Tóm lược chủ nghĩa Lãng mạn (Khoảng 1780 – 1830)
Cùng là một trong ba trào lưu cuối cùng của Cổ điển và những chiếc cầu nối sang chủ nghĩa Hiện đại, nhưng chủ nghĩa Lãng mạn gần như là một phản đề của Tân Cổ điển. Chí ít, Lãng mạn đã phản ứng một cách phản đối với chủ nghĩa học viện và cách tiếp cận nặng lý trí, logic, quy tắc, và đạo đức của Tân Cổ điển.
Lãng mạn đánh dấu bước đầu tiên cho người nghệ sĩ mang dấu ấn cá nhân, đặc biệt là dấu ấn cảm nhận và cảm xúc, vào trong thể hiện nghệ thuật. Do vậy, Lãng mạn trải dài trên nhiều hình thức nghệ thuật: văn chương, thơ ca, âm nhạc, nghệ thuật thị giác…
Vào cuối thế kỷ 18 và sang cả thế kỷ 19, chủ nghĩa Lãng mạn nhanh chóng lan rộng khắp châu Âu và Hoa Kỳ để thách thức lý tưởng duy lý được giữ chặt chẽ trong thời kỳ Khai sáng. Các nghệ sĩ nhấn mạnh rằng cảm nhận và cảm xúc – không chỉ đơn giản là lý trí và trật tự – là những phương tiện không kém phần quan trọng để hiểu và trải nghiệm thế giới.
Chủ nghĩa Lãng mạn tôn vinh trí tưởng tượng và trực giác của cá nhân trong hành trình dài kiếm tìm các quyền và tự do cá nhân. Những lý tưởng của nó về sức mạnh sáng tạo và chủ quan của nghệ sĩ đã thúc đẩy các phong trào tiên phong vào thế kỷ 20. Những người theo chủ nghĩa Lãng mạn đã tìm thấy tiếng nói của họ trên tất cả các thể loại, bao gồm văn học, âm nhạc, nghệ thuật, và kiến trúc.
Phong trào quốc tế sâu rộng này phản ứng chống lại phong cách Tân Cổ điển vốn được hầu hết các học viện của các quốc gia ưa thích. Nó coi trọng tính độc đáo, niềm cảm hứng, và trí tưởng tượng, do đó thúc đẩy nhiều phong cách khác nhau nằm trong phong trào. Ngoài ra, trong nỗ lực ngăn chặn làn sóng công nghiệp hóa ngày càng tăng, nhiều người theo chủ nghĩa Lãng mạn đã nhấn mạnh mối liên hệ của cá nhân với thiên nhiên và một quá khứ được lý tưởng hóa.
- Một phần được thúc đẩy bởi chủ nghĩa lý tưởng của Cách mạng Pháp, chủ nghĩa Lãng mạn tiếp nhận sự tranh đấu giành lấy tự do và bình đẳng và thúc đẩy công lý. Các họa sĩ bắt đầu sử dụng những sự kiện hiện thời và sự tàn bạo để phơi bày những bất công trong những tác phẩm kịch tính, cạnh tranh với các tranh lịch sử nghiêm trang hơn của Tân cổ điển vẫn được sự chấp nhận của học viện hàn lâm các nước.
- Chủ nghĩa Lãng mạn coi trọng tính cá nhân và tính chủ quan để chống lại sự nhấn mạnh quá mức vào suy nghĩ logic. Các nghệ sĩ bắt đầu khám phá nhiều trạng thái cảm xúc và tâm lý cũng như tâm trạng. Mối bận tâm về người anh hùng và thiên tài đã chuyển sang những quan điểm mới về nghệ sĩ như một nhà sáng tạo lỗi lạc, người không bị đè nặng bởi những thị hiếu và nguyên tắc hàn lâm bắt buộc. Như nhà thơ người Pháp Charles Baudelaire đã mô tả, “Chủ nghĩa Lãng mạn chính xác không nằm ở sự lựa chọn chủ đề hay sự thật chính xác, mà nằm ở một cách để cảm nhận.”
