Hỏi đáp

Thực trạng pháp luật về quản lý hành vi thao túng trên thị trường chứng khoán và giải pháp hoàn thiện 27/06/2022 17:36:00 5915

Đào Ánh Tuyết

Trường Đại học Luật Hà Nội

Thao túng thị trường chứng khoán (TTCK) là hành động đã xuất hiện trên TTCK Việt Nam và thế giới. Trên cơ sở các quy định của Luật Chứng khoán năm 2019 và các văn bản hướng dẫn, bài viết giới thiệu bản chất của hoạt động thao túng trên TTCK, đồng thời đánh giá thực trạng pháp luật chứng khoán về quản lý hành vi thao túng TTCK; từ đó, đề xuất một số kiến nghị để hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

Từ khóa: TTCK, thao túng TTCK.

Stock market manipulation has appeared in the stock market of Vietnam and the world. On the basis of the provisions of the Securities Law 2019 and guiding documents, the article introduces the nature of manipulation activities in the stock market, and evaluates the current situation of securities law on the management of Stock market manipulation; thereby, proposing some recommendations to improve the law on this issue.

Keywords: Stock market, stock market manipulation.

1. Khái quát về hành vi thao túng trên thị trường chứng khoán

Hiện nay, hành vi thao túng trên TTCK chưa được định nghĩa cụ thể. Dưới nhiều góc độ nghiên cứu khác nhau, các nhà nghiên cứu và luật pháp các nước đưa ra những nhận định về các hành vi được xác định là thao túng trên TTCK. Theo Putnins (2009)1, thao túng trên TTCK là việc sử dụng gian lận nhằm tạo cung – cầu giả và giá chứng khoán giả. Thao túng thị trường là một hình thức lạm dụng thị trường, đơn cử như lan truyền thông tin sai lệch thị trường, nhập lệnh mua và bán cho cùng một mã chứng khoán ở cùng một mức giá, che giấu tỷ lệ sở hữu khi luật pháp yêu cầu báo cáo.

Trong khi đó, Ủy ban Giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) cho rằng, thao túng thị trường là bất kỳ sự can thiệp nào trong cơ chế thị trường ngăn cản việc xác định giá hợp lý, cũng như bất kỳ yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu giả tạo2. Theo đó, các thao túng thị trường có thể xác định là hành vi cố ý và được lập sẵn để kiểm soát hoặc ảnh hưởng đến thị trường bảo mật đặc biệt của các nhà đầu tư. Thao túng thị trường thường đề cập đến các hoạt động có thể gây trở ngại cho cung – cầu cổ phiếu, tạo ra giá giả cho cổ phiếu trên TTCK và lừa dối người tham gia thị trường.

Theo Kaming (2010), thao túng trên thị trường đề cập đến hoạt động làm méo giá và cho phép người thao túng kiếm lợi nhuận trên cơ sở thua lỗ của những người tham gia thị trường khác. Trong môi trường bị thao túng, giá cả sẽ không phản ánh đúng “sức khỏe” kinh tế hiện tại.

Như vây, có nhiều định nghĩa khác nhau về thao túng chứng khoán. Tuy nhiên, các nghiên cứu đều cho rằng có ba loại thao túng cơ bản.

(i) Hành vi cố gắng thay đổi giá cổ phiếu thông qua tác động giá thực tế nhằm thay đổi dòng tiền tương lai3. Để ngăn chặn loại hành vi này, các cơ quan quản lý thường đưa ra quy định giám đốc và người nội bộ bị cấm thực hiện các giao dịch sử dụng thông tin chưa được công bố công khai trên thị trường; quy định thời gian nắm giữ cổ phiếu của các đối tượng này trong một thời gian nhất định, kể từ ngày cổ phiếu giao dịch.

(ii) Thao túng dựa trên thông tin để thay đổi giá thông qua việc đưa ra các tin đồn hoặc thông tin sai lệch. Để hạn chế vấn đề này, cơ quan quản lý thường quy định tổ chức phát hành phải thường xuyên công bố thông tin ra công chúng theo nội dung luật định.

(iii) Thao túng dựa trên các giao dịch, xảy ra khi nhà đầu tư cố gắng thao túng giá bằng cách đơn giản mua và bán cổ phiếu, mà không thực hiện công bố công khai về việc thực hiện giao dịch. Đây là loại hành vi thao túng khó ngăn chặn, bởi hành vi này chủ yếu liên quan đến các hành động diễn ra bên ngoài thị trường, nên khó xác định hành vi cấu thành thao túng.

