Hỏi đáp

THẾ NÀO LÀ TÀI SẢN CÔNG

Hiện nay, đối với thuật ngữ tài sản thì không còn xa lạ với mọi người. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản, được quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015. Vậy Tài sản công là gì? Chắc hẳn, đối với nhiều bạn đọc, đây là một thuật ngữ mới lạ. Hôm nay, NPLaw sẽ cùng các bạn tìm hiểu và giải đáp các thắc mắc về Tài sản công nhé.

I. Tài sản công là gì?

Để phân biệt được tài sản công với các tài sản khác, thì nước ta đã có quy định chi tiết về khái niệm của tài sản công. Việc đưa ra khái niệm tài sản công cụ thể như thế để dễ dàng phân biệt với các loại tài sản khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc Quản lý, sử dụng tài sản công trong cuộc sống hằng ngày.

Theo quy định tại khoản 1 Điểu 3 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 thì Tài sản công được hiểu như sau: “Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác”.Qua khái niệm được quy định như trên, ta có thể hiểu đây là tài sản chung của một nước, công dân có quyền bình đẳng sử dụng tài sản công này. Dù bất cứ ai, tổ chức hay cá nhân thì đều có quyền sử dụng đúng mục đích của loại tài sản này. Bên cạnh việc sử dụng tài sản công, chúng ta phải đi liền với việc quản lý, bảo quản và giữ gìn tài sản để được sử dụng chúng thật lâu dài. Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản công làm tài sản riêng của mình dẫn đến việc sử dụng sai mục đích.

II. Nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công

Qua khái niệm được quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 thì ta hiểu rằng Tài sản công là tài sản được sử dụng vào mục đích công cộng, quy định trên nói về việc sử dụng tài sản công hoặc để mô tả đặc tính của quyền sở hữu tài sản công. Vậy, nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công được quy định như thế nào?

Để quản lý, sử dụng Tài sản công một cách hiệu quả nhất thì chúng ta cần tuân thủ các nguyên tắc quản lý, sử dụng sau đây:

  • Mọi tài sản công đều phải được Nhà nước giao quyền quản lý, quyền sử dụng và các hình thức trao quyền khác cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối tượng khác theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
  • Tài sản công do Nhà nước đầu tư phải được quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, được thống kê, kế toán đầy đủ về hiện vật và giá trị, những tài sản có nguy cơ chịu rủi ro cao do thiên tai, hoả hoạn và nguyên nhân bất khả kháng khác được quản lý rủi ro về tài chính thông qua bảo hiểm hoặc công cụ khác theo quy định của pháp luật.
  • Tài sản công là tài nguyên phải được kiểm kê, thống kê về hiện vật, ghi nhận thông tin phù hợp với tính chất, đặc điểm của tài sản; được quản lý, bảo vệ, khai thác theo quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng pháp luật.
  • Tài sản công phục vụ công tác quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, công năng, đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ theo quy định của pháp luật.
  • Việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công phải tuân theo cơ chế thị trường, có hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng pháp luật.
  • Việc quản lý, sử dụng tài sản công phải được thực hiện công khai, minh bạch, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng.
  • Việc quản lý, sử dụng tài sản công được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; mọi hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

III. Quy định về tài sản công

Sau khi hiểu được khái niệm và nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công thì chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu về một số quy định về Tài sản công được pháp luật quy định.

Thứ nhất: Phân loại tài sản công

Theo quy định tại Điều 4 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, tài sản công được phân loại thành 07 nhóm như sau:

  • Tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội, trừ tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước (sau đây gọi là tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị);
  • Tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, công trình kết cấu hạ tầng xã hội và vùng đất, vùng nước, vùng biển gắn với công trình kết cấu hạ tầng, bao gồm: Hạ tầng giao thông, hạ tầng cung cấp điện, hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng đô thị, hạ tầng cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, hạ tầng thương mại, hạ tầng thông tin, hạ tầng giáo dục và đào tạo, hạ tầng khoa học và công nghệ, hạ tầng y tế, hạ tầng văn hóa, hạ tầng thể thao, hạ tầng du lịch và hạ tầng khác theo quy định của pháp luật (sau đây gọi là tài sản kết cấu hạ tầng);
  • Tài sản công tại doanh nghiệp;
  • Tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước;

Các loại Tài sản công

  • Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật bao gồm: Tài sản bị tịch thu; tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy, tài sản không có người nhận thừa kế và tài sản khác thuộc về Nhà nước theo quy định của Bộ luật Dân sự; tài sản do chủ sở hữu tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước; tài sản do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam theo cam kết sau khi kết thúc thời hạn hoạt động; tài sản được đầu tư theo hình thức đối tác công – tư được chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng dự án;
  • Tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và dự trữ ngoại hối nhà nước;
  • Đất đai; tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước, tài nguyên Internet, phổ tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh và các tài nguyên khác do Nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật.