- Ở nhiều các quốc gia, các họa sĩ Lãng mạn xoay chuyển sự chú ý đến với thiên nhiên và tranh vẽ ngoài trời (à plein air). Việc thực hiện tác phẩm dựa trên những quan sát kỹ phong cảnh cũng như bầu trời và bầu không khí đã nâng tranh phong cảnh lên một nấc thang mới đáng tôn trọng hơn. Trong khi một số nghệ sĩ nhấn mạnh con người là một và là một phần của tự nhiên, một số nghệ sĩ khác lại miêu tả sức mạnh và sự khó đoán của thiên nhiên, gợi lên một cảm giác về cái tuyệt luân – kinh ngạc xen lẫn kinh hãi – nơi người xem.
- Chủ nghĩa Lãng mạn gắn bó chặt chẽ với sự xuất hiện của chủ nghĩa dân tộc mới được tìm thấy ở nhiều quốc gia sau Cách mạnh Mỹ. Nhấn mạnh vào văn hóa dân gian, truyền thống, và phong cảnh, những người theo chủ nghĩa Lãng mạn cung cấp hình ảnh trực quan thúc đẩy danh tính và tự tôn dân tộc. Các họa sĩ Lãng mạn kết hợp cái lý tưởng với cái cụ thể, thấm nhuần các tác phẩm của họ với lời kêu gọi đổi mới tinh thần sẽ mở ra một thời đại mới của tự do nội tại và quyền tự do trong xã hội chưa từng thấy trước đấy.
Khi mới bốn tuổi, William Blake đã nhìn có linh kiến về “Thiên chủ khóc Thánh thay Thánh tay Thánh thay là Đức Chúa trời Toàn năng!” Sau đó, được thể hiện trong thơ ca và nghệ thuật thị giác của ông, những linh kiến mang tính tiên tri và niềm tin vào cái “thế giới thật và vĩnh hằng” của trí tưởng tượng dẫn đến việc người nghệ sĩ vô danh được thừa nhận như là “cha đẻ của chủ nghĩa Lãng mạn”.
Những sự khởi đầu của chủ nghĩa Lãng mạn
Thuật ngữ chủ nghĩa Lãng mạn lần đầu được sử dụng ở Đức vào cuối những năm 1700 khi các nhà phê bình August và Friedrich Schlegel viết về romantische Poesie (“thơ lãng mạn”). Madame de Staël – một nhà lãnh đạo có ảnh hưởng tới đời sống tri thức của Pháp, đã phổ biến thuật ngữ này ở Pháp sau khi xuất bản tác phẩm về những chuyến du hành Đức của bà vào năm 1813.
Vào năm 1815, nhà thơ người Anh William Wordsworth, người đã trở thành một tiếng nói lớn của phong trào Lãng mạn và người cảm thấy rằng thơ ca phải là “sự tuôn trào tự phát của cảm xúc mạnh mẽ”, đặt ra sự tương phản giữa “đàn hạc lãng mạn” với “đàn lia cổ điển.” Các nghệ sĩ cho mình là thuộc một phần của phong trào nhìn thấy bản thân có cùng chia sẻ một trạng thái tâm trí hoặc một thái độ nhất định với nghệ thuật, thiên nhiên, và con người – nhưng không dựa trên các định nghĩa hay nguyên lý khắt khe nào.
Từ thiết lập trật tự xã hội, tôn giáo, và các giá trị, chủ nghĩa Lãng mạn đã trở thành một phong trào nghệ thuật thống trị khắp châu Âu vào những năm 1820.
Những tiền nhiệm trong văn học
Một nguyên mẫu của chủ nghĩa Lãng mạn là phong trào Sturm und Drang của Đức, một thuật ngữ thường được dịch là “bão và khao khát”. Mặc dù nó chủ yếu là một phong trào văn học và âm nhạc từ những năm 1760 đến những năm 1780, nó đã có tác động và ảnh hưởng lớn đến ý thức của công chúng và ý thức nghệ thuật. Nhấn mạnh vào những cực đoan và chủ quan của cảm xúc, phong trào này lấy tên từ tựa đề của vở kịch Chủ nghĩa Lãng mạn (Romanticism) (1777) của Friedrich Maximilian Klinger.
