Viết đoạn văn về chủ đề: Bạn có thích học Lịch sử?
Đề bài: Viết đoạn văn về chủ đề: Bạn có thích học Lịch sử?
I. Dàn ý Viết đoạn văn về chủ đề: Bạn có thích học Lịch sử?
– Nêu ra vấn đề ngày càng có nhiều học sinh trở nên coi nhẹ và thờ ơ với môn lịch sử.
– Nguyên nhân:
+ Tư tưởng sai lầm của học sinh khi nghĩ rằng học lịch sử không có tính ứng dụng, lãng phí thời gian.
+ Phụ huynh định hướng cho con em một cách chủ quan, khuyến khích các em học tập trung mà vào những môn thi đại học, học lệch.
+ Nhà trường còn chưa thật sự chú ý đến việc dạy và học môn lịch sử, giáo viên chưa đủ nhiệt huyết và hứng thú để truyền đạt.
+ Giáo viên cũng có tư tưởng phân biệt môn chính, môn phụ gây ảnh hưởng nhiều đến tâm lý các em.
– Bàn luận:
+ Ngay từ buổi đầu không học sinh nào chán ghét môn lịch sử, thế nhưng phương thức giáo dục sai lầm, đã dẫn tới một thế hệ thờ ơ với lịch sử hào hùng của dân tộc.
+ Điều này khiến cả hệ thống giáo dục của nước nhà phải xem xét lại và tìm cách giải quyết trước khi mọi việc trở nên không thể vãn hồi.
II. Bài mẫu Viết đoạn văn về chủ đề: Bạn có thích học Lịch sử?
1. Bạn có thích học lịch sử, mẫu số 1:
Hồ Chủ tịch đã từng có những lời dạy rất sâu sắc rằng: “Dân ta phải biết sử ta cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, điều đó cho thấy rằng lịch sử là một môn học vô cùng quan trọng và có ý nghĩa đặc biệt trong cuộc sống của con người. Thế nhưng dưới ảnh hưởng của nền giáo dục mới và đặc biệt là trong thời buổi nền kinh tế thị trường ngày càng trở nên chiếm ưu thế, thì trong suy nghĩ của đa số mọi người đều dần xem nhẹ môn học mang tên Lịch sử. Đó đều bắt nguồn từ những tư tưởng sai lầm và hiện tượng học lệch phổ biến trong nhà trường, hầu hết các em học sinh đều cho rằng môn học này không có tính ứng dụng thực tiễn, học rồi cũng chỉ để quên, chỉ tổ lãng phí thời gian, công sức. Phụ huynh thì định hướng một phía, chỉ khuyến khích các em tập trung học những môn “chính” như Toán, Văn, Anh, hoặc là học lệch hẳn về một khối để phục vụ cho kỳ thi đại học và hoàn toàn gạt bỏ môn Lịch sử ra khỏi tầm suy nghĩ, thậm chí có nhiều người còn không biết đến sự tồn tại của nó. Dĩ nhiên rằng, hiện tượng Lịch sử bị bỏ rơi không hoàn toàn là trách nhiệm của học sinh hay phụ huynh mà nó còn xuất phát từ chính nhà trường, đặc biệt là ở người giáo viên. Có một sự thật rằng, chính bản thân giáo viên đôi khi cũng có tư tưởng phân biệt “môn chính”, “môn phụ” điều này đã gián tiếp ám thị và ảnh hưởng đến tầm suy nghĩ của các em học sinh vốn còn chưa nhận thức được quá nhiều. Hơn thế nữa cách dạy và truyền đạt còn quá cứng nhắc, không có sự đổi mới sáng tạo dễ dàng biến môn Lịch sử thành bộ môn gây nhàm chán và buồn ngủ, điều ấy đòi hỏi ở người giáo viên những kỹ năng diễn giải sao cho sinh động, đặc biệt là yêu cầu sự tìm hiểu nghiên cứu sâu sắc. Bởi Lịch sử không thể nào chỉ nằm gọn trong vài chục trang sách mà đó là một quá trình vĩ đại, phải đào sâu tìm kỹ, chọn lọc, phân tích và tổng kết cho học sinh những kiến thức đáng nhớ và ấn tượng. Tôi biết chắc rằng ngay từ buổi đầu đi học không có em học sinh nào thực sự chán ghét môn Lịch sử, bởi nó là những trang sử hào hùng của một dân tộc có hơn 4000 năm văn hiến, nó cũng thú vị chẳng kém gì những môn học khác. Chỉ là thời thế thay đổi, những giá trị và tư tưởng của con người đã thay đổi quá nhiều, khiến chúng ta phải xót xa khi hỏi một em học sinh bất kỳ: “Bạn có thích môn Lịch sử không?” thì 80% câu trả lời ấy là “Không” còn vì sao “Không” thì có đến cả trăm, ngàn lý do khác nhau. Điều ấy khiến cả hệ thống giáo dục phải suy nghĩ lại về một nền giáo dục đổi mới cách đây vài chục năm, thế nhưng lại khiến Lịch sử bị xa lánh, ghét bỏ!
