Sinh học

Chiến thắng từ đường lối “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh” – Báo điện tử Bình Định

KỶ NIỆM 69 NĂM CHIẾN THẮNG ÐIỆN BIÊN PHỦ (7.5.1954 – 7.5.2023)

Chiến thắng từ đường lối “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh”

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, đỉnh cao là chiến thắng Ðiện Biên Phủ, là kết quả của đường lối kháng chiến đúng đắn của Ðảng với nội dung cốt lõi là “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh”.

3 nội dung cốt lõi

Thứ nhất, kháng chiến toàn dân, toàn diện.

Toàn dân, toàn diện nghĩa là động viên và huy động tới mức cao nhất sức mạnh của dân tộc, của cả nước vào cuộc kháng chiến. Đánh địch bằng tất cả những gì có thể, trên tất cả các mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự, ngoại giao); trên tinh thần mỗi đường phố là một mặt trận, mỗi làng quê là một pháo đài và mỗi người dân là một chiến sĩ.

Kẻ địch đánh chúng ta không chỉ bằng quân sự mà bằng sức mạnh tổng hợp, trên nhiều phương diện. Do đó, để đối chọi và làm phá sản âm mưu của chúng, phải huy động sức mạnh tổng lực của cả dân tộc.

Điểm đặc biệt ở đây là sự gắn kết chặt chẽ giữa kháng chiến toàn dân với kháng chiến toàn diện. Trên cơ sở đó huy động được sức mạnh của tất cả người dân Việt Nam yêu nước.

viewimage.aspx?imgid=249306

Chiều 7.5.1954, lá cờ “Quyết chiến – Quyết thắng” của QĐND Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries; chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Thứ hai, kháng chiến trường kỳ.

Đảng và Bác Hồ quyết định phải “trường kỳ kháng chiến”, bởi so sánh tương quan lực lượng giữa ta và Pháp trong những ngày đầu cuộc chiến quá chênh lệch. Nhiều người đã dùng hình ảnh “châu chấu đá voi” hay “châu chấu đá xe” để so sánh.

Bên cạnh đó, trường kỳ kháng chiến – đánh lâu dài nhằm đối chọi và làm phá sản âm mưu của thực dân Pháp. Trong những ngày đầu tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, âm mưu của Pháp là “đánh nhanh, thắng nhanh”. Đánh nhanh, thắng nhanh sẽ phát huy được ưu thế quân sự áp đảo của Pháp; giúp Pháp nhanh chóng đạt mục đích quay trở lại tái chiếm Việt Nam và Đông Dương; khắc phục được điểm yếu lớn nhất của quân Pháp là hậu cần.

Không để cho quân Pháp áp đặt lối chơi, phát huy thế mạnh, đồng thời nhằm vào “gót chân Achilles” của kẻ thù, chúng ta đã chọn cách đánh du kích, lâu dài. Đây cũng là cách đánh “lấy đoản binh chế trường trận” đã được Đảng ta vận dụng trong thời đại mới.

Thứ ba, tự lực cánh sinh – dựa vào sức mình là chính.

Sở dĩ Đảng ta xác định phải tự lực cánh sinh, bởi trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến, chúng ta chưa nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của bất kỳ quốc gia hay tổ chức quốc tế nào. Bên cạnh đó, chúng ta lại bị kẻ thù bao vây tứ phía; đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gọi giai đoạn 1945 – 1950 là “cuộc chiến trong vòng vây”.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Một dân tộc không tự mình đứng lên đánh giặc, giành lại độc lập dân tộc, thì dân tộc ấy không xứng đáng được hưởng độc lập.

Tự lực cánh sinh là dựa vào những điều kiện trong nước (thiên thời, địa lợi, nhân hòa). Tuy nhiên, Đảng ta luôn khẳng định: Tự lực cánh sinh không có nghĩa là không tranh thủ sự ủng hộ, viện trợ của quốc tế. Nếu có thể, chúng ta vẫn tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ đó để kết thúc sớm cuộc kháng chiến.

Bài học lịch sử

Về mặt lý luận, đường lối kháng chiến của Đảng nói chung, nội dung cốt lõi – phương châm nói riêng đã góp phần quan trọng bổ sung, phát triển lý luận về chiến tranh, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin ở Việt Nam. Từ đó, góp phần nâng tầm nghệ thuật cách mạng (khởi nghĩa toàn dân) lên tầm cao mới (kháng chiến toàn dân).

Về mặt thực tiễn, phương châm trường kỳ kháng chiến đã góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954). Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, căn cứ vào tình hình thực tế, vừa đánh vừa xây dựng lực lượng, chúng ta đã chủ động phòng ngự (1946 – 1947), rồi tiến lên cầm cự (1948 – 1950) và chuyển sang phản công (1951 – 1954) với đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ – Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa của thế kỷ XX, “chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, bài học hoạch định đường lối đúng đắn nói chung, xác định đúng phương châm “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh” trong kháng chiến chống Pháp nói riêng, vẫn còn nguyên giá trị.

Tiếp tục vận dụng sáng tạo bài học này giúp cho chúng ta có phương pháp đúng trong hoạch định đường lối phát triển, nhất là đường lối về quốc phòng. Phải luôn xuất phát đầy đủ từ thực tiễn đất nước, đánh giá đúng so sánh tương quan lực lượng để lựa chọn cách ứng xử, đối phó phù hợp.

Mặt khác, bài học này cho chúng ta thêm vững tin vào tiền đồ tươi sáng của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Con đường phía trước dù lắm chông gai, song nhất định chúng ta sẽ luôn gặt hái được những thành tựu rực rỡ, làm nên những Điện Biên Phủ mới trong xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

LÊ VĂN MINH

Back to top button