Người ủng hộ phong trào nổi tiếng nhất là nhà văn và chính khách người Đức Johann Wolfgang von Goethe, người có cuốn tiểu thuyết Nỗi đau của chàng Werther (Die Leiden des jungen Werther) (1774) đã trở thành một hiện tượng văn hóa.
Mô tả câu chuyện đau khổ về một nghệ sĩ trẻ (Werther), đem lòng yêu một người phụ nữ (Lotte) đã đính hôn và sau đó kết hôn với người bạn của người nghệ sĩ (Albert), quyết định tự tử. Sự nổi tiếng của cuốn tiểu thuyết đã tạo ra một cái được gọi là “cơn sốt Werther”, khi những người chàng trai trẻ học lấy cách ăn mặc và hành xử của nhân vật chính tác phẩm. Thậm chí, một số vụ tự tử “bắt chước” đã xảy ra, và một số các nước như Đan Mạch và Ý đã cấm xuất bản cuốn tiểu thuyết này. Bản thân Goethe cũng đã từ bỏ cuốn tiểu thuyết vì sau này ông quay lưng với mọi liên kết với chủ nghĩa Lãng mạn để ủng hộ cách tiếp cận cổ điển.
Tuy nhiên, ý tưởng về người nghệ sĩ như một thiên tài đơn độc, đau khổ về mặt tình cảm, có tính độc đáo và trí tưởng tượng bị thế giới lý trí hắt hủi, đã dần ăn sâu vào ý thức công chúng, trở thành hình mẫu cho người hùng lãng mạn của thời đại kế tiếp.
Vào những năm 1800, nhà thơ người Anh Lord Gordon Byron đã trở nên nổi tiếng khi xuất bản cuốn Cuộc hành hương của Childe Harold (Childe Harold’s Pilgrimage) (1812), và thuật ngữ “anh hùng của Byron”, được đặt ra để biểu thị một thiên tài đơn độc, luôn giằng xé giữa những đặc điểm tốt nhất và những xấu nhất của mình.
Chủ nghĩa Lãng mạn trong Nghệ thuật Thị giác
Cả nhà thơ và nghệ sĩ người Anh William Blake và họa sĩ người Tây Ban Nha Francisco Goya đều được các học giả khác nhau mệnh danh là “cha đẻ” của chủ nghĩa Lãng mạn vì các tác phẩm của họ nhấn mạnh vào tầm nhìn chủ quan, sức mạnh của trí tưởng tượng, và một nhận thức chính trị thường mang tính phê phán đen tối.
Blake, làm việc chủ yếu trong lĩnh vực chạm khắc, xuất bản những bức tranh minh họa của riêng mình cùng với thơ thể hiện góc nhìn của ông về một thế giới mới, tạo ra những thế giới thần thoại đầy những vị thần và sức mạnh, đồng thời phê phán gay gắt xã hội công nghiệp và áp bức của cá nhân. Goya khám phá sự khủng khiếp của sự phi lý trong các tác phẩm của ông như Những bức tranh đen (Black Paintings) (1820-23) truyền tải những thế lực ác mộng tiềm ẩn nằm dưới cuộc sống và biến cố của con người.
Tại Pháp, họa sĩ Antoine-Jean Gros đã ảnh hưởng đến các nghệ sĩ Théodore Géricault và Eugène Delacroix là những người sau đó đã lãnh đạo và phát triển phong trào Lãng mạn. Ghi chép lại các chiến dịch quân sự của Napoléon Bonaparte trong các bức tranh như Bonaparte thăm người bệnh dịch hạch ở Jaffa (Bonaparte visitant les pestiférés de Jaffa) (1804), Gros nhấn mạnh vào sự căng thẳng cảm xúc và sự chịu đựng đau đớn của khung cảnh.
