Hỏi đáp

Nguyễn Trường Tộ và khát vọng canh tân đất nước

Từ “Trạng Tộ” xứ Nghệ trong vòng xoáy thời cuộc đầy biến động…

Nguyễn Trường Tộ sinh năm 1830 mất năm 1871, xuất thân trong một gia đình Công giáo, cha làm nghề thuốc Đông y tại làng Bùi Chu (nay thuộc xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Nhà nghèo, nhưng bản tính thông minh, học hành chăm chỉ, ông sớm được truyền tụng là “Trạng Tộ” nức tiếng trong vùng. Năm 1855, cố đạo người Pháp là Gauthier (tên Việt là Ngô Gia Hậu) đã mời ông dạy chữ Hán cho Tu viện Xã Đoài, đồng thời dạy ông tiếng Pháp, đưa ông đi Xin-ga-po, Hồng Kông, qua Rôm và Pa-ri học các môn khoa học thường thức, thực nghiệm…Đương thời, ông là một trong những trí thức người Việt hiếm hoi được tiếp xúc trực tiếp, mắt thấy tai nghe với nhiều thành tựu văn minh, kỹ nghệ phương Tây. Chính những điều đó đã tác động mạnh mẽ đến Nguyễn Trường Tộ. Khi bước vào tuổi 30, ông đã có một vốn kiến thức rộng và sâu cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học – kỹ thuật; có hoài bão lớn, khát khao canh tân đất nước.

… Đến khát vọng canh tân đất nước, hội lưu thời đại

Năm 1861, ông về Sài Gòn lúc thực dân Pháp đã chiếm Gia Định. Trong một thời gian ngắn, ông đóng vai trò phiên dịch giữa triều Nguyễn và Pháp cốt để góp phần vào việc giảng hòa. Từ đầu năm 1861 đến đầu năm 1866, ông đã gửi cho triều đình Huế 11 văn bản. Đặc biệt, Tế cấp luận(1) được ông dành nhiều thời gian và công sức hơn cả, nội dung bàn về các việc cần làm ngay để canh tân, tự lực, tự cường, phát triển đất nước. Đây là văn bản quan trọng nhất, như chính ông viết: “Tế cấp luận là thâu tóm trí khôn của thiên hạ 500 năm nay, đâu có phải chuyện một ngày mà có thể làm hết được”. ông được vua Tự Đức lưu tâm chú ý đến. Theo lệnh vua, ông vào Kinh giúp việc. Ông nhận thấy rõ sự dè dặt của triều đình trong việc áp dụng các đề xuất canh tân của mình. Ông xin trở về quê. Dù ở Nghệ An, ông vẫn liên lạc với triều đình, giúp đỡ một số công việc của địa phương. Vua Tự Đức biết tin ông về quê đã hạ lệnh thu thập các điều trần của ông. Sau khi đọc kỹ các văn bản của ông, vua Tự Đức cho triệu tập ông cùng với giám mục Gauthier vào Kinh để giao nhiệm vụ đi Pháp thuê mướn thầy, thợ và mua sắm máy móc thiết bị. Về nước, trong thời gian từ cuối tháng 2-1868 cho tới cuối tháng 4-1868, ông liên tiếp gửi cho triều đình ít nhất 9 văn bản về dự án mở trường, phát triển đất nước. Trong mấy năm cuối đời, ông tiếp tục gửi cho triều đình Huế gần 20 văn bản, nêu các kế sách đánh giặc, thương nghị với Pháp, giao thiệp với các nước khác, về hoạt động nông chính…

Những đề nghị cải cách của ông khá toàn diện, bao quát hầu hết các lĩnh vực:

Về kinh tế, ông quan tâm trước tiên đến việc làm cho dân giàu, nước mạnh, bởi theo ông đó là điều kiện cần thiết để cứu nước, giữ nước. Ông đề nghị với triều đình mua sắm thuyền máy, cử người sang phương Tây học cách điều khiển và sửa chữa. Ông đề nghị bắt tay vào khai thác mỏ và thiết lập các nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng để phát triển công nghiệp.

Về nông nghiệp, coi trọng vấn đề cải tiến kỹ thuật, đặt chức “nông quan” phụ trách về nông nghiệp và thủy lâm tại các địa phương, phổ biến rộng rãi các kiến thức nông nghiệp cho nhân dân.

Về thương nghiệp, thực hiện giao lưu hàng hóa cả ngoại thương và nội thương. Mở cửa thông thương và đầu tư, khai thác tiềm năng của đất nước. Khuyến khích xuất khẩu nông, lâm, hải và khoáng sản

Về tài chính, công bằng và hợp lý trong việc thu thuế, đo đạc ruộng đất, kê khai dân số hằng năm để tránh thất thu và gian lận. Tăng thuế và đánh thuế thật nặng vào sòng bạc, rượu, thuốc lá và các hàng xa xỉ ngoại nhập để bảo vệ hàng nội địa, đánh thuế đối với nhà giàu.

Trên lĩnh vực chính trị, chủ trương duy trì, củng cố trật tự xã hội hiện hữu. ông đề nghị sáp nhập một số tỉnh, huyện để tinh giản biên chế và tăng lương cho các viên chức, vẽ bản đồ cương giới, điều tra dân số và thống kê tất cả các mặt sinh hoạt của đất nước. Đề nghị lập thêm Bộ Nông nghiệp, Bộ Ngoại giao và tòa án phải được độc lập: Nhà vua chỉ có quyền ân xá chứ không kết án.

Về quốc phòng, đề nghị tạm hòa với Pháp để củng cố lực lượng, xiết chặt hàng ngũ, tổ chức huấn luyện quân đội có mời chuyên gia phương Tây giúp, có chính sách đãi ngộ với quân đội, chế tạo vũ khí mới…

Về ngoại giao, tạm nhượng bộ Pháp, thiết lập bang giao với các nước khác để tranh thủ tự lực, tự cường, chờ đợi thời cơ đánh đuổi kẻ thù.

Về giáo dục, chủ trương phát động học tập và phổ biến rộng rãi kinh nghiệm,sáng kiến trong nhân dân, bổ sung một số môn học vào hệ thống giáo dục Gửi học sinh sang các nước học ngoại ngữ, các môn khoa học hiện đại. Dùng quốc âm thống nhất, biên soạn từ điển và phổ biến trong nhân dân cho dễ học, dễ hiểu.

Về văn hóa, xã hội, lập nhà in, xuất bản sách, báo để nâng cao trình độ dân trí, đồng thời kiểm soát, hạn chế, cấm đoán các loại sách độc hại. xây dựng nếp sống văn hóa mới như vệ sinh đường sá. Ông cũng chống lại luật lệ không cho dân đi xe, đi giày. Đề xuất mỗi tỉnh lập một viện dục anh giao cho các giám mục quản lý…

Nhìn lại sự thất bại của các đề nghị canh tân đất nước do Nguyễn Trường Tộ khởi xướng

Hầu hết các đề xuất cải cách, canh tân đất nước và các kế hoạch cụ thể, khẩn cấp của Nguyễn Trường Tộ đệ trình những năm cuối đời đều được triều đình vua Tự Đức bàn đi tính lại. Nhưng hầu hết đều không được triều đình sử dụng.

Nguyên nhân chính là bối cảnh chính trị – xã hội đương thời thiếu những điều kiện quan trọng để thực hiện các biện pháp, kế hoạch canh tân của ông. Vua Tự Đức và triều đình Nhà Nguyễn còn mang nặng tư tưởng thủ cựu, lạc hậu, xử lý vấn đề Nam kỳ một cách lúng túng, bế tắc. Bản thân ông cũng chính là bi kịch điển hình cho “thân phận người Công giáo” đương thời.

Cuộc đời ngắn ngủi 41 tuổi của Nguyễn Trường Tộ và khát vọng canh tân đất nước của ông qua 58 bản điều trần tuy chưa thành hiện thực nhưng đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá, nhiều vấn đề đến nay vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn thể hiện sự đóng góp lớn lao của ông đối với nhân dân, quê hương, đất nước./.

Theo xaydungdang.org.vn

Back to top button