Tại Việt Nam, pháp luật chứng khoán chưa đưa ra định nghĩa cụ thể về hành vi thao túng chứng khoán. Tuy nhiên, Điều 12 Luật Chứng khoán năm 2019 đã quy định thao túng chứng khoán là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và TTCK. Theo đó, xác định các hành vi thao túng giá chứng khoán bao gồm: (i) Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng để thực hiện việc mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; (ii) Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá chứng khoán; (iii) Kết hợp hoặc sử dụng các phương pháp giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để thao túng giá chứng khoán.

Đồng thời, khoản 2, Điều 3 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK đã quy định thao túng TTCK là việc thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và TTCK quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Chứng khoán, gồm một, một số hoặc tất cả các hành vi:

(i) Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo.

(ii) Đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo.

(iii) Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường.

(iv) Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán.

(v) Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó.

(vi) Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.

Như vậy, từ các quy định về thao túng chứng khoán, có thể đưa ra định nghĩa thao túng chứng khoán là các hành vi gian lận nhằm ngăn cản việc xác định giá thực tế trên TTCK, tạo cung – cầu giả, ảnh hưởng đến giá chứng khoán để đánh lừa các nhà đầu tư, gây thiệt hại cho TTCK.

2. Thực trạng pháp luật chứng khoán về quản lý hành vi thao túng trên thị trường chứng khoán

Việc nhận diện và xác định được hành vi thao túng trên TTCK tương đối khó khăn. Chính vì thế, pháp luật chứng khoán đã không ngừng được hoàn thiện nhằm tăng cường khả năng quản lý và xử phạt đối với các hành vi thao túng trên TTCK. Theo đó, Luật Chứng khoán năm 2019, Nghị định số 156/2020/NĐ-CP, Bộ Luật Hình sự năm 2015 đã có nhiều quy định mới nhằm quản lý hành vi thao túng trên TTCK.

Pháp luật chứng khoán đã quy định thao túng chứng khoán là hành vi bị cấm, đồng thời đưa ra các nhận diện về hành vi này

Theo khoản 3 Điều 12 Luật Chứng khoán năm 2019 và khoản 2, Điều 3 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK đã nhận diện 6 hành vi được xác định là thao túng trên TTCK. Quy định này là rõ ràng và giúp cơ quản quản lý có cơ sở pháp lý để nhận diện hành vi thao túng chứng khoán, từ đó có căn cứ để điều tra, phát hiện vi phạm và xử lý.

Pháp luật chứng khoán đã tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi thao túng chứng khoán

Thực tế cho thấy, hậu quả từ việc thao túng chứng khoán là rất lớn, nhưng mức xử phạt đối với hành vi thao túng chứng khoán theo quy định tại Nghị định số 108/2013/ND-CP ngày 23/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK và Nghị định số 145/2016/ND-CP ngày 01/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2013/NĐ-CP còn khá thấp. Theo quy định trước đây, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK đối với tổ chức vi phạm là 2 tỷ đồng và đối với cá nhân vi phạm là 1 tỷ đồng. Quy định này được đánh giá là chưa tương xứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi, vì thế chưa đảm bải được tính răn đe.

Để tăng tính răn đe đối với hành vi thao túng chứng khoán, Luật Chứng khoán năm 2019 đã tăng mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính là 10 lần khoản thu trái pháp luật có được từ hành vi vi phạm. Đồng thời quy định này được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định số 156/2020/NĐ-CP. Theo đó, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi thao túng chứng khoán đã được tăng đáng kể. Các hành vi vi phạm thao túng TTCK sẽ bị xử phạt nặng theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP. Cụ thể, phạt tiền 10 lần khoản thu trái pháp luật nhưng không thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP đối với hành vi thao túng TTCK mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP thì áp dụng mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP để xử phạt. Mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm này là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.

Ngoài ra, về hình thức xử phạt bổ sung, Nghị định số 156/2020/NĐ-CP nêu rõ đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán trong thời hạn từ 1 tháng đến 3 tháng đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán hoặc công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam có hành vi vi phạm quy định nêu trên. Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán trong thời hạn từ 18 – 24 tháng đối với người hành nghề chứng khoán có hành vi vi phạm quy định nêu trên (khoản 1 Điều 36). Đối với biện pháp khắc phục hậu quả, các tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị buộc nộp lại khoản thu trái pháp luật có được do thực hiện hành vi thao túng chứng khoán (khoản 1 Điều 36).

