Văn học

Nội dung chính bài Vào phủ chúa Trịnh

[toc:ul]

A. Ngắn gọn những nội dung chính

1. Giới thiệu chung

  • Tác giả: Lê Hữu Trác (1720 – 1791) tên hiệu là Hải Thượng Lãn Ông, quê cha ở Hưng Yên, quê mẹ ở Hà Tĩnh. Gia đình có truyền thống học hành và thư cử đỗ đạt làm quan. Ông là một danh y đồng thời là nhà văn nhà thơ lớn. Ngoài tài chữa bệnh, ông còn là người soạn sách, truyền bá y học…
  • Tác phẩm: Tác phẩm “Thượng kinh ký sự (Kí sự đến kinh đô) là tập kí sự bằng chữ Hán, viết năm 1782, hoàn thành một năm sau đó và được khắc in vào năm 1885. Thượng kinh kí sự tả quang cảnh ở kinh đô, cuộc sống xa hoa trong phủ chúa Trịnh và quyền uy, thế lực của nhà chúa – những điều Lê Hữu Trác mắt thấy tai nghe trong chuyến đi từ Hương Sơn ra Thăng Long chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán và chúa Trịnh Sâm.

2. Phân tích văn bản

a. Quang cảnh và cung cách sinh hoạt nơi phủ chúa

  • Quang cảnh nơi phủ chúa cực kì sang trọng, lỗng lẫy không đâu sánh bằng: giàu từ nơi ở, giàu sang trong tiện nghi sinh hoạt
  • Cuộc sống sinh hoạt nơi phủ chúa nhiều lễ nghi, khuôn phép, kẻ hầu người hạ tấp nập, cực kì cao sang và quyền uy tột đỉnh
  • Đoạn văn miêu tả cung cấm khá tỉ mỉ, chi tiết giàu giá trị hiện thực, khắc họa sinh động cuộc sống xa hoa, tráng lệ cùng uy quyền tối thượng nơi phủ chúa.

b. Thái độ, tâm trạng của tác giả

  • Lúc vào phủ chúa
    • Ngạc nhiên trước khung cảnh trước mắt
    • Cảm nhận đầy đủ sự xa hoa trong phủ chúa.
    • Dửng dưng, thờ ơ trước những quyến rũ vật chất, phê phán cuộc sống xa hoa, thừa thãi tiện nghi nhưng thiếu sinh khí, đó cũng là nguyên nhân bệnh của thế tử.
    • Qua việc miêu tả sự giàu sang tới mức Cả trời Nam sang nhất là đây và sự lộng quyền của phủ chúa tác giả ngầm ý mỉa mai, châm biếm.
  • Thái độ khi chữa bệnh cho thế tử và phẩm chất của người thầy thuốc
    • Thái độ
      • Hồi hộp, căng thẳng, tôn kính
      • Mâu thuẫn: Nhưng sợ mình…. nếu mình làm có kết quả ngay lại bị danh lợi nó ràng buộc…… Chi bằng dùng phương thuốc hòa hoãn…… Nhưng lại nghĩ: Cha ông mình đời đời chịu ơn của nước, ta phải dốc hết cả lòng thành……
      • Quyết định chữa bệnh cho đúng y đức
    • Phẩm chất:
      • Ông là người thầy thuốc giỏi, có phẩm chất, già dặn kinh nghiệm
      • Là thầy thuốc có lương tâm và đức độ
      • Khinh thường quyền quý, danh lợi, yêu thích tự do gắn bó với quê hương.