2. Bạn có thích học lịch sử, mẫu số 2:
“Bạn có thích học lịch sử không?”, đó là một câu hỏi có vẻ bình thường, nhưng trên thực tế đó đã trở thành một vấn đề tồn tại nhiều những bất cập trong hệ thống giáo dục của nước ta. Bạn nghĩ sao về con số 90% những học sinh chọn môn Lịch sử để thi tốt nghiệp có điểm số dưới trung bình? Đó đơn giản là các em thực sự mất gốc môn Lịch sử – một môn học chỉ toàn lý thuyết hay là sự chán nản, xa lánh từ trong tâm hồn đối với môn học này? Dù với bất cứ lý do nào thì tôi cũng cho rằng đó là một tình trạng đáng báo động của nền giáo dục nước nhà, khi mà những trụ cột tương lai đang dần quên đi gốc rễ, cội nguồn dân tộc, quên đi hết những trang sử hào hùng được viết bằng máu và nước mắt của cha ông. Điều ấy đối với tôi như là một cái cây mà không có rễ vậy, cái gốc cội nguồn không có thì lấy gì để xây dựng một tư cách đạo đức cao đẹp, một lập trường chính trị vững vàng, lấy cái gì để làm cơ sở xây dựng Tổ quốc. Bởi có học mới biết quý trọng những ngày tháng an bình, mới biết yêu hơn mảnh đất quê hương, mới thấu hiểu nhiều những vấn đề liên quan đến văn hóa truyền thống của dân tộc, mới nắm bắt được những thách thức và khó khăn mà Việt Nam đang phải khắc phục dù chiến tranh đã qua đi được mấy chục năm trời. Lịch sử chính là những bài học quý giá, những kinh nghiệm mà cha ông ta đã đánh đổi bằng xương máu để giành lấy, các bạn đừng chỉ nghĩ đơn giản rằng lịch sử chỉ áp dụng cho chính trị hay quân sự mà thực tế nó ứng dụng rất nhiều ở các lĩnh vực khác trong cuộc sống. Ở từng trang lịch sử ta học được lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc sâu sắc, sự sáng tạo, anh dũng trong chiến đấu của nhân dân, lòng quyết tâm, sự trung thành tuyệt đối với đất nước,… đó đều là những bài học đạo đức trân quý mà không phải thời đại nào, quốc gia nào cũng có thể có. Không chỉ vậy nếu bạn yêu môn Văn, muốn phân tích một tác phẩm gắn liền với thời đại đã qua của dân tộc thì Lịch sử sẽ giúp bạn hiểu được sâu sắc bối cảnh lịch sử của bài văn, từ đó việc phân tích và cảm thụ văn học sẽ trở nên dễ dàng hơn dựa trên những cơ sở kiến thức đã có được. Như vậy thực tế rằng học Lịch sử có nhàm chán và vô dụng như bạn nghĩ không, đừng tự ám thị mình bạn nhé, hãy mở lòng ra, hãy đón nhận Lịch sử dân tộc bằng tấm lòng thành kính và tự hào sâu sắc. Không có gì xấu hổ hơn việc chối bỏ cội nguồn đất nước và mù tịt về quá khứ tổ tiên đâu các bạn ạ.
