Tranh

Nữ họa sĩ trẻ vẽ ‘những nỗi buồn đẹp’ bằng ngón tay

Người xem thưởng lãm “Những nỗi buồn đẹp” của họa sĩ Hồng Ngọc tại triển lãm – Ảnh: HUỲNH VY

“Những nỗi buồn đẹp” cũng là chủ đề triển lãm cá nhân đầu tay của Hồng Ngọc, đang trưng bày đến ngày 16-7 tại J Art Space (30 đường số 10, Thảo Điền, TP Thủ Đức, TP.HCM).

Triển lãm giới thiệu 26 bức tranh sơn dầu trên toan do Ngọc vẽ bằng ngón tay từ năm 2018 đến nay.

Những nỗi buồn đẹp như cầu vồng sau cơn mưa

Tranh của Hồng Ngọc mang vẻ đẹp giản dị, thuần khiết, không thách đố mà dễ dàng chạm vào trái tim người xem bởi những cảm xúc trong veo, thánh thiện, chân thành.

Nhưng đơn giản, dễ cảm không đồng nghĩa là dễ dãi. Những nỗi buồn đẹp trong tranh Hồng Ngọc được khắc họa đầy mong manh, tinh tế qua hình tượng những cô thiếu nữ mảnh mai với đôi mắt to tròn, đen láy, sâu thẳm như bầu trời đêm phản chiếu cả nội tâm mênh mông.

Nỗi buồn trong tranh Hồng Ngọc vừa trong trẻo dễ cảm, vừa đầy khắc khoải – Ảnh: HUỲNH VY

Tại sao lại là “những nỗi buồn đẹp”? Có lẽ vì cô gái nào trong tranh Ngọc cũng mang nét buồn man mác. Nhưng đó không phải nỗi buồn bi lụy và gục ngã trước sóng gió cuộc đời. Đó là sự chấp nhận, đi qua và nhìn vào mặt tích cực để biến nỗi buồn trở nên đẹp hơn.

Tranh của Ngọc, vì thế, không kịch tính mà đầy chiêm nghiệm, trầm tư, đi sâu vào nội tâm để thấu hiểu và phản tỉnh và làm lành với chính mình. Như cách cô từng tâm sự trên trang cá nhân: “Chỉ nghệ thuật mới chữa lành tâm hồn tôi”.

Nỗi buồn trong tranh Ngọc trở thành những khoảnh khắc thanh thuần, tỉnh thức, tịch mịch, lẻ loi, bâng khuâng, tìm kiếm tự do, chia tay lần cuối, những kỷ niệm không gặp lại… Ở đó không chỉ có sự trong trẻo hồn nhiên mà còn đong đầy những nỗi niềm chất chứa. Cô gửi gắm mọi điều muốn nói qua ánh mắt, “cửa sổ tâm hồn” đầy mẫn cảm của người thiếu nữ trong tranh.

“Nhiều người hay nghĩ nỗi buồn là xấu. Nhưng với Ngọc, mỗi khi buồn, Ngọc sẽ tự hòa mình vào thế giới của nghệ thuật, với vải toan và màu. Qua đó, Ngọc biến nỗi buồn thành những tác phẩm đẹp, giống như cầu vồng sẽ luôn luôn đẹp sau cơn mưa vậy” – Hồng Ngọc tâm sự.

Vẽ bằng ngón tay để cảm xúc chân thật nhất

Sinh năm 1993 tại TP.HCM, Hồng Ngọc mê vẽ từ khi mới vào tiểu học. Được cha là họa sĩ Nguyễn Hưng Trinh hướng dẫn, Ngọc cũng từng thử sức vài nơi đào tạo chuyên nghiệp nhưng cuối cùng cô chọn con đường tự học theo cách của riêng mình.

Mỗi tác phẩm trong triển lãm đầu tay có thể xem là những bức chân dung tự họa của Ngọc. Cảm xúc trong tranh là cảm xúc thật của cô. Đó cũng là lý do Ngọc chọn vẽ bằng ngón tay.

“Ngọc mất gần 10 năm luyện vẽ, có thời gian vẽ bằng cọ, bằng bay, thậm chí bằng bông ngoáy tai và nhiều thứ khác… Nhưng cuối cùng, vẽ bằng tay đúng với bản thân Ngọc nhất.

Khi ngón tay trực tiếp chạm vào sơn và cảm nhận từng sớ vải, Ngọc như có thể hòa làm một vào tranh, và cảm xúc thật của mình cũng truyền tải trực tiếp vào đó, rất chân thực” – Hồng Ngọc bộc bạch.

Họa sĩ trẻ Hồng Ngọc bên tác phẩm “Lẻ loi” tại triển lãm “Những nỗi buồn đẹp” – Ảnh: HUỲNH VY

Với Ngọc, điều khó nhất khi vẽ bằng ngón tay là làm sao để diễn tả được thần thái trên khuôn mặt người thiếu nữ. Trong 10 năm luyện vẽ, Ngọc đã dành 6 năm để tìm ra kiểu khuôn mặt phù hợp cho riêng mình và kỹ thuật để vẽ được đúng cảm xúc, tinh thần cô muốn truyền tải.

“Tông màu tranh của Hồng Ngọc rất đẹp, tự nhiên và giàu tình cảm. Chủ đề tranh dễ hiểu, dễ cảm. Cuốn hút nhất là ánh mắt nhân vật trong tranh, rất ám ảnh như lưỡng lự giữa cuộc đời.

Bạn cũng rất dũng cảm khi chọn dấn thân theo con đường tự học, vẽ theo linh cảm chân thật của chính mình. Cứ làm hết mình vì đam mê, đến một lúc nhìn lại đó sẽ là một kho “tài sản” rất đặc biệt” – họa sĩ Nguyễn Đức Lợi bày tỏ.

Còn theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng: “Trong xã hội đầy xô bồ, phải có sự thánh thiện người ta mới biết buồn, biết rung động và lẻ loi giữa cuộc đời. Và người họa sĩ sẽ còn đi rất xa trong sự giản dị, trong trẻo nhưng hàm chứa những sự thật lớn lao hơn”.

Khách xem tranh của Hồng Ngọc – Ảnh: HUỲNH VY

Back to top button