Sinh học

Tranh BC nhân vật (tranh đề tài sinh hoạt)

Tranh bố cục nhân vật (tranh đề tài sinh hoạt)

1. Đặc điểm của tranh sinh hoạt:

Tranh bố cục nhân vật còn gọi là tranh sinh hoạt, loại tranh này diễn tả người là chính, vì người giữ vai trò chủ yếu, cảnh ở đây rất ít, có thể là các đồ dùng sinh hoạt và phong cảnh, cây, nhà. Ở thể loại tranh này, đề tài để diễn tả rất phong phú. Ví dụ:

– Tranh sinh hoạt: Là những việc đang diễn ra ở hiện tại.

– Tranh lịch sử: Việc đã xảy ra trong quá khứ.

– Tranh huyền thọai: Việc dựa theo truyền thuyết không có thật.

– Tranh tôn giáo: Dựng lại các tích chuyện trong Kinh thánh.

Trong phạm vi giới hạn của bài học, chúng ta chỉ nghiên cứu và thực hành phần tranh sinh hoạt.

Những chủ đề về hoạt động trong sinh hoạt của con người vô cùng phong phú và sinh động, có thể bắt gặp ở mọi nơi, mọi chỗ trong đời sống hàng ngày, như: lao động, vui chơi, học tập…, hoạt động nào cũng có thể vẽ thành tranh bố cục nhân vật được. Về chất liệu để thể hiện rất đa dạng; về không gian diễn tả đa chiều và không nhất thiết phải theo luật xa gần. Nhìn chung, tranh sinh hoạt là loại tranh phong phú và nhiều mặt, và cũng có thể được coi là khó nhất trong các loại tranh.

2. Kí họa đối tượng làm tài liệu bố cục tranh:

a. Khái quát chung:

Một bức tranh nếu được xây dựng ở nhà thì phải có tư liệu kí họa mới có nền tảng để thể hiện.

Kí họa đối tượng làm tài liệu bố cục tranh phong phú và đa dạng hơn kí họa làm tài liệu trang trí,

Kí họa làm tài liệu bố cục tranh về cơ bản cũng giống kí họa làm tài liệu trang trí. Ví dụ: về chất liệu thể hiện, về thời gian, cách kí họa, nhưng đối tượng có khác một chút là người và phong cảnh được kí họa là chính, ngoài ra còn có môi trường, đồ dùng, động vật… Tính cách điệu cũng khác vì nó còn phụ thuộc vào tác giả muốn thể hiện bức tranh theo phong cách hay trường phái nào thì đối tượng được diễn tả thực, cách điệu hoặc hư cấu theo cách làm đó.

b. Phương pháp kí họa:

Do đặc điểm, tính chất của kí họa là ghi lại nhanh, phương tiện để vẽ lại gọn nhẹ và vì thế mức độ nghệ thuật chưa sâu. Nhưng nó cũng giúp người vẽ phát triển tài năng quan sát, nhận xét, có cái nhìn bao quát, nắm bắt nhanh đặc điểm, hình dáng của người, vật, cảnh, đồ vật thật sinh động.

Trên cơ sở đặc thù này, khi kí họa đối tượng phải đạt được các tiêu chí sau:

– Tính sinh động phản ánh kịp thời trong cuộc sống hiện tại.

– Tính điển hình của những đối tượng được ghi chép.

– Tính bố cục trong kí họa.

– Tính lưu loát và khoáng đạt của bút pháp.

* Phương pháp vẽ kí họa người:

– Quan sát: Quan sát là bước rất quan trọng giúp ta nắm bắt tinh thần của đối tượng và chỉnh sửa thân mình, vì việc nắm bắt được dáng người trong các trạng thái vận động khác nhau là hết sức cần thiết. Do đó, ta cần phải quan sát kĩ, nhận xét, so sánh phương hướng của từng trục trên cơ thể người (nghiêng hay thẳng), chú ý đến trọng lượng của người (rơi vào đâu, nghiêng về phía nào) để xác định đường trục cho đúng hướng.

– Vẽ hình: Khi đã nắm bắt được đường hướng chính của dáng người và hình chu vi của toàn thân, đặt bút ghi nhanh hướng của đường trục trên người và hướng của tay chân do động tác chuyển động của người tạo thành, sau đó vẽ hình chu vi của dáng người bằng nét lớn, cốt lấy được dáng chung của người, sau đó mới đến các chi tiết như nếp quần, áo, khăn, mũ, ngón chân, ngón tay…

Giai đoạn kí họa người: Kí họa người là phần khó trong tạo hình nói chung, vì thế nó cũng phải trải qua mấy giai đoạn cần thiết như kí họa người dáng tĩnh (người đang ngồi học, ngồi chơi, ngồi đánh cờ hoặc đứng đợi…), kí họa người dáng động (nhảy múa, trèo, bơi, đẩy xe…), sau cùng là kí họa nhóm người đang vui chơi ở sân trường, mua bán ở góc chợ, làm việc trong xưởng máy.

