Tranh

Những mỹ nhân cổ đại Trung Quốc qua tranh vẽ (P2) – Website của Lưu giữ kỷ niệm THCS Vĩnh Hậu-Hòa Bình-Bạc Liêu

Nàng sống vào đời Tam Quốc, gia cảnh tan tành vì loạn Đổng Trác. Nàng được quan Tư Đồ Vương Doãn – đại thần của Hán Hiến Đế thời Tam Quốc – nhận làm con nuôi. Điêu Thuyền bái nguyệt ở hậu hoa viên của Tư Đồ Vương Doãn, đột nhiên có một cơn gió nhẹ thổi đến, một vầng mây trôi che khuất mặt trăng. Đúng lúc đó, Vương Doãn bước ra nhìn thấy. Để khen con gái nuôi mình xinh đẹp như thế nào, Vương Doãn thường nói với mọi người rằng con gái mình đẹp đến nổi trăng sáng nhìn thấy cũng phải trốn vào sau lưng mây. Vì vậy, Điêu Thuyền được mọi người xưng tụng là “Bế Nguyệt”. Đổng Trác làm Tướng Quốc hoang dâm tàn bạo, tác yêu tác quái trong triều nhờ có đứa con nuôi là Lã Bố, sức đánh trăm người. Vương Doãn dùng kế mỹ nhân lấy Điêu Thuyền làm mồi. Doãn hứa với Lã Bố gả Điêu Thuyền cho hắn rồi đưa nàng dâng cho Đổng Trác. Lã Bố mất mồi ngon nên làm phản, đồng mưu với Vương Doãn giết Đổng Trác để cướp lại Điêu Thuyền, nhờ thế mà cứu được nhà Hán thêm một thời gian. Thánh Thán viết về Điêu Thuyền như sau: “Mười tám lộ quân chư hầu không giết nổi Đổng Trác mà một thiếu nữ đào tơ liễu yếu như Điêu Thuyền lại giết nổi Trác. Ba anh em Lưu, Quan, Trương hùng liệt không thắng nổi Lã Bố mà chỉ một nàng Điêu Thuyền lại thằng nổi. Oâi! Lấy chăn chiếu làm chiến trường, lấy son phấn làm khôi giáp, lấy sóng mắt nụ cười làm gươm sắc dáo nhọn, lấy mày ngài làm cung nỏ, lấy nước mắt nũng nịu làm tên đạn, lấy lời ngọt ngào tình tứ làm chiến lược mưu cơ. Xem như thế thì cái bản lãnh của “Nữ Tướng Quân” quả là tuyệt cao cường, đáng sợ lắm thay!” Sau khi Hạ Bì thất thủ, Lã Bố chết, không ai biết Điêu Thuyền ra sao nên Thánh Thán kết luận: “Con rồng thiêng chỉ ló cái đầu và cái mình mà ẩn được cái đuôi. Có thế danh tiếng mới khỏi bị tổn thương.

Tây Thi (Đại mỹ nhân trầm ngư)

Thời kỳ Xuân Thu – Chiến Quốc, Việt quốc có một thôn nữ dệt vải ở Trữ La Sơn, ngũ quan đoan chính, phấn diện đào hoa, tướng mạo hơn người. Khi cô giặt áo bên bờ sông, bóng cô soi trên mặt nước sông trong suốt làm cô thêm xinh đẹp. Cá nhìn thấy ảnh cô, say mê đến quên cả bơi, dần dần lặn xuống đáy sông. Từ đó, người trong vùng xưng tụng cô là “Trầm Ngư”. Việt Vương Câu Tiễn thua vua Ngô là Phù Sai nên bị bắt làm tù nhân nhục nhã. Khi được tha về, Câu Tiễn ngày đêm nghĩ kế phục thù. Đại phu Văn Chủng hiến kế dùng mỹ nhân để mê hoặc vua Ngô. Phạm Lãi được lệnh tuyển mỹ nữ, chọn Tây Thi rồi huấn luyện nàng và dâng lên Phù Sai. Vua Ngô say đắm Tây Thi, để ở Cô Tô Đài và phung phí châu báu, vàng ngọc, lập Quán Khuê Cung, Ngoạn Hoa Trì, Ngô Vương Tỉnh… để chiều ý nàng. Vì chỉ rượu chè, đàn địch với giai nhân nên nước suy yếu, Câu Tiễn thừa cơ đánh bại, Phù Sai phải tự tử. Theo chính sử, sau khi làm tròn phận sự, Tây Thi trở về Trữ La Thôn nhưng vợ Câu Tiễn sợ chồng sẽ say đắm sắc đẹp của nàng nên mật sai người đeo đá vào người nàng và ném xuống sông Tam Giang. Có lẽ cái chết này quá bi thảm nên theo “Tình sử” thì sau khi đốt phá Cô Tô Đài, Phạm Lãi vì yêu Tây Thi nên rước nàng xuống thuyền và cả hai chu du Ngũ Hồ cho vẹn tình chung thủy.