Bức tranh Cái bè của Medusa (The Raft of the Medusa) (1819) của Théodore Géricault và Cái thuyền của Dante (The Barque of Dante) (1822) của Eugène Delacroix đã khiến chủ nghĩa Lãng mạn thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng hơn. Cả hai bức tranh đều gây tai tiếng tại những Salon ở Paris mà chúng được trưng bày, Géricault năm 1820 và Delacroix năm 1822. Việc đi lệch hướng khỏi phong cách Tân Cổ điển được Viện Hàn lâm ưa chuộng và việc sử dụng chủ đề đương đại đã khiến viện và đại chúng bị “xúc phạm”. Việc miêu tả cực đoan về cảm xúc và thể chất và các trạng thái tâm lý khác nhau sẽ tạo nên dấu ấn của chủ nghĩa Lãng mạn Pháp.
Sau khi Géricault qua đời sớm vào năm 1824, Delacroix trở thành nhà lãnh đạo của phong trào Lãng mạn, ông nhấn mạnh vào màu sắc như một phương thức bố cục và việc sử dụng nét vẽ giàu biểu cảm để truyền tải cảm xúc. Kết quả là đến những năm 1820, chủ nghĩa Lãng mạn đã trở thành một trào lưu nghệ thuật thống trị khắp thế giới phương Tây.
Ở Anh, Đức và Hoa Kỳ, các nghệ sĩ Lãng mạn hàng đầu tập trung chủ yếu vào phong cảnh, như được thấy trong các tác phẩm của nghệ sĩ người Anh John Constable, Caspar David Friedrich người Đức và Thomas Cole người Mỹ, nhưng luôn quan tâm đến mối quan hệ của cá nhân đối với tự nhiên.
Một trào lưu mang tính cách mạng
Phát triển mạnh mẽ trong cuộc Cách mạng Pháp, chủ nghĩa Lãng mạn là đồng minh với tinh thần cách mạng và nổi loạn. Quy tắc của lý trí và luật lệ của thời Khai sáng được coi là giới hạn và máy móc. Kết quả là các nghệ sĩ chuyển sang những cảnh nổi loạn và phản kháng. Géricault đã muốn Cái bè của Medusa (1818-19), lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về một vụ đắm tàu, là một bản cáo trạng về các chính sách của chính phủ Pháp đã dẫn đến thảm kịch.
Tương tự, Con tàu nô lệ (The Slave Ship) (1840) của Turner nhằm tác động đến chính phủ Anh để đưa ra một chính sách bãi bỏ tích cực hơn. Tự do dẫn dắt nhân dân (Liberty Leading the People) (1830) được tạo ra để hỗ trợ cuộc nổi dậy của người dân Paris chống lại chính phủ phục hồi của Charles X. Delacroix cũng vẽ một số tác phẩm mô tả cuộc chiến giành độc lập của người Hy Lạp chống lại Đế chế Ottoman. Cảnh những cuộc thảm sát ở Scio của ông miêu tả những người sống sót sau cuộc thảm sát xảy ra khi Đế chế Ottoman chinh phục một hòn đảo của những người Hy Lạp nổi loạn và giết hoặc bắt làm nô lệ hầu hết cư dân.
Sự Tuyệt luân
Vào năm 1756, nhà triết học người Anh Edmund Burke đã xuất bản cuốn Cuộc điều tra triết học về nguồn gốc của ý tưởng của chúng ta về sự tuyệt luân và đẹp đẽ (Philosophical Enquiry into the Origins of Our Ideas of the Sublime and Beautiful), và vào năm 1790, nhà triết học người Đức Immanuel Kant, người đã khám phá mối quan hệ giữa tâm trí con người và kinh nghiệm, phát triển quan niệm của Burke trong cuốn (Critique of Judgment).
Ý tưởng về cái Tuyệt Luân (The Sublime) trong nghệ thuật đã chiếm một vị trí trung tâm trong phần lớn chủ nghĩa Lãng mạn nhằm chống lại sự luận lý của Khai sáng. Burke giải thích, “Niềm đam mê gây ra bởi sự vĩ đại và tuyệt luân trong tự nhiên… là sự Kinh ngạc; và sự kinh ngạc là một trạng thái của tâm hồn, trong đó mọi chuyển động của nó đều bị đình chỉ, với một mức độ kinh hãi nào đó. Trong trường hợp này, tâm trí hoàn toàn chứa đầy mục đích của nó mà nó không thể “khuây khỏa” bất kỳ thứ gì khác”.
