Hỏi đáp

LIVRE ET CINÉ

I – TÁC GIẢ BỒ TÙNG LINH

Bồ Tùng Linh sinh năm 1640 ( năm thứ 13 Sùng Trinh đời Minh ), mất năm 1715 ( năm thứ 54 Khang Hy đời Thanh ), tự Lưu Tiên, cũng có tự là Kiếm Thần, biệt hiệu Liễu Tuyền Cư Sĩ, người Tri Xuyên ( nay là Tri Bác, thuộc tỉnh Sơn Đông). Như vậy, ông sống trong khoảng thời gian cuối thời Minh, đầu thời Thanh.Ông xuất thân trong gia đình thế gia suy sụp, trở thành tiểu thương. Bố ông là Bồ Bàn Canh lận đận trong khoa cử nên chuyển sang làm thương nhân, tuy vậy, nhà Bồ Tùng Linh cũng không được giàu sang.

Khi còn nhỏ, Bồ Tùng Linh theo cha đi học và đến năm 19 tuổi (1658), ông dự lớp thi đồng sinh thì ba lần được chọn là “Đệ nhất bổ bác sĩ đệ tử sinh viên” ( là những người học giỏi được vào học ở Thái học ) ở ba cấp : huyện, phủ, đạo, và được quan học sứ Thi Nhuận Chương khen ngợi. Từ đó, ông trở nên nổi tiếng về văn chương, và tự đánh giá mình rất cao. Tuy vậy, từ ấy về sau, Bồ Tùng Linh luôn gặp trắc trở trong thi cử khiến ông không đỗ đạt được: lúc thì bị ốm khi thi, lúc thì thi hỏng. Tình trạng ấy kéo dài mãi đến năm ông 60-70 tuổi. Đến năm 71 tuổi, ông được ban cho một danh nghĩa không có ý nghĩa gì là “Tuế Cống Sinh”.

Chán nản về hoạn lộ công danh, Bồ Tùng Linh quay về dạy học. Trên con đường lận đận mấy mươi năm trong việc khoa cử, có một thời gian ngắn ông từng đi làm chức mạc tân (thư kí văn thư trong cơ quan quân sự ). Các nhà nghiên cứu về sau cho rằng, con đường khoa hoạn luôn luôn làm ông bất đắc chí, lòng đầy uất ức, nhưng lại khiến ông viết nên những thiên truyện ngắn bất hủ về đề tài này.

Cuộc sống cá nhân của Bồ Tùng Linh cũng vô cùng khó khăn. Khi làm thầy dạy học, Bồ Tùng Linh nghèo đến mức “nhà không vách không phên, cây cối um tùm, gai góc”, “ra cửa không có lừa để cưỡi”, suốt năm không được ăn miếng thịt. Thời gian đó, ông viết một số sách thuộc loại thông tục phổ cập như Nhật dụng tục tự, Nông tang kinh… Một số bài trong Liêu trai chí dị biểu hiện tình cảm chân thật đáng quý của ông đối với người nông dân chất phác hiền lành.

Bồ Tùng Linh cũng nghiên cứu kinh sử, triết lý, văn chương và rất hứng thú với các môn : thiên văn, nông trang, y dược…

Các tác phẩm chính:

+ Liêu trai chí dị ( tập hợp khoảng hơn 500 truyện ngắn) + Liêu trai văn tập (12 quyển)

+ Liêu trai thi tập (6 quyển với hơn 1000 bài thơ, 170 bài từ, 14 vở ca khúc dân gian và 3 vở tạp kịch)

Ngoài “Liêu trai chí dị”, các tác phẩm của ông đều được tập hợp vào bộ “Bồ Tùng Linh tập”.

II – LIÊU TRAI CHÍ DỊ

1. Ý nghĩa tên gọi:

“Liêu trai chí dị” có nghĩa là những câu chuyện quái lạ, dị thường kể trong căn phòng tạm bợ .Tương truyền, trước đó “Liêu trai chí dị” có tên là “Quỷ Hồ Truyện” (鬼狐傳)), nhưng có lời đồn rằng trong lúc Bồ Tùng Linh đi thi Hương, quỷ hồ cứ quanh quẩn ngoài lều khiến ông sợ hãi nên đổi tên thành “Liêu Trai Chí Dị”. Nhưng đó chỉ là tin đồn không có căn cứ để xác minh.

2. Thời gian sáng tác:

Bồ Tùng Linh vốn là người có khiếu văn thơ từ nhỏ và sáng tác từ khá sớm tuy không chuyên. Thời sung sức, ông đã sáng tác quyển “Liêu Trai Chí Dị”, mãi cho tới tuổi già mới xong.

