Văn học

Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá tác giả Huy Cận – HOCMAI

Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá là một trong số những tác phẩm quan trọng mà các bạn học sinh cần lưu ý khi ôn tập các tác phẩn văn học thi vào 10. Trong bài viết sau, hãy cùng HOCMAI phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá để cảm nhận rõ hơn không khí lao động hân hoan, hứng khởi và niềm tự hào của nhà thơ Huy Cận khi đứng trước khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ của đất nước.

I. Thông tin về tác giả – tác phẩm

1. Tác giả: Huy Cận

– Tên thật: Cù Huy Cận

– Quê quán: huyện Vụ Quang, tỉnh Hà Tĩnh

– Sinh năm 1919 mất năm 2005

– Huy Cận từng giữ nhiều chức vụ lãnh đạo cấp cao trong chính phủ Việt Nam

– Ông còn là một nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng Dân chủ Việt Nam, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam

– Huy Cận là một trong những gương nhà thơ xuất sắc của nền văn học hiện đại Việt Nam:

Tiểu sử nhà thơ Huy Cận:

Huy Cận sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo tại Hà Tĩnh. Thuở nhỏ, Huy Cận theo học ở quê, sau tiếp tục học trung học ở Huế rồi đậu tú tài Pháp. Tốt nghiệp trung học, ông ra Hà Nội theo học tại Cao đẳng Canh nông. Trong thời sinh viên, ông đã quen thân với nhà thơ Xuân Diệu, hai người ở chung trong ngôi nhà nhỏ tại phố Hàng Than. Từ năm 1942, Huy Cận tham gia phong trào sinh viên yêu nước và Mặt trận Việt Minh, cộng tác với nhóm Tự Lực Văn Đoàn (tổ chức văn học đầu tiên của nước ta)

Sự nghiệp sáng tác của Huy Cận:

– Giai đoạn trước cách mạng tháng Tám năm 1945: Huy Cận ghi dấu là một trong những tên tuổi nổi bật của phong trào thơ Mới, với những tác phẩm thơ được lấy cảm hứng vũ trụ và nỗi sầu nhân thế như: Tập thơ “Lửa thiêng” (1936 – 1940), Kinh cầu tự (1942), Vũ trụ ca (1940 – 1942)

– Giai đoạn sau cách mạng tháng Tám năm 1945: thời gian này, thơ Huy Cận không còn mang nặng nỗi sầu nhân thế như trước, thơ ông chủ yếu là hồ hào, tràn ngập niềm vui cuộc sống mới và con người mới. Các tập thơ tiêu biểu có thể kể đến như: Trời mỗi ngày lại sáng, Đất nở hoa, Hai bàn tay em, Hạt lại gieo, Những năm sáu mươi,…

Phong cách nghệ thuật trong thơ Huy Cận:

– Thơ được lấy cảm hứng ở nhiều khía cạnh đối cực như: vũ trụ – cuộc đời, sự sống – cái chết, niềm vui – nỗi buồn, hiện thực – lãng mạn, …

– Thơ Huy Cận mang giọng điệu chân tình, mộc mạc và đậm tư tưởng triết lý; hình ảnh thơ sinh động, gần gũi mà giàu sức gợi

2. Tác phẩm Đoàn thuyền đánh cá:

a. Hoàn cảnh ra đời tác phẩm Đoàn thuyền đánh cá

– Bài thơ được in trong tập “Trời mỗi ngày lại sáng” xuất bản năm 1986, là một trong số những tập thơ nổi tiếng của Huy Cận trong giai đoạn sau cách mạng tháng Tám năm 1945

– Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” được viết vào tháng 10 năm 1958. Đây là giai đoạn miền Bắc được giải phóng, nhân dân bắt đầu cuộc sống mới, đồng thời bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho chiến trường miền Nam

– Bài thơ là kết tinh những cảm nghĩ và suy tư sâu sắc của Huy Cận sau chuyến đi thực tế ở vùng mỏ Quảng Ninh. Từ chuyến đi thực tế này, hồn thơ ông mới thực sự trở lại và dồi dào trong cảm hứng về thiên nhiên, tự hào về đất nước, về con người lao động và niềm vui trước cuộc sống mới.

b. Ý nghĩa nhan đề “Đoàn thuyền đánh cá”

– Sử dụng hình ảnh “đoàn thuyền”, Huy Cận muốn đề cao tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng, chung sức cần phải có của các thành viên trên tàu. Trong Cách mạng, đoàn kết là sức mạnh giúp dân tộc đi đến thắng lợi. Sau Cách mạng, tinh thần đại đoàn kết, cần cù, chịu khó trong lao động cũng chính là nhân tố cốt lõi, góp phần xây dựng giá trị con người Việt Nam.