B. Phân tích chi tiết nội dung bài học

1. Tóm tắt nội dung

Sáng sớm tinh mơ ngày 1/2 tôi được lệnh là có thánh chỉ triệu tập về phủ chầu ngay lập tức. Tôi nhanh chóng chuẩn bị mũ áo chỉnh tề rồi được điệu đi trên một cái cáng chạy như ngựa lồng. Đi vào cửa sau vào phủ, nhìn quanh tôi thấy cây cối um tùm, chim hót líu lo, muôn hoa đua thắm. Vốn là con quan tôi thực không lạ với chốn phồn hoa nhưng khi bước chân vào phủ thì quả mới hay cảnh giàu sang của vua chúa khác dường nào. Qua mấy lần cửa, các hành lang dài miên man tôi được đưa tới một ngôi nhà thật lớn gọi là phòng trà. Đồ đạc trong phòng đều là những cổ vật quý giá chưa từng nhìn thấy, được sơn son thếp vàng. Lúc đó thánh thượng đang ngự phòng thuốc cùng các phi tần nên tôi không thể yết kiến. Tôi được hầu hạ bữa sáng với mâm vàng, sơn hào hải vị. Ăn xong tôi được đưa đến yết kiến ở Đông Cung và khám bệnh cho thế tử Trịnh Cán. Tôi thấy bệnh thế tử là do nằm trong chốn màn che trướng rủ, ăn quá no, mặc quá ấm, lười vận động nên phủ tạng yếu đi, bệnh phát đã lâu… Sau một hồi suy nghĩ : sợ danh lợi ràng buộc không về núi được nhưng nghĩ lại còn chịu ơn nước nên cuối cùng đã kê đơn theo đúng bệnh. Sau đó tôi từ giã, lên cáng trở về kinh Trung Kiền để chờ thánh chỉ. Bạn bè ai ai trong kinh cũng đến thăm hỏi.

2. Phân tích chi tiết văn bản

a. Quang cảnh và cung cách sinh hoạt nơi phủ chúa

  • Cảnh bên ngoài được tác giả miêu tả phải qua nhiều lần cửa, với “những dãy hành lang quanh co nối nhau liên tiếp”, ở mỗi cửa đều có vệ sĩ canh gác, “ai muốn ra vào phải có thẻ”. Vườn hoa thì cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, danh hoa đua thắm, gió đưa thoang thoảng mùi hương. Khuôn viên: có điếm “Hậu mã quân túc trực” để chúa sai phái đi truyền lệnh. Quang cảnh phủ chúa Trịnh cực kì xa hoa tráng lệ nhằm khẳng định quyền uy tột cùng của nhà chúa trong khi đó dân tình trong nước đang chịu nhiều khổ cực vì đói rét, vì chiến tranh.
  • Quang cảnh nơi phủ chúa cực kì sang trọng, lỗng lẫy không đâu sánh bằng. Điều đó được mô tả từ nơi ở: qua nhiều lầu cửa, hành lang quanh co, đâu đâu cũng là cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, danh hoa đua thắm,…; lầu từng gác vẽ mây, rèm châu, hiên ngọc,… đến tiện nghi sinh hoạt: đồ nghi trượng đều sơn son thếp vàng; đồ ăn thức uống là cao lương mĩ vị, mâm vàng chén bạc,….toàn của ngon vật lạ. Tác giả đã bị ngợp, bị động trước cảnh uy nghi cẩn mật quá mức tưởng tượng. Qua con mắt và cảm nghĩ của tác giả ta thấy chúa Trịnh là một nơi đệ hưởng lạc để củng cố quyền uy , xa rời cuộc sống nhân dân, một nơi để hưởng lạc củng cố quyền uy bằng lầu cao cửa rộng che giấu sự bất lực của mình trước tình cảnh của đất nước.
  • Cuộc sống sinh hoạt nơi phủ chúa nhiều lễ nghi, khuôn phép, kẻ hầu người hạ tấp nập, cực kì cao sang và quyền uy tột đỉnh. Các chi tiết diễn tả lại như đầy tớ chạy đằng trước cáng hét đường, cáng chạy như ngựa lồng, người giữ cửa truyền báo rộn ràng, người có việc qua lại như mắc cửi, nói tới chúa lời lẽ phải hết sức lễ độ cung kính: “Có thánh chỉ triệu cụ vào; Thánh thượng cho cụ vào để hầu mạch Đông cung thế tử,…” hay chi tiết để phục dịch một ông chúa nhỏ mà có tới năm sáu lầm trướng gấm, người hầu kẻ hạ tấp nập đứng hai bên,…

