Thủ tướng Chính phủ đồng ý thực hiện giãn cách xã hội 19 tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là trên hết và trước hết, căn cứ đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế và ý kiến thống nhất của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo:
1. Đồng ý áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố theo quy định tại Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Chỉ thị 16) đối với các địa phương: cùng với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai đã thực hiện, bổ sung thành phố Cần Thơ và các tỉnh: Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.
Thời gian thực hiện giãn cách xã hội là 14 ngày.
Thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp giãn cách xã hội đối với các tỉnh, thành phố bổ sung nêu trên do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, nhưng không muộn hơn 0 giờ 00 phút ngày 19 tháng 7 năm 2021.
Đối với tỉnh, thành phố đang áp dụng biện pháp giãn cách trước ngày có văn bản này, căn cứ diễn biến dịch bệnh và kết quả phòng, chống dịch trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi quyết định việc tiếp tục thực hiện thời gian giãn cách như đã quyết định hoặc kéo dài thời gian giãn cách như các tỉnh, thành phố bổ sung nêu trên.
2. Các bộ, cơ quan Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và chỉ đạo, phân công của Thủ tướng Chính phủ, chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 16, chú ý bảo đảm nguồn vật tư, trang thiết bị, nhân lực y tế, nhất là đội ngũ y, bác sỹ, cán bộ, nhân viên y tế; bảo đảm an ninh, an toàn, an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu; đặc biệt chú ý nâng cao hiệu quả điều trị, ưu tiên tối đa nguồn lực cho các ca bệnh nặng.
3. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả Chỉ thị 16, đồng thời lưu ý:
a) Kiên quyết không để “chặt ngoài, lỏng trong”; xác định rõ đầu mối và trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân và từng cấp chính quyền, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở, bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.
b) Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của cấp trên, yêu cầu về giãn cách, nhất là việc bảo đảm giãn cách giữa cá nhân với cá nhân, gia đình với gia đình, không để xảy ra các trường hợp tụ tập đông người theo quy định.
c) Quan tâm làm tốt công tác an sinh xã hội, nhất là bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho Nhân dân, đặc biệt là đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất công ăn việc làm do dịch bệnh.
d) Bảo đảm tốt nhất an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm sản xuất, lưu thông hàng hóa an toàn trong nội bộ tỉnh, thành phố và với các địa phương khác; chỉ cho phép hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các cơ sở đáp ứng yêu cầu, quy định về phòng, chống dịch; không để thừa, thiếu hàng hóa, ách tắc giao thông.
đ) Căn cứ kết quả thực hiện Chỉ thị 16 trên từng địa bàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và điều chỉnh các giải pháp thực hiện cho hiệu quả, phù hợp với tình hình.
4. Trong điều kiện phòng, chống dịch cấp bách do chủng vi-rút mới Delta diễn biến nhanh, mạnh, khó lường và còn nhiều khó khăn về điều kiện đảm bảo; với tinh thần vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tự lực, tự cường; chia sẻ, ủng hộ, hưởng ứng và nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 16, chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật sự cần thiết và thực hiện nghiêm 5K. Việc thực hiện Chỉ thị 16 không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ, mà còn là quyền lợi của mỗi người dân, vì lợi ích của cộng đồng và vì sự phát triển của đất nước.
5. Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tiếp chỉ đạo Thủ trưởng các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện, thay mặt Thủ tướng Chính phủ giải quyết các vấn đề cấp bách, phát sinh mới theo thẩm quyền.
6. Các Phó Thủ tướng, Thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo và phân công của Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch.
Ba ưu tiên khi giãn cách xã hội tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam
Tại cuộc họp với một số bộ, ngành về công tác chuẩn bị triển khai văn bản số 969/TTg-KGVX, chiều 17/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, hơn 1 năm qua, toàn thể nhân dân, hệ thống chính trị đã chung sức, đồng lòng chống dịch COVID-19. Chúng ta đã đạt được những thành tựu trong đợt dịch lần trước. Trong đợt chống dịch lần này, chúng ta đã dập được dịch ở Bắc Ninh, Bắc Giang, nhưng tình hình dịch bệnh ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đang diễn biến rất phức tạp. Số ca nhiễm tăng rất nhanh. Nguy cơ bùng phát trên diện rộng.
“Tình hình mới đòi hỏi chúng ta phải có bước đi mới, giải pháp mới, cách làm mới cho phù hợp”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Thứ nhất, chúng ta phải ưu tiên trên hết việc bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân.
Thứ hai, chúng ta phải đảm bảo hệ thống y tế hoạt động hiệu quả, không bị quá tải, bởi hệ thống y tế không chỉ để chữa người mắc COVID-19 mà còn điều trị cho các bệnh nhân khác.
