ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Ảnh minh họa. Nguồn: tuyengiao.vn
Bài viết của đồng chí Tổng Bí thư sau khi được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng đã nhận được rất nhiền phản hồi mang tính tích cực, sự đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao của dư luận xã hội; đặc biệt là của các học giả, các nhà nghiên cứu lý luận ở trong và ngoài nước, bởi đây là một công trình nghiên cứu rất sâu sắc về chủ nghĩa xã hội, có giá trị về cả phương diện lý luận và chỉ đạo thực tiễn.
ÔngDenis Rondepierre, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Pháp (PCF) nhận định bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bao hàm những giá trị xuyên suốt của tư tưởng Hồ Chí Minh(1). Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư đã nói rõ rằng việc lựa chọn các mô hình phát triển phải đảm bảo lợi ích cho tất cả mọi người, giải phóng xã hội và con người, theo đó xã hội cần phát triển để phục vụ con người, chứ không phải là một xã hội chỉ theo đuổi lợi nhuận và bóc lột, làm phương hại đến phẩm giá con người(2). Do đó, trong công cuộc đổi mới đất nước,việc xây dựng, đào tạo thế hệ trẻ là việc quan trọng, cấp bách, đòi hỏi một kế hoạch kỹ lưỡng, chiến lược bền bỉ và mang tính lâu dài, bền vững bởi vì đó là nhiệm vụ đào tạo thế hệ cách mạng kế cận, góp phần tạo nên con người mới xã hội chủ nghĩa. Trên nền tảng bài nghiên cứu của Tổng Bí thư, trong bài viết này, tôi xin phép được nêu những nhận thức và quan điểm của mìnhvề tính cấp thiết, vai trò, nhu cầu, và giải pháp của việc đào tạo thế hệ trẻ – những con người mới xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
1. Vai trò của con người mới xã hội chủ nghĩa trong công cuộc xây dựng đất nước
Chúng ta biết rằng, có một nội dung bao chứa rộng lớn cả về lý luận và thực tiễn nằm xây dựng chế độ mới và giải phóng con người, vì con người ở trong kho tàng lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”(3). Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, ngay từ khi ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh Cách mạng, minh triết đó không chỉ đã trở thànhphương châm hành động mà còn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Trong công trình nghiên cứu của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh:“Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; phát triển giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí để phát triển bền vững; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội, thực hiện bình đẳng giới là tiêu chí của tiến bộ, văn minh”(4). Do đó, chúng ta thấy rằng, muốn xây dựng một xã hội đương đại thì yếu tố con người luôn luôn đóng vai trò then chốt bởi vì những con người tiêu biểu đại diện cho sự phát triển xã hội của nó. Lịch sử thường gọi nó là “thời đại” và “con người của thời đại”.
Kể từ khi mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ thì vấn đề tiến lên xã hội chủ nghĩa lại trở thành tâm điểm của nhiều cuộc bàn luận, thảo luận. Rất nhiều ý kiến tranh luận, thậm chí tranh cãi gay gắt được đưa ra. Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, cực đoan đã thừa cơ xuyên tạc, công kích, bội nhọ, bài trừ, chống phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước ta. Mặc dù lịch sử đã chứng minh rằng: việc lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là đúng đắn, do nhân dân Việt Nam lựa chọn, nhưng vẫn còn có một bộ phận còn có “tư tưởng xét lại”, nghi ngờ thành quả của Cách mạng Việt Nam. Thực tế chứng minh rằng, tư bản chủ nghĩa tuy có đạt được rất nhiều thành tựu lớn nhưng cũng có rất nhiều thiếu sót, đặc biệt về sự phân hóa giàu/nghèo, các cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị và cả khủng hoảng y tế dưới tác động của những điễn biến phức tạp trong các đợt bùng phát đại dịch Covid-19. Theo học thuyết Marx-Lenin thì chủ nghĩa xã hội là xã hội tốt đẹp, nằm ở nấc thang phát triển cao hơn chủ nghĩa tư bản. Vì vậy, việc định hướng và xác định con đường đi lên xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là cần thiếtvà chúng ta cần phải kiên định với con đường đã chọn. Do đó, con người mới xã hội chủ nghĩa phải là con người được đào tạo bài bản, sống có lý tưởng Cách mạng, tư tưởng chính trị, lập trường vững vàng, sẵn sàng chung tay, vững bước cùng xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh.