– “Đoàn thuyền đánh cá” là hình ảnh sinh động, trong đó có con thuyền gắn liền với hoạt động “đánh cá” của người dân miền biển. Từ đó, gợi ra không khí lao động sôi nổi, hăng say của những người dân làng chài, những thành quả lao động giúp xây dựng đất nước theo nhịp sống mới sau chiến tranh.

– Chỉ một nhan đề thơ vẻn vẹn bốn chữ nhưng Huy Cận đã vẽ ra một bức tranh sinh động về cảnh sinh hoạt làng chài với chất liệu chính là thiên nhiên, cảnh vật và con người lao động nơi đây

c. Bố cục nội dung

Theo hành trình một chuyến ra khơi, nội dung “Đoàn thuyền đánh cá” được phân chia như sau:

– Phần một (khổ 1,2): Cảnh đoàn thuyền ra khơi, bắt đầu hành trình đánh bắt cá xa bờ

– Phần hai (khổ 3,4,5,6): Cảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển, mang khí thế lao động hào hùng

– Phần ba (khổ thơ cuối): Cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về trong khung cảnh thiên nhiên tráng lệ.

Tham khảo thêm: Soạn văn 9

Nắm trọn kiến thức Ngữ Văn ôn thi vào 10 đạt 9+ với bộ sách

II. Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá

1. Phân tích khổ 1 và 2 bài thơ Đoàn thuyền đánh cá: Cảnh đoàn thuyền ra khơi, bắt đầu hành trình đánh bắt cá xa bờ

a. Khung cảnh hoàng hôn trên biển

Mở đầu bài thơ là cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi trong một buổi hoàng hôn tuyệt đẹp:

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then, đêm sập cửa”

– Điểm nhìn nghệ thuật đặc biệt của nhân vật trữ tình: một điểm nhìn di động khi nhân vật đang trên con thuyền, cùng người dân làng chài tiến ra khơi

Hình ảnh so sánh độc đáo: “Mặt trời xuống biển như hòn lửa”:

– Miêu tả chân thực vầng mặt trời đỏ rực đang từ từ chìm xuống dưới mặt biển, báo hiệu sự kết thúc của một ngày trong vòng tuần hoàn giữa ngày và đêm

– Thể hiện quang cảnh kỳ vĩ, tráng lệ giữa bầu trời và mặt biển lúc hoàng hôn. Đoàn thuyền lúc này hiện lên thật nhỏ bé trong ánh sáng của “hòn lửa” và sự mênh mông của “biển”

– Phép so sánh gợi liên tưởng đến bước chuyển mình của thời gian, đó là giai đoạn giao thoa giữa hai trạng thái ngày và đêm, là sự vận động của thời gian song song với hành trình ra khơi của đoàn thuyền đánh cá

Hình ảnh nhân hóa: “Sóng đã cài then, đêm sập cửa”:

– Sóng gắn liền với biển, khi hoàng hôn đến, thủy triều lên cũng là lúc những con sóng xô bờ ngày một mạnh hơn. Những con sóng tại điểm nhìn của nhân vật trữ tình tựa như những chiếc then cửa của vũ trụ đang kéo lại gần bờ để chìm vào trạng thái nghỉ ngơi

– Sử dụng các từ gắn liền với đời thường như “cài then”, “sập cửa” giúp gợi cảm giác gần gũi, thân thương. Con người tuy nhỏ bé nhưng không hề lạc lõng trong sự rộng lớn của vũ trụ, thay vào đó, thiên nhiên được hình dung như một ngôi nhà lớn của con người, nơi con người tìm thấy sự bình yên và hạnh phúc

=> Hai câu thơ đầu cho thấy tình yêu mà Huy Cận dành cho thiên nhiên và cho cuộc đời. Một tình yêu rực cháy như “mặt trời” và dào dạt như sóng biển.

b. Cảnh đoàn thuyền ra khơi

Trên chất liệu thiên nhiên tráng lệ, hùng vĩ ấy, hình ảnh con người lao động dần xuất hiện:

“Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi

Câu hát căng buồm cùng gió khơi.”