Dương Quý Phi (Đại mỹ nhân tu hoa)

Nàng họ Dương, sinh ở tỉnh Tứ Xuyên, sống vào đời nhà Đường. Nàng lấy Hoàng Thọ Vương Lý Dục, con thứ 18 của Đường Huyền Tôn tức Đường Minh Hoàng. Sau khi Vũ Huệ Phi là người được nhà vua sùng ái mất, Đường Minh Hoàng buồn rầu thương nhớ cho đến khi được Thái Giám Cao Lực Sĩ giới thiệu Ngọc Hoàn. Nhà vua hạ chỉ cho Ngọc Hoàn đến Tập Linh Đài làm sãi, lấy đạo hiệu là Thái Chân. Sau đó Minh Hoàng triệu vào cung và phong làm quý phi (tức là lấy tranh vợ của con). Sau khi vào cung, Ngọc Hoàn tư niệm cố hương. Ngày kia, nàng đến hoa viên thưởng hoa giải buồn, nhìn thấy hoa Mẫu Đơn, Nguyệt Quý nở rộ, nghĩ rằng mình bị nhốt trong cung, uổng phí thanh xuân, lòng không kềm được, buông lời than thở : “Hoa a, hoa a ! Ngươi mỗi năm mỗi tuổi đều có lúc nở, còn ta đến khi nào mới có được ngày ấy ?”. Lời chưa dứt lệ đã tuông rơi, nàng vừa sờ vào hoa, hoa chợt thu mình, lá xanh cuộn lại. Nào ngờ, nàng sờ phải là loại Hàm Xú Thảo (cây mắc cỡ). Lúc này, có một cung nga nhìn thấy, người cung nga đó đi đâu cũng nói cho người khác nghe việc ấy. Từ đó, mọi người gọi Dương Ngọc Hoàn là “Hoa Nhượng”. Vua say đắm Dương Quý Phi suốt ngày đêm, yến tiệc đàn ca, bỏ cả việc triều chính, lại phong cho anh họ nàng là Dương Quốc Trung làm tể tướng. Nhà vua lại tin dùng An Lộc Sơn là một võ tướng Phiên. Dương Quý Phi nhận An Lộc Sơn là con nuôi nhưng kỳ thực là người tình được tự do ra vào cung cấm. Đó là cái gai trước mắt Dương Quốc Trung muốn nhổ đi. An Lộc Sơn biết được trốn rồi cử binh đánh thẳng vào kinh đô Trường An. Quân triều đại bại, vua và Dương Quý Phi cùng triều đình phải bỏ chạy. Đến Mã Ngôi thì tướng sĩ không chịu đi nữa, nổi lên chống lại và giết chết Dương Quốc Trung. Lòng căm phẫn chưa tan, quan quân bức Đường Minh Hoàng thắt cổ Dương Quí Phi cho là vì nàng mà sinh đại loạn. Nhà vua đành cắn răng hy sinh người đẹp để vừa lòng tướng sĩ khi giai nhân mới vừa tròn 38 xuân xanh.

Vương Chiêu Quân (Đại mỹ nhân lạc nhạn)