Lãnh thổ đất liền của đất nước chúng ta trải dài trên khoảng 15 vĩ độ, trên đó có 54 dân tộc anh em cùng chung sống. Quy mô dân số nước ta là hơn 97 triệu dân(5). Theo UNFPA, Việt Nam chúng ta hưởng thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” và sẽ kết thúc vào năm 2040(6). Mặt khác, cùng với cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, không chỉ Việt Nam chúng ta mà tất cả các nước trên thế giới cùng đang vận động và thay đổi từng ngày. Với thời kỳ cơ cấu dân số vàng, không khó có thể nhận ra rằng Việt Nam đang đứng trước một cơ hội chưa từng có để có thể thực hiện những bước chuyển mình nhanh chóng về các mặt: kinh tế – xã hội, khoa học – công nghệ, giáo dục,… Do đó, chúng ta phải tận dụng thời cơ này một cách triệt để để thu hẹp lại khoảng cách với các cường quốc trên thế giới.
Trong giai đoạn từ nay đến khi kết thúc thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, đất nước chúng ta sẽ hướng tới những ngày lễ kỷ niệm lớn như 100 năm ngày thành lập Đảng vào năm 2030, xa hơn nữa là 100 ngày thành lập nước vào năm 2045.Vì vậy, để công cuộc đổi mới, con đường lên xã hội chủ nghĩa Việt Nam đạt được những thành quả như kỳ vọng, nói cách khác, tất cả những tiềm năng đang có của đất nước ta có phát huy và tỏa sáng rực rỡ được hay không thì công tác chú trọng tới thế hệ trẻ phải được chuẩn bị ngay từ bây giờ.
Đứng trước“giai đoạn vàng” này, chúng ta đã có đầy đủ trong tay tất cả về mặt thời điểm cũng như cơ hội, nhưng yếu tố con người luôn đóng vai trò quan trọng nhất. Như lời Bác Hồ kính yêu đã căn dặn:“Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, nếu không có sự đào tạo, chuẩn bị thì chúng ta sẽ mất đi một lực lượng kế cận, một nguồn chất xám cần thiết để xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt, trong cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư hiện nay, tất cả mọi thứ đều phát triển và thay đổi rất nhanh và đòi hỏi chúng ta phải thích ứng kịp thời với thời đại. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải thừa nhận một thực tế rằng thời gian không trừ một ai và trong tương lai ngắn, thế hệ trẻ – những con người mới xã hội chủ nghĩa này sẽ trực tiếp nắm trong tay vận mệnh đất nước, cùng nhau chèo lái con thuyền Việt Nam vượt qua khó khăn, sóng gió, vững bước trên con đường chủ nghĩa xã hội đã được lựa chọn. Vậy nên, cần khẳng định rằng công tác xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa hiện nay nắm vai trò cực kỳ quan trọng, bởi vì những hạt giống tốt thôi chưa đủ, chúng cần phải được ươm mầm, vun vén và chăm sóc kỹ càng thì mới có thể phát triển tốt, đủ sức chống chọi với những mầm bệnh.
2. Thực trạng xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước – từ góc nhìn đào tạo thế hệ trẻ
Như đã phân tích ở trên, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa phải dựa trên nền tảng là đào tạo ra một lớp thế hệ trẻ kế cận được trang bị một cách toàn diện. Đây cũng mục tiêu giáo dục con người không chỉ ở Việt Nam mà còn là ở tất cả các nước trên toàn thế giới. Việc phát triển con người một cách toàn diện thực chất là xây dựng con người mới có đủ năng lực làm chủ bản thân và xã hội. Tư tưởng coi trọng nhân tố con người này của Đảng ta đã được cụ thể hóa trong các văn kiện, có thể ví dụ như:
– Nghị quyết 33 (Số 33-NQ/TW) về Định hướng xây dựng và phát triển văn hóa, con người đã xác định rõ mục tiêu là “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”.
