Hỏi đáp

Phân biệt giữa tố cáo hành vi vi phạm pháp luật và phản ánh hành vi vi phạm pháp luật 12/11/2021 09:38:00 14684

Thuật ngữ tố cáo, phản ánh là hai thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, các văn bản hành chính, văn bản quy phạm pháp luật. Trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được sử dụng để phân loại, phân biệt giữa tố cáo và phản ánh. Thực tiễn cho thấy, việc phân loại đơn phản ánh, đơn tố cáo thường có sự nhầm lẫn với nhiều nguyên nhân khác nhau, dẫn đến ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết tố cáo, phản ánh hiện nay, nhất là trong việc xử lý, giải quyết giữa tố cáo hành vi vi phạm pháp luật với phản ánh hành vi vi phạm pháp luật.

Theo quy định Nghị định 20/2008/NĐ-CP về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính (được hợp nhất tại Văn bản số 10271/VBHN-VPCP ngày 27/9/2017 của Văn phòng Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính) quy định về thuật ngữ “phản ánh” như sau: “Phản ánh là việc cá nhân, tổ chức có ý kiến với cơ quan hành chính nhà nước về những vấn đề liên quan đến quy định hành chính, bao gồm: những vướng mắc cụ thể trong thực hiện; sự không hợp pháp, không hợp lý, không đồng bộ, không thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và những vấn đề khác” (khoản 3 Điều 3 Văn bản hợp nhất số 10271/VBHN-VPCP)

Về thuật ngữ “tố cáo”, theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018: “Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm: Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực”.

Về mục đích, tố cáo hướng tới mục đích là để xử lý những người có hành vi vi phạm pháp luật; ngăn ngừa những hậu quả có thể xảy ra gây thiệt hại cho cá nhân, cho xã hội nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chung hợp pháp. Phản ánh là việc công dân thông tin, đưa ra, bày tỏ quan điểm và đề xuất với các cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét lại, điều chỉnh lại hoặc xử lý kịp thời những sự việc phát sinh làm ảnh hưởng đến các hoạt động hành chính hoặc gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp trong đời sống xã hội của công dân, tập thể, tổ chức, doanh nghiệp.

Về chủ thể: tố cáo là việc cá nhân khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức khác báo với cá nhân, tổ chức có thẩm quyền. Phản ánh là việc công dân, cơ quan, tổ chức khi thấy những hành vi làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động hành chính hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, cá nhân, tổ chức khác thì thông tin, đề xuất với các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp, kịp thời xử lý những vấn đề nêu trên, hạn chế hậu quả ảnh hưởng xảy ra với cá nhân, tổ chức, nhà nước và xã hội.

Về đối tượng, tố cáo luôn xác định rõ đối tượng có hành vi vi phạm; pháp luật quy định khi tố cáo phải có chứng cứ, tài liệu chứng minh nội dung tố cáo hành vi sai phạm đó. Phản ánh có thể không xác định rõ người có hành vi sai phạm, địa điểm cụ thể, thời gian xảy ra của hành vi bị phản ánh; không có chứng cứ, tài liệu chứng minh và cũng không có nghĩa vụ phải chứng minh.

Về trách nhiệm, người tiếp nhận nội dung tố cáo có trách nhiệm xử lý, giải quyết nội dung tố cáo nếu thuộc thẩm quyền hoặc chuyển đến cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định. Đối với phản ánh, trong một số trường hợp, thông tin phản ánh chỉ mang tính tham khảo; việc tiếp nhận, giải quyết phản ánh do người đứng đầu cơ quan, tổ chức xem xét, quyết định.

Đối với hành vi hành chính được hiểu là hành vi của cơ quan hành chính Nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính Nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật (khoản 3 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính năm 2015)

Từ khái niệm và phân tích trên được hiểu: Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật là việc cá nhân hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục luật định báo, cung cấp hoặc đưa ra các thông tin về một hành vi, việc làm vi phạm pháp luật của bất kỳ cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị nào cho cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước biết để ngăn ngừa, giải quyết và xử lý theo quy định của pháp luật. Phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức nêu lên, đưa ra hoặc trình bày ý kiến, quan điểm, suy nghĩ về một hành vi, việc làm của cơ quan, đơn vị, tổ chức nào đó mà họ cho rằng không hợp pháp, không hợp lý hoặc trái quy định của pháp luật.

Về bản chất, thì tố cáo hành vi vi phạm pháp luật và phản ánh hành vi vi phạm pháp luật có mối quan hệ và có nội hàm bao trùm nhau. Cả hai khái niệm này đều thể hiện việc đưa thông tin đến cơ quan, người có thẩm quyền, chỉ khác nhau về mức độ của mục đích hành động. Tố cáo thể hiện mong muốn của người tố cáo đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể vì lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc lợi ích của Nhà nước, của cộng đồng. Còn phản ánh chỉ là việc cung cấp thông tin, hay nói cách khác nó chính là việc cung cấp thông tin, đưa thông tin đến cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để biết được thực trạng về tổ chức, hoạt động có liên quan đến trách nhiệm hay phạm vi quản lý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân này.

Hiện tại, pháp luật Việt Nam quy định điều kiện xử lý, gồm: đơn đủ điều kiện xử lý và đơn không đủ điều kiện xử lý (khoản 2 Điều 6 Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định Quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh). Theo đó đơn đủ điều kiện xử lý là: Đơn dùng chữ viết là tiếng Việt; trường hợp đơn được viết bằng tiếng nước ngoài thì phải kèm bản dịch được công chứng; đơn được ghi rõ ngày, tháng, năm viết đơn; họ, tên, địa chỉ của người viết đơn; có chữ ký hoặc điểm chỉ của người viết đơn. Đơn tố cáo ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; cách thức liên hệ với người tố cáo và các thông tin khác có liên quan. Đơn kiến nghị, phản ánh ghi rõ nội dung kiến nghị, phản ánh.

Đối với đơn tố cáo, Luật Tố cáo năm 2018 quy định: việc xử lý ban đầu thông tin tố cáo, kiểm tra, xác minh thông tin về người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo; trường hợp đơn tố cáo không đủ điều kiện thụ lý thì không thụ lý tố cáo và thông báo ngay cho người tố cáo biết lý do không thụ lý tố cáo (Điều 24 Luật Tố cáo năm 2018). Tuy nhiên, đối với những đơn tố cáo không đủ điều kiện thụ lý (như: nặc danh, mạo danh…), Luật Tố cáo năm 2018 gọi đây là “thông tin có nội dung tố cáo” (khoản 2 Điều 25), với cách gọi này có thể xếp đơn tố cáo nặc danh, mạo danh vào dạng đơn phản ánh và xử lý như sau: Trường hợp thông tin có nội dung tố cáo rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý. Nhưng dù được giải quyết hay không giải quyết thì tố cáo nặc danh, mạo danh vẫn là tố cáo.

Như vậy, pháp luật quy định tố cáo hành vi vi phạm pháp luật và phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật có những điểm khác biệt. Nếu nhìn nhận và pháp luật thừa nhận tố cáo ở phạm vi rộng thì phản ánh hành vi vi phạm pháp luật là tố cáo hành vi vi pháp luật, hay là một dạng của tố cáo hành vi vi phạm pháp luật. Nếu nhìn nhận và pháp luật thừa nhận tố cáo ở phạm vi hẹp, thì một phần tố cáo hành vi vi pháp luật được coi là phản ánh về hành vi vi pháp luật./.

Mạnh Hùng

Back to top button