Hỏi đáp

Giá trị của kỷ luật

Ở bậc tiểu học, ai trong chúng ta cũng đều thuộc lòng 5 Điều Bác Hồ dạy, trong đó có điều thứ 3: “Đoàn kết tốt, Kỷ luật tốt”. Lớn lên, khi vào các doanh trại, đơn vị quân đội, ấn tượng đối với chúng ta là câu khẩu hiệu “Kỷ luật là sức mạnh của quân đội”. Đó là chưa kể, trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, chúng ta thường nghe ông bà, cha mẹ răn dạyMuốn tròn phải có khuôn, muốn vuông phải có thước”, hay như “Người trên ở chẳng chính ngôi/Khiến cho người dưới chúng tôi hỗn hào”… Như vậy, kỷ luật có giá trị và ý nghĩa hết sức to lớn trong cuộc sống, bởi “quốc có quốc pháp, gia có gia quy”. Kỷ luật không những có giá trị đối với cộng đồng, với từng tổ chức, đơn vị mà còn có ý nghĩa thiết thực đối với từng cá nhân. Ý nghĩa của kỷ luật chính là thúc đẩy chúng ta ràng buộc bản thân mình trong chuẩn mực. Cất đi và thay đổi thói tùy tiện của bản thân, thay vào đó là dựa vào sức mạnh và ý chí kiên trì, bền bỉ để tạo ra nguyên tắc làm việc thuộc về mình, tạo dựng nên một trật tự và tiết tấu mang tính quy luật ổn định. Con người thường có tính lười nhác, hễ trì hoãn một việc gì đó thì ta rất dễ bị thói quen dụ dỗ. Hôm nay không muốn đọc sách, thì ngày mai cũng có thể tìm lý do để lười biếng, bởi tâm lý chung của con người là khi muốn thì tìm mọi cách, còn khi không muốn thì tìm mọi cớ. Làm lần đầu mà không kiên trì, thì sẽ dẫn đến sự trốn tránh của lần sau, và đến lần sau nữa thì đã trở thành một lẽ đương nhiên. Khi không hoàn thành công việc một cách hiệu quả trong khoảng thời gian quy định, bạn sẽ cảm thấy lo lắng, bất an; khi không thực hiện được ước muốn nào đó của bản thân, bạn sẽ thấy bi quan, thất vọng… Cứ như vậy, nếu tần suất diễn ra liên tục trong một thời gian dài, bản thân bạn sẽ xuất hiện những trường năng lượng tiêu cực, dẫn đến stress tâm lý, trầm cảm. Chính vì lẽ đó, kỷ luật cá nhân đối với mỗi người là điều hết sức cần thiết. Nhà Giáo dục người Mỹ Steohen R. Covey đã nói: “Người vô kỷ luật sẽ chỉ là nô lệ cho cảm xúc, sự thèm muốn và si mê”. Kỷ luật vốn rất khó, bởi sự mê hoặc của lười nhác quá lớn: nằm dài trên sofa xem những bộ phim tình cảm thật thoải mái biết bao; ôm điện thoại lướt mạng và chat với bạn bè mới dễ chịu làm sao…. sống trong sự nhàn nhã lâu ngày, những người lười nhác sẽ không còn hoài bão, không có lý tưởng. Nhiều bạn trẻ vẫn luôn cho rằng tự do chính là được làm những gì mình muốn, nhưng kỳ thực kỷ luật mới chính là điều mang lại tự do đích thực cho mỗi chúng ta. Trong cuốn “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” Haruki Mukarami đã viết: “Khi kỷ luật đã trở thành một thói quen bản năng, bạn sẽ cảm nhận được niềm vui của nó”; hay như Nhà Giáo dục người Mỹ Steohen R. Covey đã khẳng định: “Kỷ luật chính là tự do”. Có thể nhiều người sẽ không đồng ý với những câu nói trên, nhưng chúng ta hãy bình tĩnh nhìn nhận qua một số câu nói sau của Diễn giả người Mỹ Zig Ziglar: – Khi bạn nghiêm khắc với bản thân, cuộc sống tự nhiên sẽ dễ dàng. Khi bạn dễ dàng với bản thân, cuộc sống tự nhiên sẽ khó khăn. – Chính nghị lực kéo ta dậy khỏi giường, sự tận tụy thôi thúc ta hành động, và kỷ luật khiến ta bền bỉ đi hết đường. – Khi tôi tự rèn mình phải ăn uống đúng cách, sống có đạo đức, thường xuyên tập thể dục, phát triển về tinh thần và tâm hồn, và không đưa vào người chất gây nghiện hay rượu, tôi đã trao cho bản thân tự do để sống tốt nhất, làm việc tốt nhất, và gặt hái tất cả những phần thưởng đi kèm với đó. Ngủ sớm dậy sớm, chính là quy tắc làm việc và nghỉ ngơi, lúc nên thức dậy thì thức dậy, lúc nên làm việc thì làm việc, hiểu cách thư giãn và nghỉ ngơi. Không nói những lời nản lòng, chính là không ngừng cổ vũ bản thân, không lười nhác bất kì giây phút nào. Không phàn nàn, kêu ca, chính là duy trì một tâm thái tích cực, đem lại những hiệu quả tốt cho tâm lý… Khi kỷ luật trở thành một