Analytical writing – viết bài phân tích bằng tiếng Anh trong môi trường kinh doanh (phần 1)
Tomorrow Marketers – Trong môi trường kinh doanh quốc tế, bạn sẽ thường xuyên rơi vào các tình huống như: trao đổi email với đối tác, đồng nghiệp nước ngoài về các vấn đề kinh doanh (VD: Có nên mở chi nhánh cửa hàng ở quận 3 hay không, có nên gia tăng chiết khấu kênh phân phối để đẩy hàng nhanh hơn không, lý giải nguyên nhân doanh thu quý I không đạt kỳ vọng,…); viết báo cáo tổng kết tháng/quý/năm, đưa ra các insight, giải thích nguyên nhân và đề xuất giải pháp. Đây là những tình huống đòi hỏi bạn cần có khả năng lập luận, cũng như kỹ năng viết bài phân tích để phản biện hay bảo vệ quan điểm của bản thân và người khác.
Đây cũng là lý do kỹ năng viết bài phân tích, phản biện là nội dung kiểm tra trong bài thi GMAT đầu vào của các chương trình kinh doanh hàng đầu vì nó giúp kiểm tra khả năng lập luận, tư duy phản biện, cũng như khả năng trình bày lập luận của ứng viên một cách logic, rành mạch, rõ ràng – một trong những yêu cầu khi làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia nơi bạn phải thường xuyên giải quyết các vấn đề kinh doanh phức tạp và làm việc với nhiều bên.
1. Viết bài phân tích (Analytical Writing) là gì?
Analytical writing là việc trình bày lập luận của bạn về một vấn đề kinh doanh với một trong các mục đích như:
- Đánh giá một ý tưởng/đề xuất
- Ủng hộ hoặc chỉ ra điểm bất hợp lý trong lập luận của người khác
- Chứng minh ý tưởng/đề xuất của mình là hợp lý
- Đánh giá mức độ quan trọng của thông tin
- Giải thích nguyên nhân, mối quan hệ giữa các sự kiện, hiện tượng
- Đưa ra dự đoán
Tương tự như cấu trúc của một lập luận, bài viết phân tích cũng cần có các thành phần sau:
- Thông tin nền (Background information): Các thông tin bổ sung bối cảnh, giúp người đọc hiểu được vấn đề đang muốn nói tới là gì.
- Luận điểm (premise): Những thông tin như nguyên nhân, bằng chứng chứng minh kết luận là đúng.
- Kết luận (Conclusion): Kết luận rút ra từ Premise, có thể là một ý tưởng, một dự đoán, giải pháp,…
Đọc thêm: Làm việc nhóm vòng Assessment Center: 3 bước tư duy phản biện giúp bạn đánh giá đúng ý kiến của người khác.
2. So sánh viết mô tả (Descriptive Writing) và viết phân tích (Analytical Writing)
Viết mô tả và viết phân tích là hai kỹ thuật viết được sử dụng nhiều nhất trong môi trường kinh doanh. Viết mô tả phục vụ mục đích cung cấp thông tin, chẳng hạn như giải thích khái niệm, tường thuật lại một sự kiện, hiện tượng, hướng dẫn thực hiện một công việc, tổng hợp số liệu, quan sát và mô tả đặc điểm của sự vật, hiện tượng. Viết mô tả thường được áp dụng trong các văn bản như báo cáo thị trường hay khảo sát khách hàng.
Ưu điểm của viết mô tả là sự đơn giản và tiện lợi của nó. Trong phần lớn các trường hợp, viết mô tả chỉ bao gồm việc tổng hợp lại thông tin đã được tìm kiếm từ trước. Nhược điểm của nó là chỉ dừng lại ở mô tả, tường thuật mà không đưa ra được những đánh giá hay giải pháp cần thiết. Để thực sự tận dụng được thông tin đã có, tìm ra được giải pháp phù hợp, có giá trị cho các vấn đề kinh doanh phức tạp, chúng ta cần tới viết phân tích. Viết phân tích yêu cầu người viết không chỉ hiểu những thông tin được đặt ra, mà còn cần biết cách “mổ xẻ”, đánh giá, đặt câu hỏi đào sâu, sau đó diễn đạt lại một cách logic, rành mạch để người khác có thể hiểu được.
