Sinh học

Nhiều loài đặc hữu chỉ có ở Việt Nam

Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho hay: “Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong 12 trung tâm ĐDSH cao của thế giới, có các hệ sinh thái tự nhiên phong phú và đa dạng về các nguồn gen động, thực vật quý hiếm và đặc hữu chỉ phân bố ở Việt Nam mà không có nơi nào trên thế giới có được.

Việt Nam có khoảng 49.200 loài sinh vật đã được xác định, bao gồm: Khoảng 7.500 loài/chủng vi sinh vật; khoảng 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước; khoảng 10.500 loài động vật trên cạn; khoảng 2.000 loài động vật không xương sống và cá ở nước ngọt; dưới biển, có trên 11.000 loài sinh vật biển. Hiện, cả nước có 176 khu bảo tồn, trong đó, có 34 vườn quốc gia, 66 khu dự trữ thiên nhiên, 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh, 58 khu bảo vệ cảnh quan; 10 khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar thế giới, 10 vườn di sản ASEAN và 2 khu di sản thiên nhiên thế giới là vịnh Hạ Long và Tràng An – Ninh Bình”.

Theo Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), các kết quả điều tra cho thấy, 10% số loài thú, chim và cá của thế giới tìm thấy ở Việt Nam, hơn 40% số loài thực vật thuộc loại đặc hữu không tìm thấy ở nơi nào khác ngoài Việt Nam. Chỉ trong khoảng thời gian từ năm 2006 – 2011, có tới trên 100 loài sinh vật mới cho khoa học được phát hiện và mô tả đầu tiên ở Việt Nam, trong đó có tới 21 loài bò sát, 6 loài ếch và 1 loài chồn.

Các nhà khoa học dự báo, còn nhiều loài sinh vật hoang dã khác ở Việt Nam chưa được biết tới và số loài sinh vật đã biết như trên còn thấp hơn nhiều so với số loài thực có trong thiên nhiên. Ngoài ra, Việt Nam cũng là một trong những trung tâm có nguồn gen cây trồng và vật nuôi địa phương đa dạng của thế giới với gần 800 loài cây trồng, 14 loài gia súc, gia cầm chính. Đây chính là những nguồn gen bản địa quý cần phải bảo vệ, giữ gìn và phát triển.

Và đang bị đe dọa

Sở hữu giá trị ĐDSH cao với nhiều hệ sinh thái đặc trưng, nhưng hiện trạng bảo tồn ĐDSH còn khá nhiều bất cập dẫn tới nhiều loại động, thực vật bị có nguy cơ biến mất. Ông Vương Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Cơ quan quản lý Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp Việt Nam (CITES) cho biết: “407 loài động vật đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam năm 2007 với các mức độ khác nhau từ hiếm đến nguy cấp, đe dọa tuyệt chủng. 7 loài động vật của Việt Nam nằm trong danh sách 100 loài bị đe dọa nhất trên thế giới”.

PanNature cho biết, nhiều quần thể ĐVHD quý hiếm ở Việt Nam bị suy giảm trầm trọng, trong đó, tê giác một sừng chưa được ghi nhận dấu vết tồn tại kể từ khi cá thể cuối cùng bị giết hại năm 2010; voi hoang dã còn dưới 100 cá thể; 16 trong tổng số 25 loài linh trưởng đang trong tình trạng nguy cấp. Về thực vật, Tiến sĩ Trần Văn Miều cho biết, cả nước có 144 loài cây thuốc được xếp vào diện quý hiếm cần bảo tồn khẩn cấp.

Theo Báo cáo “Đánh giá ĐDSH tại Việt Nam” được Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) công bố năm 2021 cho thấy, hiện, có khoảng 21% các loài thú, 6,5% các loài chim, 19% các loài bò sát, 24% các loài lưỡng cư, 38% các loài cá và 2,5% các loài thực vật có mạch đã bị đe dọa. Trong gần 20 năm trở lại đây, các khu vực có rừng là sinh cảnh bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 10.500km2 diện tích đất rừng đã bị mất, chủ yếu do chuyển đổi thành đất rừng trồng và đất trồng cây ăn quả. Khoảng 2,8 triệu ha rừng tự nhiên cũng đã bị mất do chuyển đổi sang phát triển các loài cây trồng thương mại khác. Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH ước tính, rừng nguyên sinh của Việt Nam hiện chỉ còn khoảng 0,57 triệu ha và chỉ 1% các rạn san hô có độ phủ trên 75%.

Cần xã hội hóa nguồn lực bảo tồn đa dạng sinh học

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới sự suy thoái ĐDSH ở Việt Nam, bao gồm cả những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp như: Khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên; khai thác gỗ trái phép; buôn bán bất hợp pháp các loài thực vật, ĐVHD. Hiện, tình trạng buôn bán trái phép các loài động, thực vật hoang dã vẫn diễn ra khá sôi động và phức tạp. Số liệu do Cơ quan điều tra môi trường (EIA) công bố năm 2019 cho thấy, 15 năm gần đây, các vụ bắt giữ buôn bán ĐVHD tại Việt Nam hoặc liên quan đến Việt Nam là 105,72 tấn ngà voi (khoảng 15.779 cá thể voi); 1,69 tấn sừng tê giác (khoảng 610 cá thể tê giác); da, xương từ ít nhất 228 cá thể hổ, 65.510 cá thể tê tê.

Năm 2021, cả nước ghi nhận hơn 3.700 vụ việc vi phạm liên quan ĐVHD. Trong đó, hành vi quảng cáo, rao bán trái phép ĐVHD chiếm tới 2.594 vụ việc, tiếp theo là gần 1.000 vụ việc liên quan tàng trữ, nuôi nhốt trái phép và hơn 180 vụ việc buôn bán, vận chuyển trái phép các loài ĐVHD.

Một nguyên khác khiến ĐDSH suy giảm là các hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng; mở rộng thâm canh nông nghiệp cùng các hoạt động sản xuất kinh tế khác nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của con người. Trong đó, Báo cáo “Đánh giá ĐDSH ở Việt Nam” khẳng định tác động chính và thường xuyên nhất tới ĐDSH Việt Nam là việc sử dụng tài nguyên sinh học (săn bắn, thu hái các loài động, thực vật hoang dã; khai thác gỗ và nguồn lợi thủy sản) và chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất canh tác nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Đây là những mối nguy lớn nhất đối với ĐDSH Việt Nam hiện nay.

Văn Trí

Back to top button