Hiệp định Sơ bộ (6/3/1946) và Tạm ước (14/9/1946) – Nước cờ ngoại giao Xuất sắc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trước tình hình đó, ngày 25/11/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc, chỉ rõ: Kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương lúc này là thực dân Pháp xâm lược, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng.
Trong thời gian này, thực dân Pháp vừa tiến công mở rộng chiếm đóng từ Sài Gòn ra các tỉnh Nam Bộ và Nam Trung Bộ, vừa khẩn trương tiếp xúc, đàm phán với quân Trung Hoa Dân Quốc đang làm nhiệm vụ tước vũ khí quân Nhật đầu hàng ở phía Bắc vĩ tuyến 16 để tìm cách đưa quân ra miền Bắc.
28/2/1946, chính quyền Tưởng Giới Thạch và Chính phủ Pháp ký kết Hiệp ước Pháp – Hoa, trao cho thực dân Pháp quyền thay thế quân đội Tưởng tước vũ khí quân Nhật ở miền Bắc Việt Nam và Pháp thỏa thuận nhượng lại một số quyền lợi về kinh tế.
3/3/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị Tình hình và chủ trương, chỉ rõ: hòa với Pháp có thể phá tan âm mưu của chủ nghĩa đế quốc và bọn phản động, bảo toàn được lực lượng, đồng thời giành được thời gian để chuẩn bị cuộc chiến đấu mới, tiến đến giành độc lập hòan toàn.
Chỉ thị phân tích những thuận lợi, khó khăn ở trong nước, ngoài nước và chỉ ra rằng: “Vấn đề lúc này, không phải là muốn hay không muốn đánh. Vấn đề là biết mình biết người, nhận một cách khách quan những điều kiện lời lãi trong nước và ngoài nước mà chủ trương cho đúng”[1].
Chỉ thị nhấn mạnh: “Điều cốt tử là trong khi mở cuộc đàm phán với Pháp, không những không ngừng một phút công việc sửa soạn, sẵn sàng kháng chiến bất cứ lúc nào và ở đâu, mà còn hết sức xúc tiến việc sửa soạn ấy và nhất định không để cho việc đàm phán với Pháp làm nhụt tinh thần quyết chiến của dân tộc ta”[2].
5/3/1946, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp mở rộng ở làng Canh (Hà Đông), nhất trí tán thành chủ trương hòa để tiến, quyết định tạm thời hòa hoãn với thực dân Pháp để có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng, đồng thời loại bớt một kẻ thù nguy hiểm là chính quyền Tưởng Giới Thạch.
6/3/1946, bản Hiệp định Sơ bộ được ký kết giữa một bên là Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt cho Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và một bên là Jean Sainteny, đại diện Chính phủ Pháp.
Theo Hiệp định Sơ bộ, Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do nằm trong khối liên hiệp Pháp. Nước Việt Nam có Chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng. Việc thống nhất đất nước sẽ được quyết định bằng trưng cầu ý dân. Chính phủ Việt Nam đồng ý để 15.000 quân Pháp vào thay quân Tưởng. Quân Pháp phải rút khỏi Việt Nam sau 5 năm, mỗi năm rút một phần năm. Quân đội hai bên ngừng bắn và ở nguyên vị trí. Hai bên sẽ mở cuộc đàm phán tại một trong ba nơi: Hà Nội, Sài Gòn hoặc Paris.
9/3/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị Hòa để tiến. Chỉ thị khẳng định đây là thắng lợi bước đầu, là giải pháp mang tính tình thế của Đảng, cần tận dụng thời gian hòa hoãn để tiếp tục xây dựng thực lực để mau tiến tới giành độc lập hoàn toàn. Chỉ thị giải thích lý do ký Hiệp định, hòa với Pháp để “Tránh tình thế bất lợi: phải cô lập chiến đấu cùng một lúc với nhiều lực lượng phản động…”[3].
Hiệp định Sơ bộ chỉ là thoả thuận tạm thời, quan hệ giữa hai nước phải do một hiệp định chính thức quy định. Vì thế, Hiệp định Sơ bộ có lưu ý hai nước Việt Nam và Pháp cần tiếp tục đàm phán để ký hiệp định chính thức. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương tìm mọi cách hòa hoãn, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh.
Sau khi Hội nghị trù bị Việt – Pháp (từ 19/4 đến 10/5) tại Đà Lạt tan vỡ do lập trường hiếu chiến của thực dân Pháp, phía Việt Nam đã chủ động tổ chức một phái đoàn Quốc hội mới của Việt Nam sang thăm thiện chí, hữu nghị Quốc hội và nhân dân Pháp từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 5.
