Văn học

THPT SƠN TÂY

I. Hoàn cảnh

Truyện Kiều trước hết là câu chuyện tình yêu của đôi trai tài gái sắc Kim – Kiều. Mối tình của họ bắt đầu với những trang đẹp nhất của tình yêu nam nữ xưa nay (không bị lễ giáo phong kiến ràng buộc, không bị vẩn đục bởi danh vọng tiền tài, nồng thắm mà rất sáng trong). Bất ngờ gia đình gặp tai biến, Kiều quyết định bán mình chuộc cha.

Đêm trước khi rời nhà, Thuý Kiều mới có thời gian cho riêng mình và nàng nghĩ ngay đến Kim Trọng: không biết chàng sẽ ra sao khi trở về mà không gặp nàng, chắc chàng sẽ vô cùng đau khổ. Và Thuý Kiều nghĩ rằng mình là kẻ phụ tình, bội ước, lỗi thề, kẻ gây ra đau đớn cho người yêu. Đó là lý do khiến Thuý Kiều :

Nỗi riêng riêng những bàn hoàn

Dầu chong trắng đĩa lệ tràn tấm khăn

Không chỉ đau khổ, Thuý Kiều còn muốn tìm cách bù đắp cho người yêu để chàng bớt đau khổ. Ý định này đến với Thuý Kiều một cách hoàn toàn đột ngột, bất ngờ. Thuý Kiều khi đã “ngồi nhẵn tàn canh” mà chưa nghĩ ra cách nào thì Thuý Vân “tỉnh giấc xuân” đến bên chị ân cần hỏi han, chia sẻ. Chính sự quan tâm đúng lúc, xuất hiện đúng lúc, sự đồng cảm của Thuý Vân đã khiến cho Thuý Kiều nảy ra ý định táo bạo này. Kim Trọng chính là nguyên nhân để nàng quyết định trao duyên cho em. Và nàng tìm mọi cách để thuyết phục em.

II. Phân tích:

1/ 12 câu đầu: Thuý Kiều giãi bày, thuyết phục để trao duyên cho Thúy Vân

a. Lời đề nghị của Kiều với Thuý Vân:

– Thuý Kiều đã mở lời trao duyên bằng câu đề nghị:

Cậy em em có chịu lời

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.

Đó là một câu đề nghị lạ lùng: lạ lùng ở cách xưng hô (cậy em, thưa, chịu lời), ở hành động của Kiều với em gái: lạy em gái. Thật thiêng liêng mà thật trái với tôn ti trật tự phong kiến. Lạ lùng ở cả thái độ sao mà khẩn thiết.

– Sức nặng của lời đề nghị rơi cả vào những từ: lạy, thưa, cậy em, chịu lời.

– Nguyên nhân của thái độ ấy: vì Kiều hiểu việc mình nhờ là một việc hết sức quan trọng, cũng hết sức tế nhị và đầy khó khăn với Thuý Vân. Bởi xưa nay trong cuộc sống người ta có thể trao cho nhau thứ này, thứ nọ nhưng chẳng mấy ai trao tình yêu và nài ép người khác hãy yêu lấy người mình yêu. Thuý Kiều hiểu sự khó xử của em và hiểu đó là một sự hi sinh của Thuý Vân nếu nhận lời giúp nàng. Đó là một cái ơn sâu nặng.

– Thậm chí, ngay cả trình tự việc làm của Kiều cũng rất có dụng ý: mời em ngồi lên, lạy rồi mới thưa -> Một Thuý Kiều sắc sảo, thông minh, tế nhị, khéo léo, nhạy cảm.

b. Thuý Kiều dần dần nói rõ về nội dung lời thưa:

– Trước tiên nàng giãi bày với em gái về hoàn cảnh riêng tư của mình, biến cố tình yêu: “đứt gánh giữa đường”. Thành ngữ đứt gánh giữa đường vừa gợi lên biến cố tình yêu dang dở của đời Kiều vừa cho thấy tình yêu với Kiều đâu chỉ là tình mà còn là nghĩa, là trách nhiệm đã gánh dở trên vai, nay đứt gánh thì không thể bỏ dở, phải nhờ người gánh tiếp.

– Tiếp đó, nàng đề nghị Vân thay mình trả nghĩa cùng Kim Trọng:

+ “Tơ thừa” gợi mối duyên tình dang dở giữa Kim và Kiều.

