Văn học

Đọc hiểu Đừng sợ mình sai, đừng tin mình đúng

Trả lời câu hỏi Đọc hiểu Đừng sợ mình sai, đừng tin mình đúng: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích. Theo đoạn trích, thế nào là làm tròn “sứ mệnh” của mình? Chỉ ra sự tương đồng và sự khác biệt giữa “sứ mệnh” của ông già Noel, siêu nhân, anh hùng với “sứ mệnh” của người ca sĩ, người công nhân vệ sinh môi trường được nêu trong đoạn trích.

Đọc đoạn trích sau:

Ông già Noel hiện diện để phát quà cho trẻ em lễ Giáng sinh. Siêu nhân, anh hùng tồn tại để giải cứu thế giới. Một vài người sinh ra để lãnh đạo đất nước, chiến đấu cho hoà bình nhân loại, hay cống hiến vì thiên nhiên môi trường. Thế còn bạn, đã bao giờ tự hỏi “sứ mệnh” của mình là gì khi tồn tại trên cuộc đời này chưa?

Tôi từng gặp nhiều bạn trẻ đang ngơ ngác đi tìm mục tiêu sống. Tôi cũng gặp cả những người thành công, giàu có nhưng vẫn mãi trăn trở với hai chữ “sứ mệnh”. Mỗi ngày lên mạng, đập vào mắt là vô vàn những slogan cổ vũ con người tiến lên, vô vàn những khoá học phát triển bản thân. Nhưng tiến đi đâu được, nếu ngay cả bản thân còn mơ hồ với đích đến? Sứ mệnh không phải món quà ai đó ngoài kia đến đặt vào tay bạn, cũng không phải là điều gì viển vông, xa xôi ngoài tầm với. Bạn biết bạn là ai, có năng lực gì, điểm mạnh yếu là gì, bạn dùng năng lực để xây dựng cuộc sống tốt đẹp cho bản thân, và lấy chính những điều đó chia sẻ lại cho cộng đồng. Một ca sĩ có sứ mệnh dùng giọng hát của mình mang niềm vui cho người khác. Một người công nhân vệ sinh môi trường lại có sứ mệnh giúp xã hội sạch sẽ, đẹp đẽ hơn. Sứ mệnh vốn không phải thứ cao xa, không cần phải sao chép của bất cứ ai. Bạn tìm được giá trị của mình và lan toả, thì đó là cống hiến, là làm tròn “sứ mệnh” của mình rồi.

(Trích Đừng sợ mình sai, đừng tin mình đúng, Night-fly, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2020, tr 46)

Đọc hiểu Đừng sợ mình sai, đừng tin mình đúng

Đọc hiểu Đừng sợ mình sai, đừng tin mình đúng

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Theo đoạn trích, thế nào là làm tròn “sứ mệnh” của mình?

Câu 3. Chỉ ra sự tương đồng và sự khác biệt giữa “sứ mệnh” của ông già Noel, siêu nhân, anh hùng với “sứ mệnh” của người ca sĩ, người công nhân vệ sinh môi trường được nêu trong đoạn trích.

Câu 4. Rút ra một thông điệp có ý nghĩa với anh/chị.

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích là: nghị luận (bàn về sứ mệnh của mỗi con người)

Câu 2. Theo đoạn trích: “tìm được giá trị của mình và lan toả, thì đó là cống hiến, là làm tròn “sứ mệnh” của mình rồi”

Câu 3. Sứ mệnh” của ông già Noel, siêu nhân, anh hùng với “sứ mệnh” của người ca sĩ, người công nhân vệ sinh môi trường được nêu trong đoạn trích có:

– Sự tương đồng: đều là sống cống hiến, đem giá trị của bản thân mình để phục vụ xã hội và lan tỏa những điều tốt đẹp đến với mọi người. Những sứ mệnh này thật đẹp đẽ cần được nhân rộng.

– Sự khác biệt:

+ “Sứ mệnh” của ông già Noel, siêu nhân, siêu anh hùng là những người có tầm vóc lớn lao với sức mạnh phi thường mà người bình thường không có được (chỉ có trong tưởng tượng của con người, không có trong thực tế).

+ “Sứ mệnh” của người ca sĩ, người công nhân vệ sinh môi trường là những người thật, việc thật, họ đem tiếng hát cho đời, làm những công việc lặng thầm (dọn rác), bình dị và nhỏ bé nhờ khả năng và sự cố gắng của mình để cống hiến cho xã hội.

Câu 4. Thông điệp của đoạn trích là: Mỗi người trong chúng ta hãy làm tròn và hoàn thành sứ mệnh của mình. Cho dù ta là ai, là người nổi tiếng hay bình thường, không phân biệt cao thấp, giàu nghèo, chúng ta đều có giá trị riêng của mình. Và hãy đem giá trị đó để phục vụ và cống hiến cho xã hội, đó là đã làm tròn sứ mệnh của mình rồi.

Trên đây Topbee đã mang tới cho các bạn những kiến thức bổ ích qua bài Đọc hiểu Đừng sợ mình sai, đừng tin mình đúng. Hi vọng những kiến thức trên sẽ giúp các bạn đạt được kết quả cao trong học tập.

Back to top button