Cẩm nang sức khỏe
Sống vì người khác cũng được xem là một hành động tích cực với mong muốn mang đến những điều tốt đẹp cho những người xung quanh. Tuy nhiên, nếu sống vì người khác quá nhiều đôi khi lại là một điều tồi tệ, có thể khiến bạn dần tự đánh mất giá trị của chính bản thân mình.
Sống vì người khác quá nhiều – Nguyên nhân đến từ đâu?
Cuộc sống luôn cần những sự chia sẻ, quan tâm và động viên lẫn nhau. Con người luôn mong muốn nhận được nhiều tình cảm, nhiều sự chăm lo, sẻ chia về mặt vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, mỗi người chỉ sống duy nhất một lần trong đời, do đó trước tiên bạn cần biết cách yêu thương và chăm sóc bản thân thật tốt, sau đó mới có thể quan tâm, chia sẻ tình cảm với những người xung quanh.
Thế nhưng trong thực tế hiện nay vẫn có rất nhiều người luôn sống vì người khác, họ đặt lợi ích, niềm vui, sự hạnh phúc của những người xung quanh cao hơn cả những nhu cầu cá nhân. Những người này sẽ luôn cố gắng làm nhiều thứ chỉ với mong muốn làm hài lòng người khác và họ dường như quên đi những cảm xúc, những mơ ước của chính mình.
Theo chia sẻ của nhà trị liệu tâm lý Erika Myers tại Bend, Oregon, Hoa Kỳ thì việc sống vì người khác quá nhiều có khả năng vượt qua giới hạn của sự tử tế thông thường. Cũng bởi, những người có lối sống này sẽ luôn thay đổi những suy nghĩ, cảm xúc, lời nói, hành vi của mình bởi những quyền lợi, mong muốn và cảm nhận của mọi người xung quanh.
Vậy tại sao nhiều người lại có lối sống vì người khác quá nhiều?
1. Do chấn thương tâm lý
Erika Myers cho biết rằng, lối sống luôn nghĩ đến cảm nhận của người khác, luôn muốn làm hài lòng những người xung quanh có thể xuất phát từ những ám ảnh, nỗi sợ hãi với những chấn thương tâm lý tồi tệ đã từng xảy ra trong quá khứ, đặc biệt là ở thời thơ ấu. Chẳng hạn như một người đã từng là nạn nhân của bạo hành gia đình, bạo lực học đường hoặc lạm dụng về tình dục, tinh thần, thể chất thì họ sẽ có nhiều nỗi lo sợ, trong đó có thể xuất hiện sự mất an toàn đối với lối sống cũ.
Cũng chính vì sự tổn thương tâm lý nặng nề đó, khiến nhiều người cho rằng bản thân cần phải làm theo những gì người khác mong muốn, chỉ có như thế họ mới tránh khỏi những chấn thương đã từng xảy ra trong quá khứ. Họ sẽ bắt đầu làm theo những gì người khác nói, luôn cố gắng để làm hài lòng đến mọi người, thể hiện sự quan tâm quá mức đối với những người xung quanh và luôn đặt nhu cầu, lợi ích của họ lên trước tiên.
Những người đã từng chịu nhiều sự tổn thương tâm lý trong quá khứ luôn lo sợ bản thân sẽ tiếp tục trở thành nạn nhân của những sự đối đãi tồi tệ. Chính vì thế họ luôn cố gắng đối xử tốt nhất với tất cả mọi người xung quanh chỉ với mong muốn người khác sẽ đối xử tử tế hơn với họ.
2. Sống vì người khác quá nhiều do nỗi sợ bị từ chối
Ai trong chúng ta đều mong muốn có thể xây dựng được nhiều mối quan hệ tích cực và bền chặt. Và mối quan hệ giữa mọi người xung quanh cũng là yếu tố có thể tác động mạnh mẽ đối với cách sống của mỗi con người, nhất là với trẻ em. Trong thực tế, người lớn thường dựa vào uy quyền của mình để có thể kiểm soát trẻ nhỏ.