Như vậy, với việc tăng mạnh tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi thao túng chứng khoán, đồng thời tăng cường các biện pháp xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với cả các tổ chức có liên quan có khả năng phối hợp để thao túng chứng khoán như công ty chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, người hành nghề chứng khoán… sẽ góp phần tăng cường tính răn đe của pháp luật, từ đó ngăn chặn hành vi thao túng chứng khoán trên thị trường chứng khoán.

Luật Chứng khoán năm 2019 đã tăng cường quyền lực cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) trong việc tiếp cận các thông tin nhằm tạo thuận lợi trong công tác điều tra và phát hiện sớm các hành vi thao túng TTCK

Trước đây, Luật Chứng khoán năm 2006, sửa đổi năm 2010 quy định về thẩm quyền của UBCKNN trong thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, giám sát, cưỡng chế thực thi pháp luật trên TTCK. Theo đó, Luật thực hiện giám sát theo 2 cấp: Tuyến đầu tại sở giao dịch chứng khoán, nếu phát hiện dấu hiệu bất thường sẽ báo cáo UBCKNN để thanh, kiểm tra và thu thập thông tin, xử lý theo quy định. Trong khi đó, UBCKNN lại không được cấp thẩm quyền trong việc yêu cầu các cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin; đến làm việc để giải trình, cung cấp tài liệu. Vì vậy, UBCKNN gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập thông tin, xác minh, làm rõ và xử lý các hành vi thao túng thị trường. Để khắc phục hạn chế đó, Điều 130 Luật Chứng khoán năm 2019 đã bổ sung một số quyền cho UBCKNN như: (i) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, đến làm việc liên quan đến nội dung thanh, kiểm tra; (ii) Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản khách hàng đối với các trường hợp có dấu hiệu thực hiện hành vi bị cấm trong hoạt động chứng khoán và TTCK; (iii) Yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, thời gian gọi để xác minh, xử lý các hành vi bị cấm.

Như vậy, Luật Chứng khoán năm 2019 đã tăng cường nhiều quyền lực cho UBCKNN trong việc điều tra hành vi thao túng chứng khoán. Đặc biệt là thẩm quyền trong việc thu thập dòng tiền của các nhà đầu tư có nghi vấn. Bởi vì để có thể chứng minh từ dấu hiệu nghi phạm đến khi có đủ bằng chứng để xử lý được là tương đối khó khăn. Chẳng hạn như, khi có nghi vấn về giao dịch thao túng giá chứng khoán, để chứng minh được có sự thông đồng cấu kết thì UBCKNN phải có căn cứ dựa trên dữ liệu về sao kê chuyển tiền, e-mail trao đổi, điện thoại. Tại một số nước trên thế giới, UBCKNN còn có thẩm quyền nghe điện thoại, khi có cơ sở xác minh phối hợp với cơ quan công an để kiểm tra xem trong ngày giao dịch hai nhà đầu tư trao đổi những gì với nhau. Vì thế, các quy định mới của Luật Chứng khoán năm 2019 về bổ sung thẩm quyền cho UBCKNN để giám sát, kiểm tra các hành vi giao thao túng giá là phù hợp với thông lệ quốc tế và phù hợp với yêu cầu thực tiễn, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý của UBCKNN trong việc phát hiện, xử lý các hành vi thao túng chứng khoán.

Bên cạnh đó, Điều 131 Luật Chứng khoán năm 2019 cũng nêu rõ trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trên TTCK. Như vậy, với quy định mới tại Luật Chứng khoán năm 2019, UBCKNN sẽ thực hiện giám sát theo 3 cấp: Bắt đầu từ công ty chứng khoán, trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng thấy có dấu hiệu giao dịch bất thường có trách nhiệm báo cáo cho sở giao dịch chứng khoán và UBCKNN, điều này là phù hợp với thông lệ quốc tế. Trung tâm Lưu ký Chứng khoán không phải là đơn vị trực tiếp giám sát giao dịch nhưng là đơn vị cung cấp dữ liệu để UBCKNN có thông tin phân tích.