+ “Mặc em”: không phải là mặc kệ mà là hoàn toàn trông cậy vào em, tuỳ em định liệu.

c. Thuý Kiều thuyết phục Thuý Vân nhận lời gá nghĩa với Kim Trọng.

– Thuý Kiều thuyết phục em bằng cách kể lại vắn tắt 2 biến cố:

+ Gặp Kim Trọng, yêu và hẹn ước thề nguyện.

+ Gặp sóng gió bất kì để rồi gia đình tai biến, tình yêu dang dở, rơi vào cảnh huống day dứt giữa tình và hiếu.

-> Những lời kể chứa đầy tình cảm của Thuý Kiều, bao nhiêu thiết tha trong lời kể về mối tình với Kim Trọng.

– Từ “khi” được điệp lại 3 lần như một sự phơi trải của quá khứ hạnh phúc trong tâm trí của nàng Kiều. Nhưng cũng là để nhằm giãi bày cho Thuý Vân hiểu thêm rằng tình yêu giữa Kim và Kiều đã nguyện ước ba sinh, đã đằm thắm mặn nồng, đã là món nợ lòng không thể phũ phàng bỏ dở, phải có người gánh tiếp nợ tình.

-> Muốn giãi bày cụ thể hơn với Vân về cách xử sự của Kiều trước hoàn cảnh bi kịch để mong tìm sự thông cảm bằng hành động của Thuý Vân:

+ Gia đình tai biến, nàng đã lấy hiếu đặt lên tình. Đó là trách nhiệm tất yếu cho dù tự nguyện. Nhưng điều đó khiến cho tình yêu tan vỡ, khiến nàng phải day dứt.

+ Tình yêu tan vỡ đó là nỗi thống khổ đối với Kiều, là mất mát đối với Kim Trọng. Nàng đành phải lấy nghĩa đặt lên tình và việc này nàng nhờ Vân san sẻ giúp. Đã vì gia đình mà hi sinh tình yêu, Thuý Kiều cũng mong muốn ở Thuý Vân một sự hi sinh để nàng có thể trả nghĩa cho Kim Trọng.

– Thuý Kiều viện đến tình máu mủ, viện đến cái chết, lại khẩn cầu em ban cho mình chút vui, chút ơn, chút thơm lây vì đức hi sinh cao dẹp của em

Ngày xuân em hãy còn dài

Xót tình máu mủ thay lời nuớc non

Chị dù thịt nát xương mòn

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.

+ Những thành ngữ “tình máu mủ” , “lời nước non” thể hiện hàm ý tha thiết cậy nhờ em dẫu biết rằng tuổi xuân em còn dài, em sẽ thiệt thòi nhiều khi lấy Kim Trọng, lời nước non này nặng lắm. Kiều đã phải viện đến tình ruột thịt để mong em nghĩ đến tình ấy mà giúp mình.

+ Những thành ngữ “thịt nát xương mòn”, “ngậm cười chín suối”, đều ngầm chỉ cái chết. Thuý Kiều tự coi mình là một người sắp chết, sắp ra đi vĩnh viễn và đang nói lời trăng trối với người còn sống. Trước khi chết, Thuý Kiều chỉ còn một điều day dứt đó thôi. Lời của người sắp chết chẳng ai nỡ từ chối bao giờ.

-> Thuý Kiều thật sắc sảo, khôn ngoan, nàng đã biết dùng lý trí đè nén tình cảm đúng lúc, đúng chỗ. Có thể nói ở phần thơ đầu con người lí trí đã dồn nén con người tình cảm trong Thuý Kiều để thuyết phục Thuý Vân bằng mọi cách. Tâm trạng Thuý Kiều nhẹ nhõm, thanh thản phần nào. Cơn sóng lòng lúc trước đang trào dâng có lẽ giờ đã lắng xuống.

2/ 14 câu tiếp: Thuý Kiều trao kỉ vật và dặn dò em

a. Kiều trao kỉ vật:

– Lý do:

+ Tình yêu nào mà chẳng có thề hẹn, có những kỷ vật thiêng liêng.

+ Thuý Vân đã không vì sự ích kỷ mà chối từ lời nhờ cậy của Thuý Kiều thì Thuý Kiều cũng không thể vì ích kỷ mà giữ khư khư lấy kỷ vật cho riêng mình.

– Quan trọng hơn, có trao kỷ vật cho Thuý Vân thì Thuý Kiều mới chứng tỏ được mình không còn vương vấn gì với mối tình cũ nữa, mà đã trao gửi hết cho em rồi, khiến cho Thuý Vân đỡ băn khoăn, đỡ phải tủi thân.