Để trải nghiệm cái tuyệt luân, người ta không chỉ trải nghiệm điều gì đó đẹp đẽ mà còn là điều gì đó vượt qua cảm nhận luận lý về cái khách quan. Sự kinh ngạc và khiếp sợ trải qua khi quan sát một cơn bão lớn hoặc một khoảng không vô tận khiến người đó suy ngẫm về vị trí của mình trong thế giới tự nhiên. Tuy nhiên, trạng thái này đòi hỏi con người loại bỏ khỏi những gì người ta đang thấy, rằng bản thân không có nguy cơ bị tổn hại về thể chất bởi cơn bão hoặc lạc lối trong vùng hoang dã.
Khi một người cố gắng hiểu được sức mạnh vô biên, hay không hình dạng, của sức mạnh tự nhiên, người ta cảm thấy bị choáng ngợp về mặt cảm xúc. Trải nghiệm của những điều siêu phàm kích hoạt sự tự đối chiếu bản thân, là điều quan trọng khẩn thiết đối với chủ nghĩa Lãng mạn. Nhiều họa sĩ Lãng mạn đã tìm cách khơi gợi sự siêu phàm trong các bức tranh phong cảnh của họ, miêu tả những vùng biển và bầu trời đầy bão tố do một cá nhân đơn độc chứng kiến.
Chủ nghĩa Phương đông
Ngay từ thời kỳ Phục hưng, các nghệ sĩ đã miêu tả Trung Đông thông qua những hình ảnh ngoại lai hóa, như được phản ánh trong Cuộc tiếp đón các đại sứ ở Damascus (The Reception of the Ambassadors in Damascus) (1511) của một họa sĩ khuyết danh người Venice.
Như nhà phê bình nghệ thuật Andrew Graham Dixon đã mô tả, bức tranh đã cố gắng hội tụ tất cả những gì khiến Damascus trở nên “sống động và kỳ lạ, đối với con mắt của người Venice, trong phạm vi của một bức tranh duy nhất: những người trong khăn quấn đầu; con lạc đà trên đường đến chợ; nhà thờ Hồi giáo vĩ đại; tòa thành; nhà tắm công cộng; những ngôi nhà riêng và những khu vườn đặc biệt và tươi tốt có tường bao quanh.”
Vào thế kỷ 19, một niềm mê đắm với các chủ đề Trung Đông đã vượt qua cả hội họa Tân cổ điển và Lãng mạn, như được thấy trong các phương pháp xử lý mẫu khỏa thân của các tác phẩm như Thị tỳ vĩ đại (Grande Odalisque) của Jean-Auguste-Dominique Ingres (1814), hay sự phổ biến của những cảnh hậu cung như Những người phụ nữ Algiers trong nơi ở của họ (Femmes d’Alger dans leur appartement) (1834) của Delacroix. Các họa sĩ Lãng mạn đã phóng chiếu những khát và sợ hãi, và những điều chưa biết vào trong sự khắc họa của họ về cảnh ở châu Phi và Trung Đông.
Tiếp sau đó, các học giả đã đánh giá lại những mô tả này về một Trung Đông ngoại lai hóa. Nhà phê bình văn hóa và sử gia Edward Said đã đặt ra thuật ngữ “Orientalism” (chủ nghĩa phương Đông) với cuốn sách có ảnh hưởng của ông, Orientalism (1978). Said lập luận rằng các mô tả về Trung Đông của nghệ thuật và văn học phương Tây cho thấy một “định kiến châu Âu ngấm ngầm và dai dẳng đối với các dân tộc Hồi giáo Ả Rập và văn hóa của họ.” Định kiến này đã được phản ánh trong những mô tả rập khuôn về văn hóa và con người Trung Đông là nguyên thủy, phi lý và ngoại lai.
Người dịch: SAC