Giáo dục

Ông già và biển cả: Tác phẩm kinh điển trong lịch sử Nobel Văn học

Ông già và Biển cả (The Old Man and The Sea) là cuốn tiểu thuyết ngắn được tác giả nổi tiếng Ernest Hemingway viết vào năm 1952. Có thể nói, đây là một trong những tác phẩm nốt bật nhất trong sự nghiệp của nhà văn. Cũng nhờ cuốn tiểu thuyết này, Hemingway đã vinh dự được nhận giải thưởng Nobel Văn học năm 1954. Nhiều người nhận định, đây không chỉ là một trong những tác phẩm nổi bật nhất lịch sử Nobel Văn học mà còn là tác phẩm kinh điển nhất định phải đọc trong cuộc đời mỗi con người.

Đến với Ông già và biển cả, độc giả sẽ dõi theo hành trình ba ngày đánh bắt cá kiếm khổng lồ vô cùng khó khăn của ông lão đánh cá Santiago. Những tưởng vận may đã mỉm cười khi ông có thể thu phục con cá kiếm đẹp nhất trên đời, lũ cá mập lại lao tới rỉa sạch con cá kiếm duy nhất của ông lão. Và đáng buồn thay, khi cuộc hành trình kết thúc, thành quả duy nhất ông lão thu được chỉ còn là bộ xương vô dụng.

Nội dung câu chuyện đơn giản là thế, nhưng ẩn chứa trong đó lại là những tầng nghĩa sâu sắc, những thông điệp ý nghĩa gửi gắm tới độc giả. Đây chính là nguyên lý “tảng băng trôi” mà nhà văn đã sử dụng triệt để trong tác phẩm của mình, giúp câu chuyện không còn đơn thuần chỉ nói về ông già đánh cá. Không như những tác phẩm khác chỉ đi sâu khắc họa một thông điệp duy nhất, Ông già và biển cả là một chuỗi những ý nghĩa biểu tượng xuyên suốt cả tác phẩm.

Ẩn ý đầu tiên cần nói đến hẳn là chi tiết cuộc hành trình đánh bắt cá kiếm của ông lão. Con đường chinh phục cá kiếm thực chất cũng chính là con đường chinh phục những ước mơ của con người, ước mơ thì màu hồng, nhưng quãng đường đi thì chẳng bằng phẳng như thế. Đến khi ông lão đã có được con cá trong tay, dường như nó không còn đẹp như lúc ban đầu ông thấy. Là con cá đã thay đổi, hay là cái nhìn của ông lão đã khác đi? Liệu đây có phải hình ảnh ước mơ của con người, khi chưa đạt được thì chúng ta khao khát, nhưng khi đã chạm tay đến thì lý tưởng đã mất đi sự hoàn mỹ.

Cao trào của câu chuyện được đẩy lên đỉnh điểm với cảnh ông lão một mình chiến đấu với đàn cá mập để bảo vệ chiến lợi phẩm của mình. Không hổ danh là nhà văn đại tài, Hemingway đã mang lại sự gay cấn đến nghẹt thở cho độc giả. Người đọc như thở cùng nhịp thở của ông lão, như cùng đứng lên chiến đấu với lũ cá mập tàn nhẫn kia. Để rồi khi cuộc chiến kết thúc, chúng ta bỗng nhận ra hình ảnh quen thuộc của mình trong nhân vật ông lão đánh cá. Sự bản lĩnh, không chịu khuất phục trước khó khăn có lẽ đã trở thành bản năng của con người, đó là lí do dù phía trước là đám mây u ám, con người vẫn kiên cường đứng lên, sẵn sàng đương đầu.

Đáng tiếc thay, đây lại là cuộc chiến không cân sức. Con cá kiếm đáng thương đã bị lũ cá mập rỉa sạch thịt, điều duy nhất còn sót lại cho ông lão chỉ là một bộ xương. Cái kết mà nhà văn xây dựng đã khiến nhiều bạn đọc hụt hẫng, thậm chí nhiều người còn phẫn nộ thay cho nhân vật trung tâm câu chuyện. Thế nhưng, chúng ta buộc phải nhìn nhận một điều rằng: đây không phải một câu chuyện cổ tích.

Có lẽ Hemingway không muốn xây dựng một mẫu chuyện nơi mà mọi nàng công chúa đều được sống hạnh phúc bên hoàng tử, ý nghĩa của kết truyện này còn sâu xa hơn thế. Điều cuối cùng mà đại văn hào của nền văn học Mỹ muốn thể hiện qua tác phẩm này chính là lột tả cuộc sống không như mơ. Quả thật, cuộc đời chúng ta đang sống chưa bao giờ chỉ khoác lên mình một màu hồng rực rỡ mà còn được phủ bởi sự tàn nhẫn và bất công.

Mặc cho ông lão đã chiến đấu kiên cường đến đâu, con cá cũng không còn nguyên vẹn, cũng giống con người, không phải cứ cố gắng thì sẽ có thành công.

Không thể phủ nhận đây là một kết thúc buồn, nhưng nhìn nhận một cách bi quan hay lạc quan có lẽ còn tùy thuộc vào con mắt người đọc. Có những người buông xuôi khi gặp thất bại, nhưng cũng có những người chẳng bao giờ chịu đầu hàng, tất cả đều là nỗ lực của bản thân mỗi chúng ta.

Back to top button