  • Đoạn trích miêu tả chi tiết, tỉ mỉ cuộc sống của tầng lớp thống trị trong xã hội cũ đối lập hoàn toàn với tình cảnh nhân dân và đất nước sau cánh cổng nhà kia.

b. Thái độ, tâm trạng của tác giả

  • Lúc vào phủ chúa, tác giả bị ngạc nhiên trước khung cảnh trước mắt. Ông cảm nhận đầy đủ sự xa hoa trong phủ chúa nhưng lại dửng dưng, thờ ơ trước những quyến rũ vật chất, phê phán cuộc sống xa hoa, thừa thãi tiện nghi nhưng thiếu sinh khí. Ông nhận định đó cũng là nguyên nhân bệnh của thế tử “bởi thế tử ở chốn màn che trướng phủ ăn qua no, mặc quá ấm nên tạng phủ yếu đi.” Qua việc miêu tả sự giàu sang tới mức Cả trời Nam sang nhất là đây và sự lộng quyền của phủ chúa tác giả ngầm ý mỉa mai, châm biếm.
  • Thái độ chữa bệnh của tác giả và vẻ đẹp nhân phẩm của lương y
    • Cảnh chữa bệnh
      • Tác giả miêu tả cảnh thâm cung có trướng gấm, màn là, sập vàng, ghế rồng, đèn sáng lấp lánh, hương hoa ngào ngạt, cung nhân xúm xít, màu mặt phấn, màu áo đỏ. Thủ tục rườm rà, nhiêu khê: bữa ăn sáng của tác giả ở điếm hậu mã, cảnh mọi người chầu chực hầu thế tử, cảnh chuẩn bệnh kê đơn, phải lạy chào bốn lạy, lại được khen một câu : “Ông này lạy khéo”. Nhận thấy, nội cung là một cảnh vàng son, nhưng tù hãm, thiếu không khí, ngột ngạt, cuộc sống thế tử như “con chim non nhốt trong lồng son”. Chi tiết thế tử khen ông này lạy khéo là chi tiết rất đắt, vì nó vừa chân thực vừa hài hước kín đáo. Nó không chỉ tả cảnh sinh hoạt giàu sang của phủ chú mà còn nói lên quyền uy tối thượng của đấng con trời, cháu trời và thân phận nhỏ nhoi, thấp bé của người thầy thuốc và thái độ kín đáo khách quan của người kể. Mối quan hệ vua – tôi làm cho mối quan hệ giữa người ban ơn (người chữa bệnh) và người hàm ơn (con bệnh) trở nên vô nghĩa bất bình đẳng.
      • Tác giả nhận định bệnh và đề ra phương án chữa bệnh: Ông cũng muốn kết hợp việc nâng cao thể lực đồng thời với trị bệnh nhưng ông nghĩ nếu chữa lành quá sớm thì chúa sẽ khen và giữ lại làm quan, điều này ông không muốn. Trong ông có một mâu thuẫn phải trung với chúa nhưng phải tránh việc chúa bắt làm quan nên ông chọn phương sách bồi dưỡng sức khỏe.
    • Phẩm chất của Lê Hữu Trác được thể hiện là người thầy thuốc giỏi, giàu kinh nghiệm, có lương tâm, có y đức. Một nhân cách cao đẹp, khinh thường lợi danh, quyền quí, quan điểm sống thanh đạm, trong sạch.

3. Tổng kết:

  • Nội dung: Tác giả đã vẽ nên một bức tranh sinh động về cuộc sống xa hoa, quyền quý của chúa Trịnh, đồng thời bộc lộ thái độ coi thường danh lợi của tác giả
  • Nghệ thuật: Thể hiện rõ đặc điểm của thể kí: quan sát, ghi chép những sự việc có thật cùng cảm xúc chân thực của bản thân trước những sự việc đó
  • Ý nghĩa: Phản ảnh quyền lực to lớn của tầng lớp thống trị, cuộc sống xa hoa hưởng lạc trong phủ chúa đồng thời bày tỏ thái độ coi thường danh lợi quyền quý của người chính nghĩa trong sạch.
Back to top button