Khi trẻ muốn làm bất kì điều gì đó cũng cần phải xin phép cha mẹ, và tất nhiên các bậc phụ huynh sẽ xem xét về thái độ của trẻ nhỏ để đưa ra quyết định chấp thuận hay từ chối. Điều này sẽ khiến nhiều đứa trẻ mặc định rằng, chỉ khi trẻ nghe lời, ngoan ngoãn thì cha mẹ với cảm thấy vui lòng và lúc đó họ sẽ sẵn sàng đáp ứng mọi điều mà trẻ mong muốn.
Nếu điều này không được điều chỉnh ngay từ sớm thì sau khi lớn lên, trẻ nhỏ cũng sẽ hình thành lối sống này với tất cả những người xung quanh mình. Trẻ có thể làm theo mọi thứ mà người khác yêu cầu, ngay cả khi điều đó khiến trẻ cảm thấy không thoải mái. Trong thực tế, điều này sẽ giúp cho trẻ trở nên ngoan ngoãn, biết vâng lời cha mẹ hơn, tuy nhiên nếu nó xảy ra quá thường xuyên sẽ làm trẻ dễ bị phụ thuộc vào người khác và dần tự đánh mất đi bản thân.
Ngoài ra, do sự yêu mến quá mức đối với một ai đó, muốn gìn giữ mối quan hệ với người đó, lo sợ bị họ từ chối nên nhiều người có xu hướng cố gắng làm hài lòng họ. Tình trạng này rất thường gặp ở những cặp đôi yêu nhau, vì muốn níu kéo một cuộc tình nên có những người luôn sẵn sàng bỏ đi nhu cầu của bản thân để yêu một cách mù quáng.
3. Cảm thấy tự ti về bản thân
Đây cũng được xem là một lý do thường gặp ở những người có lối sống vì người khác quá nhiều. Đôi lúc sự tự ti, mặc cảm về bản thân cũng có thể thôi thúc chúng ta quan tâm, yêu thương và sống hết mình vì những người xung quanh bởi họ cho rằng chỉ có người khác mới đủ năng lực để giải quyết các vấn đề xoay quanh cuộc sống của họ.
Những người có tính cách tự ti, không tin tưởng vào khả năng, giá trị của mình thường sẽ tự hạ thấp nhu cầu của bản thân, họ cho rằng những mong muốn của mình điều sai trái, không cần thiết. Từ đó, họ luôn đề cao những người bên cạnh, cảm thấy chỉ có làm theo những gì họ nói mới có thể được ghi nhận và dễ đạt được thành công.
Các biểu hiện cho thấy bạn đang sống vì người khác quá nhiều
Quan tâm, yêu thương những người xung quanh là những điều nên làm để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, giúp bạn xây dựng được nhiều mối quan hệ thân thiết, bền lâu. Tuy nhiên, nếu sống vì người khác quá nhiều lại có thể khiến bản thân phải chịu nhiều sự thiệt thòi, đôi khi làm đánh mất giá trị của chính mình. Thậm chí có nhiều người còn không thể tự nhận ra bản thân đang sống vì người khác quá nhiều, họ có xu hướng đặt mong muốn, nhu cầu của người khác lên trước quyền lợi của chính mình.
Nếu bạn đang cảm thấy băn khoăn không biết liệu rằng bản thân có đang sống vì người khác quá nhiều hay không thì hãy cùng tham khảo qua một số dấu hiệu nhận biết sau đây:
1. Bạn luôn sợ người khác ghét mình
Những người có lối sống vì người khác quá nhiều luôn có tâm lý lo sợ bị người khác ghét bỏ hoặc sợ mọi người xung quanh sẽ từ chối mình. Cũng chính vì nỗi sợ này mà nhiều người liên tục cố gắng để làm hài lòng người khác, họ luôn có xu hướng chiều theo những mong muốn, nhu cầu của mọi người xung quanh chỉ để với hi vọng nhận lại sự yêu quý của mọi người.
