Tranh

Vài nét về tranh dân gian Hàng Trống

Vài nét về tranh dân gian Hàng Trống

Tranh dân gian xuất hiện cách đây từ nhiều thế kỷ, là kho tàng quý giá của nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử cũng như những thăng trầm của đất nước, dòng tranh này vẫn giữ được vẻ vui tươi, dí dỏm, sự hiền lành đôn hậu, thể hiện giá trị nhân văn và văn hóa Việt Nam.

Có một dòng tranh dân gian ở giữa đô thành Hà Nội đó là tranh Hàng Trống, tranh được in vẽ quanh năm, nhưng tập trung nhất vẫn là dịp Tết. Trước cách mạng Tháng Tám năm 1945, tranh được bày bán chủ yếu ở Phố Hàng Trống rồi đến các phố Hàng Nón, Hàng Hòm, Hàng Quạt… Tranh dân gian Hàng Trống ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 16. Thời kỳ được cho là hoàng kim của dòng tranh này là vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, sau đó suy tàn vào nửa cuối thế kỷ 20. Tranh dân gian Hàng Trống- món ăn tinh thần không thể thiếu của người Hà Thành xưa, là thú chơi tao nhã mỗi độ xuân về. Chủ đề của tranh Hàng Trống rất đa dạng và phong phú nhưng chủ yếu là hai đề tài chính là tranh thờ và tranh tết, theo thời gian xuất hiện thêm nhóm tranh thứ 3 là tranh thế sự.

Tranh Thờ là loại tranh phục vụ nhu cầu thờ cúng trong các điện, miếu. Do yêu cầu ấy, tranh thờ mang màu sắc tôn giáo, hình tượng được thể hiện là con người và vật linh tuy gần gũi mà vẫn rất thần bí.

Tranh Tết: người Hà Nội trước đây treo tranh Hàng Trống để trang trí nhà cửa mỗi dịp đầu năm mới thể hiện ý nghĩa chúc tụng và cầu mong những điều tốt lành. Không chỉ là mong muốn về một cuộc sống ấm no, đủ đầy, thú chơi tranh Tết còn thể hiện ước mơ về công danh, phú quý, trường thọ… của giới thị dân xưa.

Tranh Thế sự không có nhiều đề tài như tranh thờ, tranh Tết nhưng dòng tranh này lại chứa đựng nhiều điều thú vị về cuộc sống thường ngày của người Việt Nam, đặc biệt giai đoạn đầu thế kỷ 20.

Hiện nay, Bảo tàng Hà Nội đang lưu giữ khoảng 250 bức tranh Hàng Trống các loại, bao gồm cả ba chủ đề trên. Về dòng tranh Thờ có các đề tài như: Tam phủ, Tứ phủ, Tứ phủ công đồng, Tranh Ngũ hổ, Đức Thánh Trần… Trong đó nổi bật nhất có bức Tứ Phủ, nội dung thể hiện gồm:

Thiên phủ (miền trời): mẫu đệ nhất (mẫu Thượng Thiên) cai quản bầu trời, làm chủ các quyền năng mây mưa, gió bão, sấm chớp.

Nhạc phủ (miền rừng núi): mẫu đệ nhị (mẫu Thượng Ngàn) trông coi miền rừng núi, ban phát của cải cho chúng sinh.

Thuỷ phủ (miền sông nước): mẫu đệ tam (mẫu Thoải) trị vì các miền sông nước, giúp ích cho nghề trồng lúa nước và ngư nghiệp.

Địa phủ (miền đất): mẫu đệ tứ (mẫu Địa Phủ) quản lý vùng đất đai, là nguồn gốc cho mọi sự sống.

Vài nét về tranh dân gian Hàng Trống

Bức Tứ phủ

Ở dòng tranh Tết đang lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội nổi bật có tranh Tứ quý: thể hiện bốn loại cây Tùng – Cúc – Trúc – Mai; tượng trưng cho bốn mùa trong năm là Xuân – Hạ – Thu – Đông. Bốn loại cây này là bốn loại cây tượng trưng cho những tính cách tốt đẹp, cao quý của con người. Hoa mai tương ứng với mùa xuân, cây trúc tương ứng với mùa hạ, biểu tượng cho sự chính trực, ngay thẳng của con người. Hoa cúc tương ứng với mùa thu, loài hoa này mang ý nghĩa biểu tượng cho sự cương trực, có lập trường, Cuối cùng là cây tùng tương ứng với mùa đông, loài cây này thường mọc trên vùng núi cao khô cằn, dù vậy vẫn sinh trưởng mạnh mẽ, đầy sức sống. Vì thế loài cây này còn có ý nghĩa tượng trưng cho tinh thần vượt khó của con người.

Vài nét về tranh dân gian Hàng Trống

Tranh Tứ quý

Bức chợ quê thuộc dòng tranh Thế sự, miêu tả cảnh họp chợ của một vùng nông thôn sầm uất, nhộn nhịp có đầy đủ các tầng lớp xã hội với những hàng, quán xá, ngành nghề đa dạng. Đối với những người Việt Nam, những phiên chợ xưa là một phần trong đời sống văn hóa, nó đi vào tiềm thức của những người dân với những hình ảnh mộc mạc, thân quen.

Vài nét về tranh dân gian Hàng Trống Tranh Chợ quê

Tranh Hàng Trống sử dụng kỹ thuật nửa in nửa vẽ, tranh chỉ in ván nét, lấy hình, còn màu là thuốc nước, tô bằng bút lông mềm rộng bản, một nửa ngọn bút chấm màu, còn nửa ngọn bút kia chấm nước lã, tô tranh theo kỹ thuật vờn màu. Tranh chỉ có một bản đen đầu tiên, sau khi in thì tranh được tô màu bằng tay. Từ các bản khắc gỗ, những bức tranh đã được in ra bằng mực Tàu mài nguyên chất. Do cách tô màu bằng tay cho nên tranh Hàng Trống có đặc điểm mỗi tờ tranh đều có nét sáng tạo riêng, uyển chuyển.

Cùng với những dòng tranh dân gian khác, tranh Hàng Trống đã góp phần làm cho nghề làm tranh truyền thống Việt Nam trở nên phong phú, đặc sắc và phồn thịnh. Dù mang nhiều giá trị tinh thần nghệ thuật đẹp đẽ và nhân văn, tranh Hàng Trống đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Cả một phố nghề sầm uất khi xưa còn sót lại duy nhất người nghệ nhân già Lê Đình Nghiên cũng đã ở tuổi xế chiều. Sau nghệ nhân Lê Đinh Nghiên là anh Lê Hoàn, con trai út của ông là người kế thừa truyền thống của gia đình và tiếp tục nối dài mạch sống của dòng tranh dân gian này.

Bài và ảnh: Nguyễn Thị Phương Mai

Phòng Trưng bày- Tuyên truyền

Back to top button