Các bước vẽ giải phẫu người

Các dáng người bằng nét và khối

Các dáng người bằng nét và khối

Giải phẫu các hướng đầu, tai, mắt, mũi, miệng

Giải phẫu mặt người từ nhỏ tới già và các nét mặt của người già

Kí họa một người bằng nhiều dáng khác nhau

Kí họa một số hình từ trẻ em đến người già

Kí họa một số dáng nhóm người

Kí họa người bằng màu nước

Bài tập kí họa dáng người của sinh viên

2. Hình thức bố cục

Tranh sinh hoạt có rất nhiều hình thức bố cục, vì nghệ thuật bố cục là sự khám phá, phát triển không ngừng. Thường trong mỗi giai đoạn lịch sử lại có một cách hoặc nhiều trào lưu phong cách bố cục mới ra đời, nó gần như không có điểm dừng, vì đặc điểm chính của nó là sự sáng tạo và sáng tạo thì luôn đòi hỏi cái mới. Do vậy đòi hỏi người vẽ phải có cách nhìn, cách vẽ, cách nhận định riêng để có được cách bố cục riêng cho mình. Cách bố cục ở các tài liệu chỉ là để gợi ý, không truyền đạt hết được các dạng thức về bố cục. Tuy nhiên người mới học vẽ, nhất là ngành học mầm non thì sinh viên cần tham khảo một số dạng bố cục sau đây để khi thể hiện đỡ bị lúng túng, còn khi thành thạo thì không nhất thiết phải làm theo, rập khuôn máy móc.

a. Bố cục theo kiểu hình tháp (bố cục hình tam giác):

Bố cục theo hình tháp còn gọi là bố cục hình tam giác. Dạng bố cục này được sắp xếp theo hướng đi lên, các đối tượng bên dưới thường đặt dàn ngang hoặc so le, gối nhau, giật cấp nhỏ dần, càng lên đỉnh càng nhỏ và chóp lại.

Đây là dạng bố cục rất cơ bản và đã có từ lâu đời. Khối tháp tạo thế chân rất chắc chắn, khỏe mạnh, vững chãi và tạo sự cân đối gần như tuyệt đối.

Bố cục hình tháp

b. Bố cục theo kiểu hình tròn: Là dạng bố cục hướng tâm xoay tròn, các đối tượng được sắp xếp theo nhịp của hình tròn, đi xoáy vào hoặc tản ra.

Hình tròn ở đây chỉ mang tính chất tuơng đối, không nên áp dụng tuyệt đối quá, tranh vẽ sẽ bị cứng.

Bố cục hình tròn

c. Bố cục theo kiểu dính rời: Đối với tranh có từ ba nhân vật trở lên có thể áp dụng theo cách này. Dính ở đây đóng vai trò chính hoặc lớn, rời là phụ hoặc nhỏ trong tranh. Sắp xếp nhân vật như vậy để tránh sự dàn trải hoặc không tập trung.

Một số hình bố cục kiểu dính rời

d. Bố cục theo kiểu nhóm: Nếu tranh có từ 7 nhân vật trở lên có thể áp dụng theo kiểu bố cục nhóm. Nhóm trong tạo hình có thể quy ước từ 3 nhóm đến 4 nhóm. Mục đích của chia nhóm cũng là để tạo ra số nhân vật: đông, vừa, ít, ít nhất hoặc nhóm to, nhóm vừa, nhóm nhỏ, nhóm nhỏ nhất…, tạo cho bố cục có sự so sánh lớn nhỏ rõ ràng hơn.

Một số hình bố cục kiểu nhóm

e. Bố cục theo kiểu liên kết: Loại bố cục này dựa trên cơ sở của dạng bố cục dính rời và dạng bố cục nhóm, chỉ cần thêm một, hai nhân vật cần thiết vào đúng chỗ tách dính rời hoặc tách các nhóm là được.

Bố cục kiểu liên kết

f. Bố cục theo kiểu nhóm mảng: Khi nào tranh có từ 20 nhân vật trở lên có thể áp dụng theo cách này. Đối với các chủ đề về sinh hoạt lớp, đi thăm quan, sinh hoạt chung ngoài sân trường, các dịp lễ hội…, thì có quá nhiều nhân vật và các hoạt động, do vậy ta phải quy về nhóm mảng. Nhóm mảng sẽ tạo ra các vùng mảng lớn trong tranh để dễ sắp xếp vị trí các nhân vật và cảnh phụ trợ.