3. Viết bài phân tích giúp bạn rèn luyện những kỹ năng gì?
Thứ nhất, viết bài phân tích giúp người viết rèn luyện tư duy phản biện và khả năng đào sâu vấn đề. Viết phân tích yêu cầu người viết phải nhìn nhận vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau, cân nhắc các mặt lợi-hại, đặt câu hỏi “tại sao”, đánh giá các thông tin nhận được,…, từ đó giúp người viết suy nghĩ sáng suốt và logic hơn trước khi truyền đạt thông tin tới người khác. Ngoài ra, để viết được bài phân tích logic và thuyết phục, người viết bắt buộc phải hiểu sâu các thông tin được cho, kết nối các thông tin để ra được kết luận hợp lý. Quá trình này sẽ giúp người viết hình thành thói quen đọc hiểu sâu, tìm hiểu và cân nhắc vấn đề kỹ lưỡng trước khi viết.
Thứ hai, viết bài phân tích là một trong những phương pháp hữu hiệu nhất để rèn luyện kỹ năng tiếng Anh. Để viết được bài phân tích bằng tiếng Anh, người viết không chỉ cần tư duy phản biện mà còn cần khả năng truyền tải suy nghĩ của mình một cách logic và thuyết phục cho người khác. Để làm được điều này, chỉ có hiểu biết về ngữ pháp và từ vựng tiếng Anh là chưa đủ mà người viết còn cần biết cách sắp xếp ý, sử dụng cấu trúc câu phù hợp, kết nối các câu sao cho mạch logic không bị đứt gãy. Do đó, càng viết nhiều bài phân tích, bạn càng có cơ hội sử dụng tiếng Anh thành thạo, trở nên tự tin hơn khi trình bày ý kiến của mình.
Cuối cùng, viết bài phân tích giúp bạn trau dồi kiến thức chuyên ngành bằng cách liên tục cập nhật các kiến thức mới, cũng như phát triển góc nhìn của riêng mình về các vấn đề trong ngành.
4. Tiêu chí đánh giá một bài phân tích bằng tiếng Anh
Một bài phân tích bằng tiếng Anh được đánh giá bằng bốn tiêu chí chính: Cấu trúc (structure), Bằng chứng (Evidence), Chiều sâu logic (Depth of logic) và Kiểm soát ngôn ngữ (Language Control).
4.1. Cấu trúc (Structure)
Cấu trúc được thể hiện qua cách bài viết được tổ chức thành các đoạn, sự liên kết logic giữa các đoạn và mức độ liên quan giữa chủ đề của bài viết với các thông tin trong bài. Cụ thể, cấu trúc được chia thành các tiêu chí nhỏ hơn như sau:
- Paragraph Unity: Mỗi đoạn văn chỉ bàn tới một ý chính duy nhất. Khi hết ý chính và muốn bàn tới một ý khác thì phải ngắt thành đoạn văn mới.
- Train of thought: Các suy nghĩ được trình bày trong bày cần theo một thứ tự dễ hiểu, dễ theo dõi. Ví dụ, khi nhắc tới nhược điểm của một chiến lược kinh doanh, người viết cần bàn tới tất cả các nhược điểm mà mình muốn đưa vào, thay vì bàn tới một nhược điểm, sau đó lại nhắc tới ưu điểm rồi quay lại với nhược điểm.
- Flow: Với mỗi luận điểm được đưa ra, người viết cần chứng minh nó thay vì chỉ nêu ra rồi đổi chủ đề. Ví dụ, nếu bạn muốn đưa vào bài viết luận điểm “việc tăng giá sản phẩm không làm ảnh hưởng tới lượng bán ra”, hãy chứng minh luận điểm trước khi chuyển sang một luận điểm khác.
