Giáo dục

Tiểu sử cụ Phan Chu Trinh

Phan Châu Trinh

(1872-1926)

Phan Châu Trinh hiệu là Tây Hồ, quê ở làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam

Năm 1900, ông thi Hương đỗ Cử nhân, năm sau thi Hội đỗ Phó bảng, được bổ nhiệm làm Thừa biện Bộ Lễ trong triều đình Huế. Nhưng chỉ ít lâu sau, do tiếp thu ảnh hưởng của tư tưởng cách mạng dân chủ tư sản (qua các “Tân thư”, Tân báo” của Trung Quốc), ông từ quan về liên lạc với các nhà yêu nước như Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đề xướng phong trào Duy Tân và bắt đầu hoạt động khá tích cực ở các tỉnh miền Trung (lập trường học kiểu mới, lập các hội nông, công, thương…)

Năm 1906, Phan Châu Trinh sang Nhật gặp Phan Bội Châu, nhưng hai người có ý kiến bất đồng về phương pháp đấu tranh cứu nước. Phan Bội Châu chủ trương đấu tranh ôn hòa và công khai, còn Phan Châu Trinh thì phong trào chống thuế dấy lên ở Trung Kì (1908). Cùng với nhiều chí sĩ khác, Phan Châu Trinh bị bắt và đầy đi Côn đảo. Sau 3 năm ra tù, Phan Châu Trinh xin sang Pháp với ý định tranh thủ hội Nhân quyền Pháp để đòi chính quyền thực dân ở Đông Dương cải cách chính trị, tôn trọng dân quyền.

Trong chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), Phan Châu Trinh bị Chính phủ Pháp bắt giam ở ngục Xăngtê (Santé) 15 tháng. Sau đó, ông tiếp tục sống trên đất Pháp, phải làm nhiều nghề thủ công một cách khá vất vả để kiếm sống. Đồng thời ông vẫn cố gắng tìm hiểu tình hình chính trị thế giới, tiếp xúc với một số nhà tri thức yêu nước tiến bộ của Việt Nam sống tại Pháp (như Phan Văn Trường), đặc biệt có mối quan hệ mật thiết với Nguyễn Ái Quốc từ những năm 1917-1923.

Năm 1922, vua bù nhìn Khải Định sang Pháp, ông viết Thất điều trần vừa để tổ cáo trước dư luận 7 tội lớn của y, vừa để ngăn chặn y ký kết với Pháp những điều khoản hiệp ước ám muội hại dân, hại nước.

Năm 1925, Phan Châu Trinh trở về nước, tiếp tục hoạt động theo đường lối cũ, kêu gọi dân quyền, dân sinh, dân khí… Ông có 2 buối diễn thuyết tại Sài Gòn về đề tài: Quân trị và dân trị chủ nghĩa, Đạo đức và luân lí Đông Tây. Sau đó, ông bị ốm nặng, rồi từ trần ngày 14/3/1926. Lễ truy điệu, để tang Phan Châu trinh trở thành một phong trào diễn ra khắp cả nước.

Trong cuộc đời hoạt động của mình, Phan Châu Trinh có sáng tác nhiều văn thơ yêu nước như Thư gửi Chính phủ Đông Dương, Tỉnh quốc hồn ca, Thư gửi hội Nhân quyền, Santé thi tập, Giai nhân kì ngộ… Số thơ văn này đã góp phần làm phong phú kho tàng văn học Việt Nam.

Nguồn “Đinh Xuân Lâm – Trương Hữu Quýnh (chủ biên) (2005), Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục”.

Back to top button