Ngoài ra, họ luôn có sự khao khát được mọi người chú ý, tin tưởng và cần đến sự giúp sức của mình. Họ luôn tìm mọi cách để có thể góp mặt và giúp đỡ trong mọi việc để có thể nhận được càng nhiều sự yêu thương càng tốt. Khi nhận thấy ai đó bắt đầu có thái độ không tốt về mình, họ sẽ liên tục “lấy lòng” người đó bằng cách thực hiện tất cả những gì mà họ mong muốn.
2. Người sống vì người khác quá nhiều thường không có chính kiến
Cách để dễ dàng nhận biết một người sống quá nhiều vì người khác đó chính là họ dần mất đi chính kiến và lập trường của bản thân. Họ luôn hạ thấp những ý kiến của chính mình và cho rằng giá trị của mình nằm ở sự công nhận và tín nhiệm của mọi người xung quanh. Thậm chí họ còn cho người khác chen chân vào chính cuộc đời của mình, để họ quyết định hầu hết những việc cá nhân.
Myers từng chia sẻ rằng, những người có lối sống này thường tồn tại cách nghĩ “Tôi chỉ đáng được yêu khi tôi trao hết những gì mình có cho những người xung quanh”. Họ luôn quan tâm đến những lời nhận xét, những cách nhìn nhận của người khác dành cho mình và họ chỉ thực sự trở nên tốt đẹp hơn khi được mọi người quan tâm, yêu thương, đánh giá cao về khả năng, giá trị của mình.
3. Bạn luôn nhận lỗi và xin lỗi trong mọi tình huống
Nếu bạn luôn có xu hướng xin lỗi hoặc nhận tất cả mọi lỗi sai về bản thân mặc dù điều đó không phải do bạn thì thực sự bạn đang là người có lối sống vì người khác quá nhiều. Bạn luôn nghĩ đến cảm nhận, mong muốn và luôn tìm cách để làm vui lòng những người xung quanh. Chính vì thế, bạn sẵn sàng nhận hết mọi lỗi lầm về phía mình và không ngần ngại nói lời xin lỗi ngay cả khi bạn hoàn toàn không làm gì sai trái.
Chẳng hạn như khi đồng nghiệp nhờ bạn đặt nước uống cho cả phòng. Tuy nhiên, do giờ cao điểm nên cửa hàng chuẩn bị nước khá lâu, shipper lại đi nhầm đường nên đơn hàng của bạn phải đợi đến hơn 1 tiếng. Dù đây không phải là lỗi của bạn, tuy nhiên bạn vẫn chấp nhận xin lỗi và cảm thấy bản thân đã quá sai sót. Lúc này có thể bạn sẽ vô cùng lo lắng vì nghĩ rằng đồng nghiệp sẽ thất vọng và chán ghét mình hơn.
4. Bạn cảm thấy khó khăn khi từ chối người khác
Bạn có cảm thấy khó chịu, áy náy khi từ chối hoặc “say no” với sự nhờ vả của ai đó không? Những người có xu hướng sống vì người khác quá nhiều sẽ luôn cố gắng để đáp ứng tất cả những yêu cầu, đề nghị của những người xung quanh. Họ sẽ có cảm giác an toàn hơn khi có thể giúp đỡ người khác một cách vô điều kiện. Và họ cho rằng điều đó sẽ giúp duy trì tốt một mối quan hệ, vì thế họ có thể đồng ý giúp đỡ ngay cả khi bạn thân không có đủ khả năng hoặc thời gian rất hạn hẹp.
Không những thế, đôi khi do lối sống vì người khác quá mức nên nhiều người còn đồng ý làm những việc mà bản thân hoàn toàn không thích hoặc thậm chí là thực hiện những hành vi sai trái. Điều này có thể gây ra rất nhiều các ảnh hưởng tiêu cực, một số trường hợp bạn có thể bị lợi dụng để thực hiện những điều phi pháp.
5. Bạn khó có thể tự xác định mong muốn của chính mình
Người hay sống vì người khác quá nhiều sẽ luôn đặt mong muốn của người khác lên trên cả bản thân, chính vì thế họ dường như không thể xác định chính xác về những điều mà mình mong ước. Họ chỉ quan tâm đến những nhu cầu của mọi người xung quanh và quên lãng đi những sở thích, ước mơ, mong muốn của chính mình.