Áp dụng trách nhiệm hình sự đối với các hành vi phạm tội về thao túng TTCK

Không chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính mà các tổ chức, cá nhân có hành vi thao túng TTCK còn có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự. Tại Bộ Luật Hình sự năm 2015, các hành vi phạm tội liên quan đến chứng khoán đã được quy định cụ thể hơn so với trước đây. Chẳng hạn như, tại Điều 211 quy định rõ về tội thao túng TTCK, theo đó người nào thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e khoản 1 Điều 211 thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 – 3 tỷ đồng, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Khoản 2 Điều 211 cũng quy định, nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: (i) Có tổ chức; (ii) Thu lợi bất chính 1,5 tỷ đồng trở lên; (iii) Gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3 tỷ đồng trở lên; (iv) Tái phạm nguy hiểm; thì bị phạt tiền từ 2 – 4 tỷ đồng hoặc phạt tù 2 – 7 năm. Như vậy, quy định này sẽ tăng cường tính răn đe cho các tổ chức, cá nhân có hành vi thao túng trên TTCK, từ đó nâng cao hiệu quả phòng chống các hoạt động thao túng trên thị trường, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư và tăng cường tính minh bạch cho TTCK Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, pháp luật chứng khoán vẫn bộc lộ một số bất cập, hạn chế trong việc quản lý hành vi thao túng trên TTCK.

Pháp luật chứng khoán chưa đưa ra định nghĩa về thao túng chứng khoán, đồng thời không thống nhất trong quy định về nhận diện hành vi thao túng chứng khoán, gây khó khăn trong việc áp dụng

Hiện nay, chưa có định nghĩa cụ thể về thao túng chứng khoán. Khoản 3 Điều 12 Luật Chứng khoán năm 2019 chỉ đưa ra các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và TTCK. Tuy nhiên, Nghị định số 156/2020/NĐ-CP lại đưa ra định nghĩa về thao túng TTCK. Định nghĩa này tương đồng với cách quy định tại Khoản 1 Điều 211 Bộ Luật Hình sự năm 2015 về tội thao túng TTCK. Như vậy, với tư cách là luật chuyên ngành về chứng khoán thì Luật Chứng khoán năm 2019 nên có định nghĩa riêng, cụ thể về hành vi thao túng chứng khoán để tương thích và thống nhất với quy định tại Bộ Luật Hình sự năm 2015 và Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.

Việc đưa ra định nghĩa rõ ràng và mô tả cụ thể các hành vi thao túng TTCK sẽ giúp các cơ quan quản lý cũng như các chủ thể có liên quan như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, tổ chức lưu ký chứng khoán, sàn giao dịch chứng khoán… có thể nhận diện rõ hành vi thao túng để có biện pháp xử lý kịp thời. Thao túng chứng khoán là hành vi rất khó để có thể nhận diện và xử lý, trong khi mức độ tổn hại đến nhà đầu tư rất lớn, thậm chí nhiều trường hợp không thể xác định được chính xác thiệt hại của nhà đầu tư. Chính vì thế, định nghĩa riêng biệt, rõ ràng và mô tả rõ các hành vi thao túng TTCK trong Luật Chứng khoán năm 2019 là cần thiết.

Pháp luật chứng khoán chưa có những quy định cụ thể để xác định về “tài khoản có dấu hiệu có mối quan hệ đan xen”, dẫn tới không có cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp vi phạm

Để có thể xác định được có hành vi thao túng chứng khoán hay không, đa phần đều dựa vào dấu hiệu là các tổ chức, cá nhân thao túng lập nhiều tài khoản tại các công ty chứng khoán để thực hiện xác lập cung – cầu về giá không chính xác. Từ thực tiễn các vụ việc về thao túng chứng khoán cho thấy, tổ chức cá nhân thao túng sẽ lập rất nhiều tài khoản chứng khoán để thực hiện các giao dịch mua bán. Vì vậy, khi các cơ quan quản lý điều tra về hành vi thao túng thì đa phần đều sẽ yêu cầu điều tra làm rõ về “các tài khoản có dấu hiệu có mối quan hệ đan xen” tại các công ty chứng khoán.

