Hỏi đáp

Học tập và noi theo phong cách tư duy Hồ Chí Minh

Phong cách Hồ Chí Minh là một hệ thống chỉnh thể, gắn bó chặt chẽ với nhau, phát triển theo lôgích đi từ suy nghĩ (phong cách tư duy) đến nói, viết(phong cách diễn đạt) và biểu hiện qua phong cách làm việc, phong cách ứng xử, phong cách sinh hoạt hàng ngày.

Bác Hồ trao đổi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: tư liệu.

Trong hệ thống phong cách của Người, phong cách tư duy là một nội dung tạo nên những nét đặc sắc, đưa đến những quyết định đúng đắn, phù hợp, hiệu quả, góp phần thực hiện thành công những nhiệm vụ quan trọng của cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ. Nét đặc sắc nhất trong phong cách tư duy Hồ Chí Minh là tính độc lập, tự chủ, sáng tạo. Đối với Hồ Chí Minh độc lập là không lệ thuộc, không phụ thuộc, không bắt chước, theo đuôi, giáo điều. Tự chủ là tự mình làm chủ suy nghĩ của mình, làm chủ bản thân và công việc của mình, tự mình thấy trách nhiệm trước đất nước trước dân tộc. Sáng tạo là dũng cảm từ bỏ cái cũ không còn phù hợp, linh hoạt điều chỉnh những biện pháp, sách lược, sẵn sàng tiếp nhận và vận dụng cái mới tiến bộ. Cái mới sáng tạo của Người là sản phẩm của sự kết hợp những giá trị phổ biến từ tri thức, thực tiễn lịch sử đã được kiểm chứng với những dự báo, nhận định chiều hướng vận động của thời đại dựa trên cơ sở phân tích, tổng hợp diễn biến tình hình và các mặt biểu hiện theo quy luật khách quan. Tính độc lập, tự chủ và sáng tạo được hình thành trong phong cách tư duy của Hồ Chí Minh ngay từ những ngày thơ ấu. Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà Nho giàu lòng yêu nước. Mang trong mình truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa phương Đông, nhưng ở Người không có biểu hiện của sự loại trừ, hay mâu thuẫn cảm tính với văn hóa phương Tây như số đông những trí thức Nho giáo cùng thời. Chính vì có tố chất tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo mà Hồ Chí Minh sớm nhận thức được sự phong phú của nền văn hóa nhân loại, sự kỳ vĩ và hấp dẫn tột cùng về một “đường chân trời” vô cùng rộng lớn, vĩ đại, ở đó chứa đựng tất cả những gì mà nhân loại tiến bộ đang tìm kiếm trong đó có câu trả lời cho khao khát cháy bỏng về sự giải phóng, có điểm đến của lý tưởng độc lập, tự do mà chính Người luôn ấp ủ. Khoảng tháng 9-1905, Nguyễn Tất Thành và Nguyễn Tất Đạt được ông Nguyễn Sinh Huy xin cho theo học lớp dự bị (préparatoire) Trường tiểu học Pháp – bản xứ ở thành phố Vinh. Tại trường này, lần đầu tiên Nguyễn Tất Thành được tiếp xúc với khẩu hiệu TỰ DO – BÌNH ĐẲNG – BÁC ÁI. Sau này (năm 1923), Người kể lại với nhà văn Liên Xô Ôxíp Manđenxtam rằng: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy” (1). Để rồi cũng tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo ấy, để một người thanh niên trong thời cuộc đất nước đang bế tắc về con đường cứu nước mạnh dạn ra đi tìm đường cứu nước ở chân trời Tây với hai bàn tay trắng. Trước khi đi, Tất Thành bàn với một người bạn thân: “Tôi muốn đi ra ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng nếu đi một mình, thật ra cũng có điều mạo hiểm, ví như khi đau ốm… Anh muốn đi với tôi không?”. Khi người bạn hỏi “lấy đâu ra tiền mà đi?”, Nguyễn Tất Thành vừa nói, vừa giơ hai bàn tay một cách tự tin và kiên quyết: “Đây, tiền đây… chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi”(2). Sự lựa chọn ấy không phải dễ dàng, không phải ai cũng làm được, Người đã muốn đi, đi để tìm hiểu thế giới bên ngoài, nhất là thế giới phương Tây, với hy vọng tìm được điều hữu ích để “giúp đồng bào chúng ta”. Đó không phải là một cuộc hành trình phẳng lặng, mà là một con đường đây gian truân mà Người cũng đã xác định được. Với tư duy độc tập, tự chủ và sáng tạo ấy đã làm cho Hồ Chí Minh đi con đường riêng của mình trên hành trình cứu nước là theo Quốc tế III, theo Chủ nghĩa Mác – Lê Nin chứ không đi theo lối mòn của các vị tiền bối yêu nước trước. Tiếp nhận Chủ Nghĩa Mác – Lê nin đã làm cho tư duy của Hồ Chí Minh phát triển lên một tầm cao mới, đó là tính cách mạng triệt để và tính khoa học chặt chẽ. Và cũng từ đây, tư duy độc lập tự chủ và sáng tạo của Hồ Chí Minh thể hiện rõ trong việc lựa chọn và vận dụng Chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam một cách phù hợp, không bắt chước, không rập khuôn giáo điều mà mang tính sáng tạo, tính thực tiễn rất cao. Người đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, với Cương lĩnh chính trị mang nội dung phù hợp với điều kiện và thực tế Việt Nam. Nhờ phong cách tư duy đó, Hồ Chí Minh đã phát hiện ra quy luật của cách mạng Việt Nam, sáng tạo ra con đường và phương pháp tiến hành cách mạng phù hợp với thực tiễn của đất nước. Người đã có những luận điểm sáng tạo về con đường đưa một nước nông nghiệp lạc hậu, kinh tế kém phát triển vốn là nước thuộc địa nửa phong kiến làm cách mạng giải phóng dân tộc thắng lợi mở đường đưa đất nước đi lên Chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ Tư bản chủ nghĩa. Lịch sử cách mạng Việt Nam cũng như cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã ghi nhận rằng, có những vấn đề, những luận điểm, tư tưởng xuất phát từ tư duy của Người, nhưng trong thời kỳ của mình Người không có đủ thời gian và điều kiện để thực hiện. Tuy vậy, giá trị của những luận điểm, tư tưởng đó đã trở thành cơ sở cho việc hoạch định đường lối cách mạng đúng đắn, là nhân tố có tính tiền đề, nền tảng, là kim chỉ nam cho tư duy và hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam trong mọi thời kỳ, mọi hoàn cảnh. Đất nước chúng ta đã trải qua ba mươi năm đổi mới, giá trị của Độc lập, Tự do, của lý tưởng Chủ nghĩa xã hội đã và đang từng bước được hiện thực hóa. Đất nước ngày càng phát triển, giàu mạnh, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, đó cũng chính là mong ước cháy bỏng của Người. Chúng ta đều ý thức được rằng, có được điều đó là thành quả phấn đấu lâu dài, gian khổ của cả dân tộc, trong đó những giá trị từ tư duy cách mạng của Hồ Chí Minh, trí tuệ và đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta là nhân tố có ý nghĩa quyết định. Đó là bài học lớn của cách mạng, của dân tộc và của Đảng ta. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, nhìn lại 30 năm đổi mới, Đảng ta đã rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu, trong đó khẳng định: “Trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam”(3). Quán triệt và thực hiện nghiêm túc bài học quý báu đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang hăng hái thi đua, đổi mới, sáng tạo đem lại hiệu quả cao trên nhiều lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, ở các cấp, ngành, lĩnh vực vẫn còn bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng phát triển của đất nước và đời sống nhân dân. Đặc biệt là còn nhiều cán bộ, đảng viên có biểu hiện của lối tư duy giáo điều, bảo thủ, trì trệ, bắt chước, rập khuôn, thiếu sáng tạo trong công việc; tự bằng lòng, thỏa mãn, lười suy nghĩ, học tập để nâng cao nhận thứ tư duy của mình. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của đất nước, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Nhận thức được tầm quan trọng của phong cách tư duy Hồ Chí Minh, trong nhiều năm qua Đảng ta đã phát động và lãnh đạo thực hiện học tập và làm theo tấm gương, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Việc học tập và làm theo của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Đặc biệt, ngày 15 tháng 5 năm 2016, Đảng ta đã ban hành Chỉ thị 05-CT/ TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chỉ thị nêu rõ: “Tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội”. Hơn ai hết, bản thân mỗi cán bộ đảng viên phải nhận thức được rằng, tư duy là điểm xuất phát của mọi việc, muốn có hành động đúng phải có tư duy đúng. Học tập và làm theo phong cách tư duy Hồ Chí Minh: Độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn gắn chặt lý luận với thực tiễn. Đó là con đường dẫn đến nhận thức đúng và phương pháp, hành động đúng. Đó cũng chính là cách đem đến hiệu quả thiết thực trong công việc, là cách để mỗi chúng ta hôm nay biết sống, làm việc và cống hiến cho Đảng, đất nước và nhân dân. Đồng thời, đó cũng chính là sự thể hiện tấm lòng biết ơn và tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu./. (1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, HN 2000, Tập 1, Tr 477 (2) Trần Dân Tiên, Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Chính trị quốc gia và NXB trẻ, HN 2005, tr 13, 14 (3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, HN. 2016. Tr 69

Th.s Ngô Thị Vân – Gv. Khoa Xây dựng Đảng Nguồn: Trường Chính trị Nghệ An

Back to top button