ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Khoa công nghệ phát triển, lượng thông tin xã hội vô cùng phong phú được cập nhật từng giây, từng phút trên các trang mạng xã hội đã tác động không nhỏ đến đời sống văn học. Nếu như trước đây, việc tiếp nhận tác phẩm văn học được thực hiện theo lối truyền thống bằng việc tìm đọc những tác phẩm được đăng, in trên báo, in thành sách. Người yêu văn chương phải tìm đến những hiệu sách, thư viện để mua, mượn đọc, nếu cần thì ghi chép lại vào sổ tay cá nhân. Thì nay, việc đọc văn khá thuận lợi cho cả người đọc để thưởng thức và đọc để học. Chỉ cần truy cập các kho dữ liệu văn học trên mạng thì chỉ trong giây lát, tác phẩm văn chương sẽ hiện ra ngay trước mắt bạn đọc mà không tốn quá nhiều công sức tìm tòi; ngoài ra, nguồn cung cấp các sách về tác phẩm văn học cũng phong phú, đa dạng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho bạn đọc tra cứu, so sánh về cả chất lượng và giá thành các tác phẩm được bày bán.
(Khoa học công nghệ phát triển giúp cho việc đọc và học văn khá thuận lợi . (Ảnh: Trần Minh/vnexpress.net).
Khi thông tin được cập nhật rộng rãi thì việc giới thiệu, quảng bá tác phẩm văn học đến bạn đọc cũng rất nhanh và đi sâu hơn vào đời sống xã hội. Nhờ vậy, “sản phẩm” của các nhà văn sẽ có thêm môi trường sống mới, đó là môi trường mạng công nghệ. Độc giả nhanh chóng tiếp cận với tác phẩm, đọc, tiếp nhận và bàn luận, thẩm định và có khả năng tập hợp sự đánh giá chất lượng tác phẩm một cách nhanh nhất. Người đọc có thể giới thiệu cho nhau các tác phẩm mới, hay bằng những đường link tới các trang sách điện tử, góp phần tạo sức sống mới, con đường mới đi vào tâm hồn độc giả.
Chúng ta vẫn cho rằng, khoa học công nghệ phát triển, văn chương sẽ khó gần với đời sống hơn, nhưng thực tế không phải như vậy. Mà trái lại, nhờ khoa học công nghệ phát triển, văn học dường như tiến gần hơn đời sống xã hội, phản ánh chân thực hơi thở, nhịp điệu cuộc sống đương đại. Những năm gần đây, giữa tác phẩm văn học và những vấn đề xã hội dường như đã tìm được những điểm gặp gỡ tuyệt vời. Những câu chuyện có thật trong đời sống xã hội được đưa lên các trang mạng xã hội đã có sức lan tỏa, lay động trái tim người đọc. Và ở đâu đó, trong các tác phẩm văn chương, người đọc đã từng gặp, từng cảm nhận được. Tính thời sự đã giúp cho văn học tiến gần hơn, đi sâu vào đời sống xã hội để phản ánh một cách chân thực bức tranh cuộc sống vô cùng sinh động và hối hả.
Tuy nhiên, tại một số khu vực có điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế thì thói quen đọc, học văn học qua sách giấy vẫn được duy trì. (Ảnh: Thế Lượng).
Trong nhà trường phổ thông, việc dạy và học văn hiện đã khác rất nhiều. Dưới sự tác động không nhỏ của khoa học công nghệ, các thầy cô giáo đã không ngừng thay đổi phương pháp giảng dạy trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin trong giờ học Ngữ văn. Việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ như máy tính xách tay, màn hình trình chiếu … giúp thầy cô, học sinh khai thác tối đa tư liệu về tác phẩm văn học, giúp cho giờ học trở nên sinh động, lý thú và hấp dẫn. Đặc biệt, dạy học tích hợp văn học với các môn khoa học khác còn giúp người học mở rộng địa bàn tri thức, coi đó là cách để hiểu sâu hơn tác phẩm văn học giữa dòng chung của lịch sử xã hội. Những năm gần đây, cùng với ứng dụng công nghệ thông tin trong giờ học văn, thầy và trò còn kết hợp tổ chức sân khấu hóa khi học tác phẩm văn học. Điều đó đã tạo sức hút cho giờ học, đồng thời, góp phần không nhỏ đưa tác phẩm văn học đến gần với sân khấu điện ảnh, xóa đi gianh giới giữa văn học và các loại hình nghệ thuật.
Học trực tuyến, học kết nối trong môn Ngữ văn hiện đang là một trong những phương pháp học tích cực của học sinh trong giai đoạn hiện nay. Các em đã biết khai thác và ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong khai thác các bài giảng điện tử trên mạng để bổ trợ cho việc học văn. Đặc biệt, học kết nối trong giờ văn đã tạo sự giao lưu, thân thiện, hòa đồng và tương trợ giữa các em học sinh ở vùng miền khác nhau.
Sân khấu hóa tác phẩm văn học đang phát triển ở một số trường THPT tại Phú Thọ.(Ảnh: Thế Lượng).
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, sự phát triển của công nghệ đã ít nhiều tác động đến đời sống văn chương, làm cho đời sống văn chương nói chung và văn học nhà trường nói chung đã bộc lộ những hạn chế nhất định. Đầu tiên, đó là sự thay đổi văn hóa đọc của độc giả. Do sự tiện lợi trong tìm kiếm, lưu trữ, đăng tải tác phẩm văn học trên các trang mạng nên một số người đọc, người học thường có tâm lý “lười” hoặc thiếu thời gian, kiên nhẫn với những cuốn sách bằng giấy như trước, do đó, việc đọc và cảm nhận tác phẩm văn chương sẽ không được như trước, những hình ảnh đẹp về văn hóa đọc trước đây cũng dần bị mai một. Đồng thời, nhiều sản phẩm văn hóa, nghệ thuật tràn lan trên thị trường mạng; việc có sẵn tư liệu, văn mẫu, bài giảng mẫu trên các trang điện tử tuy đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh nhưng đôi khi nó cũng hạn chế sự sáng tạo, tư duy độc lập của các em khi học, viết văn.
Thời đại công nghệ 4.0 đã và đang tạo môi trường mới cho sự tồn tại và phát triển của tác phẩm văn chương. Trong dòng chảy hối hả của đời sống xã hội, chúng ta luôn cần sự tiếp nhận văn học đúng hướng, đúng mục đích trên cơ sở những tác động tích cực mà công nghệ thông tin đem lại. Cảm thụ tác phẩm văn chương bằng trái tim, lý trí và tâm hồn mình, hướng đến những giá trị đích thực mà văn học mang lại, tạo sự kết nối vững chắc giữa văn học và cuộc sống. Như thế, đời sống văn chương mới thực sự có sức sống trường tồn trong lòng độc giả và luôn hướng về phía trước./.