Hiện nay Luật Chứng khoán năm 2019 và các văn bản hướng dẫn không có quy định cụ thể xác định tài khoản có dấu hiệu có mối quan hệ đan xen. Vì thế rất khó có thể quy trách nhiệm cho công ty chứng khoán trong việc xác định hoặc có nhiều trường hợp là thông đồng để thực hiện thao túng chứng khoán. Do đó, cơ quan quản lý thường dựa vào một số dấu hiệu để điều tra về tài khoản có dấu hiệu có mối quan hệ đan xen như yêu cầu xác định một cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của nhiều doanh nghiệp; một cá nhân làm thành viên góp vốn, cổ đông của nhiều doanh nghiệp hoặc nhiều doanh nghiệp có cùng 1 địa chỉ trụ sở chính; hoặc cá nhân, tổ chức sử dụng chung 1 địa chỉ IP để đặt lệnh giao dịch chứng khoán… Từ đó yêu cầu các công ty chứng khoán phải theo dõi các dấu hiệu bất thường và chịu trách nhiệm pháp lý về việc phát hiện ra các giao dịch thao túng chứng khoán.

Tuy nhiên, trên thực tế, pháp luật hiện hành không có bất cứ quy định nào cấm, không cho phép một cá nhân có thể làm người đại diện theo pháp luật của nhiều doanh nghiệp (ngoại trừ trường hợp doanh nghiệp đại chúng) và/hoặc cấm một cá nhân có thể làm thành viên góp vốn/cổ đông của nhiều doanh nghiệp và/hoặc cấm doanh nghiệp có cùng 01 địa chỉ trụ sở chính và/hoặc một cá nhân, tổ chức sử dụng chung 01 địa chỉ IP để đặt lệnh giao dịch chứng khoán. Nếu có trường hợp này xảy ra thì các chủ thể đều độc lập về tư cách pháp lý, trách nhiệm pháp lý trước bên thứ ba và trước pháp luật.

Chính vì thế, việc dựa trên yếu tố có sự trùng lặp về vị trí địa lý, hình thức pháp nhân được đầu tư làm căn cứ xác định “có mối quan hệ đan xen” là chưa có cơ sở pháp lý và cũng không có cơ sở lý luận rõ ràng nào có thể chứng minh tính chất “liên hệ” hoặc “liên quan” của những nội dung này. Do đó, việc không có cơ sở pháp lý rõ ràng sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của các nhà đầu tư và cả các công ty chứng khoán.

Biện pháp xử phạt đối với hành vi thao túng TTCK chưa đủ sức răn đe

Mặc dù Nghị định số 156/2020/ND-CP và Bộ Luật Hình sư năm 2015 đã có nhiều điểm mới và tăng mức xử phạt đối với hành vi thao túng chứng khoán, nhưng so với nguồn lợi từ việc thao túng chứng khoán đem lại vẫn rất thấp, vì thế chưa thực sự ngăn chặn được hành vi và đảm bảo tính răn đe. Trên thực tế, chỉ có ba trường hợp chuyển thành vụ án hình sự về thao túng giá cổ phiếu trong giai đoạn 2011 – 20204. Tuy nhiên, để vi phạm thao túng giá cổ phiếu chuyển sang vụ án hình sự, cơ quan điều tra phải chứng minh được cá nhân, tổ chức vi phạm đã thu lợi bất chính tối thiểu 500 triệu đồng và gây thiệt hại cho nhà đầu tư tối thiểu 1 tỷ đồng. Thế nhưng, trên thực tế không ít trường hợp thao túng giá cổ phiếu không để thu lợi trực tiếp mà thu lợi gián tiếp, trong khi việc chứng minh mức độ thiệt hại của nhà đầu tư lại phức tạp5.

Bên cạnh đó, hành vi thao túng TTCK bị xử lý phạt hành chính cũng không đáng kể6. Về mức xử phạt thì so với thiệt hại mà hành vi này đem lại cũng không tương xứng. Năm 2018 được xem là kỷ lục về xử phạt thao túng giá chứng khoán khi tổng số tiền phạt về tội thao túng giá chứng khoán chiếm hơn 25% tổng số tiền phạt của cả năm. Tuy nhiên, theo số liệu của UBCKNN, tính đến ngày 18/12/2018, chỉ có 9 cá nhân bị phạt hành chính về hành vi vi phạm thao túng giá cổ phiếu với mức phạt lên là 5,1 tỷ đồng7. Trong khi đó, mỗi vụ thao túng giá bị phát hiện thì ước tính thiệt hại của các nhà đầu tư nhiều hơn rất nhiều lần. Mặc dù đã tăng mức xử phạt với hành vi thao túng TTCK nhưng mức xử phạt hiện hành vẫn còn thấp, vì thế hiệu quả răn đe chưa cao.

