Hỏi đáp

U mỡ (lipoma) là gì? Nguyên nhân do đâu? Khối u mỡ có nguy hiểm không?

U mỡ là hiện tượng tăng sinh mô mỡ tích tụ dưới da, cứ 1.000 người có khoảng 1 người gặp tình trạng này. Bất cứ ai cũng có thể mắc u mỡ nhưng phổ biến từ 40 – 60 tuổi. U mỡ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng gây mất thẩm mỹ nếu xuất hiện ở cổ, cánh tay, trán. Vậy u mỡ là gì? Nguyên nhân do đâu? Khối u mỡ có nguy hiểm không?

u mỡ

U mỡ là gì?

U mỡ là một khối tăng sinh mô mỡ nằm giữa da và lớp cơ bên dưới, phát triển chậm, khi sờ vào có cảm giác chắc, không cứng, dễ dàng di chuyển khi ấn nhẹ ngón tay. U mỡ thường xuất hiện ở lưng, cánh tay, vai, cổ. Mỡ là một thành phần của da (mô mỡ còn được gọi là hạ bì). Bệnh gặp nhiều ở tuổi trung niên, 1 người có thể có nhiều u mỡ.

U mỡ không phải ung thư và thường vô hại, có thể không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu u mỡ gây đau, khó chịu hoặc phát triển lớn làm mất thẩm mỹ, giới hạn vận động, cản trở sinh hoạt thường ngày (ví dụ như u mỡ ở lưng, nếu to sẽ khó chịu khi nằm, dựa lưng…) thì nên đến bệnh viện nhờ bác sĩ can thiệp, loại bỏ sớm. (1)

Nguyên nhân gây u mỡ

U mỡ có thể do di truyền. Bên cạnh đó, một số yếu tố sau có thể dẫn đến quá trình hình thành u mỡ: (2)

  • Bệnh Dercum (hội chứng Adiposis dolorosa hoặc hội chứng Anders) là 1 chứng rối loạn hiếm gặp khiến u mỡ phát triển, gây đau, khó chịu, thường gặp ở cánh tay, chân và thân.
  • Hội chứng Gardner: dạng rối loạn được gọi là đa polyp gia đình (FAP), hội chứng Gardner gây u mỡ và 1 loạt các vấn đề sức khỏe khác.
  • Đa u mỡ di truyền: còn gọi là đa u mỡ gia đình, rối loạn chủ yếu do di truyền.
  • Bệnh Madelung: thường gặp ở nam giới hay uống rượu, còn gọi bệnh u mỡ đa đối xứng. Bệnh khiến u phát triển quanh vai và cổ.
  • Người từ 40 – 60 tuổi: dù u mỡ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường phổ biến nhất ở nhóm tuổi này.

Triệu chứng bệnh u mỡ

U mỡ thường không gây đau và có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể, với những triệu chứng như:

  • Nằm ngay dưới da: u mỡ thường xuất hiện ở cổ, vai, lưng, bụng, cánh tay và đùi.
  • Mềm và nhão khi chạm vào. Bên cạnh đó, u mỡ có thể di chuyển dễ dàng khi ấn nhẹ ngón tay.
  • Kích thước nhỏ: u mỡ thường có đường kính dưới 5cm. Ở một số trường hợp, u mỡ có thể phát triển với kích thước lớn.
  • Gây đau: u mỡ có thể gây đau nếu phát triển và đè lên các dây thần kinh gần đó hoặc u chứa nhiều mạch máu.
  • U mỡ không lây lan sang các mô xung quanh.
  • Có hình tròn hoặc bầu dục.
triệu chứng bệnh u mỡ
U mỡ là một khối mỡ nằm giữa da và lớp cơ bên dưới, phát triển chậm.

Các loại u mỡ Lipoma và vị trí thường gặp

1. Các loại u mỡ

Tất cả u mỡ đều được hình thành từ chất béo. Một số u mỡ chứa mạch máu hoặc các mô khác. Các loại u mỡ thường thấy gồm:

  • Angiolipoma (hay u mạch máu): khối u nhỏ, lành tính, có chứa các mạch máu và phát triển dưới da, thường gặp ở người từ 20 – 30 tuổi. Angiolipoma xuất hiện ở cẳng tay và gây đau khi chạm vào.
  • U mỡ thông thường: đây là loại phổ biến nhất, u mỡ thông thường chứa các tế bào mỡ trắng – loại tế bào hay dự trữ năng lượng.
  • Fibrolipoma: biến thể mô học của u mỡ, chủ yếu ảnh hưởng đến niêm mạc miệng và gây ra các khuyết tật về chức năng và thẩm mỹ.
  • Hibernoma: loại u mỡ chứa chất béo màu nâu, trong khi hầu hết các u mỡ khác đều chứa chất béo trắng. Các tế bào mỡ nâu tạo ra nhiệt, giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể.
  • Myelolipoma: khối u lành tính, hiếm gặp ở tuyến thượng thận và thường không có triệu chứng. Những u mỡ này chứa chất béo và các mô tạo ra các tế bào máu.
  • U mỡ tế bào trục chính: loại u mỡ hiếm gặp, phát triển dưới da, thường thấy ở vai hoặc sau gáy.
  • U mỡ đa hình: loại u mỡ này có các tế bào mỡ với nhiều kích cỡ và hình dạng khác nhau.