Bố cục kiểu nhóm mảng

Ví dụ như: nhóm mảng lớn, nhóm mảng vừa, nhóm mảng bé, nhóm mảng bé nhất… Trong mỗi nhóm mảng lại sắp xếp để chia ra các mức độ nhỏ hơn nữa để có sự liên hòan giữ các cá thể đến các nhóm, toàn nhóm và giữa các nhóm mảng lớn với nhau.

Ngoài ra còn có các loại bố cục khác như: bố cục theo kiểu hình vuông, hình chữ nhật, hình sin, bố cục theo dạng dàn ngang, bố cục đan chéo, bố cục rời, bố cục nhịp điệu v.v…, các dạng bố cục này không có thời gian giới thiệu, có thể là các bài tập mở cho những ai thích thú tìm hiểu.

4. Những điều nên tránh khi bố cục tranh sinh hoạt:

– Để mảng nhân vật chính nằm ở vị trí chính tâm hoặc lệch ra 4 góc tranh dễ tạo ra sự tức tối khó chịu và mất cân đối. Vì trong tạo hình người ta quy ước điểm vàng là điểm nhìn thuận mắt nhất nằm ở vị trí 2/3 các chiều của bức tranh.

Nhân vật chính đặt chính giữa hoặc ra 4 góc tranh

– Để các nhân vật sát đáy mép tranh và dồn về các mép ngoài của tranh dễ bị phân tán và có xu hướng nhân vật bị bật ra khỏi tranh.

Nhân vật sát các mép ngoài tranh

– Các nhân vật bị cắt lửng ở tất cả các góc và mép tranh sẽ gây cảm giác hụt hẫng, khó chịu, tức mắt.

Cắt lửng các nhân vật

– Các nhân vật to quá hoặc nhỏ quá trong tranh. Vì to quá thường gây cảm giác bị tức, bị kích, có xu hướng phá vỡ khuôn tranh; ngược lại nếu nhỏ quá thì gây cảm giác rời rạc, tẻ nhạt, vô vị, thiếu sự đoàn kết.

Nhân vật quá to hoặc quá nhỏ so với khuôn tranh

– Các nhân vật có cùng một hướng nhìn, nhất là hướng nhìn chính diện, nhìn thẳng ra ngoài hoặc các dáng giống nhau sẽ gây cảm giác đơn điệu.

Nhân vật đều nhìn chính diện và có cùng một dáng

Lưu ý: Khi bố cục tranh sinh hoạt cần phải tránh các trường hợp trên.

5. Phương pháp tiến hành một bài bố cục tranh sinh hoạt:

Bước 1: Nghiên cứu lựa chọn nội dung chủ đề

Khi vẽ về một đề tài gì, điều trước tiên phải nghiên cứu kĩ và lựa chọn nội dung chủ đề cho chắc chắn.

Nội dung: Tức là phản ánh về cái gì? Vẽ về đề tài gì? Ví dụ: nông nghiệp, công nghiệp, giáo dục, quốc phòng…. Nội dung đề tài rất nhiều và rộng lớn, trong mọi lĩnh vực đều có thể khai thác được các đề tài hay và hấp dẫn. Nhưng nghệ thuật chỉ có thể diễn đạt được một khoảng thời gian nhất định, một sự việc nhất định. Do vậy, trước hết cần lựa chọn một chủ đề cụ thể.

Chủ đề: tức là diễn đạt một vấn đề nào đó nằm trong nội dung. Ví dụ: nội dung về đề tài thiếu nhi sẽ có rất nhiều chủ đề như: chủ đề thiếu nhi sinh hoạt hè, thiếu nhi trồng cây, thiếu nhi chơi ngoài sân trường, thiếu nhi với tết Trung thu v.v… Dựa trên ý định đề lựa chọn chủ đề cho phù hợp, đem lại hiệu quả, người vẽ cần nghiên cứu, tìm tòi tài liệu để xây dựng bức tranh của mình.

Bước 2: Tìm tư liệu để bố cục tranh

Tư liệu về chủ đề “Chơi ô ăn quan”

Dựa trên chủ đề mà mình đã chọn, bắt đầu tìm tư liệu bằng cả hai cách trực tiếp và gián tiếp. Có nghĩa là con người cụ thể và không gian trong tranh phải được người vẽ kí họa trực tiếp từ các hoạt động cụ thể hoặc các tư liệu bằng hình ảnh có liên quan trên sách báo, kí họa gián tiếp lại để thành tư liệu cho chủ đề của mình.

