Tranh

THỰC TRẠNG TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG HIỆN NAY

Sau thời gian chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng là thời điểm các công ty, doanh nghiệp bắt đầu triển khai các hoạt động phục hồi sản xuất kinh doanh. Cũng từ đó phát sinh những tranh chấp liên quan đến lao động, vậy các đơn vị có thể làm gì để giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động? Hãy cùng NPLaw theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu vấn đề trên.

Thực trạng tranh chấp lao động hiện nay

I.Thực trạng tranh chấp lao động hiện nay

Trong những năm gần đây, các tranh chấp xảy ra trong lĩnh vực lao động ở nước ta ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là việc tranh chấp về tiền lương, thu nhập, hợp đồng lao động. Việc pháp luật quy định một cơ chế giải quyết tranh chấp lao động cá nhân phù hợp sẽ bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động cũng như góp phần ổn định quan hệ lao động. Tuy nhiên hiện nay, hành lang pháp lý liên quan đến vấn đề giải quyết tranh chấp lao động cá nhân còn nhiều bất cập, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền còn lúng túng trong việc giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, vì thế nhiều trường hợp lợi ích hợp pháp của người lao động còn chưa được bảo vệ đúng mức.

II.Tranh chấp lao động là gì? Các loại tranh chấp lao động

Theo khoản 1 Điều 179 Bộ luật Lao động 2019 quy định:

Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.

Theo khoản 1,3 Điều 179 Bộ luật Lao động 2019, các loại tranh chấp lao động gồm:

– Tranh chấp lao động cá nhân giữa:

+ Người lao động với người sử dụng lao động;

+ Người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

+ Người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.

– Tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc về lợi ích giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động.

III. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của Bộ luật Lao động mới nhất?

Theo Điều 180 Bộ luật Lao động 2019, nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động dựa trên các tiêu chí sau:

– Tôn trọng quyền tự định đoạt thông qua thương lượng của các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp lao động.

– Coi trọng giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật.

– Công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật.

– Bảo đảm sự tham gia của đại diện các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.

– Việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tiến hành sau khi có yêu cầu của bên tranh chấp hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được các bên tranh chấp đồng ý.

IV. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động

Căn cứ Điều 187 Bộ luật Lao động 2019, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm:

– Hòa giải viên lao động;

– Hội đồng trọng tài lao động;

– Tòa án nhân dân.

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động

V. Trình tự giải quyết tranh chấp lao động

Theo quy định tại Điều 188 Bộ luật lao động 2019 quy định về trình tự giải quyết tranh chấp lao động như sau:

Bước 1: Thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

+ Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

+ Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

+ Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

+ Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế;

+ Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hoà giải, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.

– Tại phiên họp hoà giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể uỷ quyền cho người khác tham gia phiên họp hoà giải.

– Hoà giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn các bên thương lượng. Trường hợp hai bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành.

– Trường hợp hai bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hoà giải để hai bên xem xét. Trường hợp hai bên chấp nhận phương án hoà giải, hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải thành.

– Trường hợp hai bên không chấp nhận phương án hoà giải hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, thì hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải không thành.

– Biên bản có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và hoà giải viên lao động.

– Bản sao biên bản hoà giải thành hoặc hoà giải không thành phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản.

Bước 2: Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn giải quyết mà hoà giải viên lao động không tiến hành hòa giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Tòa án/ Hội đồng trọng tài lao động giải quyết.

VI. Các thắc mắc thường gặp liên quan đến tranh chấp hợp đồng lao động

1. Án phí tranh chấp hợp đồng lao động trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng được tính như thế nào?

Theo Điều 24 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 để xác định được mức án phí thì cần xác định vụ án dân sự là vụ án có giá ngạch hay không:

– Đối với vụ án tranh chấp lao động mà trong đó yêu cầu của đương sự không phải là một số tiền hoặc không thể xác định được giá trị bằng một số tiền cụ thể thì được xem là vụ án không có giá ngạch. Đối với vụ án không có giá ngạch thì mức thu án phí sẽ là 300.000 đồng.

– Trường hợp yêu cầu của đương sự là một số tiền hoặc là tài sản có thể xác định được bằng một số tiền cụ thể thì là vụ án dân sự có giá ngạch. Cụ thể án phí có giá ngạch quy định như sau:

  • Đối với vụ án có giá ngạch từ 6.000.000 đồng trở xuống thì án phí là 300.000 đồng
  • Đối với vụ án có giá ngạch từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng thì án phí là 3% giá trị tranh chấp nhưng không thấp hơn 300.000 đồng.
  • Đối với vụ án có giá ngạch từ trên 400.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng thì án phí là 12.000.000 đồng và 2% phần giá trị có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng.
  • Đối với vụ án có giá ngạch từ 2.000.000.000 đồng thì án phí là 44.000.000 đồng và 0,1% của phần giá trị có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng.

Ngoài ra, Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định trường hợp được miễn án phí trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động như sau:

– Người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, BHXH, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật.

Như vậy, trường hợp người lao động khởi kiện giải quyết những vấn đề liên quan đến vấn đề chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thuộc trường hợp miễn án phí theo Điều 24 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14.

2. Có thể cử nhiều hòa giải viên lao động cùng tham gia giải quyết một tranh chấp lao động không?

Căn cứ theo Điều 95 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục cử hòa giải viên lao động thì không phải mỗi vụ hòa giải tranh chấp lao động thì chỉ có một hòa giải viên tham gia mà sẽ tùy theo tính chất phức tạp của vụ việc, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có thể cử một hoặc một số hòa giải viên lao động cùng tham gia giải quyết.

3. Thời gian thực hiện thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là bao lâu?

Căn cứ vào Điều 188 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thời gian thực hiện thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu hòa giải tranh chấp lao động cá nhân thì hòa giải viên lao động phải giải quyết xong tranh chấp lao động.

4. Có được khởi kiện không cần thông qua hoà giải viên lao động đối với tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Bộ luật lao động 2019 thì tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải theo Luật quy định. Trong đó, tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động được kiện thẳng ra Tòa theo thủ tục tố tụng dân sự.

Có được khởi kiện không cần thông qua hoà giải viên lao động đối với tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không

5. Người lao động có quyền đình công nếu doanh nghiệp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động không?

Căn cứ Điều 199 Bộ luật lao động 2019 người lao động được quyền đình công khi người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động. Đồng thời theo khoản 2 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 quy định người sử dụng lao động bao gồm: doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận.

Như vậy, trường hợp doanh nghiệp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì người lao động được quyền thực hiện đình công nhưng vẫn phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.

Trên đây là những thông tin xoay quanh tranh chấp hợp đồng lao động. Để có thể hỗ trợ cũng như tìm hiểu thông tin, quy định của pháp luật về tranh chấp hợp đồng lao động, quý khách có thể liên hệ NPLaw để được tư vấn, hỗ trợ cụ thể về các vấn đề pháp lý nhanh chóng nhất.

Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw

Hotline: 0913449968

Email: Legal@nplaw.vn

Back to top button