Hỏi đáp

Hoàng Cầm – Thi sĩ nặng lòng với quê hương

Hoàng Cầm sinh ngày 22 tháng 02 năm 1922 (theo tài liệu gia đình ông sinh ngày 6/2/1922). Ông học Tiểu học và Trung học ở Bắc Giang và Bắc Ninh. Năm 1938, ông ra Hà Nội học trường Thăng Long. Năm 1940, ông đỗ Tú tài toàn phần. Sau đó nhận dịch sách cho Tân Dân xã của Vũ Đình Long. Mới 15 tuổi ông đã bước vào thi đàn với tác phẩm “Hận ngày xanh”, rồi “Bông sen trắng” làm ngạc nhiên văn đàn cả nước, đến lúc này ông càng sáng tác nhiều với bút danh Hoàng Cầm. Hoàng Cầm là tên vị thuốc đắng nhưng theo ông giải thích, ông yêu gỗ cây đan hoàng làm đàn rất đẹp mà lấy bút danh này. Sự nghiệp thi ca của Hoàng Cầm càng bùng phát mạnh mẽ khi đi hoạt động cách mạng. Năm 1948, khi 26 tuổi, Hoàng Cầm viết “Bên kia sông Đuống” với tình cảm yêu quê hương cháy bỏng, tinh thần lạc quan cách mạng lớn lao đã đưa Hoàng Cầm lên hàng thi sĩ tiêu biểu nhất trong kháng chiến chống Pháp.

Nhà thơ Hoàng Cầm bên bờ sông Đuống (ảnh tư liệu).

Năm 1944, quân Nhật đánh chiếm Đông Nam Á, chiến tranh thế giới thứ 2 đang căng thẳng, Hoàng Cầm đưa gia đình về quê gốc ở làng Lạc Thổ sinh sống. Làng Lạc Thổ lúc này là trung tâm phong trào cách mạng ở huyện Thuận Thành. Nơi đây sớm có tổ chức cách mạng do đồng chí Vương Văn Trà giác ngộ, tổ chức và lãnh đạo. Ông bắt đầu tham gia hoạt động Thanh niên Cứu quốc của Việt Minh, trở thành bí thư chi đoàn Thanh niên cứu quốc xã Lạc Thổ từ tháng 4/1944 đến 30/8/1945, tham gia những ngày sôi sục Tổng khởi nghĩa, trực tiếp dẫn thanh niên cùng quần chúng nhân dân toàn huyện cướp chính quyền phủ Thuận Thành. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông về Hà Nội thành lập Đoàn kịch Đông Phương. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, ông theo đoàn kịch rút khỏi Hà Nội, biểu diễn lưu động ở vùng Bắc Ninh, Bắc Giang, Sơn Tây, Thái Bình một thời gian nữa rồi giải thể. Tháng 8 năm 1947, nhà thơ Hoàng Cầm tham gia Vệ quốc quân ở Khu 12. Cuối năm đó ông thành lập và phụ trách Đội văn nghệ tuyên truyền Khu 12, sau trở thành Đoàn văn công Tổng cục Chính trị (năm 1952), ông vẫn được cử làm Trưởng đoàn, hoạt động biểu diễn cho quân dân vùng tự do và phục vụ các chiến dịch. Hoàng Cầm là người khai sinh nghệ thuật ngâm thơ. Bản thân ông cũng có giọng ngâm đặc biệt ấm áp và truyền cảm, được thính giả tôn là “Giọng oanh vàng đất Bắc”. Theo yêu cầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của Tố Hữu được Hoàng Cầm trình bày trong Lễ liên hoan mừng chiến thắng có trên 1.200 người từ tiểu đoàn trưởng trở lên được mời dự. Đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chủ trì. Đó là “giờ cất cánh cho thơ. Một trận sấm vỗ tay nổi lên như vũ bão kéo dài bao lâu tôi không nhớ nữa” (Hồi kí Hoàng Cầm). Hạnh phúc của tác giả, hạnh phúc của nghệ sĩ trình bày gặp hạnh phúc của cả dân tộc trong những ngày núi sông bừng lên. Tháng 10 năm 1954, đoàn văn công về Hà Nội. Đầu năm 1955, do đoàn văn công mở rộng thêm nhiều bộ môn, Hoàng Cầm được giao nhiệm vụ trưởng đoàn kịch nói. Cuối năm 1955, ông về công tác ở Hội Văn nghệ Việt Nam, làm công tác xuất bản. Tháng 4 năm 1957, ông tham gia thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, được bầu vào Ban chấp hành. Ít lâu sau, Hoàng Cầm xin rút khỏi các chức vụ và nghỉ hưu năm 1970. Hoàng Cầm sáng tác và thành công sớm trên 3 lĩnh vực: Văn xuôi, Kịch và Thơ. Ông đã cho in mấy chục đầu sách, tiêu biểu là: Về văn xuôi: Hận ngày xanh (1941) sáng tác dựa theo Lamáctin, Bông sen trắng (1941) sáng tác dựa theo Anđécxen, Cây đèn thần (1941) dựa theo Nghìn lẻ một đêm, Hai lần chết tập truyện ngắn sáng tác năm 1941, Tỉnh giấc mơ vua (1942) dựa theo Nghìn lẻ một đêm, Văn xuôi Hoàng Cầm (1997). Kịch thơ: Hận Nam Quan (1944), Kiều Loan (1945), Viễn khách (1952), Lên đường (1952), Trương Chi (1983). Kịch nói: Ông cụ Liên (1952), Lào Cai (1957), Tương lai (1996). Thơ: Tiếng hát Quan họ (1956), Mưa Thuận Thành (1987), Bên kia sông Đuống (1970, 1993), Lá diêu bông (1993), Về Kinh Bắc (1959, 1994), Men đá vàng (truyện thơ 1973, 1983), 99 tình khúc (1995), Đến từ hư không (2000). Tuy nhiên, thành công chính của Hoàng Cầm là trên lĩnh vực thơ. Như trên đã nói, với thi phẩm “Bên kia sông Đuống” ông đã là thi sĩ tiêu biểu nhất trong kháng chiến chống Pháp. Bài thơ đã được đưa vào chương trình giảng dạy văn học bậc Trung học phổ thông, được phổ nhạc và trình diễn với nhiều hình thức thể hiện khác nhau. Hoàng Cầm còn có nhiều thi phẩm nổi tiếng khác như: Lá diêu bông, Cây tam cúc, Mưa Thuận Thành, Về Kinh Bắc… Với Lá diêu bông, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha viết: “Thơ Hoàng Cầm rất nhiều bài hay. Nhưng bài tôi tâm đắc nhất là bài “Lá diêu bông”. Vì ở đấy nó có phẩm chất mà tất cả các nhà thơ của nhân loại đều phải có. Vì riêng chuyện ông sáng tạo ra lá diêu bông đã là một câu chuyện. Hàn Mạc Tử cũng sáng tạo ra cõi phượng trì rất mông lung thì đến Hoàng Cầm ông lại nghĩ ra Lá diêu bông. Bài thơ “Lá diêu bông” như là tả nhưng nó không tả mà nói về một nỗi niềm. Ông ấy dùng bản năng ở trong mình, chỉ có thơ Hoàng Cầm ta thấy là em yêu chị thôi…” Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thì tôn Hoàng Cầm là “ông hoàng thơ tình”. Lại có những người mê thơ Hoàng Cầm viết về mẹ, về chị, về tình yêu thì tôn ông là “Thi sĩ theo dòng mẫu hệ”. Nhà văn Phạm Thị Hoài nhận định: “Hoàng Cầm quả thật là một trong số không nhiều lắm những người lập được cho mình một vương quốc thơ riêng, với nền móng, bản sắc và các nghi thức không thể trộn lẫn”. Nhạc sĩ Phạm Duy – người bạn thân một thời và đã phổ nhạc “Lá diêu bông”, “Nếu anh còn trẻ” của Hoàng Cầm đánh giá: “Hoàng Cầm xứng đáng là nhà thơ lớn nhất của thời đại chúng ta. Tôi yêu nước mình vì đọc thơ Hoàng Cầm”. Nhà nước ta cũng ghi nhận những đóng góp to lớn của nhà thơ Hoàng Cầm qua việc tặng thưởng “Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật” năm 2007 cho các tác phẩm “Bên kia sông Đuống” và “Lá diêu bông”. Mặc dù sinh ra ở nơi khác, sống ở chốn quê tổ không lâu, nhưng quê hương Lạc Thổ, Thuận Thành vẫn luôn in dấu sâu đậm trong con người và thơ Hoàng Cầm. Đang ở chiến khu 12, nghe tin giặc Pháp càn quét chiếm đóng Thuận Thành, Hoàng Cầm vừa khóc vừa bật ra kiệt tác “Bên kia sông Đuống”. Những câu thơ sáng mãi với thời gian: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”. “Bên kia sông Đuống” đã làm Hoàng Cầm hiểu ra một điều quan trọng: Quê hương Kinh Bắc chính là điều kỳ diệu nhất tạo hóa ban tặng ông, là “thiên mệnh” thơ của đời ông. Văn hóa Kinh Bắc như một cánh diều bay trên bầu trời thổi lên tiếng sáo nhớ nhung mà thi sĩ là người cầm dây. Từ “Bên kia sông Đuống”, dòng thơ về quê hương của Hoàng Cầm bắt đầu tuôn chảy với “Tiếng hát Quan họ”, “Trương Chi”, “Men đá vàng”, “Mưa Thuận Thành”, “Lá diêu bông”, “Về Kinh Bắc”. “Về Kinh Bắc” là tập thơ mà tinh túy của văn hoá Quan họ – Kinh Bắc đã được chưng cất, kết đọng lại. Ông chia tập thơ thành các “nhịp” với những đêm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ như nén lại để rồi làm thăng hoa thơ Việt trong một không gian, thời gian thực ảo biến hoá khôn lường. Đọc thơ ông, ta gặp một con người Việt nguyên khôi qua hơi thở của lục bát, ngũ ngôn và nhịp tự do tài tình lướt qua khuôn phép. Chính vì thế mà thơ ông không cũ trong cổ điển, và cũng không quá xa lạ trong hiện đại. Nhiều câu thơ của ông đầy tài hoa, quyến rũ, khiến người đã “phải lòng” rồi thì không thể nào dứt ra được nữa. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: Thi nhân “Mưa Thuận Thành” là nhà thơ “Độc đáo mà tự nhiên, là mình mà cũng là tất cả”. Hữu Thỉnh cho rằng, sinh ra ở Bắc Ninh dường như là một “biệt đãi của số phận” dành cho Hoàng Cầm, bởi: “Để làm một thi nhân, không còn mong ước gì hơn là được sinh ra, tại một vùng quê phong tình vào bậc nhất của đất Bắc, được bồi đắp cái năng lượng sống tối đa đủ tươi tốt cho cả đời người”. Và Hoàng Cầm, với ý thức rằng ông chính là “Khí thiêng sông núi nhập/Duyên nghiệp thầm dư ba/Nghĩa tình quê vun đắp/Thấu dạ nghén tài hoa”, có lẽ, cũng đã trả hết ân tình cho đời, bằng sự nghiệp thơ độc đáo, tài hoa. Ông, cũng chính là một “biệt đãi” mà số phận đã trao cho văn hóa Kinh Bắc, cho thi ca Việt Nam. Năm 2003 tỉnh Bắc Ninh tổ chức “Ngày thơ Việt Nam” lần đầu tiên ở Nhà hát Quan họ, nhà thơ Hoàng Cầm về dự. Dù đã ngoài 80 tuổi nhưng thi sĩ vẫn cất “giọng oanh vàng” đọc thơ “Bên kia sông Đuống” đầy mê hoặc, quyến rũ. Quê hương hội hè, đình đám, chùa chiền, hát hội hun đúc, nâng đỡ nhà thơ nhưng ông ít có dịp về dự. Hội làng Hồ cũng rất độc đáo với tục thi gà Hồ, thi đấu cờ tướng, thi tổ tôm điếm… Có lần nhà thơ Hoàng Cầm về dự hội làng và có thơ lưu lại. Quê hương cũng trân trọng tất cả thi phẩm Hoàng Cầm. Hoàng Cầm tự hào về quê hương, nâng cao giá trị văn hóa quê hương và quê hương cũng tự hào có một thi nhân đóng góp nhiều cho sự nghiệp cách mạng, cho nền thi ca Việt Nam. Ngày 6/5/2010, nhà thơ Hoàng Cầm đã nhẹ bước ra đi sau chặng đường 89 năm bền bỉ tìm về. Ông tìm về nơi ông sinh ra, nơi trọn đời ông nhớ thương day dứt: “Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc/Chiều xưa giẻ quạt voi lồng/Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc/Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông”. Ông tìm về “Bên kia sông Đuống”, “nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ” nơi ông đánh giặc và yêu. Tìm về với chính tuổi thơ ông: “Ta con chim cu về gù rặng tre/Đưa nắng ấu thơ về sân đất trắng/Đưa mây lành những phương trời lạ/Về tụ nóc cây rơm”. Và tìm cả những gì không có, những gì chỉ có trong giấc mơ như chiếc lá diêu bông kia. Tiến tới kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hoàng Cầm, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt chương trình đêm thơ nhạc Hoàng Cầm tại thành phố Bắc Ninh, UBND huyện Thuận Thành cũng đã phê duyệt chương trình hội nghị tọa đàm kỉ niệm Hoàng Cầm và có phương án đặt tên phố Hoàng Cầm tại đô thị Thuận Thành. Gia đình nhà thơ Hoàng Cầm có dự án kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ với nhiều hoạt động khác nhau như in sách, làm phim, trình diễn thơ, nhạc Hoàng Cầm…

Back to top button