– Sử dụng từ “Đoàn thuyền” thay vì “con thuyền” ra khơi, Huy Cận đã tạo ra sự qua lại tấp nập trên biển.

Sử dụng phụ từ “lại” giúp tạo điểm nhấn ngữ điệu và điểm nhấn cho câu thơ:

– Tạo hình tượng chủ động của con người trong sự vận động của thời gian

– Nhắc về tính lặp lại của công việc ra khơi diễn ra hàng ngày, trở thành một hành động quen thuộc, một nhịp điệu lao động đã đi vào ổn định của người dân chài

– Có tác dụng miêu tả một hành động đối lập giữa hoạt động của vũ trụ với hoạt động của con người: khi thiên nhiên dần bước vào trạng thái nghỉ ngơi thì con người bắt đầu làm việc

Hình ảnh “câu hát căng buồm cùng gió khơi” có tác dụng:

– Cụ thể hóa niềm vui, phấn khởi, sự hào hứng, hăm hở của người lao động trên hành trình đánh bắt xa bờ trước mắt

– Gợi cho ta liên tưởng tới nguồn sức mạnh đẩy con thuyền vượt trùng ra khơi. Luồng sức mạnh ấy không chỉ đến từ những con sóng, ngọn gió mà còn đến từ lời ca tiếng hát, năng lượng dồi dào của những thành viên trên thuyền. “Đoàn thuyền” trong mắt tác giả không di chuyển phụ thuộc vào thiên nhiên mà hoàn toàn chủ động, hòa mình vào sự vận động của vũ trụ.

– Bằng nghệ thuật chuyển đổi cảm giác “câu hát căng buồm”, tác giả đã tôn vinh vẻ đẹp tâm hồn của người lao động, qua những câu hát tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết, hòa cùng gió biển để đẩy thuyền ra khơi

=> Huy Cận đã tạo ra một khung cảnh khỏe khoắn bằng việc kết hợp 3 sự vật và hiện tượng: Câu hát, cánh buồm và gió khơi, 3 sự vật biểu trưng cho 3 đối tượng là con người, công cụ lao động và thiên nhiên

=> Đoàn thuyền trong mắt nhìn của Huy Cận ra khơi trong trạng thái phấn chấn và náo nức đến kỳ lạ. Dường như có một sức mạnh vật chất từ con người đã hòa cùng với gió biển, góp phần làm căng cánh buồm, đẩy con thuyền nhẹ nhàng lướt sóng ra khơi

Trong tâm trạng phấn chấn, rộn ràng khi ra khơi, những người dân chài đã cất cao tiếng hát mang theo niềm mong mỏi tha thiết:

“Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng

Cá thu biển Đông như đoàn thoi

Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng

Đến dệt lưới ra, đoàn cá ơi!”

– Từ “hát rằng” nói lên niềm vui của người dân chài khi bắt đầu một chuyến ra khơi

– Sử dụng thủ pháp liệt kê “cá bạc”, “cá thu” và phép so sánh “như thoi đưa” đã thể hiện rõ sự giàu có phong phú của biển Đông, đồng thời là giai điệu ngợi ca, biết ơn về “rừng vàng biển bạc” mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho quê hương

Hình ảnh ẩn dụ, nhân hóa “đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng” của những loài cá biển có tác dụng:

– Tạo ra không khí lao động hăng say không kể ngày đêm của người lao động

– Cùng với hoạt động náo nhiệt diễn ra nơi những con thuyền, những đàn cá cũng thi nhau bơi trong biển đêm, tạo ra nhiều sắc màu chuyển động nhộn nhịp hai bên mạn thuyền

– Từ “dệt biển” ở đây miêu tả những vệt nước lấp lánh được tạo ra khi đoàn cá bơi lội dưới ánh trăng. Muôn ngàn đoàn cá bơi qua lại tạo thành thảm biển đêm lấp lánh đầy sinh động qua con mắt của nhà thơ

=> Qua 4 câu thơ, tác giả đã phác họa thành công một bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ, thơ mộng từ hoàng hôn đến cảnh biển về đêm, cùng với đó là tâm hồn phóng khoáng, nhiệt huyết dành cho lao động và niềm hy vọng của người dân chài mỗi lần ra khơi.