thói quen, một phương thức của cuộc sống, thì tính cách và trí tuệ của ta cũng sẽ trở nên hoàn thiện hơn. Như vậy, kỷ luật bản thân là hành động dựa vào lý trí thay vì cảm xúc nhất thời của bạn. Nó là việc vượt qua lòng ham thích và nỗi sợ trong hiện tại vì mục đích ý nghĩa hơn cho cuộc sống. Vì thế, tính tự kỷ luật giúp cho chúng ta tiếp tục thực hiện các ý tưởng trong công việc khi sự nhiệt tình, hăng hái ban đầu đã bị xuống dốc. Khi bắt đầu xây dựng tính tự kỷ luật, từng chúng ta sẽ nhận thức thấy mình đang làm những việc vô kỷ luật – ví dụ như việc hay đi họp trễ, bỏ tập thể dục, phá vỡ chế độ ăn kiêng, thức quá khuya, ăn nhậu bê tha hoặc việc nghiện trò chơi điện tử… Phát triển tính tự kỷ luật cần có thời gian, tuy nhiên chìa khóa ở đây là việc phải nhận thức được hành vi thiếu kỷ luật của mình để từ đó có quyết định và hành động đúng với mục tiêu và giá trị của bản thân; đồng thời phải can đảm và quyết liệt để đổi lấy những gì tốt đẹp hơn.Không hề sai khi nói tự kỷ luật là một việc cực kỳ khó khăn do cảm xúc, sự thèm muốn và si mê là một lực cản rất lớn. Chính vì thế sự tự kỷ luật phụ thuộc rất nhiều vào lòng quyết tâm và sự can đảm. Quá trình xây dựng tính tự kỷ luật phải luôn khắc ghi câu nói “Cái giá của sự kỷ luật ít hơn nhiều so với sự hối tiếc” bởimỗi chúng ta có thể mất một vài năm của hiện tại để đổi lấy 20, 30 năm hay thậm chí là toàn bộ năm tháng còn lại của cuộc đời mỉm cười trong mãn nguyện. Hoặc ngược lại, cứ thả mình trôi vô định và không thuộc về bất cứ khuôn khổ nào cho đến một ngày nhìn lại, thấy cuộc đời mình thật nhạt nhẽo, vô vị, lãng phí một cách vô nghĩa. Thực tế đã chứng minh, chưa có bất kì tấm gương thành công nào lại không tự kỷ luật và nghiêm khắc với bản thân. Kỷ luật vốn là ván cờ mà mỗi chúng ta tự đấu với chính mình, thắng – thì là người hưởng, thua – thì mình là người chịu. Càng dễ dàng dung túng cho những thói quen trì hoãn, cuộc sống của chúng ta sẽ đi càng nhanh tới sự mất kiểm soát. Vì thế, hãy kiên trì, đặt ra yêu cầu cao với bản thân, từ chối sự mê hoặc của thói tùy tiện. Sự nỗ lực sẽ luôn được đền đáp xứng đáng nếu chúng ta biết cách đầu tư thời gian và công sức. “Gạo mang vào giã bao đau đớn Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông Sống ở trên đời, Người cũng vậy Gian nan, rèn luyện mới thành công” (Hồ Chí Minh) Những người sống có kỷ luật thì luôn là những người tự do. Chúng ta phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; nghiêm chỉnh chấp hành các nội quy, quy định của cơ quan, của tổ chức thì chúng ta mới có sự tự do thực sự, mới làm chủ các luật lệ, quy định, còn ngược lại thì chúng ta sẽ lệ thuộc, thậm chí là bị “cầm tù” bởi các quy định, mục tiêu do chính chúng ta đề ra. Và khi đã có được sự tự do thực sự đó, thì mỗi lần đối diện với khó khăn, trắc trở, thất vọng, thậm chí là tuyệt vọng, chúng ta mới có đủ niềm tin, nghị lực và sự minh mẫn giúp suy nghĩ tích cực, sáng tạo và giải quyết căn cơ vấn đề, để chủ động, lạc quan hơn trong cuộc sống. Còn lúc này, khi đối mặt với những khó khăn, những điều không như ý trong cuộc sống, những người vô kỷ luật sẽ thiếu đi sự tự do do tính bừa bãi, tùy tiện vốn có, và sự bị động, lúng túng cũng như sự hẫng hụt, thiếu vắng niềm tin, động lực phấn đấu. Có một câu nói: “Tự kỷ luật là công cụ quan trọng nhất để giải quyết những vấn đề, cũng là con đường thiết yếu nhất để loại bỏ đi những đau khổ của con người”. Khi chúng ta tự kỷ luật với chính bản thân mình, đạt được mục tiêu bấy lâu nay mà mình đặt ra, chúng ta mới nhận ra rằng thế giới dường như thân thiện với mình hơn. Những người sống có kỷ luật, chính là người có thể chủ động kiểm soát cuộc sống của chính mình. Vì vậy, hãy nghiêm khắc với hiện tại một chút, để kỷ luật trở thành một thói quen, rồi chúng ta của tương lai sẽ cảm ơn chúng ta của hiện tại.

Bài: Nguyễn Quang Thuỷ

Back to top button