Từ năm Canh Tý 1660, năm Bồ Tùng Linh 20 tuổi, ông đã bắt đầu viết “Liêu Trai Chí Dị”, 20 năm sau, vào năm Canh Thân 1680, Bồ Tùng Linh đã hoàn thành, nhưng cũng phải mất thêm thời gian 10 năm nữa, vào năm Canh Ngọ 1690, Bồ Tùng Linh mới viết hoàn chỉnh Liêu Trai Chí Dị. Như vậy, Bồ Tùng Linh viết và chỉnh sửa để hoàn chỉnh “Liêu Trai Chí Dị” trong tầm 30 năm.

“Liêu Trai Chí Dị” dù chưa được lưu hành công khai nhưng bạn bè Bồ Tùng Linh đã truyền tay nhau đọc. “Liêu Trai Chí Dị” cũng được lãnh tụ thi đàn thời bấy giờ là Vương Sĩ Chân tán thưởng. Trong lời tựa sách, Bồ Tùng Linh viết: “Mặc dù không có tài như Can Bảo (tác giả bộ “Sưu thần ký”) nhưng rất thích sưu tầm chuyện thần ma, tâm tình giống như người xưa ở Hàng Châu (Tô Thức bị biếm trích về Hàng Châu) thích nghe chuyện quỷ. Nghe đến đâu là đặt bút ghi chép đến đấy, lâu ngày thành sách.”

3. Vài nét về nội dung

“Liêu trai chí dị”:“Liêu trai chí dị” có hơn 500 truyện dài ngắn khác nhau, đề cập đến nhiều nhân vật, nhiều đề tài, với điểm chung duy nhất là xoay quanh các nhân vật yêu tinh, ma quái, những thực thể kỳ dị, khác thường như hồ ly, ma quỷ, lang sói, hổ báo, khỉ vượn, voi, rắn, rùa, ong, và cả cây cỏ hoa lá, khói mây đá nước v.v… Thông qua những câu chuyện yêu ma quỷ quái này, người đọc có thể nhìn thấy bức tranh xã hội Trung Quốc qua các thời kỳ khác nhau trong lịch sử, và nắm bắt những góc nhìn cá nhân của Bồ Tùng Linh về tình hình xã hội phong kiến, khoa cử, về tình yêu nam nữ, lễ giáo Nho gia, tình người, đồng tính luyến ái,… Tình bằng hữu, tấm lòng trung tín nghĩa cũng được đề cao trong rất nhiều truyện.

Ví dụ:

+ Về tình yêu nam nữ tự do, không phân biệt âm dương, người – ma: “Nhiếp Tiểu Thiện” (hay thường được biết với tên Thiến nữ u hồn 倩女幽魂), kể về Ninh Thái Thần (người đất Chiết – tỉnh Chiết Giang) có viêc đến Kim Hoa, vào tá túc trong một ngôi chùa, tình cờ quen được Yến Xích Hà, người đất Tấn, Thiểm Tây. Lại kể chuyện Nhiếp Tiểu Thiện là một cô gái đã mất năm 15 tuổi, được chôn cạnh chùa nhưng bị yêu tinh khống chế bắt phải quyến rũ để giết người. Tiểu Thiện vốn định đến quyến rũ Ninh Thái Thần nhưng Thái Thần là người đoan chính không bị dụ dỗ, Tiểu Thiện sinh cảm mến, nói hết mọi chuyện, lại dặn Thái Thần chỉ cần ở bên Xích Hà thì sẽ được bình yên. Xích Hà vốn là kiếm sĩ có tráp đựng bảo kiếm diệt yêu, đêm ấy xuất kiếm đánh thương yêu tinh. Ninh Thái Thần xong việc quay về nhà, lúc tạ từ được Xích Hà tặng cho bao da đựng kiếm, có thể tránh tà ma. Thái Thần dời mộ Tiểu Thiện về chôn gần nhà, giới thiệu cô với cha mẹ, Tiểu Thiện đỡ đần việc nhà, hiếu thảo với phụ mẫu Thái Thần nên hai người từ nghi hoặc cảnh giác chuyển sang quý mến. Thái Thần biết Tiểu Thiện là ma nên không dám treo chiếc bao da lên sợ tổn hại cô. Chợt một hôm, Tiểu Thiện có dự cảm yêu tinh đến trả thù, bảo Thái Thần đem bao da ra treo, phần cô thì do hấp thụ sinh khí đã không sợ bao da nữa. Đêm ấy nhờ chiếc bao da mà diệt được yêu tinh. Sau này Thái Thần đậu tiến sĩ, lấy thêm vợ, đẻ con, gia đình đều được yên ổn hạnh phúc.