Pháp luật chứng khoán chưa có chế tài xử lý đối với các công ty có cổ phiếu đang bị thao túng giá

Hiện nay, pháp luật chứng khoán không quy định xử phạt đối với công ty có cổ phiếu đang bị thao túng giá. Thực tế thị trường cho thấy, không ít trường hợp thao túng giá cổ phiếu không để thu lợi trực tiếp mà thu lợi gián tiếp. Đồng thời cũng có không ít vụ thao túng giá cổ phiếu có sự thông đồng, thậm chí có chủ đích của lãnh đạo hoặc cổ đông lớn của công ty. Nghị định số 156/2020/ND-CP chỉ có quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm về thao túng TTCK hoặc vi phạm quy định về giao dịch, nắm giữ chứng khoán của nhà đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư cho người khác mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán hoặc đứng tên sở hữu chứng khoán hộ người khác dẫn đến hành vi thao túng TTCK mà không có quy định xử phạt đối với công ty có cổ phần bị thao túng. Vì vậy, cần thiết phải có cơ chế bắt buộc công ty giải trình sự hợp lý của việc tăng giá kịch trần cổ phiếu trong nhiều phiên liên tiếp hoặc bắt buộc công ty phải có cảnh báo cho nhà đầu tư khi giá cổ phiếu của họ tăng “nóng” ngược chiều với thực tế hoạt động kinh doanh. Từ đó xác định nghĩa vụ của doanh nghiệp có cổ phiếu bị thao túng giá và ghi nhận rõ cách thức xử phạt đối với công ty có cổ phiếu bị thao túng giá, giúp bảo đảm công bằng với các nhà đầu tư, đồng thời có căn cứ để có thể điều tra và xử lý các hành vi thao túng TTCK.

3. Kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về quản lý hành vi thao túng thị trường chứng khoán

Luật Chứng khoán năm 2019 cần đưa ra định nghĩa cụ thể về hành vi thao túng chứng khoán trong phần giải thích từ ngữ, đồng thời ghi nhận cụ thể về các hành vi thao túng chứng khoán nhằm thống nhất với quy định của Bộ Luật Hình sự năm 2015 và Nghị định số 156/2020/ND-CP.

Đồng thời, Luật Chứng khoán năm 2019 cần bổ sung quy định để giải thích rõ về “tài khoản có dấu hiệu có mối quan hệ đan xen” để tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan có thẩm quyền khi thực hiện giám sát, phát hiện ra các dấu hiệu bất thường từ các giao dịch trên thị trường nhằm sớm phát hiện ra hành vi thao túng chứng khoán. Từ đó đảm bảo được quyền lợi của các nhà đầu tư trên thị trường, đồng thời quy kết được trách nhiệm của các chủ thể liên quan như công ty chứng khoán, công ty lưu ký và các chủ thể trung gian khác.

Các biện pháp xử phạt cần được tăng cường đối với hành vi thao túng trên TTCK. Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm của một số nước trên thế giới. Tại Hoa Kỳ, Đạo luật Chứng khoán năm 1933 và Đạo luật Giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ năm 1934 quy định, đối với giao dịch thao túng giá cổ phiếu có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù hoặc cả hai. Theo đó, tiền phạt không vượt quá 1 triệu USD hoặc gấp 3 lần khoản lợi nhuận/khoản thua lỗ tránh được do hành vi vi phạm. Ngoài ra, các công ty chứng khoán, công ty tài chính có thể bị thu hồi giấy phép hoạt động hoặc nếu vi phạm nghiêm trọng, có thể bị cấm hoạt động trong ngành Tài chính, lĩnh vực chứng khoán vĩnh viễn.

Tại Nhật Bản, các hình phạt chính đối với giao dịch không công bằng liên quan đến thao túng thị trường được quy định bởi Đạo luật về các công cụ tài chính và hối đoái. Theo đó, người thực hiện các hành vi liên quan sẽ bị phạt tù không quá 10 năm hoặc phạt tiền không quá 10 triệu JPY hoặc cả hai. Tài sản có được do hành vi liên quan sẽ bị tịch thu.

