Top 10 Bài văn phân tích giá trị nhân đạo trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du hay nhất
Nguyễn Du là một đại thi hào dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới. Truyện Kiều là tập đại thành của ông kết tinh những giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc. Đọc các đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”, “Kiều ở lầu Ngưng Bích”,“Mã Giám Sinh mua Kiều”, ta thấy tác giả đã xót thương cho số phận bất hạnh của Thúy Kiều nhưng đó cũng đồng thời là nỗi xót thương cho số phận người phụ nữ trong xã hội cũ.
Giá trị nhân đạo của tác phẩm trước hết biểu hiện ở tấm lòng thương xót đối với người phụ nữ bất hạnh. Trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều ngòi bút nhân đạo của Nguyễn Du giúp người đọc thấy được tấm lòng của ông cho nhân vật Thúy Kiều. Thúy Kiều là người con hiếu thảo. Trước cơn gia biến, nàng quyết định bán mình chuộc cha và em.
Bằng bút pháp ước lệ, tác giả làm nổi bật tâm trạng tủi hổ, cảm giác nhục nhã, ê chề của Kiều khi nàng bị coi như một món hàng. Một người con gái tài sắc, đức hạnh như nàng Kiều lại trở thành một món hàng đem ra mua bán. Không những thế,bọn chúng còn “Cò kè bớt một thêm hai”, Nguyễn Du đã cảm thương cho nỗi đau khổ của nàng khi Mã Giám Sinh “cân sắc cân tài”. Nguyễn Du đã thấu hiểu tâm trạng Kiều.
Đó chính là một biểu hiện của tư tưởng nhân đạo sáng ngời trong tác phẩm. Kiều ở lầu Ngưng Bích là một đoạn trích tiêu biểu cho nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật trong Truyện Kiều, tác giả đã giúp cho người đọc hiểu được nỗi đau, nỗi nhớ thương, nỗi cô đơn, lo sợ của nàng Kiều. Phải bán mình chuộc cha, trao duyên cho em, Kiều rơi vaò tay Mã Giám Sinh và Tú Bà.
Kiều không muốn tiếp khách làng chơi nên nàng đã tìm đến cái chết nhưng nàng lại được cứu sống. Tú Bà vì sợ Thúy Kiều chết đi thì “Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma” nên dỗ ngon ngọt và vờ đưa nàng ra ở lầu Ngưng Bích đợi tìm nơi tử tế để gả chồng. Thực chất lầu Ngưng Bích là nơi giam lỏng Thúy Kiều – nơi khóa kín tuổi xuân của nàng. Nơi đây cũng chính là điểm khởi đầu cho quãng đường lưu lạc đầy đau thương, tủi nhục của Kiều.
Ngòi bút của Nguyễn Du như nhỏ lệ khi miêu tả canhỷ vật thông qua tâm trạng của Thúy Kiều. Giữa thiên nhiên vắng lặng và mênh mông, không một bóng người, Kiều chỉ còn thấy “bốn bề bát ngát xa trông”. Một cảm giác cô dơn, buồn tủi và bẽ bàng xâm chiếm tâm hồn nàng. Nàng xót xa cho thân phận, số kiếp mình:
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.
Phải chăng đó cũng chính là nỗi xót đau của tác giả dành cho những người phụ nữ tài sắc nhưng bất hạnh như Thúy Kiều? Giá trị nhân đạo của tác phẩm thể hiện ở chỗ tác giả ca ngợi vẻ đẹp ngoại hình cũng như vẻ đẹp phẩm chất của chị em Thúy Vân, Thúy Kiều. Đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” tác giả đã ca ngợi vẻ đẹp của Thúy Vân, Thúy Kiều bằng những lời tuyệt mĩ. Miêu tả Thúy Vân, ngòi bút của Nguyễn Du thể hiện sự trân trọng: Vân xem trang trọng khác vời.
Hai chữ “trang trọng” nói lên vẻ đẹp cao sang, quý phái của Thúy Vân. Vẻ đẹp trang trọng, đoan trang của người thiếu nữ được so sánh với những thứ cao đẹp trên đời: trăng, hoa, mây, tuyết, ngọc. Tác giả đã sử dụng những hình ảnh thiên nhiên có vẻ đẹp đặc biệt, trong trắng, tinh khiết, rực rỡ để miêu tả vẻ đẹp của Thúy Vân.
Khuôn mặt nàng đẹp như trăng rằm. Nụ cười tươi như hoa. Giọng nói trong trẻo thoát ra từ hàm răng ngọc ngà. Làn tóc mềm mại, thướt tha đẹp hơn mây trời. Màu trắng của tuyết vẫn không thể sánh bằng làn da trắng trắng ngần của Thúy Vân. Thiên nhiên cũng phải thua, phải nhường sắc đẹp của nàng.
Bằng biện pháp nghệ thuật so sánh, ẩn dụ, tác giả đã làm nổi bật vẻ đẹp trung thực, phúc hậu mà quý phái của người thiếu nữ. Chân dung của Thúy Vân là chân dung mang tính cách số phận, vẻ đẹp của Vân tạo nên sự êm đềm, hòa hợp với xung quanh. Điều đó dự báo cuộc đời nàng sẽ suôn sẻ, hạnh phúc. Phải là người biết yêu quý cái đẹp, biết trân trọng cái đẹp Nguyễn Du mới có được sự miêu tả như thế.
