Hoá học

Axit Bazơ Muối: Khái niệm, công thức hóa học, phân loại và tên gọi axit bazo muối – Lý thuyết hóa 8 bài 37

Axit, Bazơ và Muối là những chất như thế nào? có công thức hóa học và tên gọi ra sao? được phân loại như thế nào? chúng ta sẽ tìm hiểu ở bài viết dưới đây.

I. Axit: Khái niệm, công thức hóa học, phân loại và tên gọi

1. Khái niệm axit

– Thành phần phân tử của axit có 1 hay nhiều nguyên tử hiđro liên kết với gốc axit (-Cl, =S, =SO4, -NO3,…)

– Phân tử axit gồm có một hay nhiều nguyên tử hiđro liên kết với gốc axit, các nguyên tử hiđro này có thể thay thế bằng các nguyên tử kim loại.

* Ví dụ: HCl, H2S, H2SO4, HNO3, H2CO3, H3PO4.

2. Công thức hóa học của axit

– Công thức hóa học của axit gồm một hay nhiều nguyên tử hiđro và gốc axit.

– Công thức chung của axit: HnA

Trong đó: H: là nguyên tử hiđro; A: là gốc axit.

3. Phân loại axit

• Axit chia làm 2 loại:

– Axit không có oxi: HCl, H2S, HBr, HI, HF,…

– Axit có oxi: H2SO4, HNO3, H3PO4, H2CO3,…

4. Tên gọi của axit

a) Axit không có oxi :

Tên axit = Axit + tên phi kim + hiđric.

* Ví dụ: – HCl : Axit + clo + hiđric = Axit clohiđric

H2S : Axit + sunfu + hiđric = Axit sunfuhiđric

(lưu huỳnh lấy tên tiếng La tinh là sunfu)

* Đọc tên gốc axit tương ứng với axit không có oxi: Tên gốc = tên phi kim + ua

* Ví dụ: -Cl : clorua ; =S : sunfua

b) Axit có oxi:

Axit có oxi được chia làm 2 loại là axit có nhiều oxi và axit có ít oxi

Axit có nhiều oxi:

Tên axit = axit + tên phi kim + ic

* Ví dụ: H2SO4 : axit sunfuric. Gốc axit: sunfat

HNO3: axit nitric. Gốc axit: nitrat

– Đọc tên gốc axit tương ứng với axit có nhiều oxi:

Tên gốc = tên phi kim + at

* Ví dụ: -NO3 : nitrat ; =SO4 : sunfat ; ≡PO4 : photphat

Axit có ít oxi:

Tên axit = axit + tên phi kim + ơ

* Ví dụ: H2SO3: axit sunfuro. Gốc axit sunfit

– Đọc tên gốc axit tương ứng với axit có ít oxi:

Tên gốc = tên phi kim + it

* Ví dụ: =SO3: Gốc axit sunfit

* Bảng hóa trị một số gốc axit:

Gốc axit

Hóa trị

NO3

I

SO4

II

CO3

II

SO3

II

PO4

III

II. Bazơ: Khái niệm, công thức hóa học, phân loại và tên gọi

1. Khái niệm bazơ

– Phân tử bazơ gồm có một nguyên tử kim loại liên kết với một hay nhiều nhóm hiđroxit (-OH)

* Ví dụ: NaOH, Ca(OH)2, Fe(OH)2, Al(OH)3,…

2. Công thức hóa học của bazơ

– Thành phần phân tử của bazơ gồm có một nguyên tử kim loại và một hay nhiều nhóm -OH.

– Công thức chung của bazơ: M(OH)n

Trong đó: M: là nguyên tử kim loại; n: là số nhóm hiđroxit.

3. Tên gọi của bazơ

Tên bazơ = Tên kim loại (kèm theo hoá trị nếu kim loại có nhiều hoá trị) + hiđroxit.

* Ví dụ: NaOH: Natri hiđroxit; Fe(OH)3 : Sắt (III) hiđroxit.

4. Phân loại bazơ

Chia làm 2 loại:

– Bazơ tan trong nước (bazơ kiềm): NaOH, KOH,…

– Bazơ không tan trong nước: Cu(OH)2, Mg(OH)2,…

III. Muối: Khái niệm, công thức hóa học, phân loại và tên gọi

1. Khái niệm muối

– Phân tử muối gồm có một hay nhiều nguyên tử kim loại liên kết với một hay nhiều gốc axit.

* Ví dụ: NaCl, CuSO4, Na2CO3, CaCO3, NaNO3,…

2. Công thức hóa học của muối

– Thành phần phân tử của muối gồm một hay nhiều nguyên tử kim loại và một hay nhiều gốc axit.

– Công thức hóa học của muối dạng: MxAy

Trong đó: M: là nguyên tử kim loạ; A: là gốc axit.

* Ví dụ: Na2CO3 , NaHCO3

Gốc axit: =CO3 , – HCO3

3. Cách gọi tên muối

Tên muối = Tên kim loại (kèm theo hoá trị nếu kim loại có nhiều hoá trị) + tên gốc axit

* Ví dụ: Na2SO4 : Natri sunfat; Na2SO3 : Natri sunfit; ZnCl2 : Kẽm clorua

4. Phân loại muối

Muối chia làm 2 loại:

– Muối trung hoà: Là muối mà gốc axit không có nguyên tử hiđro có thể thay thế bằng nguyên tử kim loại.

– Ví dụ: CuSO4, Na2CO3, CaCO3, NaNO3,…

– Muối axit: Là muối mà trong đó gốc axit còn nguyên tử hiđro chưa được thay thế bằng nguyên tử kim loại.

– Ví dụ: NaHCO3, NaHSO4, Ca(HCO3)2,…

Back to top button