Phân tích đoạn trích Hai cây phong
Đề bài: Em hãy phân tích đoạn trích Hai cây phong
Phân tích đoạn trích Hai cây phong
I. Dàn ý Phân tích đoạn trích Hai cây phong (Chuẩn)
1. Mở bài
– Ai-ma-tốp là nhà văn nước Cộng hòa Cư-rơ-gư-xtan, một nước cộng hoà ờ vùng Trung Á, thuộc Liên Xô trước đây.- Đoạn trích Hai cây phong được trích trong tác phẩm Người thầy đầu tiên, với ngòi bút sinh động đậm chất hội họa, hai cây phong đã được miêu tả một cách tinh tế và rõ nét, mà qua đó ta thấy hiện lên tình yêu quê hương tha thiết và tình cảm xúc động đặc biệt về một người thầy đã dành cả cuộc đời để ươm mầm ước mơ, hi vọng cho những học trò của mình – thầy Đuy-sen.
2. Thân bài
* Ngôi kể:– Ngôi kể “tôi”: Cảm nhận chủ quan của nhân vật về hai cây phong, và đây là ngôi kể quan trọng nhất thể hiện được hết những giá trị tư tưởng và biểu cảm của đoạn trích.- Ngôi kể “chúng tôi”: Đại diện cho những đứa trẻ có cùng những kỷ niệm tươi đẹp với hai cây phong, góp phần làm cho đoạn trích thêm phần linh hoạt và sinh động hơn cả…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích đoạn trích Hai cây phong tại đây.
II. Bài văn mẫu Phân tích đoạn trích Hai cây phong (Chuẩn)
Ai-ma-tốp là nhà văn nước Cộng hòa Cư-rơ-gư-xtan, một nước cộng hoà ờ vùng Trung Á, thuộc Liên Xô trước đây. Chủ đề chính trong các tác phẩm của ông thường là những con người với cuộc sống khắc nghiệt, khó khăn nhưng ẩn chứa trong đó là chất lãng mạn đến từ những tình cảm đáng quý, chân thành như tình bạn, tình thân rồi tình yêu. Các tác phẩm của ông luôn hướng tới lòng nhiệt huyết của thanh niên đặc biệt là các nữ thanh niên, thúc đẩy tinh thần đấu tranh, vượt qua những hy sinh mất mát trong chiến tranh để thoát khỏi sự ràng buộc của những hủ tục lạc hậu áp đặt lên nữ giới và trẻ em. Đoạn trích Hai cây phong được trích trong tác phẩm Người thầy đầu tiên, với ngòi bút sinh động đậm chất hội họa, hai cây phong đã được miêu tả một cách tinh tế và rõ nét, mà qua đó ta thấy hiện lên tình yêu quê hương tha thiết và tình cảm xúc động đặc biệt về một người thầy đã dành cả cuộc đời để ươm mầm ước mơ, hi vọng cho những học trò của mình – thầy Đuy-sen.
Về ngôi kể câu chuyện được kể theo ngôi thứ nhất, tác giả xưng “tôi” trong những cảm nhận chủ quan của mình về hai cây phong, và đây là ngôi kể quan trọng nhất thể hiện được hết những giá trị tư tưởng và biểu cảm của đoạn trích. Đến phần hồi tưởng về ký ức thuở ấu thơ nhiều năm về trước, ngôi kể đó có sự thay đổi từ “tôi” sang “chúng tôi”, như vậy “chúng tôi” ở đây là đại diện cho những đứa trẻ có cùng những kỷ niệm tươi đẹp với hai cây phong, góp phần làm cho đoạn trích thêm phần linh hoạt và sinh động hơn cả.
Trước hết nói về vị trí của hai cây phong, hai cây phong ấy nằm ở làng Ku-ku-rêu ven chân núi, trên một cao nguyên rộng, phía dưới chính là thung lũng đất vàng và cánh thảo nguyên Ca-dắc-xtan. Có thể thấy rằng bằng đôi mắt và chất hội họa trong mình tác giả đã đem đến một không gian vô cùng kháng đạt và rộng lớn để làm nền cho hai cây phong xuất hiện và đó cũng là hiện thực bối cảnh của một làng quê nghèo hẻo lánh của vùng Cư-rơ-gư-xtan đầy hoài niệm.