Bước 3: Lựa chọn hình thức bố cục

Khi đã có nội dung chủ đề cụ thể, có đầy đủ tư liệu để vẽ tranh, cần xác định hình thức bố cục cho phù hợp với chủ đề để nêu bật được trọng tâm của nội dung: Cách sắp xếp nhân vật chính (ở đâu), nhân vật phụ (ở vị trí nào) để làm tôn nhân vật chính. Hình dung như vậy sẽ tìm được kiểu bố cục tương ứng với chủ đề đã chọn.

Bước 4: Xây dựng hình tượng nhân vật.

Dựa vào chủ đề và hình thức đã chọn để xác định số lượng, vị trí nhân vật. Các nhân vật trong tranh phải có sự thống nhất trong một phạm vi, một thời điểm nhất định, để toàn bộ sự hoạt động của nhân vật và bối cảnh không gian hòa quyện thành một tổng thể chung cùng diễn đạt chủ đề. Có như vậy bức tranh mới đạt được nội dung sâu sắc và sinh động.

Bước 5: Sắp xếp bố cục đơn giản

– Phác thảo chì: Bám sát vào chủ đề, hình thức bố cục và số nhân vật đã định, tiến hành phác thảo bằng chì theo nhiều phương án. Ví dụ có 3 phương án: Phương án 1: Bố cục theo dạng không gian cạn – góc nhìn hẹp. Phương án 2: Bố cục theo dạng không gian trang trí, đậm nhạt hoặc không gian gợi – góc nhìn nông. Phương án 3: Bố cục theo dạng không gian xa gần – góc nhìn rộng. Trên cơ sở phác thảo từng phương án bằng các mảng hình lớn trước, sau đó mới tìm các mảng chi tiết, sao cho bố cục có quy luật, có nhịp điệu và có tỉ lệ cân đối giữa các mảng và với tổng thể. Phân chia các nhịp chạy sáng, tối, trung gian, các chỗ nhấn, buông rồi đánh chì để tạo tương quan chung về đậm nhạt.

Ba phương án phác thảo chì

– Phác thảo màu đen trắng: Có thể chọn hai phương án phác thảo chì tốt hơn để chuyển thành phác thảo màu đen trắng. Dựa vào hai phương án đã chọn, phác lại hình sang hai tờ giấy khác, chú ý sao cho sát với hình mẫu và các độ đậm nhạt. Tiến hành vẽ màu đen trắng như các mảng đậm nhạt chì sao cho khớp. Cần chú ý độ đậm nhạt của chì khác với đậm nhạt của màu đen trắng. Do vậy trong quá trình vẽ màu phải liên tục so sánh lại tương quan chung của bản phác thảo mới và có thể điều chỉnh lại nếu thấy cần thiết. Phác thảo màu đen trắng là bước rất quan trọng vì nó giúp ta xác định tương quan chung và sắc độ đậm nhạt.

Hai phương án phác thảo đen trắng

– Phác thảo màu: Xác định rõ ý định của chủ đề bức tranh để có thể thống nhất chọn màu cho phù hợp với nội dung để nêu bật được trọng tâm.

Hai phương án phác thảo màu

Nên đưa ra nhiều phương án màu khác nhau để thử nghiệm. Ví dụ: Phương án thiên về gam màu nóng; Phương án thiên về gam màu hòa sắc lạnh; Phương án thiên về gam màu hòa sắc dịu. Trong ba phương án này chọn lấy phương án nào tối ưu nhất để thể hiện tranh.

Bước 6: Thể hiện bài chính

Muốn có tranh giống như phác thảo cần khổ giấy phù hợp, tỉ lệ thuận với tờ phác thảo. Dùng phương pháp phóng hình kiểu ô bàn cờ hoặc hình trám.

Sau khi đã phóng được hình đúng tỉ lệ, tiến hành thể hiện bài chính phải dựa vào bản phác thảo màu được chọn và hai bản phác thảo chì đen trắng để so sánh độ tương quan về sắc độ đậm nhạt của màu. Cần so sánh các màu trong tối với các màu ngoài sáng của nhân vật và bối cảnh, nên dùng màu nóng để vẽ phần sáng, màu lạnh để vẽ trong tối.

Chú ý phải luôn quán xuyến toàn bộ bức tranh, tránh sa đà vào miêu tả cảm xúc mang tính cục bộ nhất thời khiến tranh thiếu sự thống nhất. Cần kết hợp giữa màu và nét làm cho tranh sinh động và tạo hiệu quả tốt nhất.

Hoàn thiện bài vẽ

Bài tập tranh bố cục nhân vật của sinh viên

>>> Vẽ tranh (Phần 1)

>>> Giáo trình Hình họa

>>> Vẽ hình nét và chất liệu

Back to top button