Sen Tài Thu làm ăn ra sao trước khi mẹ con cựu chủ tịch bị bắt?
Ngày 29-1, Công an TP Hà Nội cho biết đã bắt khẩn cấp bà Phạm Thị Hòa (cựu chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sen Tài Thu), Nguyễn Thị Thùy Linh (con gái bà Hòa) và Nguyễn Thị Lan Hương để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo điều tra ban đầu, có khoảng 100 hợp đồng huy động vốn của các nhà đầu tư đã được ký kết, tổng giá trị khoảng 1.000 tỉ đồng.
Sen Tài Thu liên tục thay đổi người đại diện pháp luật
Về Sen Tài Thu, trên website, công ty này giới thiệu được thành lập từ năm 1992 với tiền thân là Trung tâm chăm sóc sức khỏe Sen Tài Thu – Bệnh viện Châm cứu trung ương, là cơ sở tiên phong trong lĩnh vực trị liệu y học cổ truyền Việt Nam.
Tuy nhiên, dữ liệu từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy Công ty cổ phần Tập đoàn Sen Tài Thu Việt Nam mới được thành lập từ tháng 12-2018.
Lúc mới đăng ký, doanh nghiệp này có tên Công ty cổ phần Sengroup Wellness Việt Nam. Số vốn điều lệ ban đầu của Sengroup Wellness là 31,98 tỉ đồng.
Trong đó, bà Phạm Thị Hòa (sinh năm 1958) nắm 62,289% vốn góp (tương đương 19,92 tỉ đồng). Ông Ngô Quang Vinh sở hữu 18,386% vốn, còn bà Lê Thị Hồng nắm 19,325%.
Thời điểm này, giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty là bà Nguyễn Thị Thùy Linh (sinh năm 1981), con gái bà Hòa.
Sau đó, Sengroup Wellness Việt Nam đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Sen Tài Thu Việt Nam và tăng vốn điều lệ lên 160,35 tỉ đồng. Tuy nhiên theo điều tra từ cơ quan công an, bà Nguyễn Thị Thùy Linh đã cùng bàn bạc với Nguyễn Thị Lan Hương (khi đó là tổng giám đốc) nâng khống vốn điều lệ.
Cũng theo dữ liệu từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, đến tháng 3-2021, vai trò người đại diện pháp luật lại chuyển từ bà Nguyễn Thị Thùy Linh (tổng giám đốc công ty) sang bà Phạm Thị Hòa (chủ tịch hội đồng quản trị).
Đến tháng 12-2022, người đại diện pháp luật Sen Tài Thu lại chuyển từ bà Hòa sang một nhân vật mới – ông Trần Tuấn Anh (sinh năm 1990). Ông Tuấn Anh lúc này giữ vai trò tổng giám đốc Sen Tài Thu.
Ông Tuấn Anh hiện còn là đại diện pháp luật của Công ty TNHH Auto Trần Anh, Công ty cổ phần thí nghiệm và xây dựng Thăng Long…
Còn bà Phạm Thị Hòa vẫn là người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần chăm sóc sức khỏe Sen 1992, Công ty TNHH Chăm sóc sức khỏe Hương Sen.
Công ty làm ăn ra sao trước khi lãnh đạo bị bắt?
Theo điều tra bước đầu từ cơ quan công an, đầu năm 2020, bà Hòa cùng con gái do đầu tư vào việc mở rộng các cơ sở của hệ thống Sen Tài Thu trong thời gian dài nên đã vay nợ hơn 300 tỉ. Trong đó tiền gốc khoảng 100 tỉ đồng, tiền lãi 200 tỉ.
Sau đó, các bị can đã đưa ra các thông tin gian dối về tình hình hoạt động của công ty, lợi nhuận của công ty, mức lãi suất hấp dẫn để các nhà đầu tư chuyển tiền ký kết hợp đồng, chuyển nhượng cổ phần và hợp đồng cam kết mua lại cổ phần.
Vậy công ty này làm ăn ra sao?
Theo thông tin giới thiệu trên website, Sen Tài Thu có nhiều chi nhánh tại Hà Nội và các tỉnh thành khác (Hà Nam, Thái Bình, Đà Nẵng…).
Thậm chí công ty này còn giới thiệu cuối tháng 12-2021 đã chính thức khởi công xây dựng cả dự án Sen Tài Thu Đà Nẵng tại đường Võ Nguyên Giáp với diện tích 2.500m2…
Công ty này phát triển theo mô hình nhượng quyền với nhiều thông tin quảng bá rầm rộ được đưa lên website. Giá mỗi dịch vụ tại các trung tâm của Sen Tài Thu thấp nhất là 300.000 đồng/lượt, cao nhất 850.000 đồng/lượt.
Sen Tài Thu còn cho biết tham vọng “dẫn đầu trong mảng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng phương pháp trị liệu cổ truyền tại Việt Nam”. Tuy nhiên theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, tình hình kinh doanh công ty này trên sổ sách rất èo uột.
Báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh cho thấy năm 2022, Sen Tài Thu chỉ ghi nhận doanh thu trên báo cáo vỏn vẹn 65 triệu đồng, do chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp gần 8,93 tỉ đồng. Sau trừ chi phí, công ty báo lỗ gần 9 tỉ đồng.
Theo cơ quan công an, từ năm 2018 đến tháng 5-2023, các nghi phạm nắm rõ việc Sen Tài Thu có dư nợ phát sinh rất lớn, mất khả năng thanh toán.
Song lợi dụng uy tín thương hiệu chăm sóc sức khỏe Sen Tài Thu, nhóm nghi phạm vẫn nâng khống vốn điều lệ, đưa ra doanh thu lợi nhuận của hệ thống không đúng thực tế để huy động vốn trái pháp luật.