Trong đôi mắt người nghệ sĩ hình tượng hai cây phong trước hết hiện lên với một vẻ khái quát “Phía trên làng tôi, trên ngọn đồi, có hai cây phong lớn”, sau đó tác mới đi vào miêu tả chi tiết hai cây phong bằng hình ảnh so sánh độc đáo “chúng luôn hiện ra trước mắt giống như những ngọn hải đăng trên núi”. Nhân vật chính vẫn luôn trân trọng, nâng niu những ấn tượng thuở thơ ấu, xem hai cây phong như là những thứ thân thuộc nhất. Mà để đến khi đã trưởng thành đã qua phía bên kia dốc cuộc đời, ông vẫn giữ một thói quen nhìn về phía hai cây thông cao lớn như một “bổn phận”. Trong lòng của nhân vật “tôi” có lẽ hai cây phong chẳng đơn thuần là một loài cây mà hơn thế nữa nó đã trở thành một cái gì đó rất gắn bó rất yêu thương, trong mắt tác giả hai cây phong ấy cũng “có tiếng nói riêng và hẳn phải có tâm hồn riêng, chan chứa những lời ca êm dịu”. Nhân vật chính nói vậy bởi những cảm nhận về sự lay động của hai cây phong trong tiềm thức “dù ngày hay đêm chúng vẫn nghiêng ngả thân cây, lay động lá cành, không ngớt tiếng rì rào theo nhiều cung bậc khác nhau”. Thậm chí trong sự tưởng tượng của nhân vật “tôi” cây phong còn ấp ủ trong mình những cảm xúc, những rung động mãnh liệt như một con người có linh hồn có tình cảm, lúc thì như làn sóng thủy triều vỗ vào bãi cát, lúc lại dịu dàng thiết tha, nồng thắm. Và cũng có những lúc bản thân hai cây phong “im bặt một thoáng, “cất tiếng thở dài một lượt như thương tiếc người nào”, rồi cũng có những khi cây phong phải gánh chịu những biến cố lớn trong cuộc đời, buộc chúng phải mạnh mẽ vượt qua, những “bão giông, xô gãy cành, tỉa trụi lá”, khắc nghiệt đến thế nhưng chúng vẫn “dẻo dai và reo vù vù như một ngọn lửa bốc cháy rừng rực”. Chính điều ấy đã để lại trong lòng độc giả những ấn tượng sâu sắc về hai cây phong sinh đôi có linh tính, cảm xúc và sức sống bền bỉ dẻo dai là nguồn động lực cho con người vượt qua mọi khó khăn trắc trở. Có thể nói tình cảm của nhân vật chính với hai cây phong thuở ấu thơ đã để lại trong tâm hồn tác giả những dấu ấn sâu đậm khó có thể phai mờ. Đến khi đã trưởng thành, từng nhiều lần đi về chốn quê hương, qua nhiều trải nghiệm, tác giả cũng thấu hiểu “điều bí ẩn” của hai cây phong, nhưng ông vẫn trân trọng và nâng niu những cảm nhận, những giá trị mà ông từng nghĩ về hai cây phong thuở ấu thơ, bởi đó là những hồi ức tốt đẹp nhất mà ông từng có ở vùng quê nghèo khó, “tuổi trẻ của tôi đã ở lại nơi ấy”,…
Sau những cảm nhận cá nhân về hai cây phong, thì nhân vật “tôi” còn có những cảm nhận, ký ức chung với những người bạn thuở thơ ấu, đó là những cuộc vui bất tận, sôi động gắn liền với hình bóng hai cây phong. Những lần lũ trẻ phá tổ chim, reo hò, huýt còi ầm ĩ, thì hai cây phong dường như cũng vui mừng “như muốn chào mời chúng tôi đến với bóng râm mát rượi và tiếng lá xào xạc dịu dàng”. Hai cây thông cũng trở thành pháo đài, căn cứ của lũ trẻ, hay kỳ thú hơn là một vọng gác ngắm cảnh, mà ở đó chúng cảm thấy như có một phép thần thông mở ra một thế giới đẹp đẽ vô ngần trước mắt lũ trẻ có cuộc sống cơ cực, vất vả. Bởi thế giới ấy chỉ đơn giản là chuồng ngựa của nông trang mà lũ trẻ xem là tòa nhà rộng lớn nhất thế giới, giờ đây khi ở trên hai cây phong cũng chỉ như một căn gác xép bình thường. Điều ấy trở thành bước đệm để mở ra trong lũ trẻ một thế giới mới rộng lớn hơn, bao la hơn vượt ra khỏi ngôi làng bé nhỏ, thảo nguyên rộng lớn, những vùng đất chưa biết tên, con sông chưa từng nghe nói. Từ những băn khoăn những thắc mắc về những thứ lạ lẫm ấy đã mở ra trong tâm hồn lũ trẻ những ước mơ, những khao khát khám phá, khao khát vượt ra khỏi ngôi làng nhỏ bé đến với những vùng đất rộng lớn hơn,… Rồi kết lại chỉ có một điều mà nhân vật chính chưa từng nghĩ đến rằng ai đã trồng hai cây phong này, ai là người đã gián tiếp khơi gợi trong ông niềm hy vọng, ước mơ về một cuộc sống mới tốt đẹp hơn, về khao khát cháy bỏng thay đổi cuộc đời.
Đoạn trích Hai cây phong đã đem đến cho độc giả những cảm xúc đặc biệt về tình cảm gắn bó với quê hương thông qua hình ảnh hai cây phong độc đáo, được miêu tả với bút pháp hội họa đậm chất lãng mạn, hoài niệm. Từ đó mở ra câu chuyện về thầy Đuy-sen và cô bé An-tư-nai, câu chuyện về cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ để giành lấy sự công bằng trong cuộc sống, về sự nỗ lực thoát khỏi ràng buộc của những hủ tục lạc hậu đã đã gò ép cuộc đời của người phụ nữ và trẻ em ở miền quê nghèo khó.
-HẾT-
Để củng cố kiến thức môn Ngữ văn, bên cạnh bài Phân tích đoạn trích Hai cây phong, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích nghệ thuật đặc sắc trong truyện ngắn Tôi đi học, Phân tích truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng, Phân tích nhân vật cô bé bán diêm trong Cô bé bán diêm, Phân tích văn bản Ôn dịch thuốc lá.
https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-doan-trich-hai-cay-phong-51915n.aspx