2. Phân tích khổ 3, 4, 5 và 6: Cảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển, mang khí thế lao động hào hùng

a. Đoàn thuyền ra khơi với tư thế tầm vóc lớn lao, được miêu tả cụ thể và rất sinh động

“Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lướt giữa mây cao với biển bằng

Ra đậu dặm xa dò bụng biển

Dàn đan thế trận lưới vây giăng”

– Đoàn thuyền đánh cá trong mắt tác giả hiện lên với sức mạnh lớn lao, có thể so sánh với thiên nhiên bao la, rộng mở như: chiều cao của trăng và mây; chiều rộng của mặt biển; độ sâu của biển

Lấy cảm hứng nhân sinh vũ trụ, tác giả đã dựng lên hình ảnh đoàn thuyền đánh cá tương xứng với không gian:

– Nghệ thuật phóng đại qua 2 câu thơ “lái gió với buồm trăng”, “lướt giữa mây cao với biển bằng” cho thấy con thuyền đánh cá vốn nhỏ bé trước khung cảnh hoàng hôn trên biển, nay đã trở thành con thuyền khổng lồ, kỳ vĩ, làm chủ hoàn toàn không gian bao la, rộng lớn của thiên nhiên, sánh ngang tầm vũ trụ

– Khác với thời điểm bắt đầu, đoàn thuyền ngoài khơi thể hiện khí phách mạnh kẽ khác thường, hòa nhập vào thiên nhiên và sẵn sàng mang về mẻ cá đầy

– Khi con thuyền buông lưới, mặt lưới rộng như dò thấu đáy đại dương, toàn bộ biển nước mênh mông giờ đây đều được con thuyền đánh cá kiểm soát

=> Sự kết hợp giữa hiện thực với chất lãng mạn được thể hiện qua cách nói phóng đại đã giúp Huy Cận tạo nên những vần thơ đẹp và sâu sắc

– Sử dụng các động từ: “lái”, “lướt”, “dò”, “dàn”, rải đều trong mỗi câu thơ, cho thấy sự linh hoạt của đoàn thuyền, các hoạt động diễn ra liên tục khiến con thuyền như đang thực sự làm chủ biển trời.

– Câu thơ “Ra đậu dặm xa dò bụng biển” gợi cho ta thấy không khi lao động hứng khởi của người dân trên thuyền. Mặc cho đêm tối, biển đen họ vẫn quyết tâm tìm cá trong “lòng biển”

– Sử dụng phép ẩn dụ trong câu thơ “Dàn đan thế trận” phản chiếu cuộc sống của người dân chài với mỗi lần ra khơi như tham gia vào một trận chiến đấu ác liệt

=> Khổ thơ vẽ lên một bức tranh con người và sự vật trong lao động thật đặc sắc và tráng lệ. Trong bức tranh ấy, thiên nhiên và con thuyền dường như không có sự tách biệt. Con người bây giờ không những điều khiển cả con thuyền mà còn thâu tóm được cả không gian vũ trụ.

b. Cảnh biển đẹp trong đêm với sự giàu có, phong phú và tấm lòng hào phóng

“Cá nhụ cá chim cùng cá đé

Cá song lấp lánh đuốc đen hồng

Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe

Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long”

– Qua thủ pháp liệt kê, tác giả đã diễn tả sự phong phú và giàu có của biển cả quê hương qua những loài cá quý hiếm của biển như: cá chim, cá nhụ, cá đé

Hình ảnh ẩn dụ “cá song lấp lánh đuốc đen hồng” mang nhiều ý nghĩa:

– Nghĩa tả thực: miêu tả chân thực loài cá song với chiếc thân dài, trên vảy có những chấm nhỏ màu đen hồng, lấp lánh như màu những ngọn đuốc