– Trao kỉ vật: đó là:

+ Chiếc thoa: Vật làm quen, kỷ niệm đầu tiên

+ Tờ mây: tờ giấy ghi lời thề ước (có vẽ hình mây)

+ Phím đàn, mảnh hương nguyền

=> Đây là những kỉ vật hết sức gắn bó, thiêng liêng đã từng ghi nhận, chứng giám cho mối tình đẹp đẽ, nồng nàn của Kim và Kiều.

– Tâm trạng của Kiều khi trao kỉ vật:

+ “Của chung” tức là trước là của Kiều và Kim, nay là của Kim và Vân, nhưng vẫn xác định thêm tư cách của Kiều trong đó nữa. Thuý Vân là tư cách mới, người mới được trao, còn Thuý Kiều là người trao nhưng chưa dứt diểm.

+ “Của tin” tức là những kỉ vật ấy đâu chỉ là vật chứng giám thiêng liêng mà còn là niềm tin gửi lại cho nhau.

– Sở dĩ Kiều không nói “của em” mà nói là của chung, của tin vì tay trao mà lòng nuối tiếc, trao duyên nhưng không muốn trao tình. Vì còn khao khát được trở về sống trong tình yêu ấy bằng kỉ vật.

-> Đau đớn, xót xa, quằn quại vì mỗi kỷ vật đều gợi lên tình yêu tha thiết, đẹp đẽ, rực rỡ vừa mới đây thôi đã trở thành quá vãng, lời thề hẹn hôm nào thoắt đã là chuyện của ngày xưa. Tất cả còn có ý nghĩa gì đâu khi người đã mất, chút của tin còn cũng đanh phải trao đi.

=> Do vậy những kỷ vật đã làm thức dậy tình yêu mãnh liệt trong lòng Thuý Kiều, khiến Thuý Kiều trở lại tâm trạng bi kịch như ban đầu.

b. Dặn dò Thuý Vân:

– Thuý Kiều tự coi mình là người “mệnh bạc” và dặn dò Thuý Vân mai sau có khi nào giở lại những kỷ vật tình yêu, đừng quên Thuý Kiều, một phần linh hồn của Thuý Kiều là ở trong đó.

Mất người còn chút của tin

Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa

Mai sau dù có bao giờ

Đốt lò hương ấy so tơ phím này

Trông ra ngọn cỏ lá cây

Thấy hiu hiu gió thì hay chị về

– Kiều bất ngờ nhận thấy nghịch cảnh mất mát: một bên là hạnh phúc nên vợ nên chồng của Vân, một bên là bất hạnh của nàng, chỉ còn là người mệnh bạc; một bên là mất mát (mất người) với một bên là còn – còn chút của tin; một bên là tương lai mờ mịt, như đi vào cõi chết ( mai sau dù có bao giờ) với một bên hiện tại khổ đau tan vỡ…

-> Vượt lên trên những đối lập ấy chính là nghịch cảnh tình chị – duyên em

c. Ước nguyện:

– Vẫn khát khao được trở về với tình yêu bằng linh hồn bất tử, vẫn ước nguyện được đền đáp lời thề tình yêu với Kim Trọng

– Vẫn mong trở về để nhận được sự cảm thông, chia sẻ của người thân yêu, của Kim Trọng

Dạ đài cách mặt khuất lời

Rảy xin chén nước cho người thác oan

Giây phút này Kiều ý thức đầy đủ về sự mất mát của mình, nỗi đau của mình. Sự bội ước lời thề, phụ tình cũng chẳng qua đều là oan trái, còn tình yêu vẫn mãnh liệt trong nàng.

=> Đến đây, lời dặn dò của Kiều đối với em gái thực chất đã quay về hướng vào chính mình. Nỗi đau trao duyên đã khiến nàng quên mất người đối thoại với mình, ngồi cạnh mình.

– Hoà trong nội dung, nhịp điệu đoạn thơ cũng trở nên đứt nối, đuối dần đi, ngôn ngữ thơ siêu thoát, tràn ngập những hình ảnh của cõi mộng, cõi chết (hồn, nát thân bồ liễu, hiu hiu gió, thác oan, mệnh bạc…), những điển cố… mang một tiếng đập khác thường, rỉ máu yếu đuối của trái tim, một tiếng nói mơ hồ vọng về từ cõi khác, một chiếc linh hồn phiêu diêu đi vào cõi vô cùng vô tận của trống vắng cô đơn.