Thứ ba, chúng ta chưa có đủ vaccine phòng COVID-19 để đạt miễn dịch cộng đồng cho nên phải kiềm chế dịch ở mức thấp nhất có thể.
Vì thế Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải đi đến quyết định khó khăn nhưng rất cần lúc này: Đó là yêu cầu 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chúng ta áp dụng giãn cách xã hội cho cả khu vực này, trước hết để nhằm giảm tốc độ lây lan của dịch bệnh, không để dịch bệnh lan rộng ra cả khu vực và từ đó ra cả nước.
Những nơi còn an toàn, phải quyết tâm rất cao để giữ an toàn. Những nơi đã bị nhiễm, chúng ta phải đẩy lùi, khoanh lại và tiến tới dập dịch.
Bằng việc áp dụng đồng bộ Chỉ thị 16/CT-TTg, chúng ta phải tạo được cơ chế để sản xuất an toàn, nhất là lưu thông, phân phối hàng hóa an toàn. Chúng ta không mất cảnh giác nhưng không thể để ách tắc trong lưu thông hàng hóa để phục vụ người dân và sản xuất, kinh doanh.
“Việc áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg sẽ không có kết quả nếu không làm thực chất. Vì vậy, tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân phải cùng nhau thực hiện nghiêm túc các quy định của Chỉ thị này”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Cụ thể, Phó Thủ tướng lưu ý, phải rất rõ ràng từng cấp, ngành, bộ phận, từng người và đến từng ngày phải có kế hoạch, phải có những việc cần làm cụ thể. Chính quyền có trách nhiệm làm gì, người dân có nghĩa vụ thế nào, phải rõ ràng, minh bạch để người dân cùng tham gia và cùng giám sát.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị phải thực sự chú ý chăm lo đến đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo, người bị ảnh hưởng, người không có thu nhập hay tích lũy. Chúng ta phải huy động toàn bộ hệ thống và phát động nhân dân cùng chăm lo, cùng giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau.
Nhấn mạnh việc nỗ lực duy trì sản xuất an toàn trong thực hiện giãn cách xã hội, Phó Thủ tướng nêu rõ, các ngành, các cấp cùng vào cuộc đồng bộ, thông suốt trong cả nước.
Không chỉ trong khu vực thực hiện giãn cách xã hội mà nhân dân cả nước phải cùng nhau thực hiện thật tốt các biện pháp phòng, chống dịch, trước hết, thực hiện nghiêm thông điệp 5K, giảm tối đa tiếp xúc, chỉ đi ra ngoài khi thực sự cần thiết.
“Nếu không kiểm soát tốt, dịch lây lan trên diện rộng, hệ thống y tế sẽ quá tải, nhiều người bị nặng, nhiều người tử vong và có thể đe dọa đến sự ổn định, phát triển của đất nước”, Phó Thủ tướng nói.
Vì vậy, Chính phủ mong muốn người dân cùng thấu hiểu, chia sẻ và tham gia của người dân. Cả nước cùng hướng về tuyến đầu. Mọi người dân thể hiện lòng biết ơn với đội ngũ y, bác sĩ và các lực lượng tuyến đầu chống dịch bằng cách thực hiện thật nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch.
“Nếu tất cả người dân Việt Nam cùng đồng lòng, quyết tâm, nhất định chúng ta sẽ đẩy lùi được dịch bệnh lần này, để đất nước sớm quay lại cuộc sống bình thường mới”, Phó Thủ tướng bày tỏ.
Sẵn sàng các kịch bản đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Công Thương đã có kế hoạch chuẩn bị cho tình huống áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg tại 19 tỉnh, thành phố.
“Chúng ta chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm phục vụ đời sống người dân. Song người dân cũng phải chuẩn bị tinh thần là sẽ có những xáo trộn nhất định”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với TPHCM và các tỉnh, thành phố khác để có phương án vận chuyển hàng hóa đến những nơi áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg và đưa đến các nơi cần thiết nhất để người dân thuận tiện trong tiếp cận thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống.
Tuy nhiên, mỗi địa phương có đặc điểm tình hình khác nhau, nên Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị chính quyền các địa phương phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, nhất là Bộ Công Thương để đưa ra khuyến cáo cụ thể với người dân.