– Vấn đề “phát triển con người toàn diện” trong các văn kiện của Đại hội XII được Đảng ta xác định là một trong những nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm 2016-2020,đó là xây dựng “con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”.
– Trong văn kiện của Đại hội XIII của Đảng, khi đề cập đến quan điểm về văn hóa, Đảng ta luôn nhấn mạnh việc phát huy vai trò con người, xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.
Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư cũng đã khẳng định: con người là một khối tổng hòa của các yếu tố tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ và con người mới xã hội chủ nghĩa phải được trang bị đầy đủ các yếu tố đó. Nếu thiếu đi một yếu tố nào đó thì vấn đề phát triển toàn diện sẽ không còn được đảm bảo. Những yếu tố trên sẽ được phân tích dưới đây:
Một là, yếu tố tri thức đóng vai trò quan trọng bởi tri thức là sức mạnh. Việc tiếp thu, lĩnh hội các văn minh, tiến bộ của nhân loại là điều cần thiết bởi đó là hành trang cho con người mới xã hội chủ nghĩa có tri thức, khoa học, công nghệ tự tin sánh đưa đất nước ngang các nước phát triển. Nói cách khác, tri thức là chìa khóa giúp con người bước ra thế giới bên ngoài. Như nhà vật lý thiên tài Albert Einstein đã nói:“Khi chúng ta hiểu biết càng nhiều thì cái tôi cá nhân càng bé lại”, khi đó mong muốn tiếp thu tri thức của con người mới xã hội chủ nghĩa sẽ ngày càng mạnh và những tri thức đó sẽ được vận dụng để đóng góp không chỉ để xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa mà còn cho cả cộng đồng nhân loại thế giới. Hơn nữa, trí lực có tốt thì con người mới đủ tỉnh táo để chống lại mọi thông tin giả, không đúng sự thật và phản bác lại được những luận điệu sai trái, thù địch.
Hai là, Bác Hồ đã nói:“Có tài mà không có đức là người vô dụng”. Bác căn dặn muốn trở thành người giúp ích cho xã hôi, đất nước thì phải có đạo đức tốt. Trong cuộc sống, chúng ta đã thấy có những cá nhân biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa; có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho cộng đồng, xã hội, bức xúc trong dư luận, làm giảm lòng tin của nhân dân vào quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.Vì vậy, người có tài mà không có đức, không đặt lợi ích quốc gia dân tộc trên lợi ích cá nhân sẽ là nguy cơ gây ra những hậu quả khôn lường, nghiêm trọng; không chỉ cho bản thân mà còn cho cả cộng đồng.
Ba là, thể lực tốt và lối sống lành mạnh sẽ giúp cho con người mới xã hội chủ nghĩa có đủ tỉnh táo để chống lại mọi cám dỗ của cuộc sống, tránh xa các tệ nạn xã hội. Rèn luyện thể lực là không ngừng chú trọng tập luyện, nâng cao thể chất, vóc dáng, sức mạnh của con người. Mọi người lao động dù ở bất kỳ ngành nghề nào đều cần có sức vóc thể chất tốt để duy trì và phát triển trí tuệ, để chuyển tải tri thức vào hoạt động thực tiễn, biến tri thức thành sức mạnh vật chất. Hơn nữa, cần phải có sự dẻo dai của hoạt động thần kinh, niềm tin và ý chí, khả năng vận động của trí lực trong những điều kiện khác nhau và trong những thử thách hết sức khó khăn và khắc nghiệt. Vậy, muốn có thể lực tốt thì ngoài việc rèn luyện thể thao thường xuyên, cũng cần có một chế độ sống, lối sống hợp lý, tránh xa các chất kích thích gây tổn hại cho cơ thể và hệ thần kinh.