+ Về bức tranh quan lại tham ô, vô lại: “Tịch Phương Bình”, ông lại phê phán bộ máy quan lại tham ô tàn bạo. Cha Tịch Phương Bình là Tịch Liêm, chỉ chống lại tên tài chủ họ Dương mà bị hãm hại. Tên này mua hết quan lại sai nha dưới âm phủ để đày đoạ Tịch Liêm xuống âm ti. Khi Phương Bình hai lần bất chấp nguy hiểm, xuống âm ti tìm cha thì chúng lại cấu kết với ma quỷ tìm cách hãm hại anh ta. Ở đây hoàn toàn không có công lý, không có chính nghĩa, đồng tiền chi phối tất cả. Lời buộc tội của Quán Khẩu nhị lang rất có ý nghĩa : “Ánh sáng của vàng bạc bao trùm mặt đất cho nên điện Diêm Vương tối tăm, hơi đồng tanh tưởi ngút trời làm cho trong thành không ngày nào là không có kẻ chết oan”. Bình phải chịu nhiều nỗi khổ nhục. Truyện không chỉ miêu tả cảnh tượng ở âm ti mà còn gợi cho người đọc thấy được những cảnh tượng ở dương gian. Trong “Liêu trai chí dị”, ranh giới âm phủ và trần gian hết sức mong manh, và bất công không phải chỉ tồn tại ở cõi dương.

+ Về lứa học trò Nho gia thiếu lễ tiết: “Họa bích” (Bức họa trên tường), kể về Mạnh Long Đàm cùng một viên Hiếu liêm họ Chu lên kinh đô, tình cờ vào chơi một ngôi chùa có vị sư già. Chu tình cờ đi lọt được vào bức vẽ trên tường, rồi quen biết tằng tịu với một cô gái trong đó. Mạnh phát hiện không thấy Chu đâu liền hỏi sư già. Vị sư liền gọi Chu từ bức vẽ đi ra. Chu ra tới nơi hốt hoảng hỏi sư già nguyên cớ, sư đáp “Ảo giác từ lòng người sinh ra, lão tăng làm sao giải thích được?”, Chu và Mạnh bất giác kinh hãi, bái biệt mà về.Bồ Tùng Linh viết tập truyện “Liêu Trai Chí Dị” trong một khoảng thời gian rất dài cỡ 3 chục năm. Ngay trong tập thứ nhất, ông có nhắc đến biến cố Giáp thân (1644) khi ông vừa được 4 tuổi thì Trung quốc bị biến loạn, nhà Minh mất ngôi với nhà Thanh. Dùng câu chuyện chồn báo tin “Linh quan” sắp tẩy uế hạ giới nhân dịp tế lễ trời đất, ông viết chồn cho hay là biến cố sẽ xảy ra. Và ông chắc chắn đã mục kích biết bao nhiêu chuyện thối nát của chính quyền, của quan chức tham nhũng, ăn tiền vô tôi vạ, dân chúng oán than, đói khát nghèo khổ. Ngay cả những người giầu có ngay thẳng cũng bị tội oan, mất hết tiền bạc.

Bồ Tùng Linh đã đỗ tú tài từ năm 18 tuổi, nhưng rồi sau đó ông thi trượt liên miên cho đến năm ông 71 tuổi mới đậu cử nhân. Trong 52 năm trường lận đận trong thi cử, chắc chắn là ông phải có rất nhiều, quá nhiều kinh nghiệm sống về đường lối cho bài thi, cách chấm thi v.v… Nhiều người cho rằng ông uất ức nên viết “Liêu Trai Chí Dị”, nhưng qua những câu chuyện “Liêu Trai”, người đọc ít thấy sự uất ức, mà chỉ thấy Bồ Tùng Linh đơn giản là mượn nhân vật trong truyện để nói lên nỗi lòng của mình về thời thế, về tình yêu tự do, về lễ giáo phong kiến kìm kẹp con người,…

4. Đánh giá:

Cốt truyện và nhân vật trong “Liêu trai chí dị” đều có sự kế thừa tiểu thuyết chí quái Ngụy Tấn và truyền kỳ thời Đường. Đặc biệt, có một sự tác động rõ rệt của “Sơn hải kinh” (tuyển tập ghi chép về các yêu quái) trong việc xây dựng các nhân vật ma quái trong “Liêu trai chí dị”. Có thể coi “Liêu Trai chí dị” là một bản “Sơn hải kinh” lãng mạn hơn, được kể lại dưới dạng câu chuyện hấp dẫn người đọc hơn. “Liêu trai chí dị” là bộ tiểu thuyết đoản thiên ra đời trên cơ sở kế thừa thành tựu của nền văn học truyền thống và các sáng tác dân gian. Cội nguồn trực tiếp ảnh hưởng đến sáng tác “Liêu trai chí dị” là những câu chuyện dân gian và truyện chí quái Lục Triều, truyền kì đời Đường. Ảnh hưởng văn học dân gian đối với Liêu trai thể hiện ở việc nhào nặn, vận dụng các môtip thần thoại cổ tích nhuần nhuyễn tới mức nói đến “không khí Liêu trai”, “Thế giới Liêu trai” là người ta liên tưởng ngay đến thế giới của những câu chuyện cổ tích, thần thoại. Những motip tái sinh, đầu thai, sinh đẻ kì lạ, biến hình, người mang lốt… đầy rẫy trong các truyện ngắn của “Liêu trai chí dị”.Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đánh giá “Liêu trai chí dị” là kiệt tác của Bồ Tùng Linh, cũng là một đỉnh cao của truyện ngắn cổ điển Trung Quốc. Trong truyện sử dụng thủ pháp nghệ thuật truyện truyền kỳ đã đạt đến mức hoàn chỉnh, tất cả các môtíp truyền kỳ truyền thống đều được nhà văn vận dụng tài tình làm cho các truyện trở nên kỳ ảo.

