những vụ giết người như vậy.

Nước Mỹ một lần nữa đã làm thất vọng những người đa đen đang cầu xin sự giúp đỡ và yêu cầu điều đó. Sau khi những phong tỏa vì Covid-19 được dỡ bỏ, thế giới mở cửa trở lại, các cuộc bầu cử đến gần, tội phạm và lạm phát gia tăng, sự quan tâm đến cải cách cảnh sát và bảo vệ mạng sống của người đa đen khỏi bạo lực của cảnh sát tan biến như viên nước đá giữa trưa hè.

Người da đen nhận được bài học rằng đối với một số người, việc quan tâm đến sự an toàn của cộng đồng da màu chỉ là một phản ứng “theo trend”, rằng có những người tham gia các cuộc biểu tình phản đối bạo lực cảnh sát như một kiểu “trải nghiệm”, nên khi sự quan tâm và năng lượng của họ suy yếu, họ sẽ rời đi nhanh chóng.

cai chet cua tyre nichols la noi xau ho cua nuoc my hinh 2

Người biểu tình tại Mỹ xuống đường đòi công lý cho Tyre Nichols và phản đối bạo lực của cảnh sát. Ảnh: NYT

Các chính trị gia theo chủ nghĩa tự do đã cho thấy rằng cam kết của họ đối với những điều luật bảo vệ mạng sống của người da đen khỏi bạo lực của cảnh sát phụ thuộc vào cuộc thăm dò ý kiến. Nó không bắt nguồn từ đạo đức hoặc các giá trị cốt lõi mà bị chi phối bởi sức hấp dẫn của ý tưởng thu hút công chúng. Khi gió đổi hướng, những chính trị gia này xoay tròn như cánh quạt thời tiết.

Cảnh sát cũng đã nhận ra được rằng họ có thể sống sót sau những vụ tố cáo gay gắt nhất và có thể né tránh luật pháp liên bang khi dùng bạo lực trong lúc thực thi công vụ.

Đúng là một số bang như California và New York đã nhanh chóng hành động, ngay khi vấn đề vẫn đang nóng bỏng, bằng cách điều chỉnh một số điều luật hình sự. Và một số thành phố nhỏ đã tăng cường chính sách bảo vệ người da đen. Nhưng cải cách cảnh sát trên toàn quốc vẫn chưa xảy ra.

Nếu có một tia sáng trong bức tranh này, thì nó nằm ở việc những phụ nữ đa đen được trao quyền đã phá vỡ hệ thống. Không ngăn chặn được những hành vi bạo lực thái quá, ít nhất họ cũng trừng phạt những kẻ giết người.

Viên cảnh sát trưởng đã nhanh chóng sa thải các sĩ quan trong vụ Nichols là một phụ nữ da đen. Khi Rayshard Brooks bị giết ở Atlanta trong một lần lái xe qua đây, thị trưởng Keisha Lance Bottoms – một phụ nữ da đen – đã chấp nhận đơn từ chức của cảnh sát trưởng và lập tức sa thải các sĩ quan tham gia vụ việc. (Thật không may, nhóm cảnh sát cuối cùng đã không bị kết tội, họ kiện lại thành phố và được phục chức).

Khi Amber Guyger, một cảnh sát da trắng tại Dallas, bước vào căn hộ của Botham Shem Jean và bắn chết anh ta, cảnh sát trưởng Renee Hall – một phụ nữ da đen – đã nhanh chóng phản ứng bằng cách xin lệnh bắt giữ Guyger. Viên cảnh sát này sau đó bị kết tội giết người.

Thay vì thể hiện sự tiến bộ, những ví dụ kể trên thực ra chỉ nhấn mạnh bản chất phân biệt chủng tộc của hệ thống và cho thấy nó phản ứng chậm chạp như thế nào ở những nơi mà cả quan chức nắm quyền và các cảnh sát bị buộc tội đều không phải người đa đen.

Cái chết của Tyre Nichols không chỉ là bi kịch cá nhân; giờ đây anh ấy là nạn nhân của một hệ thống nguy hiểm mà nước Mỹ đã mất đi sự sẵn sàng đối đầu. Vết thương chưa được xử lý, vẫn đang mưng mủ, rỉ máu qua lớp băng gạc”.

Vụ Tyre Nichols diễn ra như thế nào?

Tyre Nichols, một người da đen 29 tuổi, đã bị cảnh sát thành phố Memphis (bang Tennessee) chặn lại vào ngày 7/1 vì cho rằng anh lái xe bất cẩn. Khi nam thanh niên rời xe và bỏ chạy, nhóm sĩ quan đuổi theo và cố hạ gục anh bằng súng điện. Video được cảnh sát Memphis công bố sau đó cho thấy, Nichols liên tục khóc gọi mẹ rồi gục xuống sau bị khi 5 cảnh sát đấm đá và dùng dùi cui đánh dã man. Ba ngày sau, Nichols qua đời trong bệnh viện. Theo hãng tin AP, Tyre Nichols, cha của một cậu con trai 4 tuổi, là một người đam mê trượt ván và chụp ảnh thiên nhiên đến từ Sacramento (California). Anh tới Memphis ngay trước đại dịch và sau đó làm việc cho chi nhánh của hãng FedEx ở đây khoảng 9 tháng trước khi qua đời vì vụ hành hung.

Quang Anh (lược dịch)

Back to top button