3. Bạn có thích học lịch sử, mẫu số 3:
Nếu ai có hỏi tôi rằng “Bạn có thích học lịch sử không?” tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời là có, bởi chẳng có lý do gì để chúng ta không yêu một môn học chứa đựng cả một tinh thần dân tộc to lớn. Đó không chỉ là những năm tháng kháng chiến trường kỳ gian khổ “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập/Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên hùng cứ một phương”, đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ cứu nước vĩ đại, mà nó còn là quá trình hình thành và phát triển của đất nước từ những năm tháng người Việt cổ đặt những dấu chân đầu tiên bên bờ sông Hồng phù sa màu mỡ cho đến tận ngày hôm nay. Lịch sử đã ghi lại hết những ký ức của nhân dân trong dòng chảy thời đại, từ đó làm nên một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, phân biệt hoàn toàn với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Lịch sử giúp khơi dậy những nét văn hóa đã bị quên hoặc gần bị quên lãng, gắn kết những con con người trong một cộng đồng lại với nhau bằng chính những ký ức chung, chính những tưởng tượng chung về nền văn hóa vốn lâu đời của dân tộc. Và từ những cá thể có nhận thức chung về cội nguồn dân tộc ấy đã làm nên đất nước, một đất nước của nhân dân, người đi trước đã dựng lên lịch sử để người đi sau cảm thấy tự hào, thấy yêu hơn mảnh đất chôn rau cắt rốn, rồi từ đó hình thành tư tưởng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc sâu sắc. Để rồi khi đất nước bị xâm lăng mới xuất hiện những con người anh hùng, sẵn sàng xông pha trận tuyến, hết lớp này đến lớp khác không tiếc hy sinh mạng sống để bảo vệ non sông. Có thể nói rằng lịch sử đã làm ra hiện tại và tương lai, đồng thời bản thân lịch sử cũng làm ra lịch sử như một chu kỳ tuần hoàn tương hỗ lẫn nhau. Đọc lịch sử để biết về quá khứ, để có cái nhìn thật khách quan và lý trí về đất nước và dân tộc trong hiện tại, cũng như thấu hiểu hơn những khó khăn, thách thức mà đất nước ta đang phải đối mặt. Đọc lịch sử cũng là để rèn luyện tư cách đạo đức, nhìn ra được những bài học đắt giá từ những trang sử mà cha ông đã viết bằng xương máu, biết trân quý khoảnh khắc thanh bình hiện tại, mà ra sức học tập để xây dựng đất nước. Tôi không cố ý khuyến khích bạn phải học Lịch sử một cách khiên cưỡng, thực tế rằng có vô số cách học bộ môn này, bởi lịch sử không chỉ nằm trong sách vở với số lượng chưa đến trăm trang giấy. Ta có thể chủ động tìm hiểu lịch sử thông qua phim ảnh, thông qua các bài báo, các tác phẩm văn học, thông qua việc tham quan bảo tàng,… bởi chỉ có học tập và tìm hiểu trong tâm thế thoải mái thì con người ta mới có thể tiếp thu và thấu hiểu sâu sắc. Cuối cùng tôi mong rằng đừng ai trong thế hệ áo trắng chúng ta thốt ra lời cay đắng với môn Lịch sử các bạn nhé, đó là biểu hiện của sự thiển cận, kém phẩm chất đạo đức đang ươm mầm, bén rễ trong tâm hồn con người đấy ạ.