-> Đó là tâm trạng do quá đau đớn, xót xa mà không làm chủ được lý trí và lời nói. Đang nói với Thuý Vân mà Thuý Kiều như quay sang để độc thoại một mình. Một tâm trạng rối bời, bi kịch đẩy lên cao phá vỡ thời gian khách thể, chỉ còn thời gian không gian tâm trạng quá khứ, mai sau, lẫn lộn mơ thực…

3/ Thuý Kiều hướng tới đối thoại với Kim Trọng

– Từ thời gian tâm trạng về thực tại, từ đối diện với chính mình, Thuý Kiều chuyển sang đối thoại với Kim Trọng trong tâm tưởng về một hiện thực không thể thay đổi, tình yêu đã đổ vỡ, về thân phận đầy những nỗi bất hạnh của chính nàng.

+ Tình yêu tan vỡ, duyên phận dở dang: “bây giờ trâm gãy tình tan”; “tơ duyên ngắn ngủi”

+ Thân phận bạc bẽo, mỏng manh: phận bạc như vôi, nước chảy hoa trôi…

– Sử dụng thủ pháp nghệ thuật đối lập: Một bên là tình yêu tan vỡ, thân phận mỏng manh, bạc bẽo với một bên là tình yêu mãnh liệt: “muôn vàn ái ân”; “trăm nghìn”; “tình quân”… diễn tả bi kịch, nỗi đau đớn quằn quại của Thuý Kiều và khát vọng tình yêu mãnh liệt không thôi.

– Là tiếng kêu xé lòng của Thuý Kiều (một tiếng nấc uất nghẹn)

Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây.

Câu thơ vừa là tiếng gọi, vừa là lời than, là nỗi tuyệt vọng đau xót cùng cực của Thuý Kiều.

– Tên Kim Trọng được nhắc đến hai lần, mà Thuý Kiều lại gọi là “Kim lang” – chồng, gọi đến hai lần cùng với những thán từ chỉ sự đau đớn, tuyệt vọng, lại thổ lộ, lại nhận lỗi với Kim Trọng “thiếp đã phụ chàng”. Thuý Kiều vẫn chưa dứt được tình với Kim Trọng. Đã nhờ Thuý Vân trả nghiã cho Kim Trọng vẫn tự cho mình là kẻ phụ tình, vì nàng hiểu tình có thể trả bằng tình sao trả bằng nghĩa. Cuối cùng Thuý Kiều đã hoàn toàn rời xa khỏi sự việc trao duyên để đến với chữ tình.

* Cuối cùng, dù đau đớn, Kiều đã trao duyên. Nhưng duyên đã trao mà tình thì không thể dứt. Kiều vẫn không thể thanh thản.

4/ Nghệ thuật

– Thành công trong nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật.

– Ngôn ngữ chọn lọc, có sự kết hợp giữa ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ dân gian.

– Giọng điệu đồng cảm, đau đớn, xót xa.

– Thể thơ lục bát nhịp nhàng, uyển chuyển, tinh tế.

III. Tổng kết

1. Nội dung

– Đoạn thơ như một màn kịch về tâm trạng, nó không chỉ khai phá nội tâm con người mà còn khai phóng một con đường giải thoát tâm trạng bằng những thể nghiệm rất kịch tính, có sự diễn biến tâm trạng ở cả bề rộng lẫn bề sâu. Nó đề cập được đến một bi kịch phổ biến của xã hội cũ: Thiên tình sử tan vỡ, tình chị duyên em.

– Cơ sở của bi kịch này này là sự hiện diện của con người cá nhân. Ta bắt gặp ở đây con người không chịu ru ngủ mình, mà là con người thức tỉnh, biết hi sinh vì người khác mà cũng biết thương mình, con người có khát vọng tình yêu cháy bỏng nhưng kết cục lại rất bi thương.

– Qua đó tâm trạng Thuý Kiều cho thấy sức cảm thông lạ lùng của đại thi hào Nguyễn Du với thân phận bi kịch và khát vọng tình yêu của con người.

2. Nghệ thuật

– Nguyễn Du rất thành công trong nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật, tâm trạng Thuý Kiều hiện ra đa dạng, phức tạp, tinh tế như chính con người thật. – Ngôn ngữ giản dị, đậm sắc thái dân gian. Xứng đáng là thiên phú biệt li lệ máu dưới thành.

Back to top button