4.2. Bằng chứng (Evidence)
Để bài viết tăng được tính thuyết phục, người viết cần phải cung cấp bằng chứng. Bằng chứng cung cấp phải có nguồn đáng tin cậy, có thể kiểm chứng được (nếu cần) và có sự liên quan trực tiếp với vấn đề đang nói tới. Nếu trích dẫn các con số, người viết cần có sự thống nhất về phương pháp đo lường, đơn vị,… tránh tình trạng chẳng hạn như bài viết đang nói về vấn đề doanh thu nhưng lại trích dẫn các con số về phần trăm thị phần.
Đọc thêm: 3 lỗi viết trong tiếng Anh khiến email của bạn trở nên kém chuyên nghiệp
4.3. Chiều sâu logic (Depth of logic)
Chiều sâu logic thể hiện ở việc người viết hiểu sâu vấn đề để có thể chia nhỏ một vấn đề lớn thành các vấn đề nhỏ hơn, phân tích, đánh giá chúng qua các câu hỏi đào sâu. Ví dụ: Vì sao phương pháp A lại giúp doanh nghiệp tăng doanh thu hiệu quả hơn là phương pháp B? Điểm yếu, điểm mạnh của phương pháp A là gì? Đâu là data cho thấy phương pháp A hiệu quả hơn? Chỉ khi đặt ra các câu hỏi phù hợp, người viết mới có thể đi đến tận cùng vấn đề để có thể đánh giá một ý tưởng hay đề xuất là hợp lý hay không hợp lý
4.4. Kiểm soát ngôn ngữ (Language Control)
Khả năng kiểm soát ngôn ngữ thể hiện ở cách thức người viết sử dụng ngôn ngữ rõ ràng, rạch mạch, linh hoạt để trình bày lập luận của mình. Khả năng kiểm soát ngôn ngữ được đánh giá qua các tiêu chí sau:
- Grammar: Người viết có khả năng viết đúng ngữ pháp chuẩn của tiếng Anh, sắp xếp ý trong câu một cách rõ nghĩa
- Diction: Người viết hiểu đúng nghĩa của từ và sử dụng đúng từ vựng trong bối cảnh phù hợp. Người viết phân biệt được các từ dễ nhầm lẫn (VD: Affect vs Effect, Efficiency vs Effectiveness,…), câu từ trang trọng và câu từ sử dụng hàng ngày.
- Style: Người viết có sự khéo léo trong việc sử dụng ngôn ngữ, thể hiện việc viết câu ngắn gọn, đủ ý, ngắt câu đúng chỗ; không lặp từ, sử dụng đúng thời thì của từ, đặt đúng các cụm từ bổ nghĩa,…
Đọc tiếp: Viết bài phân tích (Analytical Writing) trong môi trường kinh doanh: không chỉ dừng lại ở ngữ pháp và từ vựng (phần 2)
Tạm kết
Bài viết trên đây là những thông tin bạn cần biết trước khi bắt tay viết một bài phân tích bằng tiếng Anh một cách logic, rõ ràng và có tính thuyết phục cao. Trong bài viết tiếp theo, TM sẽ cùng bạn đi qua từng bước viết một bài phân tích bằng tiếng Anh hoàn chỉnh nhằm đánh giá tính hợp lý của một giải pháp kinh doanh cụ thể. Hãy đón chờ và đồng hành cùng TM trong các bài viết tiếp theo nhé.
Analytical writing hay critical writing là một trong ba nhóm kỹ năng chính được đào tạo tại khóa học Business English tại TM, bên cạnh hai kỹ năng có mối liên hệ chặt chẽ là critical thinking (tư duy phản biện) và critical reading (đọc hiểu chuyên sâu). Trong phần critical writing, bạn sẽ được học 6 nhóm cấu trúc câu với độ khó cao, giúp bạn rèn luyện khả năng viết câu từ chuẩn tiếng Anh kinh doanh. Ngoài ra, bạn sẽ được học cách xây dựng, triển khai ý và viết bài phân tích hoàn chỉnh cho các vấn đề kinh doanh để thể hiện được tư duy phản biện, khả năng thuyết phục của bản thân khi làm việc với đồng nghiệp & đối tác nước ngoài. Nếu bạn quan tâm tới khóa học, hãy tìm hiểu ngay hôm nay nhé!
Bài viết bởi GMAT Prep và được biên dịch bởi Tomorrow Marketers, xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức.