Sinh học

THỰC TRẠNG NGHIỆN GAME Ở LỨA TUỔI THPT  NGUYÊN NHÂN VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC

THỰC TRẠNG NGHIỆN GAME Ở LỨA TUỔI THPT

NGUYÊN NHÂN VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC

  1. Trò chơi điện tử (game online) là những trò chơi sử dụng thiết bị điện tử để tạo ra một hệ thống tương tác mà người chơi có thể trực tiếp điều khiển trò chơi theo ý muốn của bản thân.

+ Hình thức phổ biến nhất mà trò chơi điện tử mang lại là trò chơi video hay còn gọi là video game.

+ Trò chơi điện tử là một dạng giải trí đối với con người sau những giờ học hay giờ làm việc căng thẳng, mệt mỏi, phù hợp với mọi lứa tuổi. Nó được sáng tạo bởi những lập trình viên tài giỏi, thông minh, có trí óc tưởng tượng phong phú.

Nghiện là trạng thái tâm lí tiêu cực gây ra do việc quá phụ thuộc hoặc sa đà quá mức vào một thứ gì đó có thể gây ảnh hưởng xấu đến người sử dụng hoặc thường xuyên tiếp xúc nó.

Nghiện game online là hiện tượng đầu óc nhập quá mức vào trò chơi điện tử, không thể kiểm soát cảm giác thèm chơi game, chơi liên tục và ưu tiên việc chơi game hàng đầu trong cuộc sống đến mức lệ thuộc vào game dẫn đến những tác hại không mong muốn. Vào tháng 6/2019 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã xác định tình trạng nghiện game online là một trong các dạng bệnh tâm thần và đã được bổ sung chính thức vào danh sách bảng phân loại bệnh quốc tế (ICD). Căn bệnh này cần phải được thăm khám và điều trị sớm để hạn chế tối đa các hệ lụy nguy hiểm có thể xảy ra.

Nguồn internet

2. Những biểu hiện của chứng nghiện game online

+ Ngồi chơi game online hơn 5 giờ/ngày, hoặc không có cảm giác về thời gian và không gian khi đang chơi game online.

+ Dấu gia đình người thân để chơi game online

+ Quên mất các sự kiện quan trọng hoặc không thực hiện đầy đủ công việc, giảm năng suất làm việc hoặc thờ ơ với các hoạt động xung quanh như học tập và công việc.

+ Tiếp tục chơi game online bất chấp những trục trặc khó khăn trong công việc, học tập và các mối quan hệ bạn bè, gia đình, xã hội.

+ Có những dấu hiệu của chứng suy nhược và có xu hướng hành xử như những hành vi trong game online: nói chuyện 1 mình, lẩm bẩm, cáu gắt, bạo lực…

Nguồn internet

3. Thực trạng của việc nghiện game online hiện nay với lứa tuổi THPT

– Có thể thấy trên khắp nẻo đường, con phố thậm chí cả trong thôn xóm, những quán internet mọc lên rất nhiều. Nhiều người đến đó không chỉ để truy cập thông tin phục vụ công tác làm việc, học tập mà hiện nay đến đó để chơi những trò chơi đã được cài đặt sẵn trên mạng.

– Nhiều bạn ngồi hàng ngày, hàng giờ trước màn hình vi tính, mê mẩn với những trò chơi như: liên minh huyền thoại, nông trại, thời trang, nấu ăn, đảo rồng… quên cả thời gian, quên ăn, lúc nào cũng chỉ muốn chinh phục, khám phá để trở thành người giỏi nhất.

– Theo một khảo sát mới nhất có tới 70% số đối tượng thích chơi game mang tính bạo lực, trong đó có 25% nghiện game nặng. Trong game có đến 77% là bạo lực, 9% là cờ bạc và chỉ có 14% là giải trí.

– Trẻ từ 16 – 18 tuổi dành hầu hết thời gian cho game online, ít chơi với bạn bè, ít tham gia vào hoạt động xã hội, hoạt động tập thể, không giao tiếp với mọi người nên dẫn đến bị cô lập về cảm xúc và cảm thấy cô đơn. Thậm chí thờ ơ, vô cảm với các hiện tượng, sự việc xảy ra hàng ngày. VD: thấy bạn đánh nhau không can ngăn mà chỉ đứng quay video để phát tán hay hò reo cổ vũ.

Những đối tượng nghiện game này, khi gặp biến cố hay khó khăn trong học tập hay cuộc sống thì không biết chia sẻ cùng ai và thường có những suy nghĩ tiêu cực.