Ca ngợi Thúy Kiều, Nguyễn Du không chỉ ca ngợi vẻ đẹp hình thức mà tác giả còn ca ngợi vẻ đẹp về mặt tâm hồn, tài năng. Cũng như lúc tả Thúy Vân, câu thơ đầu khái quát đặc điểm nhân vật: “Kiều càng sắc sảo, mặn mà”. Nàng sắc sảo về trí tuệ, mặn mà về tâm hồn, tình cảm. Gợi tả vẻ đẹp của Thúy Kiều, tác giả vẫn dùng hình tượng nghệ thuật ước lệ: “thu thủy” (nước mùa thu), “xuân sơn” (núi mùa xuân), hoa, liễu.
Nét vẽ của thi nhân thiên về gợi, tạo một ấn tượng chung về vẻ đẹp của một giai nhân tuyệt thế. Đáng lưu ý là khi họa bức chân dung Thúy Kiều, tác giả tập trung gợi tả vẻ đẹp đôi mắt, bởi đôi mắt là sự thể hiện phần tinh anh về tâm hồn và trí tuệ. Cái sắc sảo của trí tuệ, cái mặn mà của tâm hồn đều liên quan đến đôi mắt. Hình ảnh ước lệ “làn thu thủy” – làn nước mùa thu gợn sóng gợi lên thật sống động vẻ đẹp của đôi mắt trong sáng, long lanh, linh hoạt.
Còn hình ảnh ước lệ “nét xuân sơn” – nét núi mùa xuân lại gợi lên đôi lông mày thanh tú trên gương mặt trẻ trung. Khi tả Thúy Vân, tác giả chủ yếu gợi tả nhan sắc mà không thể hiện cái tài, cái tình của nàng. Thế nhưng, khi tả Kiều, nhà thơ tả sắc một phần còn dành đến hai phần để tả tài năng.
Tài của Kiều đạt tới mức lí tưởng, theo quan niệm thẩm mĩ phong kiến gồm đủ cả: cầm, kì, thi, họa. Đặc biệt, tài đánh đàn của nàng đã là sở trường, năng khiếu, vượt lên trên mọi người: “Cung thương làu bậc ngũ âm. Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương”. Nhấn mạnh cái tài của Thúy Kiều cũng là để ngợi ca cái tâm đặc biệt của nàng. Cung đàn bạc mệnh mà Thúy Kiều tự sáng tác chính là sự ghi lại tiếng lòng của một trái tim đa sầu đa cảm.
Như vậy, vẻ đẹp của Thúy Kiều là sự hội tụ của cả sắc – tài – tình. Tác giả đã dùng câu thành ngữ “nghiêng nước nghiêng thành” để đặc tả giai nhân. Sắc đẹp của Thúy Kiều có thể làm cho người ta say mê đến nỗi mất thành mất nước. Chân dung Thúy Kiều cũng là chân dung mang tính cách số phận. Vẻ đẹp của Kiều làm cho tạo hóa phải ghen ghét, đố kỵ “hoa ghen”, “liễu hờn”, báo hiệu số phận của nàng gặp nhiều gian truân, đau khổ.
Rõ ràng phải là người có tấm lòng yêu thương mới thấy hết được vẻ đẹp của những con người bất hạnh để mà ca ngợi. Tình cảm xót thương, sự chân trọng về sắc đẹp và tài năng Thúy Kiều giúp ta hiểu được giá trị nhân đạo thể hiện qua các đoạn trích này nói riêng, trong tác phẩm Truyện Kiều nói chung.
Giá trị nhân đạo còn thể hiện ở thái độ khinh bỉ, sự căm ghét của tác giả với những kẻ “buôn thịt bán người” mà tay “sinh viên” họ Mã kia là một điển hình tiêu biểu. Tác giả đã vạch trần bộ mặt xấu xa, đểu cáng của tay buôn người đội lốt sinh viên trường Quốc Tử Giám bằng một loạt các chi tiết nói lên sự lỗ mãng, dị hợm của hắn. Mặc dù đã “ngoại tứ tuần” nhưng vẫn ăn mặc bảnh bao, mày râu thì nhẵn nhụi không phù hợp với lứa tuổi của hắn:
“Quá niên trạc ngoại tứ tuần
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao.”
Về hành động, cử chỉ lại càng bộc lộ bản chất của một tên thiếu học thức, vô phép tắc: “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”. Chỉ với từ “tót”, Nguyễn Du như giáng một đòn chí mạng vào cái mặt giả danh tri thức của hắn. về bản chất của hắn lại càng xấu xa, để hắn lộ mặt con buôn bằng hình ảnh: “Cò kè bớt một thêm hai”.
Gặp gia đình đang cơn tai biến cần giúp đỡ, đáng lẽ một “sinh viên” như hắn phải biết đồng cảm, xót thương, ra tay giúp đỡ nhưng hắn đã không làm thế. Bộ mặt của kẻ buôn người đã được Nguyễn Du lột tả một cách đầy đủ nhất. Miêu tả nhân vật Mã Giám Sinh cũng là để nói lên thái độ căm ghét của tác giả đối với kẻ kẻ là đại diện cho xã hội đồng tiền, đồng tiền đã chà đạp lên mọi giá trị tốt đẹp ở đời – “Trong ta đã sẵn đồng tiền; Dễ dàng đổi trắng thay đen khó gì”.
Với “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã cất lên tiếng nói cảm thông, xót xa cho thân phận người phụ nữ, tiếng nói ngợi ca vẻ đẹp của con người và tiếng nói lên án tố cáo xã hội xấu xa tàn bạo, toàn lừa lọc xảo trá mà các đoạn trích Chị em Thúy Kiều, Kiều ở lầu Ngưng Bích, Mã Giám Sinh mua Kiều là những điển hình cho tư tưởng nhân đạo của tác giả. Qua đó chúng ta cũng thấy được trái tim nhân đạo bao la của tác giả. Nguyễn Du và “Truyện Kiều” sẽ trường tồn mãi với thời gian.