Văn học

Trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc, quấy khóc phải làm sao? Nguyên nhân?

Trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc, quấy khóc nhiều không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ mà còn là vấn đề khiến phụ huynh lo lắng, mệt mỏi. Việc phát hiện nguyên nhân cụ thể gây ra tình trạng này sẽ giúp bố mẹ lựa chọn phương pháp khắc phục an toàn, nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc

Trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc là thế nào?

Đối với trẻ sơ sinh, giấc ngủ là khoảng thời gian hoạt động chính của não bộ. Nghiên cứu cho thấy trong giấc ngủ sâu, các tế bào não phát triển một cách nhanh chóng, tăng gấp đôi trong năm đầu tiên và có thể đạt khoảng 80% kích thước não của người trưởng thành khi trẻ được 3 tuổi và gần 90% khi trẻ được 5 tuổi. Do đó, ngủ đủ giấc trong những năm tháng đầu đời đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển trí tuệ của trẻ. Hơn nữa, thông qua giấc ngủ, trẻ sơ sinh xử lý, sắp xếp và tập thích nghi với môi trường mới, bên ngoài tử cung của mẹ. Đây còn là thời điểm cơ thể trẻ tăng cường sản xuất các hormone liên quan đến sự chuyển hóa và tích lũy năng lượng, giúp cơ thể phát triển về mặt thể chất. (1)

Thông thường, trẻ sơ sinh dành khoảng 16-18 giờ/ngày để ngủ và ngủ thành từng giấc ngắn khoảng 1-2 giờ/giấc. Khoảng thời gian ngủ sẽ giảm xuống còn khoảng 14 giờ/ngày khi trẻ được 1 tháng tuổi. Tuy nhiên, một số trẻ sơ sinh giật mình thường xuyên ngủ không sâu giấc, dễ bị thức giấc khi nghe thấy tiếng động, thậm chí là là tiếng động rất nhỏ khiến trẻ khó chịu, bứt rứt, quấy khóc nhiều. Tình trạng này kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, hành vi và cảm xúc của trẻ sau này.

Nguyên nhân bé ngủ không sâu giấc, quấy khóc về đêm

Thực tế, có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc, quấy khóc về đêm. Tuy nhiên, chúng được chia thành 3 nhóm nguyên nhân chính: sinh lý, thói quen sinh hoạt và bệnh lý.

1. Nguyên nhân sinh lý

Giấc ngủ được chia thành 2 hình thức chính: giấc ngủ cử động mắt nhanh (REM- rapid eye movement) và giấc ngủ không cử động mắt nhanh (Non-REM- Non-rapid eye movement). Trẻ sơ sinh dành 50% thời gian ngủ ở giấc ngủ REM. Lúc này, các tế bào não bộ và các cơ quan hô hấp tăng cường hoạt động khiến nhịp thở và nhịp tim của trẻ nhanh hơn bình thường. Do đó, trong khoảng thời gian này, trẻ rất dễ bị đánh thức khi bị tác động từ bên ngoài.

Ngoài ra, chu kỳ ngủ của trẻ sơ sinh ngắn, có thể chỉ kéo dài khoảng 50 phút nên bố mẹ sẽ thấy trẻ dễ bị thức và thức giấc thường xuyên hơn.

Giấc ngủ của trẻ sơ sinh được chia thành 2 hình thức
Giấc ngủ của trẻ sơ sinh được chia thành 2 hình thức REM và non-REM.

2. Nguyên nhân bệnh lý

Trong một số trường hợp, trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc, quấy khóc có thể là dấu hiệu của bệnh lý. Do đó, đối với các trường hợp này, nhất là khi trẻ có các biểu hiện bất thường đi kèm, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được kiểm tra càng sớm càng tốt.

2.1. Khó ngủ sau khi ốm

Một số trẻ sơ sinh gặp phải tình trạng ngủ không sâu giấc sau khi trẻ khỏi ốm. Tình trạng này thường sẽ mất vài ngày để trẻ quay lại với thói quen bình thường. Do đó, bố mẹ không nên lo lắng quá nếu trẻ sơ sinh khó ngủ sau khi ốm nhé!

