Văn học

BÀI THƠ “ÔNG ĐỒ” CỦA VŨ ĐÌNH LIÊN

Trong dòng chảy của thi ca Việt Nam, mùa xuân đã đi vào vô vàn các tác phẩm thơ và nhạc của những nghệ sĩ tài danh từ truyền thống đến hiện đại, từ xưa đến nay và trở thành một dòng chảy dạt dào với nhiều cung bậc cảm xúc phong phú về nội dung biểu đạt. Phong trào Thơ mới ra đời đã thu hút sự quan tâm và chú ý của nhiều thi nhân. Mỗi thi nhân đến với văn đàn đã góp một tiếng nói riêng để làm nên bức tranh thi ca đầy màu sắc cho phong trào văn học lúc bấy giờ. Vũ Đình Liên là một trong những nhà thơ lớp đầu tiên của phong trào Thơ mới. Ông sinh năm 1913 và mất năm 1996, quê gốc ở Hải Dương. Dù là nhà thơ của phong trào thơ Mới, có nhiều cách tân trong sáng tác nhưng ông là nhà thơ mang nặng lòng thương người và niềm hoài cổ. Những bài thơ hiếm hoi được biết đến của ông đều mang nặng nỗi niềm hoài cổ, về luỹ tre xưa, về thành quách cũ và “những người muôn năm cũ”. Tuy sáng tác không nhiều nhưng với bài thơ Ông đồ, Vũ Đình Liên đã có vị trí xứng đáng trong phong trào Thơ mới. Bài thơ được sáng tác trong bối cảnh những năm đầu thế kỉ XX, nền Hán học và chữ nho ngày càng mất vị thế quan trọng trong đời sống văn hóa Việt Nam. Chế độ khoa cử phong kiến bị bãi bố và các nhà nho, từ chỗ là nhân vật trung tâm của đời sống văn hoá dân tộc, được xã hội tôn vinh, bỗng trở nên lạc bước trong thời đại mới, bị cuộc đời bỏ quên và cuối cùng là vắng bóng. Bài thơ đã thể hiện sâu sắc niềm cảm thương chân thành trước một lớp người đang tàn tạ và nỗi tiếc nhớ cảnh cũ người xưa của nhà thơ. Ấn tượng với bài thơ còn là những tinh tế trong việc chắt lọc, khéo léo sử dụng ngôn từ và hình ảnh của tác giả, đã góp phần gợi cảm xúc và tâm tư trong người đọc. Bài thơ là tiếng lòng của một tri thức Tây học trẻ tuổi nhìn về quá khứ khi Nho học đi đến hồi kết . Đó cũng là cái nhìn nhân hậu với quá khứ và với những giá trị truyền thống của dân tộc dần bị xao lãng. Vì thế mà tiếng lòng ấy đã tìm được tiếng nói tri âm trong lòng khán giả như hai nhà nghiên cứu và phê bình Hoài Thanh, Hoài Chân đã đánh giá đây là “bài thơ kiệt tác”.

Ảnh minh họa (tư liệu)

Mở đầu bài thơ tác giả đã đưa vào đó hình ảnh ông đồ thật thân thuộc nhưng chỉ là hình ảnh hiện lên trong dòng suy tưởng, hoài niệm của nhà thơ

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua

Trong không khí vui tươi, nhộn nhịp của ngày tết đến xuân về, hình ảnh ông đồ già quen thuộc với mực tàu và giấy đỏ lại ngồi ở một góc đường để chờ người đến thuê viết những câu thơ, câu đối mang về treo trang trí trong nhà làm vật cầu phúc, lấy may đầu năm. Xưa nay chỉ có người cho chữ chứ có ai bán chữ bao giờ đâu. Vậy mà giờ đây cùng với sự đi xuống của nền văn học Nho giáo, tiếp xúc với chữ Hán nhiều, thi và đỗ đạt những bằng vị được công nhận. Những người không có danh như ông đồ đây phải đem chữ ra bán để có thể kiếm sống bằng nghề viết thuê. Ông đồ là người có khả năng viết chữ Nho điêu luyện, chữ nho là loại chữ đầy hình tượng giàu ý nghĩa. Vào những ngày tết âm lịch đặc biệt quan trọng của đất nước, chính khoảnh khắc này ông đồ mới có cơ hội thể hiện tài năng của mình qua công việc ý nghĩa này. Đồ nghề của ông đơn giản chỉ là mực tàu, giấy đỏ, cùng kiến thức. Hình ảnh ông đồ hoà trong không khí vui tươi của ngày tết với sự thân thương gợi lại sự an lành. Tuy là bán chữ nhưng lúc này ông đồ cũng còn an ủi bởi mọi người còn thích nét chữ hình tượng ấy để trang trí trong ngày tết nên mới có:

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài

Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa rồng bay

Sự giản dị mang theo những phẩm chất quý báu của mình khiến ông thu hút được nhiều người. Họ muốn xin chữ, xin cái đẹp từ ông. Ông cũng rất ấm lòng khi nghe được những câu mang nghĩa “tấm tắc khen tài”, sự trân trọng trong từng con chữ khiến cho “bao nhiêu người thuê viết” với ý nghĩa to lớn vừa học để có kiến thức, học chữ Nho để làm người quan trọng nhất là đề cao mối quan hệ của mỗi con người và năm đức tính cần có thông qua việc học chữ, đó là: Nhân, Nghĩa, Lễ Trí, Tín, qua đó hướng con người đi theo một con đường tốt đẹp nhất. Các câu thơ tiếp theo để miêu tả rõ nhất sự tài năng của ông đồ. Và người có nhiều hoa tay không chỉ viết chữ, mà họ còn tạo ra được cả một tác phẩm như một bức tranh mang nhiều ý nghĩa nghệ thuật.Hình ảnh ông đồ ngồi khoan thai, bàn tay nhẹ nhàng múa lượn những nét bút đưa lên dứt khoát, điêu luyện đến từng chi tiết “nét thanh, nét đậm, nét xổ”, thanh thoát theo từng chữ như “Rồng bay phượng múa” càng thấy sự phóng khoáng, nhưng không hề mất tính chính xác trong phong cách viết chữ Nho để treo tết, viết một tác phẩm để đời. Dân gian ta có câu “Nét chữ nết người” là thể hiện được cái tài, cái tâm qua những nét bút tinh tế, chất chứa tâm hồn tinh hoa, khát vọng, lý tưởng phong cách sống đĩnh đạc của những Ông đồ. Con chữ ông viết muôn hình muôn kiểu không lẫn, không trùng lặp là cả một sự sáng tạo không ngừng từ con người trí thức ấy. Và đoạn thơ chưa dừng lại ở sự vui tươi, có một chút trầm lắng xuống ở đoạn 3 chính là tiếp nối dòng suy nghĩ giữa quá khứ với hiện tại.

Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu

Giâý đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu

Giấy đỏ, nghiên mực, hành trang gắn liền với kẻ sĩ trên hành trình sáng tạo ra cái đẹp nhưng giờ đây cũng lặng lẽ, ủ ê trong nỗi buồn ế khách của ông đồ.Khổ thơ này là sự hụt hẫng trong ánh mắt kiếm tìm “ người thuê viết nay đâu” là nhịp thời khắc khoải đến đau lòng “ mỗi năm mỗi vắng” . Sự tàn lụi của nên văn hoá Nho giáo là một điều tất yếu, cái mới sẽ thay thế cái cũ, ánh hào quang nào trước sau cũng dần vụt tắt, bị lãng quên, bị thờ ơ trong dòng đời vất vả nhưng kế mưu sinh, những hiện thực phũ phàng cũng khiến cho lớp hậu nhân như Vũ Đình Liên không khỏi ái ngại , tiếc thương khi trước mặt mình là một cảnh vật hoang vắng, đượm buồn. Trong sắc phai bẽ bàng của giấy, sự kết đọng lạnh lòng của mực tự thân nó đã dâng lên một nỗi buồn tủi. Giấy bẽ bàng, buồn tủi, đỏ mà cứ phai dần, nhạt nhẽo không thắm lên được, mực không được bút lòng chấm vào, mực cũng đọng lại như giọt lệ khóc. Là ngoại cảnh nhưng cũng là tâm cảnh, một nỗi buồn thấm thía khiến cho vật vô tri vô giác cũng nhuốm màu buồn sầu như chủ nhân của chúng một mình biết, một mình buồn, trĩu nặng những ưu tư xót xa của thời thế thay đổi.

Ông đồ vẫn ngồi đây

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi bay

Bằng hi vọng mong manh còn lại, chút gắng gỏi vì miếng cơm manh áo, ông đồ vẫn kiên nhẫn ngồi đợi. Nhưng đáp lại sự đợi chờ vô vọng đó là những bóng dáng tấp nập qua lại của mọi người, hờ hững quên đi sự hiện diện của ông. Ngày xuân trước là phố đông với bao người thuê viết thì nay đã vắng . Ngày trước, họ tấm tắc ngợi khen tài thì bây giờ vẫn những con người đó nhưng qua đường không ai hay; thân quen thành xa lạ. Ngày trước, họ trầm trồ thán phục nay họ dửng dưng lạnh nhạt, tình thế đã đảo ngược, tình đời đã đổi thay. Ông đồ bỗng trở nên đơn côi, lạc lõng đến tội nghiệp giữa cái xô bồ, ồn ào của nền văn minh lạnh lùng kiểu đô thị dù ông vẫn muốn có mặt với đời. Từng đợt lá vàng rơi xuống đường, rơi trên giấy không nghe thấy tiếng cùng ánh mắt thẫn thờ như ngơ ngác trông ra màn mưa bụi mịt mờ không làm ướt áo ai thật ám ảnh, khiến cho người dâng lên bao nỗi xót xa đánh động vào lương tri của mỗi người. Không gian hoang vắng đến thê lương. Quá khứ vàng son của ông đồ nay đâu còn nữa. Ông và những người như ông dường như đang lỡ nhịp nhạc lạc bước giữa mênh mông, gió cuốn, sóng xô của cơn bão táp đô thị hoá. Ông chỉ là cái bóng vô hồn, tiều tụy đáng thương của một thời tàn. Một mùa xuân mới lại đến nhưng sao nó lạ quá, có hoa đào nở, nhưng ông đồ thân thuộc đã đi đâu mất rồi?

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

Hình ảnh ông đồ đã thật sự nhoà đi theo thời gian trong ký ức của con người. Tết đến, không thấy ông đồ xưa, trên đường phố vẫn tấp nập người qua lại nhưng, ông đồ với mực tàu giấy đỏ đã vắng bóng rồi. Hình ảnh ông đồ đã đi vào quá khứ. Trong sự khắc nghiệt của thời gian con tạo xoay vần, vật đổi sao dời, ông đồ cố giơ đôi tay gầy guộc để bám lấy cuộc đời. Nhưng một con én không tạo được mùa xuân thì một ông đồ già cũng không làm sao xoay lại nên cảnh đời. Ông đã không còn kiên nhẫn để bám lấy cuộc sống phũ phàng ấy nữa. Ông ra di để lại sau lưng quá khứ huy hoàng của một thời vang bóng. Bài thơ kết thúc là lời tự vấn của nhà thơ với nỗi bâng khuâng thương tiếc ngậm ngùi.

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ ?

Hai câu thơ như một nén nhang tưởng niệm về một thời đại vàng son của nền Nho học vốn là truyền thống của nền văn hoá dân tộc. Những người muôn năm cũ không còn nữa nhưng hương hồn họ, giá trị mà họ đã góp phần vào cuộc sống tinh thần của đất nước giờ đang ở đâu? Câu hỏi ấy vương vấn mãi trong lòng tác giả cũng như trong lòng người đọc. Bài thơ tuy ngắn ngủi nhưng lại mang nhiều hàm xúc, cô đọng và chứa đựng bao niềm đồng cảm xót thương đối với những kiếp người tàn trong xã hội. “ Ông đồ “ là một bài thơ với nhân vật chính là ông đồ già nhưng qua bài thơ tác giả muốn phản ánh hiện thực xưa và nay, cái cũ thay thế cái mới bản sắc dân tộc dần bị mất đi. Tác giả muốn gợi dậy trong tâm thức người đọc một nét đẹp văn hoá một thời vang bóng. Là một bài thơ về xuân nhưng lại mang vẻ đượm buồn, sâu lắng qua đó thể hiện hình ảnh xuân từ trung đại đến hiện đại. Trung đại vẻ đẹp của mùa xuân đều in dấu trong thơ của danh gia. Mùa xuân khi ấy mang một vẻ nhẹ nhàng nhưng căng tràn sức sống,nó được ẩn chứa trong những tác phẩm của các tác giả nổi tiếng. Còn trong thơ Hiện đại sức sống của mùa xuân thể hiện, bộc lộ rõ hơn ra bên ngoài, là bầu không khí náo nhiệt hơn, tươi vui hơn và đầy nhiệt huyết. Phải chăng, với mỗi chặng đường thi ca, mùa xuân và những cái Tết để lại dấu ấn khác nhau. Nhưng tựu chung lại vẫn là hồn dân tộc, vẫn là sức sống của mùa xuân và sự cảm thông, chia sẻ, trân trọng những thân phận, kiếp người. Mùa xuân ấy, niềm vui ấy như khởi phát tự lòng người.

Mùa xuân vốn dĩ đã là một đối tượng thẩm mĩ của văn chương. Nhưng để trở thành một trường thẩm mĩ thực sự với tư cách là thước đo của thời gian, hạn định của không gian và niềm hy vọng vào viễn cảnh tươi sáng của con người thì là cả một hành trình dài. Trên con đường ấy ta đã gặp biết bao tác phẩm được kí thác lại từ những tận cảm, đồng điệu của văn nhân xưa và nay trong thời khắc xuân sang.

Ngô Thị Hải Anh – 11a5 k31

Trường THPT sô 2 Bảo Thắng.

Back to top button