4. Bạn có thích học lịch sử, mẫu số 4:
“Bạn có thích học Lịch sử?” dường như đã trở thành một câu hỏi khá “nóng” trong nền giáo dục Việt Nam từ nhiều năm trở lại đây. Tôi vẫn rất băn khoăn bởi vì một lý do nào đó mà Lịch sử bỗng trở nên trở nên “thất sủng” ở một đất nước vốn được xem là có bề dày 4000 năm văn hiến với những trang sử huy hoàng, rực rỡ. Để tìm được một học sinh có hứng thú với môn lịch sử hiện nay thực sự phải mượn tạm những câu thơ của Nguyễn Trãi để hình dung: “Nhân tài như lá mùa/Tuấn kiệt như sao buổi sớm”. Thậm chí đối với nhiều em học sinh việc ưa thích môn Lịch sự được xem là “quái dị”, là khác biệt và người đó vinh dự được xem là “quái nhân”. Thực ra các em phần nhiều có suy nghĩ đó tôi cũng có thể hiểu được, bởi lẽ rằng tư tưởng của các em phần nhiều đã bị “tẩy” khá nhiều, xu hướng phân biệt môn chính, môn phụ quá sâu sắc, rồi đến việc thi vào đại học có quá nhiều áp lực nặng nề, khiến các em buộc phải học chuyên về một khối và không có nhiều thời gian dành cho các môn khác. Chưa kể đến việc sách vở dành cho môn Lịch sử còn quá khô khan và cứng nhắc, những tiết học bị giảm tải quá nhiều, khiến môn học này trở nên không đầu không đuôi, kém sức hấp dẫn và buồn ngủ. Thêm vào đó việc giáo viên và nhà trường chưa thực sự chú tâm đến việc nâng cao kiến thức lịch sử cho học sinh, đôi khi những tiết dạy chỉ là để đủ giờ, đủ buổi, phần nội dung không được chau chuốt, nghiên cứu, tìm hiểu, thế nên khi trình bày có đôi chỗ bị thiếu hụt, học sinh không thể hiểu một cách sâu sắc, đâm ra tư tưởng từ chối, không tiếp thu. Dần dà chính sự buông lỏng của cả thầy và trò đã khiến môn Lịch sử bị bỏ rơi và có một thế hệ trẻ “dốt” sử ra đời. Tôi không thể tưởng tượng được rằng có một em học sinh đã hùng hồn phát biểu rằng Quang Trung là anh em với Nguyễn Huệ, hoặc thậm chí nhầm tưởng rằng Quang Trung với Nguyễn Du là cùng một người, tệ hại hơn có cả người còn không biết thủ đô của Việt Nam tên gì, nếu như vậy thì tôi sao dám mơ tưởng đến việc các em có thể nhớ được những sự kiện lịch sử quan trọng khác đã đánh một dấu son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Sự thờ ơ với môn học này đã đem đến một hệ thanh niên sắp quên hết cội nguồn, gốc rễ của dân tộc, đánh rơi những ký ức quý giá mà ông cha đã gây dựng bằng xương máu để đổi lại cho chúng ta lòng tự hào, tự tôn dân tộc sâu sắc, để gắn kết dân tộc ta lại với nhau thành một khối đoàn kết vững mạnh. Nhà văn nổi tiếng Robert A. Heinlein đã nói rằng: “Một thế hệ ngoảnh mặt lại với lịch sử là một thế hệ không có quá khứ – và cũng không có tương lai”. Việc chúng ta lãng quên lịch sử chính là tự vứt bỏ căn cơ và từng bước hủy diệt tương lai, bởi một dân tộc không có truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời, không có cội nguồn hình thành đất nước thì đó không phải là một đất nước đúng nghĩa, mà đó chỉ là một mảnh đất với những con người vô ơn!
https://thuthuat.taimienphi.vn/viet-doan-van-ve-chu-de-ban-co-thich-hoc-lich-su-48325n.aspx Cùng với chủ đề Bạn có thích học lịch sử? các em học sinh có thể tự rèn luyện kĩ năng viết đoạn văn theo một số chủ đề sau: Viết đoạn văn tả cánh đồng lúa trong đó có sử dụng biện pháp so sánh và nhân hoá, Viết đoạn văn miêu tả cảnh sông nước, Viết một đoạn văn ngắn tả về biển, Viết đoạn văn ngắn tả ảnh Bác Hồ.