2.2. Bé bị còi xương

Trẻ thiếu canxi, còi xương, thiếu các vi chất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể như magie, kẽm,… là nguyên nhân thường gặp khiến trẻ khó ngủ, rối loạn giấc ngủ. Đặc biệt, trẻ thiếu sắt nguy cơ mắc hội chứng chân không yên (chân trẻ hoạt động liên tục trong giai đoạn đầu của giấc ngủ và hoạt động ngay cả khi trẻ không có ý thức). Điều này khiến trẻ mệt mỏi, thường xuyên ngủ không sâu giấc vào ban đêm.

2.3. Bé bị béo phì

Béo phì khiến các nhóm cơ ở đường thở bị phình đại, trẻ khó thở, khó nuốt. Những trẻ này thường có xu hướng thở bằng miệng, khó ngủ, ngủ không sâu giấc, tiểu dầm và đổ nhiều mồ hôi vào ban đêm.

2.4. Bé mắc các bệnh nội khoa

Một số bệnh lý nội khoa như trào ngược dạ dày thực quản, viêm tai giữa, các bệnh lý liên quan đến hệ thần kinh,… cũng có thể là nguyên nhân gây ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ của trẻ, khiến trẻ khó ngủ, ngủ không sâu giấc.

3. Nguyên nhân do sinh hoạt

Các yếu tố môi trường, thói quen sinh hoạt là nguyên nhân phổ biến gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ sơ sinh, điển hình như:

3.1. Không cho trẻ nằm sấp

Phần lớn trẻ sơ sinh sẽ thích nằm sấp hơn vì tư thế này mang đến cảm giác an toàn, được bao bọc như khi còn nằm trong tử cung của mẹ. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo không nên cho trẻ ngủ trong tư thế này vì nó làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Vì vậy, bố mẹ có thể quấn khăn cho trẻ và đặt trẻ nằm ngửa để đảm bảo an toàn và giúp trẻ cảm thấy thoải mái khi ngủ.

Tư thế nằm sấp khi ngủ cho trẻ sơ sinh
Tư thế nằm sấp khi ngủ cho trẻ cảm giác an toàn nhưng nó làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ.

3.2. Ngủ ngày thức đêm

Trẻ sơ sinh chưa thể phân biệt giữa ban ngày và ban đêm, do đó, phần lớn các giấc ngủ của trẻ thường xuất phát từ nhu cầu. Trẻ có thể dành nhiều thời gian ngủ ngày hơn, dẫn đến khó ngủ vào ban đêm. Tình trạng này kéo dài sẽ vô tình hình thành một thói quen ngủ không khoa học, không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ mà còn là vấn đề gây phiền toái cho bố mẹ.

3.3. Ngủ không yên giấc vì thường bú khuya

Thông thường, trẻ sơ sinh sẽ thức 1-2 lần/đêm để bú sữa mẹ. Điều này không gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ. Tuy nhiên, nếu tần suất này tăng lên nhiều hơn, trẻ có thể gặp phải tình trạng ngủ không sâu giấc, giấc ngủ chập chờn.

3.4. Do môi trường xung quanh tác động

Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với môi trường xung quanh nên giấc ngủ của trẻ cũng rất dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như âm thanh, ánh sáng, nhiệt độ, không gian phòng,… Trẻ thường sẽ khó ngủ, ngủ không sâu giấc khi môi trường có quá nhiều tiếng ồn, ánh sáng mạnh, không gian bí bách, nóng nực,… nhất là khi trong không gian ngủ của trẻ có các thiết bị điện tử như tivi, điện thoại, máy tính đang hoạt động.

3.5. Trẻ bị đói

Dạ dày của trẻ sơ sinh có kích thước khá nhỏ nên trẻ chỉ có thể chứa một lượng nhỏ thức ăn. Vì vậy, trẻ rất nhanh đói và khi trẻ đói, nếu trẻ không được bú kịp lúc, trẻ sẽ cảm thấy khó chịu, tỉnh giấc, quấy khóc và khó đi vào giấc ngủ sâu hơn.

3.6. Sự gián đoạn trong thói quen

Việc tập cho trẻ làm quen với những thói quen, dấu hiệu đến giờ ngủ như được tắm, gội, bế bồng hay cho ăn trước khi đi ngủ,… được xem là một cách giúp trẻ ngủ đúng giờ hơn. Nhưng vì một lý do nào đó, thời gian biểu của trẻ bị xáo trộn, trẻ sẽ cảm thấy không thoải mái và khó ngủ.

Thói quen ngủ bị thay đổi đột ngột
Thói quen ngủ bị thay đổi đột ngột có thể là nguyên nhân khiến trẻ khó ngủ.

3.7. Không cho con đi ngủ sớm ngay khi con có dấu hiệu muốn ngủ

Khi trẻ sơ sinh có các dấu hiệu buồn ngủ như chớp mắt liên tục, ngáp hay quấy khóc, nhăn nhó,… trẻ cần được cho ngủ ngay. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, mẹ bận rộn và chưa đưa trẻ ngủ kịp khiến trẻ bị quá giấc, mệt mỏi, khó ngủ và khó ngủ sâu hơn.

3.8. Không quen đi ngủ một cách độc lập

Việc thường xuyên tập cho trẻ ngủ khi được vỗ về, ôm ấp sẽ khiến trẻ hình thành thói quen phụ thuộc khi đi ngủ. Điều này sẽ khiến trẻ khó đi ngủ hơn khi phải tự ngủ một cách độc lập, thiếu vắng vòng tay của mẹ.

Trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc phải làm sao?

Để cải thiện tình trạng trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc, bố mẹ có thể theo dõi các biểu hiện đi kèm ở trẻ (nếu có), tìm ra nguyên nhân cụ thể, từ đó, thực hiện phương pháp điều trị phù hợp. Trong trường hợp trẻ khó ngủ, dễ thức giấc do bệnh lý hoặc nghi ngờ liên quan đến bệnh lý, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất…, trẻ cần được đưa đến bệnh viện để được hỗ trợ càng sớm càng tốt. Lúc này, tình trạng ngủ không sâu giấc của trẻ sơ sinh sẽ được khắc phục khi bệnh được điều trị dứt điểm.

Bên cạnh đó, mẹ nên tập cho trẻ phân biệt giữa giấc ngủ ban ngày và ban đêm. Vào ban ngày, mẹ nên cho trẻ tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên và không cần hạn chế tối đa tiếng ồn như giấc ngủ vào ban đêm. Lúc này, mẹ nên dành nhiều thời gian để trò chuyện, chơi đùa với trẻ. Ngược lại, vào ban đêm, mẹ nên tạo không gian yên tĩnh, ngừng các hoạt động kích thích trẻ trước khi trẻ vào giấc ngủ 2-3 giờ.

Mẹ nên tập cho trẻ thói quen ngủ vào đúng một khung giờ cố định, đồng thời, tránh tạo cho trẻ cảm giác phụ thuộc thông qua các hoạt động như bồng bế trẻ, cho trẻ nằm võng,… Việc sắp xếp khung giờ bú khoa học, tránh để trẻ quá đói hoặc quá no cũng là một cách để trẻ dễ ngủ hơn. Đặc biệt, mẹ nên chú ý bổ sung đủ dưỡng chất cho trẻ. Đối với trẻ sơ sinh, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chủ yếu nên khi mẹ giảm cân hay thực hiện chế độ ăn kiêng trong giai đoạn này sẽ khiến chất lượng nguồn sữa bị suy giảm, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần và sự phát triển của não bộ.

Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc trẻ và những vấn đề về sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ khoa Sơ sinh, bệnh viện đa khoa Tâm Anh theo địa chỉ:

Trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc, quấy khóc có thể được gây ra bởi các yếu tố chủ quan hoặc khách quan hoặc cả hai. Việc phát hiện sớm và có phương pháp khắc phục phù hợp sẽ giúp ngăn ngừa các hệ lụy nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ do tình trạng này gây ra. Nếu trẻ khó ngủ, ngủ dễ thức giấc không rõ nguyên nhân, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được kiểm tra càng sớm càng tốt.

Back to top button