Tranh

Vẽ lại tranh dân gian lên trang phục – niềm đam mê thầm lặng của người trẻ

Nhịp sống của thế kỷ 21 với nhịp sống của thế kỷ 15, 16 (thời điểm nhiều dòng tranh dân gian hoặc ra đời hoặc phát triển mạnh mẽ) là hai nhịp sống khác biệt hoàn toàn. Hẳn nhiên tư duy, thẩm mỹ của những người sống ở giai đoạn này cũng hoàn toàn cách biệt với giai đoạn kia. Sẽ rất khó để thuyết phục “họ” thẩm nghiệm, đồng thuận với nhau về các vẻ đẹp và tư duy thẩm mỹ. Đó là căn nguyên của việc văn hóa truyền thống bị mai một.

Bản in Thiên hạ thái bình – tranh dân gian Đông Hồ “tái hiện” trên thiết kế áo thun nam đơn giản, hiện đại và trẻ trung

Một thiết kế trong bộ thiết kế Basic Hoodie Rồng, Phượng, Nghê

Văn hóa truyền thống bị mai một sẽ là cội nguồn của nhiều mất mát khác. Thế nên không chỉ các nhà quản lý, nhà nghiên cứu trăn trở, giữ gìn mà nhiều người trẻ, nghệ sĩ và cả các nhà thiết kế thời trang cũng dần vào cuộc.

Bản in Cá đàn – tranh dân gian Hàng Trống

Bản in Chim hạc – tranh dân gian Đông Hồ

Bản sắc văn hóa truyền thống được tái hiện và làm mới lại hoàn toàn trên những chất liệu và “công cụ” khác nhau. Thêu, đính, kết… không chỉ thực hiện trên tơ, lụa như xưa mà nó còn được thêu, in trên các chất liệu thun, cotton chun hay denim, da, len… Những mẫu tranh dân gian không nằm ở các khung tranh với giấy bồi, vải canvas, màu và sơn dầu… mà nó đi vào trang phục thời trang thường ngày, trở thành điểm nhấn, họa tiết trang trí sang trọng độc đáo trên mặt vải những chiếc áo thun, áo dài, sơ mi, váy…

Bản in Xích hổ – tranh dân gian Hàng Trống

Dường như thời trang đang là một trong số ít những cách truyền tải hiệu quả, dễ dàng, nhanh chóng, thân thiện và gần gũi nhất tới đông đảo công chúng, người tiêu dùng những vẻ đẹp, màu sắc, nghệ thuật và giá trị của văn hóa truyền thống.

Bản in Ngũ hổ – tranh dân gian Hàng Trống

Khi các tín đồ thời trang mặc những bộ trang phục có in họa tiết là những tác phẩm tranh dân gian họ không chỉ có dịp “nghĩ” nhiều hơn về quá khứ, vẻ đẹp cũ mà còn “bắt tay” vào tìm hiểu lại vẻ đẹp một thời của cha ông. Không những thế họ còn tận dụng được cơ hội giới thiệu nét đẹp truyền thống với những người họ gặp và thể hiện cá tính, sự khác biệt, tư duy thẩm mỹ cá nhân thông qua các mẫu thiết kế họ chưng diện.

Bản in Gà hoa hồng – tranh dân gian Đông Hồ trên thiết kế áo thun nam

Bản in Đám cưới chuột – tranh dân gian Đông Hồ “tái hiện” trên mẫu áo nam hiện đại

Phong cách vẽ tranh trò chơi dân gian vì thế mà đang trở thành một nguồn cảm hứng dồi dào cho các nhà thiết kế thời trang.

Một thiết kế trong bộ thiết kế Basic Hoodie Rồng, Phượng, Nghê

Series những tác phẩm mang chủ đề Vẽ lại tranh dân gian của NTK kiêm họa sĩ Xuân Lam là một ví dụ. Nó đã gây ấn tượng mạnh với các tín đồ thời trang. Loạt tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống và cả một số tác phẩm tranh dân gian của Nghệ An cũng được tác giả “kể lại” theo cách đương đại, rất dễ thẩm thấu.

Ở thế hệ 9X, NTK kiêm họa sĩ trẻ này bằng sự sáng tạo linh hoạt của mình đã đưa tranh dân gian vào thời trang một cách giản dị, nhuần nhuyễn khiến những người trẻ cùng lứa tuổi NTK cũng tiếp nhận chúng một cách nhẹ nhàng nhưng trân quý và sâu sắc.

Thiết kế Basic Hoodie với các “artwork”: Rồng, Phượng, Nghê được sản xuất phiên bản giới hạn số lượng, bản in được thực hiện thủ công rất thu hút giới trẻ

Tựa như một sự đối thoại đầy cuốn hút giữa hiện đại và truyền thống trên chính các trang phục hằng ngày, các tác phẩm thời trang mang chủ đề Vẽ lại tranh dân gian là một sự mới mẻ trong thiết kế thời trang. Nó thậm chí là sự pha trộn giữa thời trang và hội họa khiến các tín đồ thời trang trẻ rất thích thú. Âu cũng là điều đáng mừng trong dòng chảy thời trang vừa nhanh vừa đa dạng lại vừa có yếu tố hòa nhập mạnh mẽ như hiện nay.

Ảnh: Xuân Lam, Tired City

Back to top button