Tranh

Các vụ tranh chấp thương mại quốc tế nổi tiếng

Tranh chấp là điều khó tránh khỏi trong hoạt động thương mại quốc tế. Thực tiễn đã xảy ra những tranh chấp thương mại quốc tế nổi tiếng và hệ quả từ những tranh chấp nói trên có sức ảnh hưởng lớn đến việc giải quyết tranh chấp liên quan sau này. Trong bài viết dưới đây, Công ty Luật Việt An sẽ giới thiệu “Các vụ tranh chấp thương mại quốc tế quốc tế nổi tiếng”, điểm qua những chi tiết quan trọng về vụ tranh chấp và hệ quả từ những vụ tranh chấp nói trên.

Tranh chấp thương mại quốc tế là gì

Khái niệm tranh chấp thương mại quốc tế

Tranh chấp thương mại quốc tế là các mâu thuẫn, bất đồng về quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong một quan hệ thương mại quốc tế.

Phân loại tranh chấp thương mại quốc tế

Dựa vào chủ thể và đối tượng của tranh chấp, tranh chấp thương mại quốc tế được chia thành hai loại cơ bản là: Tranh chấp thương mại quốc tế công và Tranh chấp thương mại quốc tế tư.

  • Tranh chấp thương mại quốc tế công là tranh chấp thương mại quốc tế giữa các thực thể công về việc xây dựng và thực thi các chính sách thương mại như thuế xuất nhập khẩu, chống bán phá giá, trợ cấp, … Tranh chấp thương mại quốc tế công phát sinh khi một hoặc nhiều thực thể công cho rằng một thực thể công nào đó ban hành hoặc thực hiện chính sách thương mại không phù hợp hoặc không thực thi các nghĩa vụ đã cam kết.
  • Tranh chấp thương mại quốc tế tư là tranh chấp thương mại quốc tế giữa các thương nhân (bao gồm cả tranh chấp thương mại quốc tế giữa thương nhân và quốc gia). Các tranh chấp thương mại quốc tế tư xảy ra ở nhiều lĩnh vực như: mua bán hàng hóa quốc tế, thanh toán quốc tế, đầu tư quốc tế,… Nhưng hầu hết là đều liên quan đến hợp đồng thương mại quốc tế.

Các vụ tranh chấp thương mại quốc tế nổi tiếng

Người mua ở Thụy Sĩ – Người bán ở Áo: Tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại

Tóm tắt vụ tranh chấp

  • Nguyên đơn: Người mua Thụy Sĩ
  • Bị đơn: Người bán ở Áo
  • Hàng hóa tranh chấp: phân bón hóa học
  • Cơ quan giải quyết tranh chấp: Tòa trọng tài ICC, Basel, Thụy Sĩ
  • Khái quát về vụ tranh chấp:
  • Người bán Áo không giao hàng theo đúng thời hạn quy định trong hợp đồng với người mua Thụy Sĩ trong khi việc giao hàng đúng hạn là vấn đề cốt lõi (cơ bản) đối với lợi ích của người mua.
  • Do đó, người mua Thụy Sĩ phải mua hàng thay thế với giá cao hơn nhằm thực hiện hợp đồng đã ký với bên thứ ba.
  • Người mua Thụy Sĩ đã khởi kiện tại Tòa trọng tài ICC yêu cầu bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị các bao bì mà họ đã cung cấp cũng như khoản thiệt hại do phải mua hàng thay thế.
  • Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết: người mua có quyền được hưởng khoản tiền bồi thường thiệt hại, bao gồm giá trị các bao bì họ đã cung cấp và giá trị giao dịch thay thế, căn cứ theo Điều 49(1)(a), Điều 74 và 75 của CISG.

Hệ quả từ vụ tranh chấp trên:

Tranh chấp điển hình trên mang số 8128/1995 tại Tòa trọng tài ICC, Basel, Thụy Sĩ là một trong những án lệ giải thích Điều 75 CISG. Án lệ trên đã làm rõ được nội dung như thế nào là giao dịch thay thế được thực hiện “một cách hợp lý” và “trong một thời hạn hợp lý”.

Cộng đồng Châu Âu – Nhật Bản: Thuế đánh vào các loại đồ uống có cồn

Tóm tắt vụ tranh chấp:

  • Nguyên đơn: Cộng đồng Châu Âu
  • Bị đơn: Nhật Bản
  • Cơ quan giải quyết tranh chấp: DSB
  • Sự kiện pháp lý:
  • Luật Thuế rượu của Nhật Bản đã thiết lập một hệ thống thuế nội bộ áp dụng cho tất cả các các loại rượu ở các mức thuế khác nhau tùy thuộc vào từng loại. Luật thuế này, theo quan điểm của nguyên đơn, là đã đánh vào các khoản thuế rượu “shochu” thấp hơn đáng kể so với các sản phẩm khác (như whisky, cognac và rượu trắng).
  • Ngày 27/9/1995, Ban hội thẩm kết hợp đã được thành lập tại cuộc họp của DSB.
  • Ngày 30/10/1995, cơ cấu Ban hội thẩm được hoàn thiện. Báo cáo của Ban hội thẩm chỉ ra rằng hệ thống thuế của Nhật Bản đã vi phạm với Điều III: 2 của GATT, được ban hành đến các thành viên WTO ngày 11/7/1996.
  • Ngày 08/8/1996 Nhật Bản nộp đơn kháng cáo. Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm được ban hành đến thành viên vào ngày 04/10/1996. Báo cáo của cơ quan phúc thẩm tái khẳng định kết luận của Ban hội thẩm rằng Luật Thuế rượu của Nhật Bản là không phù hợp với Điều III: 2 của GATT, đồng thời cũng chỉ ra một số điểm mà Ban hội thẩm đã sai lầm trong lập luận pháp lý. Báo cáo Phúc thẩm, cùng với báo cáo của Ban hội thẩm (đã được điều chỉnh theo báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm) được thông qua vào ngày 01/11/1996.

Hệ quả từ vụ tranh chấp trên:

Với tranh chấp giữa Cộng đồng Châu Âu và Nhật Bản trong việc giải thích khái niệm “sản phẩm tương tự” phần nào đã làm rõ khái niệm ‘sản phẩm tương tự’ (‘like product’) trong quá trình giải quyết vụ việc liên quan đến việc áp dụng nguyên tắc đối xử quốc gia (nguyên tắc ‘NT’). Đây là nguyên tắc nền tảng của pháp luật thương mại quốc tế, trong khi các quy định trong các hiệp định của WTO không đủ và không thể làm rõ được khái niệm này.

Canada – Cộng đồng Châu Âu: Các biện pháp liên quan đến Amiăng và sản phẩm có chứa Amiăng

Tóm tắt vụ tranh chấp:

  • Nguyên đơn: Canada
  • Bị đơn: Cộng đồng Châu Âu (EC)
  • Cơ quan giải quyết tranh chấp: DSB
  • Sự kiện pháp lý:
  • Ngày 28/5/1998, Canada yêu cầu tham vấn với Cộng đồng Châu Âu liên quan tới những biện pháp mà Pháp ban hành trong Nghị định ngày 24 tháng 12 năm 1996, cấm amiăng và các sản phẩm có chứa amiăng, bao gồm cả việc cấm nhập khẩu những sản phẩm này. Canada cáo buộc rằng những biện pháp này đã vi phạm các điều 2, 3 và 5 của Hiệp định SPS, Điều 2 Hiệp định TBT, Điều III, XI và XIII của GATT 1994. Canada cũng khiếu nại về những tổn hại đối với các lợi ích của nước này do các hiệp định nêu trên mang lại.
  • Ngày 8 tháng 10 năm 1998, Canada yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm. Tại cuộc họp ngày 21 tháng 10 năm 1998, DSB đã trì hoãn việc thành lập Ban Hội thẩm.
  • Theo yêu cầu lần hai của Canada, DSB đã quyết định thành lập Ban Hội thẩm trong cuộc họp ngày 25/11/1998. Báo cáo của Ban Hội thẩm đã kết luận: Nghị định Pháp đã vi phạm điều III:4 của GATT 1994. Canada không khiếu nại về những tổn hại lợi ích theo định nghĩa trong Điều XXIII:1(b).
  • Kết luận của cơ quan giải quyết tranh chấp:

Theo kết quả cuối cùng, Canada đã không thành công trong việc thiết lập các biện pháp do vấn đề không phù hợp với nghĩa vụ của EC theo các thỏa thuận đã được bảo đảm. Theo đó, không có khuyến nghị nào được đưa ra cho DSB theo Điều 19.1 của DSU.

Hệ quả từ vụ tranh chấp trên:

Đây là vụ việc đầu tiên mà Cơ quan phúc thẩm giải quyết tranh chấp liên quan đến Điều III:4 GATT. Có thể thấy, Cơ quan phúc thẩm đã hình thành các tiếp cận với khái niệm “tính tương tự” quy định trong câu thứ nhất của khoản 2 Điều III. Có thể thấy, từ báo cáo của Cơ quan phúc thẩm trong vụ tranh chấp giữa Canada và Cộng đồng Châu Âu liên quan đến amiang và sản phẩm có chứa amiang, đã có nhiều vụ tranh chấp sau này đã trích dẫn lại báo cáo trên phục vụ cho việc giải quyết tranh chấp giữa các bên (ví dụ như vụ US – Clove Cigarettes).

Quý khách hàng có bất kỳ vướng mắc về pháp luật trọng tài, giải quyết tranh chấp xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được chúng tôi hỗ trợ tốt nhất!

Back to top button