Hỏi đáp

BÍ ẨN VỀ ANH HÙNG TRẦN QUỐC TOẢN

BÓP NÁT QUẢ CAM- LÁ CỜ THÊU SÁU CHỮ VÀNG

Trần Quốc Toản (1267 – 1285), hay Hoài Văn hầu hoặc Hoài Văn vương là một tông thất nhà Trần, sống ở thời kỳ trị vì của Trần Nhân Tông.

Ông nổi tiếng có công tham gia kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai và hi sinh anh dũng vang danh một thời. Sự tích về ông được đánh giá là hiển hách, thể hiện sự dũng mãnh và kiên định của một người trẻ tuổi trước sự ngoại xâm.

Câu chuyện của ông cũng được lưu truyền trong văn hóa Việt Nam hiện đại với hình ảnh “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, dựa vào điển tích ông tự thêu 6 chữ 破強敵報皇恩 (phá cường địch, báo hoàng ân) để trang bị cho quân đội của mình.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư hay An Nam chí lược đều không hề ghi chép về xuất thân của Trần Quốc Toản. Tuy nhiên, theo tài liệu nghiên cứu gần đây mà không rõ nội dung cũng như kiểm chứng, Trần Quốc Toản là con của Vũ Uy vương Trần Nhật Duy và Quận chúa Trần Ý Ninh , em gái của Phú Lương hầu Trần Tử Đức. Trần Tử Đức cùng vợ là Bùi Thiệu Hoa đều là anh hùng đã chặn giặc ở Phù Lỗ để cứu vua Trần Thái Tông, sử sách cảm thán trung liệt muôn đời.

Vũ Uy vương Trần Nhật Duy là con Trần Thái Tông được Huệ Túc Phu nhân Hoàng Thủy Thiên (vợ lẽ Trần Thái Tông) ví như Trương Phi thời Lưu Bị. Mẹ của Quốc Toản, Ý Ninh Quận chúa, từ nhỏ đã được luyện võ uy danh không kém gì danh tướng được giao cho làm tướng ở các quân đội quan trọng. Sau này bà lập công to, được phong làm Hồng Đức Trang Duệ Vũ Thắng Công chúa. Như vậy Trần Quốc Toản xuất thân rất cao quý, cha mẹ đều là kỳ tài danh tướng, từ nhỏ đã dũng mãnh hơn người.

Nếu nghiên cứu này đáng tin và chính xác, thì Trần Quốc Toản là cháu nội của Trần Thái Tông, là cháu gọi Trần Thánh Tông bằng bác và là em họ của Trần Nhân Tông.

Tháng 10 năm 1282, vua Trần Nhân Tông mở hội nghị Bình Than, cùng vương hầu, trăm quan bàn kế chống quân Nguyên. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Vua thấy Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, Hoài Nhân Vương Kiện đều còn trẻ tuổi, không cho dự bàn. Quốc Toản trong lòng hổ thẹn, phẫn khích, tay cầm quả cam, bóp nát lúc nào không biết. Sau đó Quốc Toản lui về, huy động hơn nghìn gia nô và người nhà thân thuộc, sắm vũ khí, đóng chiến thuyền, viết lên cờ sáu chữ:”Phá cường địch, báo hoàng ân” (破強敵,報皇恩; phá giặc mạnh, báo ơn vua). Sau này, khi đối trận với giặc, tự mình xông lên trước quân sĩ, giặc trông thấy phải lui tránh, không dám chống lại.

Tháng 4 năm 1285, Trần Nhân Tông sai Chiêu Thành vương (khuyết danh), Hoài Văn hầu Quốc Toản cùng tướng quân Nguyễn Khoái đem tiệp binh đón đánh quân Nguyên ở bến Tây Kết.

Ngày 10 tháng 5 năm đó, có người về báo cho Lưỡng Cung là Thượng tướng Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải, Hoài Văn hầu Quốc Toản và Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp cùng em là Nguyễn Truyền đem dân binh các lộ đánh bại quân giặc ở các xứ Kinh Thành, Chương Dương. Quân giặc tan vỡ lớn… Thoát Hoan, Bình chương A Lạt phải rút chạy qua sông Lô.

Trong các sử sách của Việt Nam như Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, Việt sử tiêu án và các quyển sử soạn gần đây như Việt sử tân biên của Phạm Văn Sơn, Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, Trần Hưng Đạo của Hoàng Thúc Trâm đều không thấy đề cập đến cái chết của Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản. Chỉ có Đại Việt sử ký toàn thư bản kỷ quyển V có viết: “… Đến khi mất, vua rất thương tiếc, thân làm văn tế, lại gia phong tước Vương”.

Nhưng các quyển sử của nhà Nguyên lại có đề cập đến cái chết của ông. Phần An Nam truyện của Nguyên sử, tờ 8a10 có ghi: “Quan quân đến sông Như Nguyệt, thì Nhật Huyên sai Hoài Nhân vương đến đánh..”. Phần Kinh thế đại điển tự lục trong Nguyên văn loại, 41 tờ 27b 1-2 có viết:”… Đến sông Như Nguyệt, Nhật Huyên sai Hoài Nhân vương đến đuổi thì bị giết”. Hoài Nhân vương là anh họ (con vua Trần Thánh Tông) của Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản.

Nguồn:

Đại Việt sử ký toàn thư,

Quốc sử viện triều Lê

Back to top button