Những người có lối sống này chọn cách cất giấu và loại bỏ đi những cảm nhận, suy nghĩ của bản thân mình để có thể chiều lòng và đáp ứng mọi yêu cầu của người khác. Lâu dần họ sẽ bị mất định hướng của bản thân mình, không biết rõ mình đang muốn và cần những điều gì.
Đồng thời, họ quá tự ti về bản thân nên họ dường như không dám nói lên những suy nghĩ, cảm xúc của chính mình, cho dù họ cũng hi vọng được bày tỏ, được người khác lắng nghe, chia sẻ. Chẳng hạn như bạn sẽ cảm thấy ngại ngùng và không dám nói về việc người khác đang làm phiền và khiến bạn cảm thấy mệt mỏi.
6. Luôn cho đi mọi thứ
Bạn sẽ dễ dàng nhận biết một đặc điểm nổi bật ở người có lối sống vì người khác quá nhiều đó chính là họ luôn cho đu mọi thứ và không bao giờ tính toán thiệt hơn. Họ có suy nghĩ rằng, khi cho đi sẽ nhận lại những điều tốt đẹp hơn và họ luôn muốn nuôi dưỡng các mối quan hệ bằng việc hi sinh bản thân mình.
7. Người sống vì người khác quá nhiều sẽ luôn bận rộn
Nói như thế không phải tất cả những người luôn bận rộn đều là người sống vì người khác quá nhiều. Bạn hãy chú ý đến việc phân bố thời gian của bản thân, xem xét những việc mà bạn đã làm trong những lúc rảnh rỗi. Hãy tự trả lời câu hỏi “Bạn dành thời gian nghỉ ngơi để làm gì? Làm cho ai?”, “Lần cuối cùng bạn dành thời gian cho những sở thích cá nhân là khi nào?”.
Nếu như bạn dành hầu hết thời gian rảnh của mình để hoàn thành các yêu cầu của người khác và hiện tại bạn vẫn không thể nhớ rõ khoảnh khắc gần nhất mà bản thân được thư giãn với chính những điều mình mong muốn thì có lẽ bạn đã sống vì người khác quá nhiều. Bạn sẽ luôn có xu hướng cố gắng để đáp ứng tốt các nhu cầu của mọi người xung quanh, luôn dành thời gian của mình cho người khác.
8. Bạn không thích sự xung đột và tranh cãi
Sự xung đột, mâu thuẫn chính là điều mà người có lối sống vì người khác cảm thấy chán ghét nhất. Họ rất sợ những cơn thịnh nộ, tức giận của mọi người xung quanh. Và tất nhiên họ sẽ luôn tìm cách để giải quyết vấn đề một cách êm đẹp nhất, thậm chí là nghiêng theo mong muốn của người khác để có thể làm họ cảm thấy vui lòng.
Họ sẽ cố gắng tránh né những cuộc cãi vã, tranh luận hoặc những cơn giận dữ, bức bối của người khác. Để dập tắt sự tức giận của một ai đó, họ có thể lựa chọn cách xin lỗi và nhận lỗi về phía mình. Đôi lúc, họ còn có thể cảm thấy lo lắng và sợ xung đột ngay cả khi vấn đề đó không liên quan đến họ.
Sống vì người khác quá nhiều – Người thiệt thòi chính là bạn
Trong thực tế, việc bạn sống vì người khác không mang ý nghĩ tiêu cực hoàn toàn. Đôi khi bạn cũng cần phải học cách làm hài lòng người khác, quan tâm đến cảm xúc, suy nghĩ và hỗ trợ mọi người xung quanh để có thể xây dựng tốt có mối quan hệ. Ngoài ra, khi muốn nhận lại bất kì điều gì, trước tiên bạn cũng cần phải cho đi.
Tuy nhiên, bạn cũng cần phải biết cách cân chỉnh mọi thức để không làm tổn thương đến bản thân. Khi bạn sống vì người khác quá nhiều, đôi khi lại tự gánh lấy những nỗi ưu phiền cho mình. Nếu quá cố gắng để làm hài lòng người khác, lâu dần bạn sẽ dễ bị đánh mất đi giá trị của bản thân, quên đi những mong muốn của chính mình.