– Nghĩa ẩn dụ: gợi liên tưởng đến đoàn cá song bơi nối đuôi nhau, từ xa, tựa như một ngọn đuốc lấp lánh dưới ánh trăng đêm, soi sáng biển đêm đen, tạo nên một cảnh tượng thật lộng lẫy và kỳ vĩ

Biện pháp nghệ thuật nhân hóa trong câu thơ “Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe” mang nhiều lớp nghĩa:

– Nghĩa tả thực: miêu tả động tác quẫy đuôi của một chú cá dưới mặt biển, trong ánh trăng vàng chiếu rọi

– Nghĩa ẩn dụ: tác giả muốn khắc họa khung cảnh của một đêm trăng tuyệt đẹp, huyền ảo mà ánh trăng như dát đầy mặt biến khiến cho đàn cá quẫy nước mà như quẫy trăng

Hình ảnh nhân hóa trong câu thơ “Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long”:

– Miêu tả sinh động nhịp điệu của những cánh sóng trên biển Hạ Long

– Giúp người đọc liên tưởng đến nhịp thở của biển về đêm. Biển lúc này như một thực thể sống, mang linh hồn của một con người, rực rỡ sắc màu như một bức tranh sơn mài được tô điểm bởi những vì sao

Biển cả phong phú tài nguyên cùng tấm lòng bao dung đã mở ra tâm trạng háo hức, tinh thần lao động hăng say và lòng biết ơn biển qua câu hát:

“Ta hát bài ca gọi cá vào

Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao

Biển nuôi ta lớn như lòng mẹ

Nuôi lớn đời ta tự buổi nào”

– Qua câu thơ “Ta hát bài ca gọi cá vào” cùng bút pháp lãng mạn, tác giả đã thể hiện sự vui tươi của người dân chài trong lao động. Họ đã biến khó khăn thành bài ca nhiệt huyết, thúc đẩy tinh thần lao động giữa biển đêm đầy sóng gió.

– Điều kỳ diệu trong tiếng hát của người dân chài là không chỉ tăng thêm tinh thần lao động mà còn có khả năng gọi cá vào lưới, đem đến cho đoàn thuyền những mẻ cá tươi ngon

– Sử dụng phép so sánh “biển” với “lòng mẹ” cho thấy sự bao dung, hào phóng mà mẹ thiên nhiên ban tặng cho con người. Đồng thời, thể hiện sự biết ơn của những người dân chài tới biến, tựa như nguồn sữa khổng lồ, nuôi nấng người dân từ bao đời nay

=> Khổ thơ ngoài thể hiện sâu sắc niềm tự hào và lòng biết ơn của người dân chài trước ân tình của quê hương đất nước

c. Khung cảnh thu hoạch cá hăng say trên biển trong nhịp điệu lao động khẩn trương, hào hứng và hăng say:

“Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng

Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng

Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông

Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.”

– “Sao mờ kéo lưới kịp trời sáng” diễn tả khung cảnh người dân vội vàng, nhộn nhịp thu hoạch cá cho kịp trời sáng

Ẩn dụ “Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng” thể hiện nhịp độ công việc của người trên thuyền đang trở nên khẩn trương với hi vọng đón chờ mẻ cá nặng:

– Có thể hình dung thấy những cánh tay săn chắc, cuồn cuộn, làn da khỏe khoắn trong tư thế hiên ngang, đang gồng lên kéo lấy chùm cá từ lòng biển.

– Những nét tạo hình gân guốc, chắc khỏe, cơ bắp cuồn cuộn tôn lên vẻ đẹp khỏe khoắn của người dân chài lưới trong lao động.

– Dấu hiệu cho một mẻ lưới bội thu

Bút pháp sử dụng màu sắc hình ảnh “vẩy bạc”, “đuôi vàng” đầy ắp khoang thuyền:

– Gợi ra niềm vui phơi phới của người lao động khi đón nhận món quà từ biển cả

– Vảy cá tựa như màu bạc, đuôi cá óng ánh như dát vàng, mẻ cá chất đầy thuyền lấp lánh dưới ánh mặt trời, rực sáng cả rạng đông, mọi vật đều tràn ngập sức sống

=> Tác giả đã khắc họa được một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ với sự giàu có hào phóng của biển cả. Đồng thời khắc họa thành công hình tượng người lao động làng chài với tầm vóc lớn lao, phi thường.