Hầu hết các truyện trong “Liêu trai chí dị” đều được xây dựng theo kết cấu truyền thống. Nó không nhằm mục tiêu miêu tả một lát cắt của đời sống con người, mà thường là kể chuyện có đầu có cuối, các nhân vật được miêu tả một cách trọn vẹn: giới thiệu gốc gác, diễn biến cuộc đời và kết thúc.Nhà nghiên cứu Lê Nguyên Cẩn còn cho rằng: “Liêu trai chí dị” là một chỉnh thể nghệ thuật nguyên vẹn mà các truyện là các chương, các phần của chỉnh thể đó”. Tức là, mỗi truyện ngắn trong “Liêu Trai Chí dị” đều có thể được tiếp cận khi đứng một mình, nhưng khi xếp chung các truyện lại với nhau thì thành một chỉnh thể trọn vẹn của thế giới liêu trai, phản ánh một hiện thực rộng lớn trên nhiều phương diện: tình yêu, tình nghĩa bạn bè, khoa cử, lễ giáo, bất công xã hội,…

Các câu chuyện trong “Liêu Trai Chí Dị” cũng ít có sự trùng lặp với nhau. Khi dịch “Liêu trai”, Tản Đà có nhận xét: “Truyện Kiều bao nhiêu câu lục bát mà không câu nào giống câu nào; Liêu trai bao nhiêu truyện lớn nhỏ mà không truyện nào phảng phất truyện nào.”Việc kể lại những câu chuyện tình yêu hay những sự kiện dương gian với yếu tố kỳ ảo và có cái kết phần lớn là viên mãn cho thấy tinh thần lãng mạn trong sáng tác của Bồ Tùng Linh. Ông không đơn thuần là ghi chép thô sơ lại các câu chuyện được nghe kể lại, mà dụng công về mặt ngôn từ để các câu chuyện mềm mại, uyển chuyển, nhẹ nhàng hơn. Đây chính là sự khác biệt giữa “Liêu Trai Chí Dị” của Bồ Tùng Linh và “Tử bất ngữ” của Viên Mai. (“Tử bất ngữ” ghi chép lại những chuyện quái dị trong thiên hạ, những điều Khổng Tử không kể, với lối văn đơn giản, ngắn gọn, các câu chuyện đôi khi chỉ là những ghi chép ngắn, không giàu yếu tố văn chương như “Liêu Trai”).

Ngay sau thế hệ Bồ Tùng Linh, Hòa Bang Ngạch cũng viết “Dạ đàm tùy lục”, tổng hợp lại những chuyện ly kì, dị thường trong dân gian. Song không giống thế giới lãng mạn với tình yêu giữa người và hồ ly, yêu tinh báo ân,… trong “Liêu Trai”, Hòa Bang Ngạch lại ngả hẳn về khía cạnh hiện thực xã hội của từng câu chuyện, khiến cho “Dạ đàm tùy lục” trở thành một tác phẩm tiêu biểu cho việc mượn chuyện ma quỷ để phê phán, lật tẩy đời sống suy đồi, bất công.

Tóm lại, “Liêu trai chí dị” là một tập truyện khá “đa dụng”: vừa có thể đọc để giải trí, vừa có thể giúp người đọc có thêm thông tin về một thời kỳ hoặc một mẫu người trong lịch sử Trung Quốc, và mỗi người lại vừa có thể rút ra cho mình một bài học riêng khi đọc truyện.

Tài liệu tham khảo:

1. Thực, ảo trong “Liêu trai chí dị” – Nguyễn Thị Hồng Phượng

2. Thế giới nhân vật trong “Liêu trai chí dị” của Bồ Tùng Linh – Nguyễn Thị Bích Dung

3. Hình tượng nhân vật Nho sinh và phụ nữ trong “Liêu trai chí dị” của Bồ Tùng Linh – Nguyễn Thị Thu Giang

—Nguồn ảnh: Diego Gennaro | Unsplash

Back to top button
Minecraft 1.20 | FB88 | Luck8 | Luck8