Tiếp đó, ngày 31/5, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm nước Pháp. Cùng đi có Phái đoàn đàm phán Chính phủ do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu. Trong gần 100 ngày ở trên đất Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hàng chục cuộc hội đàm, gặp gỡ với các nhân vật trong Chính phủ, Quốc hội và các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội, các nhà hoạt động văn hóa, khoa học, nghệ thuật nổi tiếng; tổ chức nhiều cuộc họp báo, trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế nhằm nêu rõ thiện chí hòa bình của Việt Nam, không muốn chiến tranh với Pháp. Người còn theo dõi sát, tích cực chỉ đạo Đoàn đàm phán Việt Nam tại cuộc đàm phán chính thức với Đoàn đại biểu Pháp tại Fontainebleau.
Sau hơn hai tháng đàm phán (từ 6/7 đến 10/9), Hội nghị Fontainebleau không đi đến kết quả do phía Pháp không thực tâm đàm phán. Trong khi đó, tình hình tại Việt Nam ngày càng căng thẳng, nguy cơ nổ ra xung đột ngày càng rõ rệt. Để có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến, làm cho nhân dân Pháp, nhân dân thế giới hiểu rõ thiện chí hòa bình của ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định nán lại nước Pháp thêm ít ngày, trực tiếp gặp và đàm phán với Marius Moutet, Bộ trưởng Bộ nước Pháp ở Hải ngoại (thường gọi là Bộ Thuộc địa).
Ngày 14/9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký với đại diện Chính phủ Pháp một bản Tạm ước về quan hệ Việt Nam – Pháp. Bản tạm ước có 11 điều khoản, thể hiện sự thỏa thuận tạm thời giữa ta và Pháp về một số vấn đề bức thiết có tính chất bộ phận, có lợi cho cả hai bên. Hai bên cam kết đình chỉ mọi xung đột để làm giảm tình hình căng thẳng, tạo thuận lợi để mở lại cuộc đàm phán vào đầu năm 1947. Việt Nam tiếp tục nhân nhượng, đảm bảo cho Pháp một số quyền lợi về kinh tế, văn hóa ở Việt Nam. Phía Pháp nhận thi hành một số nội dung như: thả chính trị phạm và tù binh; nhân dân Nam Bộ được quyền tự do hội họp, tự do báo chí, tự do đi lại.
Có thể thấy rằng, để tránh cuộc chiến tranh, giữ hòa bình cho cả hai dân tộc, chúng ta đã chủ động đàm phán với Pháp, rồi ký Hiệp định sơ bộ (6/3/1946), sau đó ký Tạm ước (14/9/1946). Chủ tịch Hồ Chí Minh còn gửi thư tới nguyên thủ các nước Anh, Mỹ, Liên Xô và các thành viên của Liên hiệp quốc, nêu rõ thiện chí hòa bình, mong mỏi Liên hiệp quốc chấp nhận những yêu cầu chính đáng của Việt Nam để duy trì hòa bình. Đồng thời, Người liên tục gửi thư cho Chính phủ, Quốc hội, Thủ tướng Pháp và cử phái viên đến gặp đại diện Chính phủ Pháp ở Đông Dương, tìm cách cứu vãn hòa bình, tránh cuộc chiến tranh đổ máu. Nhưng giới cầm quyền thực dân đã khước từ mọi nỗ lực cứu vãn hòa bình của chúng ta. Do vậy, việc ký Tạm ước có thể xem là bước nhân nhượng cần thiết nhưng là nhân nhượng cuối cùng của Việt Nam để đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, vãn hồi hòa bình.
Mặc dù hai hiệp định quốc tế này đều mang tính chất sơ bộ, tạm thời trong quan hệ hai nước, làm cơ sở cho việc ký một hiệp định chính thức nhưng nó phản ánh một chủ trương nhất quán của Việt Nam trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không muốn chiến tranh, tìm mọi cách bảo vệ nền hòa bình mới giành được nhưng phải là nền hòa bình trong độc lập, tự do thực sự.
Cả hai Hiệp định rốt cục không ngăn chặn được chiến tranh nổ ra nhưng trong hoàn cảnh đất nước gặp muôn vàn khó khăn về kinh tế, xã hội, thù trong, giặc ngoài ra sức chống phá, vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”, việc ký Hiệp định Sơ bộ và Tạm ước là nước cờ ngoại giao xuất sắc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; lúc thì tạm hòa hoãn với Tưởng để rảnh tay đối phó với thực dân Pháp, lúc thì tạm hòa hoãn với Pháp để đuổi quân Tưởng ra khỏi nước ta mà không dùng đến biện pháp chiến tranh, tranh thủ thêm thời gian để xây dựng thực lực cho cuộc kháng chiến toàn quốc./.
Phòng Lý luận chính trị – Lịch sử Đảng
Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM
____________________
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 8, tr.43.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 8, tr.47.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 8, tr.49.