3. Phân tích khổ thơ cuối Đoàn thuyền đánh cá: Cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về trong khung cảnh thiên nhiên tráng lệ

“Câu hát căng buồm với gió khơi

Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời

Mặt trời đội biển nhô màu mới

Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.”

– Câu hát ra khơi và câu hát trở về được miêu tả với cùng một cấu trúc nhưng lại mang âm hưởng hoàn toàn khác nhau.

Nghệ thuật đầu cuối trong câu hát ra khơi: “Câu hát căng buồm cùng gió khơi”, và câu hát trở về: “Câu hát căng buồm với gió khơi”:

– Trong câu hát ra khơi, tác giả sử dụng từ “cùng” để thể hiện sự hài hòa giữa ngọn gió từ thiên nhiên và câu hát từ con người. Từ đó, kỳ vọng vào một chuyến đi biển thuận lợi và bình yên.

– Trong câu hát trở về, tác giả sử dụng từ “với” để bộc lộ niềm vui phơi phới khi trở về trên những con thuyền đầy ắp cá

Sử dụng phép nghệ thuật nhân hóa “Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời”:

– Đoàn thuyền như trở thành một thực thể sống, vượt qua giới hạn sức mạnh để chạy đua với thiên nhiên

– Tầm vóc của đoàn thuyền hay con người nay đã có thể sánh ngang với tầm vóc của vũ trụ

– Trong tư thế hào hùng, khẩn trương con người đã hoàn thành nhiệm vụ và chiến thắng về đích trước khi biển đón bình minh

– Khi “Mặt trời đội biển nhô màu mới” thì đoàn thuyền đã cập bến, ánh mặt trời chiếu sáng long lanh trong những tàu cá, tạo nên hình ảnh thơ: “Mắt cá huy hoàng muôn dặm khơi”.

Phép hoán dụ được sử dụng trong hình ảnh “mắt cá huy hoàng”:

– Tác giả dùng để tả thực muôn triệu mắt cá li ti được phản chiếu bởi ánh rạng đông và trở nên rực rỡ, huy hoàng.

– Nghĩa ẩn dụ: muôn vàn mắt cá lấp lánh này không còn là ánh sáng của tự nhiên nữa, mà là ánh sáng của chiến thắng, của thành quả lao động. Ánh sáng mở ra chân trời niềm vui mới đối với những người con miền biển.

=> Khổ thơ cuối được xem như khúc ca khải hoàn của bản anh hùng ca lao động, thể hiện niềm vui phơi phới của con người khi hòa hợp nhuần nhuyễn với thiên nhiên thành, tạo nên vẻ đẹp thực sự tráng lệ

III. Tổng kết chung tác phẩm Đoàn thuyền đánh cá

1. Về nội dung tác phẩm Đoàn thuyền đánh cá

Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” là khúc tráng ca nhằm ca ngợi cuộc sống lao động tập thể của người dân chài trong công cuộc xây dựng đất nước trong thời đại mới. Bài thơ đồng thời thể hiện niềm vui, niềm tự hào của nhà thơ trước vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ của thiên nhiên, là lòng biết ơn tới sự hào phóng của thiên nhiên và tầm vóc lớn lao của người lao động.

2. Về nghệ thuật trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá

Bằng một ngòi bút tràn đầy cảm hứng thiên nhiên, hình ảnh sinh động, giàu sức gợi, kết cấu tương ứng đầu cuối đặc sắc. Bài thơ đã thành công trong việc xây dựng hình ảnh đoàn thuyền đánh cá với sức mạnh khỏe khoắn, hào hùng và trần đầy nhiệt huyết.

Trên đây là toàn bộ nội dung Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của tác giả Huy Cận. Hy vọng với nội dung trên, HOCMAI đã giúp các bạn thêm phần tự hào về thiên nhiên cũng như con người lao động Việt Nam, đặc biệt là những người dân làng chài. Ngoài bài thơ trên, các bạn có thể tham khảo bài phân tích của các tác phẩm văn học ôn thi vào 10. Chúc các bạn ôn tập hiệu quả!

Tham khảo thêm:

Phân tích Hoàng Lê Nhất Thống Chí

Back to top button
Luck8 | Luck8