Thứ hai: Các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công

Theo Điều 10 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công như sau:

  • Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt, chiếm giữ và sử dụng trái phép tài sản công.
  • Đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức.
  • Giao tài sản công cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không có nhu cầu sử dụng.
  • Sử dụng xe ô tô và tài sản công khác do tổ chức, cá nhân tặng cho không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức.
  • Sử dụng hoặc không sử dụng tài sản công được giao gây lãng phí; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không phù hợp với mục đích sử dụng của tài sản, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao; sử dụng tài sản công để kinh doanh trái pháp luật.
  • Xử lý tài sản công trái quy định của pháp luật.
  • Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản công.
  • Chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép tài sản công.
  • Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật.
  • Hành vi bị nghiêm cấm khác trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật có liên quan.

Thứ ba: Xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng Tài sản công

Theo quy định tại Điều 11 Luật quản lý, sử dụng Tài sản công thì nếu có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt như sau:

  • Cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối tượng khác có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại cho Nhà nước thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
  • Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm giải trình và phải chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

IV. Giải đáp thắc mắc tài sản công

Tiếp theo, chúng ta cùng nhau tìm hiểu và giải đáp các thắc mắc để hiểu rõ hơn về các trường hợp thực tế về Tài sản công trong cuộc sống hiện nay.

1. Tài nguyên Internet có được xem là tài sản công của nhà nước hay không?

Căn cứ theo khoản 7 Điều 4 Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 quy định về Phân loại tài sản công thì Tài nguyên Internet là một dạng của Tài sản công của nhà nước.

“Đất đai; tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước, tài nguyên Internet, phổ tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh và các tài nguyên khác do Nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật” – khoản 7 Điều 4 Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017.

2. Cây xanh có được xem là tài sản công không?

Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Trong trường hợp cây xanh trồng trong đô thị nhằm mục đích phục vụ cho lợi ích công cộng như tạo nên một không gian xanh đóng góp một cách tích cực để tạo ra giá trị vật chất, tinh thần và môi trường sống không những cho mỗi cá nhân mà còn cho cộng đồng dân cư trong đô thị, hoặc cây xanh hai bên đường phố có thể giảm lượng bụi trong không khí, Như vậy, cây xanh trồng nhằm mục đích phục vụ cho lợi ích cộng đồng và được các công ty cây xanh thực hiện quản lý, chăm sóc. Thì căn cứ theo khoản 2 Điều 4 Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 thì cây xanh trồng vì mục đích, lợi ích cộng đồng thì được xem là một loại tài sản công.

“Điều 4. Phân loại tài sản công

2. Tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, công trình kết cấu hạ tầng xã hội và vùng đất, vùng nước, vùng biển gắn với công trình kết cấu hạ tầng, bao gồm: hạ tầng giao thông, hạ tầng cung cấp điện, hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng đô thị, hạ tầng cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, hạ tầng thương mại, hạ tầng thông tin, hạ tầng giáo dục và đào tạo, hạ tầng khoa học và công nghệ, hạ tầng y tế, hạ tầng văn hóa, hạ tầng thể thao, hạ tầng du lịch và hạ tầng khác theo quy định của pháp luật (sau đây gọi là tài sản kết cấu hạ tầng)”

3. Tài sản công có cần phải kiểm kê hay thống kê số lượng hay không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Luật Quản lý, tài sản công 2017 như sau:

“ Điều 6: Nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công

…..

3. Tài sản công là tài nguyên phải được kiểm kê, thống kê về hiện vật, ghi nhận thông tin phù hợp với tính chất, đặc điểm của tài sản; được quản lý, bảo vệ, khai thác theo quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng pháp luật.

…..”.

Dựa vào quy định trên, thì tài sản công là tài nguyên phải được kiểm kê, thống kê về hiện vật, ghi nhận thông tin phù hợp với tính chất và đặc điểm của tài sản.

Như vậy, Tài sản công cần phải được kiểm kê, thống kê về số lượng để cho Nhà nước quản lý tốt hơn, nắm bắt được số lượng hiệu quả hơn thông qua việc thống kê. Từ đó, đưa ra các biện pháp khắc phục, tối ưu nhất cho việc quản lý, sử dụng Tài sản công.

Tóm lại, dựa trên các phân tích trên ta nhận thấy rằng, hiện nay pháp luật quy định về việc quản lý, sử dụng tài sản công phù hợp với thực tiễn. Bài viết này, NPLaw giúp bạn đọc có thêm thông tin hữu ích về tài sản công như: khái niệm tài sản công, phân loại tài sản công, nguyên tắc quản lý….theo quy định pháp luật hiện hành, hy vọng có thể giúp bạn đọc hiểu và nắm được các quy định của pháp luật để cùng nhau chung tay mang lại lợi ích tốt nhất. Nếu cần hỗ trợ giải đáp thắc mắc và tư vấn thêm về vấn đề trên, hãy liên hệ ngay với NPLaw.

Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw

Hotline: 0913449968

Email: legal@nplaw.vn

Back to top button