Không ít người có sự nhầm lẫn giữa lòng tốt và việc cố gắng làm hài lòng người khác. Bạn vẫn nên giúp đỡ, quan tâm và chia sẻ tình yêu thương với những người xung quanh. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải biết cách từ chối những sự nhờ vả không cần thiết, những việc mà bản thân không thích. Nếu cứ gượng ép bản thân làm thay công việc cho người khác, biến đổi mình theo ý muốn của mọi người xung quanh thì sẽ gây nên rất nhiều có ảnh hưởng. Cụ thể như sau:
1. Bạn sẽ dễ thất vọng khi sống vì người khác quá nhiều
Việc cố gắng làm mọi thứ để khiến người khác vui lòng thường sẽ nhằm mục đích mong người đó hiểu và trân trọng những điều mà họ đang nhận được. Trong thực tế, “lòng tốt” của bạn cũng sẽ được một vài người ghi nhận, họ có thể hiểu được tâm lý và tấm lòng của bạn và từ đó biết cách trân trọng, yêu quý bạn nhiều hơn.
Tuy nhiên, không phải ai khi nhận được sự đối đãi tử tế đều sẽ đáp trả lại bằng sự chân thành. Có không ít những người không đủ sự tinh tế và nhạy cảm để nhận biết được những việc mà bạn làm cho họ. Đôi khi, họ lại xem đó là những điều hiển nhiên mà họ có thể nhận được từ bạn, thậm chí còn lợi dụng nó để đạt được những mục đích riêng của mình.
Nếu cứ liên tục âm thầm hỗ trợ, giúp đỡ và cố gắng làm người khác vui nhưng họ hoàn toàn không nhận ra và không trân trọng điều đó thì sẽ khiến bạn càng trở nên thất vọng, buồn bực và tổn thương. Một số trường hợp có thể trở nên khó chịu, kích động và dễ cáu gắt với những ai không thực sự hiểu và coi trọng những điều họ đã làm.
2. Bạn không thỏa mãn với các mối quan hệ
Bất kì các mối quan hệ nào, từ gia đình, bạn bè cho đến tình cảm đều cần phải duy trì trên cơ sở “cho đi và nhận lại”. Mối quan hệ sẽ không còn tốt đẹp khi nó chỉ xuất phát từ một phía và chỉ duy nhất bạn là người chủ động, giúp đỡ. Bạn sẽ không thể thỏa mãn với các mối quan hệ mà họ chỉ cảm thấy quý mến bạn khi bạn luôn dành cho họ những điều tốt đẹp, luôn sẵn sàng có mặt khi họ cần sự hỗ trợ.
Bạn nên hiểu rằng, khi bạn đối xử tốt với những người xung quanh thì họ cũng cần phải làm điều tương tự với bạn thì mới có thể duy trì tốt một mối quan hệ bền chặt. Đặc biệt là trong tình yêu, nó hoàn toàn không phải là một loại hàng hóa để trao đổi, vì thế bạn không thể nào hi sinh quyền lợi của bản thân để đổi lại sự yêu thương của người đó.
Nếu cứ mãi sống vì người khác quá nhiều bạn sẽ dần trở thành con rối trong tất cả các mối quan hệ. Bạn vẫn có thể tồn tại trong hầu hết các mối quan hệ bạn bè, gia đình, đồng nghiệp nhưng nó chỉ là những lớp vỏ bọc được xây dựng trên sự hi sinh, hạ thấp nhu cầu của bản thân. Lâu dần bạn sẽ trở thành một người vô hình trong chính mối quan hệ của mình, bạn cảm thấy không thoải mái hoặc thậm chí là quá ngột ngạt khi phải gồng mình duy trì mối quan hệ này.