Đơn cử như TPHCM đang dừng hoạt động khoảng 2/3 chợ truyền thống và đầu mối, 30% nhu cầu còn lại của người dân tập trung vào các siêu thị, trung tâm thương mại, do đó, phải tăng giờ bán lên hằng ngày và phải tính đến việc mở lại một số chợ truyền thống với điều kiện bảo đảm quy định phòng, chống dịch để tăng đầu mối cung cấp thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Mặt khác, một mô hình đang được áp dụng thành công, có hiệu quả là tổ chức bán hàng lưu động, không chỉ địa phương mà nhiều cơ quan cũng đã vào cuộc như hệ thống bưu điện, Viettel Post. Thời gian tới, chúng ta phải có sự phối hợp tốt hơn, nhịp nhàng hơn để phục vụ người dân.
Ông Đỗ Thắng Hải cho rằngvới kinh nghiệm áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg tại một số nơi như Bắc Giang, Bắc Ninh,TPHCM, Chính phủ và các bộ ngành luôn cố gắng hết sức bảo đảm đủ hàng phục vụ nhu cầu người dân. Mong người dân bình tĩnh, tin tưởng vào các chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ ngành, địa phương. Bộ Công Thương làm hết sức mình để bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhất có thể nhu cầu thiết yếu của người dân. Nếu người dân đổ xô tới những nơi đông người cũng là một nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Người dân không nên nóng ruột, tích trữ mua nhiều hàng hóa mà cần tuân thủ các quy định, hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền,địa phương.
Phương án phân luồng giao thông bảo đảm thông suốt
Rút kinh nghiệm từ hoạt động điều phối giao thông liên tỉnh thời gian qua có tắc nghẽn cục bộ, ảnh hưởng tới việc lưu thông hàng hóa tại TPHCM và một số tỉnh, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ trưởng Bộ GTVT đã trực tiếp điều hành, tổ chức lại việc phân luồng, phân tuyến, áp dụng công nghệ thông tin, sử dụng mã QR thống nhất với các địa phương để bảo đảm các xe vận tải hàng hóa được lưu thông trong khu vực có dịch và không có dịch.
Triển khai thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg theo văn bản mới nhất của Thủ tướng, Bộ đã phân lại luồng, quy định cụ thể để bảo đảm giao thông trong khu vực 19 tỉnh, thành phố luôn suôn sẻ và tổ chức giao thông giữa 19 tỉnh, thành phố với các địa phương khác bảo đảm thông suốt. Bộ cũng cử cán bộ phối hợp với ngành y tế để xét nghiệm nhanh các lái xe ngay tại chốt kiểm soát tại các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Thuận.
Theo quy định của Bộ Y tế, những người đi trên phương tiện vận tải phải có kết quả xét nghiệm âm tính, khi chưa có kết quả xét nghiệm thì tổ chức xét nghiệm nhanh tại chốt kiểm soát khi ra, vào vùng dịch.
Hiện nhu cầu xét nghiệm của lái xe, phụ xe và người đi trên xe rất cao, Bộ GTVT đã chỉ đạo các Sở GTVT phối hợp chặt chẽ với các Sở Y tế để khẩn trương thống kê, tổ chức xét nghiệm cho các lái xe có nhu cầu. Hiện thời gian có hiệu lực của kết quả xét nghiệm là 3 ngày, Bộ GTVT và Bộ Y tế sẽ phối hợp để xem xét điều chỉnh thời gian hiệu lực phù hợp với tình hình.
Việc thực hiện luồng xanh hàng hóa còn bất cập tại một số nơi. Vừa qua, Bộ GTVT giao các Sở GTVT cấp mã QR cho các xe, tuy nhiên, việc này thực hiện còn chậm. Từ ngày 19/7, Bộ giao Tổng cục Đường bộ tổ chức cấp mã QR để giúp các doanh nghiệp và lái xe được cấp nhanh, lưu thông nhanh hơn.
Tăng cường nhân lực, thiết bị, sinh phẩm chống dịch cho các tỉnh
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thông tin, Bộ Y tế đã cử nhiều đội công tác đặc biệt vào hỗ trợ TPHCM và các tỉnh phía Nam. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ đã xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, chủ động phối hợp với các các địa phương, các đơn vị chăm sóc sức khỏe chuẩn bị cho mọi kịch bản có thể xảy ra.
Khi dịch xảy ra, Bộ chịu trách nhiệm chính về con người, nhân lực cho truy vết, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị và các công tác khác. Đồng thời, Bộ chịu trách nhiệm chính trong bảo đảm trang thiết bị, máy móc, vật tư, thuốc men và các sinh phẩm qua đấu thầu, mua sắm tập trung và huy động mọi nguồn lực, kể cả xã hội hóa.
Tóm lại, Bộ và các bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm chính trong bảo đảm nhân lực và trang thiết bị, sinh phẩm để hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong chống dịch thời gian tới./.