Bốn là, tính thẩm mỹ cao mang lại cái đẹp cho con người, mang lại nhiều vẻ đẹp cho xã hội. Tính thẩm mỹ ở đây không đơn thuần là vẻ đẹp bên ngoai mà còn là tính nhân văn, nhân đạo của con người. Vẻ đẹp trong cuộc sống luôn có muôn sắc thái khác nhau và được thể hiện ra trong từng hành động, từng lời nói, từng cử chỉ của con người trong các mối quan hệ, giao tiếp xã hội. Như lúc sinh thời, Bác Hồ cũng đã dặn dò:“Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Để xã hội tốt hơn, chất lượng cuộc sống cao hơn thì thẩm mỹ của con người cũng cần chú trọng.
Xét tới hiện nay thì công cuộc đào tạo thế hệ trẻ – những con người mới xã hội chủ nghĩa ở đất nước ta đã có thành quả đáng khích lệ. Tuy chưa có điều kiện để đảm bảo giáo dục miễn phí cho tất cả các cấp học nhưng Việt Nam tập trung hoàn thành xóa nạn mù chữ, phổ cập giáo dục và có tới 95% người lớn biết đọc, biết viết(7). Số sinh viên học cao đẳng, đại học và sau đại học tăng lên hằng năm với chất lượng ngày càng được cải thiện. Cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo ngày càng được mở rộng, nâng cấp và cải thiện. Các chương trình hợp tác quốc tế mở ra tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên dễ dàng tiếp cận được với tri thức nước ngoài. Đội ngũ giảng viên được đào tạo bài bản ở trong và ngoài nước, nắm chắc chuyên môn, có những phương pháp đào tạo khoa học đã cải thiện đáng kể chất lượng sinh viên Việt Nam, rất nhiều sinh viên Việt Nam đi du học và tỏa sáng rực rỡ trên đất bạn. Về mặt thể chất thì sức vóc người Việt có sự cải thiện đáng kể. Chúng ta dần có nhiều những thành tích cao trên đầu trường thể thao quốc tế. Điều đó cho thấy rằng công cuộc giáo dục con người đã được Đảng và nhà nước ta rất quan tâm và chú trọng. Tuy nhiên, bên cạnh đó chúng ta cũng còn có nhiều điểm cần cải thiện, đặc biệt vấn đề phân hóa, chênh lệch trình độ giữa các vùng miền trên Tổ quốc bởi với hơn 60% dân số sống nước ta ở nông thôn(8). Tóm lại, nhìn chung tất cả những gì chúng ta đã, đang có là cơ sở tiền đề tốt, vững chắc để có thể đáp ứng được công cuộc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa.
3. Giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo thế hệ trẻ góp phần hình thành con người mới xã hội chủ nghĩa
Trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư hiện nay, Việt Nam không thể là một đất nước đứng ngoài cuộc. Việc ứng dụng các giải pháp công nghệ cao hiện nay vào cuộc sống đã giải phóng sức lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm thời gian cũng như tiền bạc. Sự tiến bộ của khoa học công nghệ đã len lỏi vào mọi góc cạnh của cuộc sống khiến chất lượng cuộc sống được cải thiện đáng kể. Người dân được tiếp cận nhanh, dễ dàng với những gì mình muốn, vì vậy chúng ta cần tiếp tục phát huy những gì đang có và đổi mới, sáng tạo vì cuộc sống chất lượng hơn.
Bên cạnh đó, những nghiên cứu mang tính ứng dụng nên được đầu tư mạnh mẽ. Mô hình nghiên cứu 5 nhà bao gồm : nhà trường – nhà khoa học – nhà đầu tư – nhà kinh doanh – nhà nước sẽ góp phần đẩy mạnh sự phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở đất nước ta. Mô hình liên kết này đã được trình bày và giới thiệu ở Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 3 năm 2020 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.