4. Nguyên nhân dẫn đến việc nghiện trò chơi điện tử

– Game online ban đầu vốn là để cho mọi người được giải tỏa căng thẳng sau khi học tập và làm việc mệt mỏi. Tuy nhiên, do game online có sức hút mạnh, đặc biệt là với giới trẻ, dẫn đến việc một bộ phận không nhỏ số lượng học sinh bị sa đà vào các trò chơi vô bổ: đua xe, đánh nhau, bắn tỉa,… Những trò chơi đó đang dần dần chiếm lĩnh phần lớn thời gian của các bạn vì thế giới trong game rất sống động và hấp dẫn. Mặt khác, một số game online còn có chức năng mua bán vật phẩm, vũ khí, nạp tiền, nên nhiều người “cày game” để kiếm tiền.

– Sự hấp dẫn vốn có của game online với thiết kế đánh trúng tâm lí, sở thích của giới trẻ, các phần thưởng ảo hấp dẫn, kích thích tính hiếu thắng của người chơi. Tâm lí thích chinh phục khám phá để trở thành người giỏi nhất, muốn khẳng định mình để bạn bè tôn vinh và bái phục.

– Do ý thức bản thân, ham mê quá mức và chưa xác định được động cơ và mục đích học tập.

– Do cha mẹ quá nuông chiều con, buông lỏng hoặc không quan tâm đến con.

– Sự thiếu hụt không gian vui chơi giải trí lành mạnh cho học sinh.

– Do buồn chán hoặc bị bạn bè rủ rê, lôi kéo, không tự chủ được bản thân.

– Một nguyên nhân không thể không nhắc đến nữa đó là, trong 2-3 năm trở lại đây, do đại dịch Covid 19, đa số học sinh được trang bị điện thoại thông minh hoặc máy tính để học online. Ngoài mục đích học tập thì các em học sinh bắt đầu khám phá và sa vào các trò chơi điện tử.

5. Tác hại của việc nghiện game online

– Ngồi quá gần so với màn hình vi tính trong một thời gian dài có thể làm cho mắt bị mỏi, nặng hơn là bị cận thị, sức khỏe giảm sút nhanh chóng.

– Tiêu tốn thời gian của bản thân, tiền bạc của gia đình một cách vô ích.

– Nhiều thói hư tật xấu nảy sinh như: nói dối, trộm cắp…

– Không những thế ham mê trò chơi điện tử học sinh sẽ xao nhãng việc học, bỏ học, trốn học, không làm bài tập dẫn đến học tập sút kém, kiến thức mơ hồ.

– Trò chơi điện tử khiến tâm hồn con người bị đầu độc bạo lực, chém giết, bắn phá khiến con người dễ rơi vào thế giới ảo, nhiều mưu mô, nhiều thủ đoạn dẫn đến việc luôn luôn tìm mọi cách đối phó với gia đình, bạn bè, thầy cô.

– Các mối quan hệ bạn bè, gia đình ngoài thực tế giảm dần. Mất lòng tin đối với người thân và bạn bè.

– Nhiều em có biểu hiện của các rối loạn hành vi như: ăn cắp, nói dối, bỏ nhà đi, trốn học, ngủ gật trong giờ học…

– Hầu hết những trẻ chịu ảnh hưởng nhiều từ trò chơi trực tuyến đều ít có kỉ luật trong cuộc sống, hay lúng túng, hung hăng.

– Tai hại hơn khi có những em gái bị rối loạn giới tính.

– Hậu quả của việc sắm vai nhân vật quá lâu nên thích có những biểu hiện anh hùng, tưởng tượng xa thực tế.

6. Đề xuất biện pháp khắc phục.

– Ở lứa tuổi THPT, lứa tuổi tràn đầy nhiệt nhuyết, sáng tạo, học sinh phải xác định được nhiệm vụ chính là học tập, không ngừng nâng cao kiến thức, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, nhân cách, không lãng phí thời gian vào game. Nên khuyên ngăn và giúp đỡ những bạn có biểu hiện nghiện game, không bao che a dua theo bạn.

– Bên cạnh đó phải có sự quan tâm thường xuyên của gia đình, sự quản lý của nhà trường và xã hội.

– Nhà trường cần giáo dục, phối hợp phụ huynh tạo ra những sân chơi bổ ích có trí tuệ để tất cả các học sinh đều tham gia.

– Tham gia những hoạt động lành mạnh bên ngoài, những hoạt động xã hội bổ ích hoặc tham gia các câu lạc bộ như: câu lạc bộ sách, thể thao, văn nghệ…

– Phụ huynh nên thường xuyên trò chuyện, tâm sự cùng con em mình; Theo dõi thời gian biểu của trẻ để kịp thời phát hiện những dấu hiệu của việc nghiện game.

Ham chơi điện tử là một ham muốn nhất thời nhưng tác hại vô cùng to lớn, vì tương lai của chính mình, chúng ta nên điều chỉnh quỹ thời gian hợp lí, đủ giải trí thư giãn, đừng để bản thân sa vào những trò chơi tai hại đó.

Nguyễn Thị Hồng Vân

Back to top button