3. Sống vì người khác quá nhiều rất dễ bị lợi dụng
Hậu quả thường thấy nhiều nhất khi chúng ta sống vì người khác quá nhiều đó chính là dễ trở thành đối tượng để người khác lợi dụng nhằm phục vụ cho các nhu cầu của họ. Khi họ liên tục nhận được sự giúp đỡ của bạn, đôi lúc họ lại không nhận ra được lòng tốt từ bạn mà lại cho rằng đó là những gì mà bạn nên làm.
Lâu dần họ sẽ quen với việc “sai khiến” bạn làm mọi thứ mà họ mong muốn và họ biết chắc bạn sẽ không thể từ chối các yêu cầu của họ. Và chính vì muốn họ trở nên vui vẻ, hạnh phúc hơn nên bạn sẽ dễ dàng chấp nhận với thứ mà họ đưa ra. Tuy nhiên, đối với những người có lòng tham, có dã tâm thì hệ lụy mà bạn phải nhận lấy vô cùng nghiêm trọng. Bởi họ có thể ép buộc bạn làm những việc mà bản thân bạn không hề thích hoặc thậm chí là những việc sai trái gây tổn hại về cả vật chất lẫn tinh thần.
4. Khiến bạn căng thẳng, mệt mỏi và kiệt sức
Tác động nặng nề nhất khi bạn liên tục sống vì người khác đó chính là khiến cho bạn luôn ở trong trạng thái căng thẳng kéo dài, lâu dần dễ đến suy kiệt, mệt mỏi, chán chường. Tình trạng này thường sẽ xuất hiện ở những mối quan hệ “độc hại”. Có nghĩa là bạn phải liên tục thực hiện những việc mà bạn thân không muốn hoặc không phù hợp với khả năng, bạn phải dành hầu hết thời gian của mình để “phục vụ” nhu cầu của người khác.
Khi phải liên tục nỗ lực để làm hài lòng những người xung quanh, bạn sẽ không có được thời gian để dành cho bản thân hoặc thậm chí là không thể làm được những gì mình yêu thích, cuộc sống của bạn chỉ xoay quanh những nhu cầu của người khác. Điều này khiến bạn dần cảm thấy chán chường và mệt mỏi về cả thể chất lẫn tinh thần.
5. Bạn có thể làm cho những người xung quanh thất vọng về bạn
Những người có lối sống vì người khác quá nhiều sẽ dần hình thành thói quen đồng ý với tất cả mọi yêu cầu xung quanh, họ luôn xin lỗi trước mọi vấn đề xảy ra và sẵn sàng giúp đỡ người khác một cách hăng hái. Những người xung quanh hoàn toàn có thể nhìn thấy được những biểu hiện này ở bạn. Họ có thể cảm kích vì sự giúp đỡ và nhiệt tình đó nhưng cũng có thể cảm thấy chán ngán với những hành động thái quá của bạn.
Bạn nên hiểu rằng, bất cứ cái gì “nhiều quá” cũng không tốt, ngay cả lòng tốt và sự giúp đỡ. Đôi khi những hành động giúp sức của bạn sẽ phản tác dụng và nó trở thành những thứ khiến người khác thất vọng. Việc bạn liên tục nhiệt tình làm thay công việc cho người khác cũng có thể là một sự cản trở đối với quá trình trải nghiệm của họ đối với những điều mới mẻ.
Ngoài ra, việc bạn chấp nhận hỗ trợ những việc làm ngoài khả năng đôi khi lại là một điều tồi tệ. Khi bạn nhận giúp đỡ một công việc gì đó nhưng lại không thể hoàn thành nó một cách tốt nhất thì có thể khiến cho mọi người xung quanh cảm thấy thất vọng, cho rằng bạn không hết mình với họ.
Làm thế nào để thay đổi cách sống vì người khác quá nhiều?
Trong cuộc sống, ch đi chưa hẳn sẽ nhận lại những điều mà chúng ta mong muốn. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bạn chỉ biết sống cho riêng bản thân mình mà cần biết cách yêu thương, trân quý những người thực sự tốt với bạn. Hãy dành thời gian cho những người xứng đáng, làm những điều mà bản thân thực sự cảm thấy thoải mái, học cách yêu quý và trân trọng bản thân nhiều hơn nữa.