Bài toán nguồn lực cũng là bài toán hóc búa bởi lực lượng trí thức trẻ – những con người mới xã hội chủ nghĩa sẽ là nhân tố quan trọng trong việc vận dụng và thực hiện các hoạt động đưa Việt Nam vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa. Phát triển nguồn lực chất lượng và lâu dài là điều kiện cần thiết bởi nội lực có mạnh thì đất nước mới phát triển mạnh. Các quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Israel,… trở nên giàu có nhờ họ đã xây dựng được lực lượng thế hệ trẻ chất lượng.
Ngoài nguồn nhân lực trong nước thì những người Việt Nam ở nước ngoài (lực lượng kiều bào) cũng là nguồn lực không thể bỏ qua. Người Việt Nam sống ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc, rất nhiều nhà khoa học, học giả, nhà kinh doanh,… người Việt trên thế giới luôn sẵn sàng góp công sức, ý kiến của mình vào công cuộc xây dựng đất nước. Họ cũng truyền cho thế hệ người Việt sau khi sinh ra ở nước ngoài tinh thần hướng về nguồn cội cha ông. Vì vậy, đất nước ta phát triển được sẽ có phần không nhỏ từ khối đại đoàn kết dân tộc và lực lượng này cũng sẽ góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra ngoài thế giới.
Cuối cùng là nên tạo cơ hội để các bạn trẻ có chuyên môn, có năng lực được cống hiến, dấn thân, đảm nhận công việc và có môi trường để phát triển toàn diện. Việc này sẽ giải quyết đồng thời hai vấn đề: kế thừa và phát huy. Thế hệ trẻ Việt Nam sẽ kế thừa những thành quả, lĩnh hội những kinh nghiệm, bài học quý báu do thế hệ trước truyền lại. Cùng với đó, những năng lực của bản thân, tri thức cũng như đạo đức đã được trau dồi, những người trẻ sẽ phát huy được những tiềm năng của bản thân và sẵn sàng đảm nhiệm vai trò làm chủ đất nước, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, dân tộc Việt Nam quyết tâm hiện thực hóa khát vọng xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Dựa vào những phân tích trên, mục tiêu chúng ta phấn đấu là xây dựng được một thế hệ thanh niên Việt Nam sống có tri thức, có đạo đức phẩm chất tốt đẹp, lối sống văn minh, lành mạnh, vóc dáng đẹp và có nét đẹp về tâm hồn, sống nhân văn. Đó cũng là động lực để chúng ta hiện thực hóa mục tiêu này bởi vì tương lai của đất nước chính là tương lai của mỗi con người chúng ta, và công việc này cần sự chung tay, đoan kết của tất cả mọi người chứ không phải riêng mình ai. Vì vậy, có thể nói rằng việc xây dựng một đội ngũ con người mới xã hội chủ nghĩa vừa hồng, vừa chuyên là mục tiêu, cũng là động lực trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam./.
Nguồn tham khảo
(1) Thông tấn xã Việt Nam, Nguồn tin:https://www.vnanet.vn/ (Phỏng vấn ông Denis Rondepierre, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng cộng sản Pháp) – 08/2021
(2) (4) (7) GS. TS. Nguyễn Phú Trọng, Nguồn tin: https://www.moha.gov.vn/ (Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về con đường đi lên CNXH) – Truy cập tháng 08/2021
(3), Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự Thật, xuất bản lần thứ 3, H, 2011, t.13, tr. 66.
(5) (8)Tổng cục thống kê, Nguồn tin: https://www.gso.gov.vn/ (Dân số, lao động và việc làm 2020), Truy cập tháng 08/2021
(6) Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Viện Nghiên cứu Chiến lược phát triển Việt Nam 2016, Nguồn tin: https://vietnam.unfpa.org/ (Tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số đến nền kinh tế Việt Nam và đề xuất chính sách), Truy cập tháng 08/2021.