Tại Hàn Quốc, bán cổ phiếu hoặc thao túng giá thị trường bằng cách sử dụng thông tin không được tiết lộ trên TTCK bị xử phạt nghiêm khắc theo Đạo luật Thị trường vốn. Theo đó, Điều 443 Đạo luật này quy định, nếu lợi ích thu được từ hành vi thao túng giá TTCK dưới 100 triệu KRW sẽ bị kết án từ 6 tháng đến 1 năm tù. Nếu trên 100 triệu KRW và dưới 500 triệu KRW sẽ bị kết án 1 – 4 năm tù. Nếu trên 500 triệu KRW và dưới 5 tỷ KRW sẽ bị kết án 3 – 6 năm tù. Nếu trên 5 tỷ KRW thì bị phạt tù 05 – 09 năm trở lên…

Như vậy, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều quy định hành vi thao túng TTCK sẽ phải chịu mức phạt cao. Số tiền phạt lớn, cũng như trách nhiệm hình sự nặng, sẽ làm cho các tổ chức, cá nhân “chùn bước” khi thực hiện các hành vi thao túng TTCK. Từ kinh nghiệm của các quốc gia, pháp luật Việt Nam nên nâng cao mức phạt đối với hành vi thao túng chứng khoán, đồng thời cần bổ sung một số biện pháp “mạnh tay” với các công ty chứng khoán, công ty tài chính có các hành vi thông đồng hoặc các tổ chức, cá nhân thao túng chứng khoán như tước giấy phép, cấm vĩnh viễn giao dịch chứng khoán…, giúp nâng cao ý thức của các chủ thể khi giao dịch trên TTCK.

Chế tài đối với các công ty có cổ phiếu bị thao túng cần được bổ sung. Theo đó, pháp luật Việt Nam nên quy định rõ trách nhiệm của công ty trong trường hợp giá cổ phiếu của công ty mình tăng trần liên tiếp mà đi ngược với kết quả hoạt động kinh doanh, yêu cầu minh bạch thông tin với các cổ đông và phải có cơ chế xử phạt trong trường hợp phát hiện ra công ty có liên quan tới các hành vi thao túng giá trên TTCK.

Công tác thanh tra, giám sát của cơ quan quản lý chuyên ngành cần được tăng cường, đảm bảo sự ổn định và tính toàn vẹn của thị trường. Đồng thời, công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý, các sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán cần được đẩy mạnh trong việc triển khai công tác giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm. Hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ công tác giám sát cần được tiếp tục hoàn thiện nhằm phát hiện sớm các vi phạm. Công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức pháp lý cần được tăng cường cho các nhà đầu tư trên thị trường, nhằm tránh các thiệt hại khi giao dịch trên TTCK.

Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt

1. Phan Văn Thường (2021), Tăng tính minh bạch cho TTCK. Bài 1: Khi nào thao túng giá cổ phiếu được kiểm soát?.

2. Tạp chí Tài chính (2018), Năm 2018, đạt kỷ lục về xử phạt thao túng giá chứng khoán.

Tiếng Anh

3. Putnins (2009), Closing Price Manipulation and the Integrity of Stock Exchanges.

*1 Putnins (2009), Closing Price Manipulation and the Integrity of Stock Exchanges.

*2 Đạo luật Giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ năm 1934.

*3 Ví dụ như bán một chi nhánh của doanh nghiệp mà không thông báo cho các cổ đông.

*4 Năm 2011 điều tra 1 vụ (cổ phiếu DVD), năm 2017 điều tra 1 vụ (cổ phiếu CDO) và năm 2019 điều tra truy tố 1 vụ (cổ phiếu KSA).

*5 Phan Văn Thường (2021), Tăng tính minh bạch cho TTCK. Bài 1: Khi nào thao túng giá cổ phiếu được kiểm soát?.

*6 Chẳng hạn năm 2017, trong 349 quyết định xử phạt chỉ có 5 trường hợp bị phát hiện là thao túng giá cổ phiếu. Năm 2020 chỉ phát hiện 6 trường hợp thao túng giá.

*7 Tạp chí Tài chính (2018), Năm 2018 đạt kỷ lục về xử phạt thao túng giá chứng khoán.

Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam số 3/2022

Back to top button