Tranh

Tranh Sơn Mài Nguyên Bản & Độc Đáo | Phòng Trưng Bày Tranh Sơn Mài Nghệ Thuật Cao Cấp

Sơn mài hay còn được gọi là sơn ta được biết đến từ xa xưa như một chất liệu phủ lên đồ vật làm tôn lên vẻ đẹp lộng lẫy, vàng son, tạo độ bóng bề mặt, tăng độ bền đẹp bảo vệ cho vật dụng chất liệu gỗ như các đồ thờ cúng, câu đối, hoành phi tới những vật dụng thông thường như cái khay, trap, bình lọ…Cho tới những năm đầu thập niên 1930 một số họa sĩ của Việt Nam đã tìm tòi nghiên cứu và đưa ứng dụng của sơn mài vươn lên đến đỉnh cao nghệ thuật với những bức tranh sơn mài nổi tiếng. Đó chính là câu chuyện về tranh sơn mài.

Hạ Thái là ngôi làng nổi tiếng với làm tranh sơn mài nổi tiếng hàng trăm năm nay. Ở đây từng gia đình, từng cá nhân đều gắn bó với sơn mài, những đồ mỹ nghệ, vật dụng thông thường, những bức họa, câu đối tới những đồ trang trí lớn như bình, lọ hay tượng sơn mài xuất khẩu cũng được sản xuất tại đây.

Từng công đoạn và quy trình làm sơn mài đã thấm sâu vào con người và cuộc sống đời thường. Những nghệ nhân lớn tuổi vẫn thường kể về lịch sử của sơn ta. Câu chuyện về một loài cây rất đặc biệt ở Phú Thọ – vùng đất trung du miền núi phía Bắc. Cây sơn rất quý với các bậc tiền bối làm tranh đã có thời người nghệ nhân dự định đưa loài cây quý hiếm này về với làng. Tuy nhiên chỉ có đất trên vùng Phú Thọ mới cho ra lượng sơn nhiều và chất lượng.

Để có được sơn tốt người ta phải đi lấy nhựa từ lúc 1 giờ sáng khi đó nhựa cây mới dồi dào nhưng mỗi sáng, mỗi cây sơn chỉ cho chút nhựa khoảng 2 vỏ con trai. Nhựa sơn được thu lượm gom lại, mỗi lần thu khoảng chừng 300 cây sơn sẽ thu được khoảng nửa cân sơn và phải sau 3-4 ngày mới được lấy sơn lần tiếp theo.

Sơn sống sau khi thu hoạch sẽ được để lắng trong thùng. Lớp sơn trên mặt là lớp sơn quý nhất. Để thể hiện bức tranh sơn mài lớp sơn này phải được làm chín. Làm chín sơn cần đến chảo gang, nhưng không phải để nấu. Lớp sơn quý trên bề mặt sễ được đổ vào chảo gang cùng với nhựa thông cùng với dao khuấy đều trong khoảng 3-4 ngày thì sơn sẽ chín.

Kỳ lạ là chất sắt của chảo gang cùng với dao cùn sẽ kết hợp với sơn để tạo ra sơn chín mà dân gian gọi là then. Nó có màu đen sâu thẳm mà không có loại màu đen nào sánh được. Còn nếu muốn sơn giữ nguyên màu cánh gián thì lúc này cho sơn vào chiếc thúng và dùng mỏ vầy để khuấy cùng nhựa thông tạo nên sơn chín.

Chất lượng sơn chín ra sao sẽ phụ thuộc vào tay nghề của người quấy sơn. Trải qua cả gần thế kỷ vậy mà những bức tranh sơn mài vẫn lộng lẫy và rực rỡ sắc màu.

Back to top button