Sống vì người khác không xấu nhưng nếu sống vì người khác quá nhiều thì người tổn thương, mất mát nhiều nhất là chính bạn. Do đó, nếu muốn dừng lối sống này lại thì bạn nên thử áp dụng ngay các biện pháp sau đây:
1. Chỉ giúp đỡ khi bản thân thực sự mong muốn
Việc bạn biết cho đi, biết giúp đỡ và sẵn lòng san sẻ với những người xung quanh là một điều tốt và nên phát huy. Tuy nhiên, để tránh việc hi sinh bản thân quá nhiều thì bạn cũng cần phải biết cân nhắc đâu là việc nên làm và đâu là việc không nên. Tốt nhất là bạn chỉ nên đối xử tốt với người khác khi bản thân thực sự mong muốn làm điều đó và bạn có khả năng, thời gian để thực hiện chúng.
Trước khi đồng ý giúp đỡ hoặc đề nghị hỗ trợ cho bất kì ai, bạn cũng cần phải xem xét thật kỹ về điều kiện hiện tại của bạn. Hãy thử trả lời các câu hỏi “Bạn có mong muốn làm việc đó không?”, “Bạn có đủ thời gian để hỗ trợ họ?”, “Bạn có khả năng trong lĩnh vực đó?”, “Bạn có cảm thấy vui và thoải mái khi giúp đỡ người ấy?”, “Mục đích khi bạn giúp đỡ họ là gì?”.
Bạn chỉ nên giúp đỡ người khác khi bạn cảm thấy thoải mái và vui vẻ với điều đó. Đồng thời, sự giúp đỡ của bạn đừng nên xuất phát từ bất kì lợi ích nào. Nếu bạn hỗ trợ họ chỉ vì muốn nhận được sự công nhận, đánh giá và đền đáp thì tốt nhất bạn đừng nên làm điều đó.
2. Học cách yêu và trân trọng bản thân hơn
Nếu ngay cả bản thân bạn cũng không biết cách yêu thương chính mình thì bạn cũng đừng hi vọng nhận được sự yêu mến và quý trọng từ người khác. Khi bạn không chăm sóc tốt cho bản thân thì bạn cũng chẳng thể nào giúp đỡ và lo lắng tốt cho những người bên cạnh mình. Ngược lại, khi bạn cố gắng để làm hài lòng người khác trong khi bản thân bạn vẫn chưa thực sự hài lòng với chính mình thì đổi lại bạn chỉ nhận về những sự cười nhạo, chê trách.
Việc bạn cố gắng cho đi nhiều hơn sẽ mang đến cho bạn những lợi ích nhất định. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đó chính là bạn cần biết đâu là mong muốn và nhu cầu của bản thân. Luôn đặt mình ở vị trí ưu tiên không phải là một sự ích kỷ mà đó mới thực sự là lối sống lành mạnh mà ai cũng cần hướng đến.
Cuộc sống của bạn do chính bạn quyết định và lựa chọn. Chính vì thế, nếu cứ mãi suy nghĩ đến những quyền lợi và mong muốn của những người xung quanh sẽ khiến bạn càng bị thụt lùi lại phía sau. Để có thể thay đổi, bạn cần phải dành thời gian cho mình nhiều hơn, chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất của bản thân mình.
Có rất nhiều cách để bạn nâng cao giá trị và yêu thương bản thân nhiều hơn. Chẳng hạn như hãy thoải mái bộc lộ cảm xúc của chính mình, nói lên những mong muốn của bản thân và làm những điều mà mình yêu thích. Đầu tư nhiều hơn cho vẻ bề ngoài, chăm sóc nhan sắc cũng là một cách trân trọng bản thân mình.
3. Tự đặt ra ranh giới cho bản thân
Để ngừng việc sống vì người khác quá nhiều thì bạn nên tự biết cách đặt ra ranh giới nhất định cho bản thân. Bạn cần phân định rõ ràng giữa những việc mà mình nên giúp đỡ và những việc cần phải từ chối. Khi một ai đó nhờ đến sự giúp sức của bạn thì bạn hãy cân nhắc qua các yếu tố như, bạn nhận xét thế nào về công việc đó, bạn có thực sự quan tâm đến nó không, bạn có sắp xếp thời gian để giúp đỡ họ, bạn thực sự thoải mái và vui vẻ khi giúp họ.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần phải biết cách chắt lọc những thông tin phù hợp với bản thân mình, đừng nên cố gắng thay đổi chỉ vì người khác không hài lòng với bạn của hiện tại. Đôi khi những lời góp ý của những người xung quanh sẽ giúp bạn trở nên tốt hơn, nhưng đôi lúc lại không. Chính vì thế, bạn vẫn nên thay đổi chính mình theo hướng tích cực hơn, tuy nhiên cần phải đặt ra giới hạn để không làm mất đi bản chất riêng của mình.
4. Đừng chủ động giúp đỡ
Nếu muốn loại bỏ nhanh chóng lối sống vì người khác quá nhiều thì cách tốt nhất là bạn đừng nên chủ động đề nghị giúp đỡ khi họ chưa lên tiếng nhờ vã. Thông thường những người có lối sống này luôn quá nhiệt tình trong việc gợi ý trợ giúp trong khi người khác chưa chắc đã nhờ đến. Bạn sẽ luôn sẵn sàng làm thêm “việc ngoài giờ” mà không một chút than phiền.
Tuy nhiên, để không muốn tự làm tổn thương bản thân, bạn hãy thử im lặng cho đến khi ai đó nhờ đến sự giúp đỡ từ bạn. Chẳng hạn như một người nào đó đang than phiền với bạn vì họ phải đối mặt với quá nhiều công việc. Lúc này, bạn chỉ nên lắng nghe và thể hiện sự đồng cảm với họ. Đừng quá nhiệt tình để đưa ra giải pháp hay sự giúp đỡ, bởi đôi khi họ chỉ cần ở bạn sự thấu hiểu.
5. Tìm gặp chuyên gia tâm lý
Lối sống vì người khác quá nhiều có thể đã trở thành một thói quen khó loại bỏ đối với nhiều người. Không phải lúc nào bạn cũng có khả năng để thay đổi nó, nhất là trong trường hợp nó hình thành từ khi còn bé hoặc là kết quả đến từ những tổn thương tâm lý nặng nề đã từng xảy ra trong quá khứ. Lúc này, bạn cần gặp gỡ và nhờ đến sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý để gỡ rối những vướng mắc trong lòng.
Chuyên gia tâm lý sẽ biết cách để có thể đào sâu vào trong tâm trí của bạn, giúp bạn khám phá được nhiều điều mới mẻ và thú vị của bản thân. Đồng thời, họ cũng sẽ khai thác được nguyên nhân sâu xa khiến bạn liên tục có ý định muốn làm hài lòng người khác. Nhờ đó sẽ tìm ra giải pháp thích hợp để điều chỉnh lối sống này.
Thông thường, đối với những người có lối sống sai lệch thì sẽ được ưu tiên áp dụng liệu pháp nhận thức và hành vi để có thể giúp họ điều chỉnh tốt suy nghĩ, cảm xúc, hành động của của mình. Bên cạnh đó, chuyên gia tâm lý/ nhà trị liệu cũng sẽ hỗ trợ bạn thêm những kỹ năng cần thiết như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nói lời từ chối, ứng phó với những tình huống khó khăn.
Hi vọng những thông tin trên đây sẽ giúp bạn có cái nhìn khác hơn về lối sống vì người khác quá nhiều và điều chỉnh lại một cách phù hợp. Sống vì mọi người xung quanh là một điều tốt, tuy nhiên bạn cần phải cân bằng tốt mọi thứ để tránh gây tổn thương cho bản thân hoặc cả những người bên cạnh.
Tham khảo thêm:
- 8 Cách kiềm chế cảm xúc hay giúp làm chủ chính mình
- 9 Cách giúp bạn chuyển suy nghĩ tiêu cực thành tích cực
- Người nhạy cảm là thế nào? 10 biểu hiện dễ nhận thấy ở họ