2. Vị trí khối u mỡ thường gặp

U mỡ có thể phát triển ở bất cứ nơi nào trên cơ thể nhưng hiếm khi xuất hiện trên cơ, cơ quan nội tạng hoặc não. Phần lớn người mắc bệnh chỉ có 1 u mỡ. Ở một số trường hợp, người bệnh có thể có nhiều hơn 1 u mỡ. Các vị trí u mỡ thường xuất hiện gồm:

  • Cánh tay hoặc chân.
  • Sau gáy.
  • Cổ.
  • 2 vai.
  • Ngực và thân.
  • Trán.

U mỡ có nguy hiểm không?

Đa phần, u mỡ đều lành tính, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Song, người bệnh không nên chủ quan mà chậm trễ điều trị. Ngay khi thấy khối u hoặc nốt sưng xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể, nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

U mỡ hiếm khi gây đau, lành tính nên khiến nhiều người chủ quan. Nếu để u phát triển với kích thước lớn có thể chèn ép vào các dây thần kinh, ảnh hưởng đến mạch máu và là yếu tố gây nhiều bệnh khác. Do đó, ngay khi cơ thể xuất hiện khối u, cục u hoặc nốt sần dưới da, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra nhằm loại trừ các tình trạng nghiêm trọng, chẳng hạn như liposarcoma – 1 nhóm ung thư rất hiếm, thường gặp ở các tế bào mỡ cánh tay và chân. Các triệu chứng của liposarcoma tương tự như dấu hiệu của u mỡ.

Ngoài ra, cần đến gặp bác sĩ khi u mỡ có những dấu hiệu sau:

  • U mỡ đau đột ngột.
  • Kích thước u phát triển nhanh chóng.
  • U cứng và không di chuyển dễ dàng khi chạm vào. Bác sĩ sẽ kiểm tra khối u mỡ để xem có mạch máu hay không, đây có thể là dấu hiệu của 1 loại u mỡ gây đau hiếm gặp (u mỡ angiolip).
u mỡ có nguy hiểm không
U mỡ thường không gây đau và có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể.

Cách chẩn đoán khối u mỡ Lipoma

Để chẩn đoán u mỡ, bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng lâm sàng như: chạm vào u mỡ xem có mềm hoặc có đau hay không. Bên cạnh đó, để có kết quả chính xác nhất, bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm phần mềm (xác định đó là u mỡ, u nang u quái…), siêu âm giúp xác định vị trí, độ sâu của u, hiện tượng tăng sinh mạch máu và có hiện tượng chèn ép vào dây thần kinh hoặc các mô khác.

Nếu nghi ngờ thì bác sĩ sẽ thực hiện sinh thiết khối u nhằm xác định bản chất khối u (u lành hay u ác/ung thư). Ở phương pháp này, bác sĩ sẽ lấy 1 mẫu u mỡ nhỏ và xem xét mô bệnh học dưới kính hiển vi.

Cách điều trị u mỡ

Hầu hết, các u mỡ lành tính, không cần điều trị. Tuy nhiên, u mỡ nên được loại bỏ sớm hoặc khi chúng gây khó chịu, đau đớn, phát triển với kích thước lớn. Phương pháp điều trị u mỡ gồm:

  • Phẫu thuật cắt bỏ: đa phần, các u mỡ đều được phẫu thuật cắt bỏ. U mỡ sau phẫu thuật thường không tái phát. Tác dụng phụ có thể xảy ra như sẹo, bầm tím. Kỹ thuật chiết xuất cắt bỏ tối thiểu có thể ít để lại sẹo.
  • Hút mỡ: phương pháp điều trị này sử dụng kim và ống tiêm lớn để loại bỏ u mỡ.

Cách phòng ngừa u mỡ Lipoma

U mỡ có thể do di truyền. Người bệnh có thể giảm nguy cơ phát triển Madelung (tình trạng khiến u mỡ phát triển) bằng cách hạn chế uống rượu. Ngoài ra, u mỡ có thể phòng ngừa bằng các cách sau:

  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, chăm luyện tập thể dục thể thao.
  • Hạn chế dung nạp nhiều đường.
  • Thường xuyên kiểm tra cơ thể nhằm sớm phát hiện khối u.
  • Khi phát hiện cơ thể có khối u, nên đến bệnh viện kiểm tra để biết chính xác khối u có nguy hiểm không.
  • Sau điều trị cắt bỏ u mỡ, nên tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ để kịp thời phát hiện các biến chứng.

Chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM với đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm trong việc khám, chẩn đoán, tư vấn, điều trị chuyên sâu bệnh về da và thẩm mỹ da. Ngoài ra, chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da còn được đầu tư đồng bộ trang thiết bị hiện đại, nhập khẩu chính hãng từ các nước châu Âu Mỹ giúp người bệnh cải thiện các vấn đề về liên quan đến da như: đồi mồi, mụn cóc, nốt ruồi, nám, sạm da…

Bài viết trên đã cung cấp những thông tin hữu ích về u mỡ là gì? Nguyên nhân gây bệnh do đâu? Khối u mỡ có nguy hiểm không? Tuy là u lành tính nhưng không vì thế mà người bệnh chủ quan. Ngay khi phát hiện cơ thể xuất hiện u mỡ, nên đến ngay cơ sở y tế kiểm tra, chẩn đoán xem khối u có nguy hiểm không, đồng thời điều trị sớm để u mỡ không phát triển lớn và chèn ép vào dây thần kinh, gây khó chịu cho người bệnh.

Back to top button