Cũng giống Tây Thi, Điêu Thuyền, Dương Quí Phi, Vương Chiêu Quân nổi danh không chỉ bởi với nhan sắc mà còn bởi tài năng và những dấu ấn nàng để lại trong lịch sử. Năm thứ 72 trước công nguyên, Hán Tuyên Đế băng hà, thái tử Hán Nguyên Đế chính thức lên ngôi Hoàng đế. Thấy Hán Nguyên Đế buồn phiền vì chuyện chinh chiến đại sự, Hoàng Hậu bèn ra lệnh tuyển một số cung nữ tài sắc vẹn toàn, giỏi đàn ca múa hát để Hoàng Thượng được vui. Cùng lúc đó, ở thôn Bảo Bình, huyện Tỷ Quy có nàng Vương Tường là cô gái xinh đẹp nhất vùng, lại có tiếng đàn tỳ bà huyền diệu, mê đắm lòng người. Đau buồn vì người bạn thanh mai trúc mã Vương Hoài tử trận lại không hiểu nỗi thống khổ của các cô gái khi vào cung, Vương Tường vô tình lộ diện và lập tức Hoàng tổng quản chọn vào cung. Vương Tường vào cung và được Thái cô cô đặt lại tên là Vương Chiêu Quân. Do tính tình cương trực, bản lĩnh, không chịu hối lộ cho Mao Diên Thọ là họa sĩ trong cung, nên Chiêu Quân mặc dù sắc nước hương trời nhưng vẫn không có tranh vẽ để đưa vào cho Hoàng Nguyên Đế lựa chọn. Số phận đã đẩy nàng đến chốn hậu cung, lãnh cung trước khi đến với hoàng đế. Những tưởng, nhan sắc ấy, tài năng ấy đã bị lãng quên. Bước ngoặt của câu chuyện chính là lúc Hồ Hàn Gia và con trai Thả Mạc Xa đến thăm Hán Nguyên Đế, để bày tỏ thành ý với Đại Hán. Trong cuộc tuyển chọn những cô gái trong cung có tài sắc lanh lợi tình nguyện thành thân với Hô Hàn Gia để vào vai công chúa, nhằm kết mối bang giao với Hung nô, Chiêu Quân đã lọt vào mắt xanh của Hoàng hậu. Hoàng đế nhiều lần nghe kể về Chiêu Quân muốn gặp mặt, nhưng đều bị Hoàng hậu ngăn cản. Một đêm, theo tiếng đàn tì bà tuyệt diệu phát ra từ phía hậu cung, Hoàng đế đã gặp được Chiêu Quân và ngay lập tức mê mẩn sắc đẹp của nàng. Đến ngày công chúa lên đường về Hung Nô, Hoàng Nguyên Đế do luyến tiếc, mất ăn mất ngủ nên đã sinh bệnh. Trong một ngày thu cao khí sảng, Chiêu Quân cáo biệt cố thổ, đăng trình về phương bắc. Trên đường đi, Chiêu Quân được nhân dân khắp nơi hoan nghênh, ủng hộ nhưng lại gặp phải sự cản trở của Đồ Kỳ Cô Đồ quyết ngăn chặn cuộc hôn nhân giao kết giữa Đại hán và Hung Nô. Tiếng ngựa hí chim hót như xé nát tâm can của nàng; cảm giác bi thương thảm thiết khiến tim nàng thổn thức. Nàng ngồi trên xe ngựa gảy đàn, tấu lên khúc biệt ly bi tráng. Nhạn bay về phương nam nghe thấy tiếng đàn, nhìn thấy thiếu nữ mỹ lệ trên xe ngựa, quên cả vỗ cánh và rơi xuống đất. Từ đó, Chiêu Quân được gọi là “Lạc Nhạn”. Vượt qua bao nhiêu sóng gió, cuối cùng người con gái sắc nước hương trời của Đại Hán, Vương Chiêu Quân cũng đã đến được mảnh đất thảo nguyên Hung Nô. Gạt tình riêng, vì nghĩa lớn, Chiêu Quân chăm lo cho đời sống dân lành, dành cả cuộc đời cho hai đời hoàng đế Hung Nô. Chính nàng đã đem đến hơn 60 năm yên lành trong lịch sử hai nước Hung Nô và Đại Hán. Bằng tài trí của mình Chiêu quân đã giúp hai dân tộc người Hán và Hung Nô ở biên cương phía Bắc có được cuộc sống mãi mãi hoà bình, dân chúng an cư lạc nghiệp. Từ đó truyền thuyết về nàng Chiêu Quân “cống Hồ” được dân gian mãi lưu truyền như một cách ca ngợi sắc đẹp, tâm hồn của một trong bốn “mỹ nhân” trong lịch sử Trung Quốc – Vương Chiêu Quân.

Sưu tầm

Nguyễn Thy Hạ @ 20:45 22/09/2012 Số lượt xem: 13055

Back to top button