Hỏi đáp

Bạo loạn chính trị, ly khai là tiền đề để các thế lực thù địch chuyển tiếp thực hiện các hình thức can dự và tiến hành chiến tranh phi quy ước. Với đặc điểm xã hội và vị trí chiến lược trọng yếu, Tây Nguyên luôn là trọng điểm để các thế lực thù địch thực hiện mưu đồ này. Vì vậy, chủ động đấu tranh phòng, chống bạo loạn chính trị, ly khai trên địa bàn Tây Nguyên là nhiệm vụ chiến lược thường xuyên, rất quan trọng.

Tây Nguyên được đánh giá là “mái nhà của Đông Dương”; là nơi có vị trí chiến lược trọng yếu cả về kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại,… của khu vực miền Trung và cả nước, nên đây cũng là địa bàn trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch. Thực hiện mưu đồ làm chủ địa bàn chiến lược này, đã từ lâu, các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, kích động biểu tình đông người, gây bạo loạn chính trị, tạo cớ can dự, can thiệp quân sự, lật đổ chính quyền địa phương, thành lập các vùng “tự do”, “tự trị”, dựng lên chính quyền đối lập, phản động.

Những năm gần đây, trên địa bàn Tây Nguyên, mặc dù đã bị ta truy quét, nhưng được sự hỗ trợ của các thế lực thù địch và tổ chức phản động người Việt lưu vong, lực lượng phản động vẫn tìm cách núp bóng, đứng chân, nhất là ở vùng rừng núi, biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hòng nuôi mộng ly khai, tự trị để dựng lên “nhà nước Đêga độc lập”. Thông qua các phần tử phản động đội lốt tôn giáo, dựa vào mối quan hệ thân tộc, dòng tộc để câu kết với các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, lập ra các hội, nhóm mang màu sắc chính trị, điển hình là nhóm “quặng Bô-xít” và diễn đàn “xã hội dân sự”. Trên cơ sở đó, chúng thúc đẩy hình thành các đội “lực lượng vũ trang bí mật” trong nội địa,ở khu vực biên giới. Các thế lực chống đối cũng triệt để lợi dụng khó khăn về kinh tế, xã hội, tồn tại, hạn chế của cấp ủy, chính quyền để tuyên truyền xuyên tạc, lôi kéo, kích động đồng bào khiếu kiện, biểu tình,… từng bước phát triển thành bạo loạn chính trị, ly khai. Từ các hoạt động tự phát, dưới danh nghĩa “bảo vệ” môi trường, chống tham nhũng, đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền, dân sinh,… chúng âm mưu phát triển thành phong trào phản đối, chống phá có tổ chức; biến mâu thuẫn nội bộ thành mâu thuẫn địch – ta để thực hiện mục đích can dự, can thiệp, lật đổ chính quyền địa phương. Chính vì thế, việc phát hiện âm mưu, thủ đoạn chuẩn bị tiến hành bạo loạn chính trị, ly khai cũng như xử lý các tình huống này gặp nhiều khó khăn do khó phân biệt, phân hóa giữa số đồng bào bị lôi kéo, cưỡng ép với những phần tử phản động, nòng cốt giấu mặt. Trong khi đó, hệ thống chính trị cơ sở, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở một số địa phương còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Công tác nắm tình hình, thông tin, phát hiện âm mưu, thủ đoạn và năng lực xử lý các tình huống chống bạo loạn chính trị, ly khai trên một số địa bàn còn nhiều khó khăn, bất cập. Trước thực tế đó, để chủ động phòng, chống bạo loạn chính trị, ly khai trên địa bàn Tây Nguyên, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp; trong đó, tập trung vào một số nội dung sau:

Một là, tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, nhằm củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước, trực tiếp là đối với cấp ủy, chính quyền cơ sở. Do vậy, trước hết cần tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền địa phương, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Tiếp tục cụ thể hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng các cấp, nhất là cấp tỉnh và ở cơ sở. Để đạt hiệu quả, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần đẩy mạnh đổi mới các khâu, các bước trong xây dựng và thực hiện nghị quyết, tập trung giải quyết các mặt bất cập, hạn chế, bức xúc của nhân dân. Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp theo hướng tích cực, chủ động, kiên quyết trong tổ chức thực hiện; đẩy mạnh thực hiện phân cấp trách nhiệm cụ thể, rõ ràng; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, bổ sung, điều chỉnh, tạo chuyển biến tích cực trên từng địa phương, từng lĩnh vực hoạt động. Xây dựng quy chế phối hợp công tác chặt chẽ giữa chính quyền các cấp với các tổ chức chính trị – xã hội trong quản lý kinh tế – xã hội, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng – an ninh, cũng như trong tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời, ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Tăng cường quản lý, điều hành thực hiện các chương trình, dự án kinh tế – xã hội, tập trung vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xóa mù chữ, dự án xây dựng “điện, đường, trường, trạm”, bảo đảm an sinh xã hội, đất sản xuất, đất ở, việc làm; tập trung xây dựng đời sống văn hóa mới trên cơ sở bảo tồn, phát huy những tinh hoa văn hóa truyền thống, gìn giữ, kế thừa có chọn lọc và loại bỏ dần hủ tục, từng bước xây dựng giá trị mới về văn hóa, nghệ thuật, hình thành nếp sống văn minh, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các tôn giáo, dân tộc thiểu số.

Hai là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân về phòng, chống bạo loạn chính trị, ly khai trên địa bàn. Trước hết, cần làm cho cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương, các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn và nhân dân nắm rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, nhất là những âm mưu, thủ đoạn mới; mục tiêu, phương thức tiến hành, các tình huống có thể xảy ra bạo loạn chính trị, ly khai trên địa bàn. Đồng thời, nắm chắc mục tiêu, phương châm, quan điểm: tích cực, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ xảy ra bạo loạn chính trị, ly khai từ sớm, từ xa; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân và lực lượng vũ trang trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Để đạt hiệu quả, công tác tuyên truyền, giáo dục phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, nhưng có trọng tâm, trọng điểm và phương pháp phù hợp với từng đối tượng; chú trọng đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, v.v. Qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang; sự thống nhất cao trong toàn dân về phòng, chống bạo loạn chính trị, ly khai trên địa bàn.

Ba là, giữ vững ổn định chính trị, xã hội; củng cố vững chắc trận địa tư tưởng, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định trong phòng, chống bạo loạn chính trị, ly khai trên cả nước nói chung, địa bàn Tây Nguyên nói riêng. Vì vậy, các tổ chức trong hệ thống chính trị và lực lượng vũ trang trên địa bàn cần tăng cường công tác quản lý nhà nước và thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo; chăm lo công tác vận động quần chúng đối với các tín đồ, chức sắc tôn giáo, không để các đối tượng phản động lợi dụng, lôi kéo. Tiếp tục làm tốt công tác định canh, định cư; phát triển kinh tế gắn với thực hiện chính sách an sinh xã hội, nhằm nâng cao và ổn định đời sống đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, biên giới để hạn chế và tiến tới chấm dứt việc di dân tự do. Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả âm mưu, thủ đoạn móc nối, xâm nhập, lôi kéo chống phá của các thế lực thù địch, phản động; phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành động xây dựng căn cứ, lực lượng, tổ chức huấn luyện ở khu vực biên giới, đưa người xâm nhập nội địa để chuẩn bị gây bao loạn chính trị, ly khai. Đồng thời, đẩy mạnh đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nền văn hóa của các dân tộc trên địa bàn miền Trung – Tây Nguyên. Thông qua thực tiễn bảo tồn, phát huy giá trị tư tưởng, truyền thống, văn hóa của đồng bào các dân tộc để phê phán, bác bỏ các thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, chia rẽ nhân dân với Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang. Qua đó, củng cố lòng tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, nhất là ở các địa bàn trọng điểm, cấp cơ sở; kịp thời phát hiện các nhân tố bất ổn tiềm ẩn bên trong, có thể dẫn đến những đột biến, bất lợi để có giải pháp xử lý đúng đắn các vấn đề phức tạp nảy sinh, nhất là vấn đề dân tộc, tôn giáo. Cấp ủy, chính quyền các cấp phải sâu sát để phát hiện, phân hóa, cô lập và xử lý kiên quyết, đúng pháp luật đối với các phần tử cầm đầu, nòng cốt, ngoan cố, đội lốt dân tộc, tôn giáo. Kết hợp giữa giáo dục, cảm hóa với các biện pháp pháp lý, hành chính và kinh tế trong giải quyết các điểm nóng. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác vận động quần chúng; phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc, chức việc tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, phê phán các tổ chức, phần tử đội lốt, trá hình, vận động đồng bào không hùa theo các luận điệu xuyên tạc, phản động.

Bốn là, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, nhất là trên các địa bàn trọng điểm, tạo thế trận vững chắc, sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống bạo loạn chính trị, ly khai. Phòng, chống bạo loạn chính trị, ly khai muốn đạt hiệu quả vững chắc phải được giải quyết trong mối quan hệ tổng thể giữa phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường quốc phòng – an ninh, gắn thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân. Vì thế, việc phối hợp chặt chẽ giữa Quân đội và Công an theo Nghị định số 03/2019/NĐ-CP, ngày 05/9/2019 của Chính phủ cần tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là trong tổ chức, bố trí lực lượng chuyên trách, nòng cốt, bảo vệ các công trình quốc phòng, an ninh; mục tiêu trọng yếu, địa bàn quan trọng, trục giao thông chính. Đồng thời, chú trọng nâng cao hiệu quả phối hợp trong nắm tình hình, phân tích, dự báo; đặc biệt là nắm tình hình từ xa, từ bên ngoài, tại cơ sở để cùng đánh giá, dự báo khả năng, thời gian, địa điểm xảy ra bạo loạn; xác định các khu vực mục tiêu trọng yếu cần bảo vệ, các khu vực tác chiến, đấu tranh và tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các phương án, biện pháp xử lý những vấn đề phức tạp, “điểm nóng”, các tình huống bạo loạn và quyết định sử dụng lực lượng vũ trang trong xử lý các tình huống cho phù hợp, hiệu quả.

Tiến hành đồng bộ các giải pháp trên, không chỉ bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, mà còn kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa các nguy cơ để chủ động xử lý mọi tình huống bạo loạn chính trị, ly khai. Đây là nhân tố quan trọng, nền tảng để phát triển Tây Nguyên toàn diện, bền vững.

Thiếu tướng VÕ VĂN HƯNG, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5

Back to top button